Kết bạn với mình nhé!

Thursday, October 25, 2012

Bất tử



Năm 2040. Tại một căn gác nhỏ giữa thủ đô Hà Nội -Việt Nam.

Chiếc đồng hồ quả lắc đã nhấm nhẳng buông đúng 8 tiếng vang khắp ngôi nhà. Vậy là đã 8h sáng nhưng khác hẳn những ngày thường, hôm nay Hạnh Văn vẫn nằm ngủ. Bên cạnh giường ngủ của cô, đặt một chiếc bàn trang điểm, trên chiếc bàn chỉ có duy nhất một vỏ hộp thuốc hình chữ nhật, nhỏ như đốt ngón tay nằm chổng chơ ở đó. Bên cửa sổ có một bình hoa hồng đỏ, cửa sổ được vén sẵn rèm cho ánh nắng buổi sớm ùa vào tràn ngập khắp căn phòng.
Hôm nay là một ngày cực kì quan trọng, nó cũng giống như ngày cô được sinh ra trên đời này một lần nữa để rồi mãi mãi ở lại với thế giới đầy tươi đẹp này. Suốt hơn ba mươi năm qua Hạnh Văn đã phải cố gắng làm việc cật lực để có thể mua được lọ thuốc bất tử. Và trong gia đình thì Hạnh Văn là người uống thuốc bất tử cuối cùng.

                                         * * *
Có nhiều người đã không thể đợi đến ngày được uống loại thuốc bất tử đó. Họ đã chết ngay trên đường đua số phận, lúc ấy cái phát minh vĩ đại kia của khoa học cũng không thể đến cứu họ kịp thời. Đơn giản vì họ chưa đủ tiền để có thể mua được nó.
Việc mua được 1 lọ thuốc bất tử cũng giống như vào những năm 2000 người ta mua một căn nhà ở thủ đô. Dĩ nhiên với số tiền tỉ, thì người mua được cũng không ít mà người chỉ dám ước thôi cũng rất nhiều. Thiên An là một trong số những người chỉ dám ước ao đó. Thậm chí cậu còn bất hạnh hơn khi không thể đợi được đến ngày đủ tiền mua thuốc thì đã chết vì suy kiệt sức lực, sau mấy chục năm làm việc cật lực. Ngày Thiên An mất, Huệ Văn càng lo sợ hơn cho số phận của mình khi xã hội đầy dẫy những bệnh truyền nhiễm mới mà khoa học lại chưa thể tìm ra thuốc chữa. Điều này thì có hai lí do, một là có thể những người đứng đầu của nền khoa học hiện đại thấy không cần phải mất thêm chút sức lực nào cho việc nghiên cứu các vác xin phòng bệnh, hay thuốc chưa bệnh nữa, vì họ đã phát minh ra một loại thuốc vĩ đại nhất đó là thuốc bất tử rồi. Việc còn lại là trách nhiệm bản thân mỗi cá nhân trong cộng đồng phải tự kiếm tiền mà mua lấy thuốc. Thứ hai là khoa học chưa thể có thời gian để tìm ra loại vac xin phòng và chữa bệnh khi mà chưa hoàn hồn với bệnh dịch này lại đến bệnh dịch khác.
Bởi vậy trong thời đại này có thể nói rằng mục tiêu phấn đấu lớn nhất của cá nhân mỗi người là mua cho bằng được sự bất tử bằng cái giá đắt cắt cổ. Nhưng suy cho cùng thì đó là thuốc bất tử chứ có phải là vài ba loại thuốc cảm cúm nữa đâu. Và cũng suy cho cùng thì tất cả các mục tiêu khác cũng chỉ phục vụ cho cái mục tiêu vĩ đại ấy. Nói một cách khác, khi mỗi cá nhân đã thực hiện được mục tiêu bất tử của mình thì mọi mục tiêu khác đều trở nên dễ dàng. Thế là ok! Ra đường không phải nhìn mặt, xem tướng xem người này muốn gì, người kia muốn gì. Mọi người chỉ có chúng một mục đích duy nhất. Thế vừa dễ sống lại vừa khó sống.
Trong giấc mơ của những thằng đàn ông đã vắng dần bóng dáng của đàn bà, thay vào đó là những con số bằng tiền chỉ đủ mua một hộp thuốc bất tử. Và thế là trong thời đại này tình yêu chả là cái gì hết. Ai ai cũng hiểu và vui lòng chấp nhận nó. Hạnh Văn và Thiên An cũng vậy. Họ đã định ngày cưới từ rất lâu, chỉ đợi ra trường là sẽ cưới ngay. Nhưng ngay từ khi có thông tin rằng các nhà khoa học nổi tiếng nhất trên thế giới sẽ tìm ra loại thuốc bất tử vào năm 2030 thì họ cũng bắt đầu quay theo cái guồng quay chung của xã hội. Đám cưới dường như chẳng còn cần thiết gì, nghĩ theo một hướng nào đó thì đám cưới nghe vẻ cũng xa vời như cái lọ thuốc bất tử mà lúc ấy chỉ có trong tương lai, hứa hẹn. Cho đến khi thuốc bất tử có mặt trên thế giới gần chục năm trời nó vẫn chỉ là mơ ước. Khi Thiên An qua đời cậu ta thành ra chẳng có gì. Hạnh phúc cũng không, tình yêu thì càng xa vời nữa. Ngày Thiên An mất, trong đám tang Hạnh Văn có khóc, nhưng ai cũng hiểu cô khóc không phải vì thương người yêu. Bởi tình yêu làm gì có chỗ đứng trong thời đại này, cô khóc vì cô sợ cô cũng sẽ chết trước khi mua được sự bất tử cho mình.
Bất tử ơi là bất tử!

                                         * * *
Trong gia đình Hạnh Văn thì chỉ có một mình cô là tri thức, còn lại tất cả mọi người, kể cả bố mẹ cô đều kinh doanh. Mỗi người kinh doanh một loại hàng, mỗi người đều có cách moi tiền của thiên hạ riêng. Riêng cái đồ trí thức như cô là không có cách nào kiếm tiền ngoài làm việc tám tiếng một ngày, lấy lương đều đặn. Buổi tối tranh thủ viết lách thêm để lấy tiền. Cũng chẳng nhằm nhò gì cả. Nó chỉ đáng mấy đồng lẻ so với bố mẹ, anh em cô. Mỗi lần về nhà đều nghe anh cô cười khà khà bảo:
-Thế là tao sắp mua được thuốc bất tử rồi. Cả nhà này thua tao hết.
Mỗi lúc như thế chỉ thấy bố mẹ im lặng tính toán giấy tờ gì đấy. Còn thằng em trai thì cười khẩy, ý nó bảo chả biết ai hơn ai đâu. Cuối cùng thì thật bất ngờ, với cái công ty sản xuất nước lọc của mình, bố mẹ cô đã mua được thuốc bất tử đầu tiên.
Anh trai bảo:
-Tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi.
Thằng út nhìn đầy tiếc rẻ. Còn Hạnh Văn chả thấy vui cũng chẳng buồn. Đúng hơn là cô đang lo lắng. Lại lo lắng. Con người ta nhỏ bé đi cũng vì lo lắng.
Thi thoảng bố mẹ cô lại bảo:
-Chúng mày không nhanh mà mua lại chết mất xác lúc nào không biết đấy.
Em út lại bảo:
-Việc ấy mẹ có lo cũng không được. Mà con chắc rằng là mẹ không muốn lo vì nếu thực sự biết lo lắng cho các con thì bố mẹ đã nhường thuốc bất tử cho chúng con rồi.
Bố đang đọc tờ báo có mục hài hước, cười khùng khục. Nhà có hai người bất tử có khác, cứ như trên đời này chẳng phải lo lắng thêm điều gì nữa cả. Mà đúng như thế thật chứ còn gì nữa.

                                         * * *

Hai năm sau ngày bố mẹ Hạnh Văn thành bất tử thì đến anh trai cả. Anh trai làm nghề kinh doanh, chuyên phân phối bánh kẹo.
Nhà có ba người bất tử.
Thằng út thi thoảng lại như phát điên lên trước đống giấy má. Nó làm kế toán cho một công ty tư nhân. Thi thoảng nó chửi đổng:
-Mẹ kiếp! Ước gì chúng nó chết hết đi.

                                         * * *
Khoảng một năm sau thì thằng út cũng bất tử. Nó cười khà khà:
-May quá mình chưa chết. Cái nghề của mình kể ra thì cũng không quá phụ bạc. Chỉ có cái nghề viết văn của bà thì xem ra ế ẩm thật rồi. Thật tội nghiệp.
Trong nhà chứa nhiều thùng rượu và vỏ bao thuốc lá hơn. Bệnh tật đã không còn làm người ta thấy sợ.
Thứ duy nhất khiến những người bất tử sợ đó là súng đạn, dao hay tai nạn dao thông. Những thứ có thể làm người ta chảy máu. Nên càng nhiều người bất tử thì thành phố càng đỡ tắc đường. Hơn bao giờ hết con người lại thấy sợ con người như thế. Người ta không dám chạm mặt nhau, kể cả những người thân trong cùng một gia đình.

                                * * *

Đêm trước ngày Hạnh Văn có thể đủ tiền để mua sự bất tử cho mình, cô lại bị nỗi lo sợ hành hạ bằng những cơn ác mộng. Thật là kinh khủng!
Hạnh Văn lúc thì mơ thấy mình tai nạn giao thông ở một ngã tư đông đúc. Không hiểu người kéo ở đâu ra mà đông thế. Như thể họ ra đường không phải vì họ tham gia giao thông mà chỉ với một mục đích là giết lẫn nhau. Họ đâm vào nhau, họ lăn xả vào nhau cào cấu. Hạnh Văn bị thương và không thể thoát khỏi đám đông hỗn loạn ấy. Cô đã bị chết ngạt trong biển máu.
Cũng có khi Hạnh Văn mơ thấy mình không vì một lý do gì cũng lăn ra chết, miệng sùi bọt trắng, chân tay sưng vù, mắt mở trừng trừng không ai vuốt nổi. Cũng có lúc Hạnh Văn mơ thấy cô tự cầm dao đâm vào mình nhiều nhát rồi nằm lăn ra đất, máu mê bê bết, không người chôn cất.
Mỗi lần tỉnh dậy Hạnh Văn đều hoảng hốt, ngồi thu lu trong bóng tối. Để rồi sáng dậy lại ngồi nhẩm đi tính lại số tiền mà mình có được cất kĩ trong một cái tráp để trong hộp giường. Những đồng tiền in chồng chất dấu vân tay vẫn  còn dính mồ hôi và nỗi lo sợ của một nữ vẫn động viên đang bị bỏ lại sau cùng trên đường đua số phận, còn những người khác đã ung dung về đích. Và cô rất sợ mình sẽ không thể gắng gượng để có thể về đích mà sẽ gục gã giữa nửa chừng.
Ôi nỗi lo sợ của con người!

                                         * * *
Cuối cùng thì Hạnh Văn cũng đủ sức chạy về đến đích. Nhưng cũng như những vẫn động viên đã quá gắng sức, khi về đến đích cũng là lúc Hạnh Văn gục ngã. Một cơn đau đớn vật vã quật Hạnh Văn nằm liệt giường suốt một tháng liền. Cũng may là cô đã thành bất tử nếu không đợt ốm ấy rất có thể sẽ quật cô gục hẳn.
Sau đợt ốm ấy Hạnh Văn không hiểu sao mà mình lại không thể vui vẻ, nói cười và tận hưởng cuộc đời bất tử của mình. Cô suốt ngày rầu rĩ, câm lặng không nói không cười, cũng ít ra đường ngoài lúc đi làm hay có việc gì thật cần thiết. Từ khi Thiên An mất cho đến tận bây giờ cô mới thật sự thấy đau. Hay nói đúng hơn là cho đến tận khi nỗi sợ hãi về cái chết không còn xảy ra với bản thân nữa, thì người ta mới có thể nghĩ đến người khác, và những điều khác.
Hạnh Văn tự thấy mình không thể tìm thấy một người đàn ông nào được như Thiên An nữa. Người đàn ông mà cô đã bỏ rơi ngay cả những ngày bệnh tật để lao vào vòng xoáy kiếm tiền, phục vụ cho mục đích bất tử của mình. Căn phòng của cô lúc nào cũng bốc lên cái mùi rẫu rĩ, màu ủ rũ và tiếng thở dài của những vật vô tri. Tất cả như chỉ nhằm vào mục đích dày vò , dằn vặt chủ nhân của nó trong nỗi cô độc của chính mình.
Từ khi bất tử Hạnh Văn cũng không chú tâm đến việc chăm sóc bản thân mình. Mọi sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn thậm chí là bê trễ. Những bữa ăn không còn cảm giác ngon miệng, những giấc ngủ không sâu. Thậm chí là nhiều đêm Hạnh Văn đã cố ru mình vào giấc ngủ nhưng cảm giác vẫn không bị đánh lừa. Mắt mở trong trong nhìn xuyên vào bóng đêm, càng thấy nỗi buồn thăm thẳm…
Đã rất lâu rồi Hạnh Văn không trở về nhà bố mẹ, cũng không liên lạc gì với anh em trai cả. Cô không còn cảm giác được hạnh phúc, bình yên khi ở bên họ như lúc nhỏ. Nhiều lúc trong bóng đêm những mảnh vụn kí ức về tuổi thơ trong ngôi nhà có năm người. Mùa mưa năm người chụm lại ủ ấm cho nhau khi căn nhà dột tứ phương, mùa nắng mấy anh em nằm dài dưới gốc ổi ngủ, bố mẹ thay nhau tay quạt, giấc mơ cổ tích ùa về. Những năm tháng ấy sao mà thiêng liêng mà ấm áp. Trong giấc mơ thèm khát yêu thương của mình, Hạnh Văn đã khóc như trẻ nhỏ, những giọt nước mắt nuối tiếc hiếm hoi của cuộc đời.

                                         * * *
Mùa đông…
Chiếc điện thoại đã chết máy không phải vì thời tiết lạnh đến đóng băng mà có lẽ vì đã rất lâu rồi nó không hoạt động. Không một cuộc gọi, không một tin nhắn, thậm chí nhiều lúc thèm khát một cuộc nháy máy cũng chỉ là vô vọng. Và chủ nhân của nó cũng không thực hiện một cuộc gọi hay nhắn một cái tin nào. Một cuộc nháy máy cũng không. Có lẽ chiếc điện thoại đã chết trong nỗi cô độc ấy. Và chủ nhân của nó cũng đang bị mùa đông vây hãm.
Ngoài cửa sổ, giỏ phong lan cuối cùng cũng đã lụi.
Thi thoảng những cơn gió đập vào ô cửa sổ như muốn phá tung căn phòng để ùa vào. Tiếng gió như tiếng chó sói cắn đêm. Lạnh và run sợ.

                                         * * *
Hôm đó là 25 tết. Những người dọn dẹp vệ sinh được đặt hàng theo chu kì trong mỗi năm đã phát hiện ra xác của Hạnh Văn nằm lạnh cóng trên giường. trên tay cô là chiếc dao gọt hoa quả rất sắc và nhọn. Máu chảy ra từ cổ. Máu cũng đã đông. Người ta ngạc nhiên rằng tại sao không khí trong căn phòng ấy lại lạnh thế trong khi đó ngoài trời đã ấm lên từ mấy ngày hôm trước. Tết mà! Vài ba người nghèo khổ đã đi mua áo ấm cho con, người giàu mua đào, mai, sâmpanh, quà tết. Dòng người lũ lượt…
…Và rất nhiều người trong số họ đang đi mua thuốc bất tử cho mình. 

                                                                      KTX 12h57 10-10-2009

Tôi viết truyện ngắn này khi đọc được trên mạng những thông tin dự báo tương lai này:
“Ray Kurzweil, nhà phát minh và tương lai học 61 tuổi, nói rằng tri thức mới trong lĩnh vực công nghệ  thông tin  và di truyền đang tăng lên với tốc độ khó tin. Theo ông, về mặt lý thuyết, nếu sự hiểu biết của nhân loại  cứ tiếp tục tăng như hiện nay, trong vòng 20 năm nữa, công nghệ  nano có thể giúp chúng ta tạo ra những sản phẩm  có chức năng giống hệt các cơ quan  nội tạng. Khác với cơ quan  nội tạng, những sản phẩm  ấy không bị lão hóa nên không bao giờ chết.”



Vũ Thị Huyền Trang

1 comment: