Có tiếng chuông điện thoại. Bà nhấc lên. Bà đợi
cái tiếng chuông ấy rất lâu, rồi ông hẹn: “Nó ngủ rồi. Tôi đang chờ xem dự báo
thời tiết ngày mai thế nào. Sáng mai, tôi sẽ gọi bà sớm. Bà có đi ăn sáng với
tôi không?”. Bà cười: “Chắc là không đi được. Thằng cả bảo hôm nay nó không về
ăn cơm. Tôi phải lo thức ăn để vợ chồng con cái nó về ăn tối”. Ông bảo: “Thế
thì tôi cũng ăn mì vậy”. Bà cười chúc ông ngủ ngon. Ông chúc bà ngủ ngon. Họ
thì thào. Họ run rẩy. Họ cùng thở nhẹ. Cả hai cùng chờ đợi bên kia bỏ máy điện
thoại xuống. Nhưng chẳng ai chịu bỏ cả. Bà cười rinh rích: “Ông bỏ đi”. “Thì bà
bỏ trước đi”. “Không, ai lại làm thế”. Ông cười “Ừ, thì tôi bỏ trước vậy”. Và
bên kia khi một tiếng “cạch” vang lên, thì ở bên này bà mới từ từ hạ máy xuống.
Ngoài trời. Đêm đen thẳm. Bà nhìn ra xa, cố nhìn thật xa để xem sau cái vầng
màu đen sẫm, đen sì rung rinh trong gió kia nó là cái gì.
Đấy là ngày mai.
Ông bảo: “Bà ơi, tôi thu xếp được rồi. Thời tiết
tốt. Tôi vừa nghe đài báo thời tiết ngày hôm nay xong. Chúng nó bảo bố cứ đi vô
tư, tuần này chúng nó được nghỉ phép. Thế còn bà?”. “Chúng nó cũng bảo bà đi vô
tư”. Ông cười “Chúng nó tốt thật”. Bà bảo “Ừ, chúng nó tốt thật”. “Mấy giờ hả
bà?”. “Tuỳ ông”. “Theo tôi thì mười một giờ”. “Mười một giờ đường vẫn còn đông
lắm”. “Hay là mười hai giờ?”. “Mười hai giờ là chính ngọ”. “Thôi thì mười một
giờ ba mươi”. “Tôi phải mang cái gì?”. “Tuỳ bà. Tôi mang đủ hết rồi”.
Bà cười: “Thế thôi nhé, tôi đi lo chuẩn bị các
thứ cho chúng nó đây. Vừa mới mua được cân rưỡi thịt làm ruốc, rồi lọ muối vừng
nữa. Sẵn mấy quả bí, muối vại dưa thế là yên tâm”.
Ông bảo: “Thế là được rồi. Bên này cũng thế. Tôi
thì không biết làm ruốc”. “Để tôi làm luôn, mang sang chia đôi cho ông một
nửa”. “Tôi chỉ cần một lọ nhỏ nhỏ thôi. Chúng nó trưa ở cơ quan. Chiều về ăn
nháo nhào. Con dâu thì sợ béo nhịn bữa tối. Con rể thì uống bia. Thằng con trai
thì cũng bia. Chỉ lo cho thằng Kim đang sốt thôi…”.
Buổi chiều. Ông hiện ra ở cửa nhà bà. Bà giật
mình trố mắt: “Ối giời. Ông đeo cái túi gì mà to thế kia?”
Ông cười, nụ cười sáng rực trên khuôn mặt của
một người đàn ông đã sáu mươi tuổi. Tóc ông bạc, cái dựng lên, cái rạp xuống.
Những sợi tóc đen tự nhiên thấy yếu kém chui tụt xuống dưới, chỉ còn những sợi
tóc bạc là ngoi lên. Cái miệng rộng, đôi mắt đầy tình cảm của ông nhìn bà. Bà
chợt rùng mình. Đấy không phải là ánh mắt, nụ cười của một người đàn ông đã sáu
mươi. Cũng như bà, cái rùng mình cũng không phải cái rùng mình của một người
đàn bà ngoại ngũ tuần. Mà là cái rùng mình của một bà quả phụ ba mươi tuổi.
Còn nhớ, lần đầu tiên khi anh cười đưa cho chị
một bức thư và nói: “Chị đừng kiện chúng tôi. Tôi có thể mời chị đi uống một
cốc cafe không?”. Chị lừ lừ nhìn anh đầy phẫn uất bởi vì anh dám làm một cái
việc phạm đến nguyên tắc và ảnh hưởng đến cơ quan của chị. Hai cơ quan cùng
chung nhau một việc làm ăn. Anh là đại diện bên kia cũng như chị là đại diện
bên này. Chi chờ đợi cả một buổi sáng để người phía bên kia mang giấy xin lỗi
sang phía bên này. Và người mang đến là anh. Rồi chả hiểu thế nào chị lại theo
anh ra hàng cafe. Chị có biết uống cafe đâu nhưng cố nghiến răng nghiến lợi
uống để cho anh thấy là chị chịu chơi chứ chả kém gì. Nhưng rồi sau đấy bắt đầu
chị thấy mình nằm trên một chiếc tàu mỏng mảnh như lá tre, trước mặt là những
con sóng cuộn chị đi. Lòng dạ chị nôn nao, cồn cào. Mặc dù đầu óc chị tỉnh như
chưa bao giờ được tỉnh nhưng bụng thì réo gọi. Người chị lả đi, mặt đờ đẫn tái
dại. Anh bảo: “Chị làm sao thế?”. Chị cười nhạt. Phẩy tay: “Cho xin cốc nước
lọc”. Anh vội gọi chủ quán không những cốc nước lọc mà có cả lát chanh và mấy
viên đá. Chị uống một hơi hết sạch. Uống xong. Cái chất cafe trong dạ dày cộng
với nước lọc pha loãng cafe thấm dần li ti ăn vào người. Chị say đứ đừ. Chị
nhìn anh thành bốn người, năm người, sáu người. Chị hoa mắt. Chóng mặt và đổ
gục xuống. Trong vòng tay của anh, chị lả đi và mọi người sững sờ không hiểu
cái kẻ phía bên kia đã mang đơn sang xin lỗi mà lại còn làm thế nào để chị phát
ngất đi như thế. Anh cười hiền lành: “Chị ấy không biết uống cafe, tôi dại quá
lại mời chị ấy một cốc cafe đen ít đường”. Tất cả cười phá ra và bảo rằng phía
bên địch quá mạnh đã đánh phía bên ta bằng cả hình thức lẫn nội dung, cả vật
chất lẫn tinh thần thế này thì chắc bên ta sẽ đổ mất thôi.
Xung quanh chị. Trong tóc của chị. Trong áo của
chị phảng phất mùi của một người đàn ông lạ. Nó ấm áp truyền li ti trong kẽ
tóc. Chị rùng mình. Lâu lắm rồi mới có một người đàn ông ôm chị vào lòng từ khi
chồng chị chết. Bốn năm rồi còn gì. Người đàn ông duy nhất trong đời chị đã đi
xa. Đấy là một trận sốt cao kéo dài và anh đã ra đi để lại thằng bé con không
một lời nhắn lại. Cũng chẳng ai hiểu nguyên nhân của cái chết, chỉ biết rằng
chị đã cố hết sức không cứu lại được anh. Ba mươi tuổi. Người chị đẫy đà hơn
nhưng gương mặt ngày càng đẹp và đằm thắm, mặn mòi. Tóc chị dài, cuốn cao lên,
phô cái cổ trắng. Ở đấy có những ngấn mỡ, ngấn lên phía đằng sau, xuôi xuống
đôi vai êm ái mịn màng. Lâu lắm rồi không có ai đặt tay hay thổi nhẹ vào đấy.
Và chị đi về với cảm giác lâng lâng. Một cái cảm
giác như mình thất tiết với chồng, pha lẫn sự sung sướng. Buổi tối, khi cơm
nước xong cho thằng con trai mười hai tuổi. Chị ra cửa sổ ngồi một mình. Căn hộ
của chị ở tầng một của khu chung cư, trên đầu là bốn tầng nữa. Ngoài vườn chị
trồng mấy cây doi nhỏ và một bụi tóc tiên rung rinh nở hoa. Thằng con ngồi bên
kia học bài. Nó bảo: “Mẹ ơi, hôm nay con tưới cây rồi đấy. Tóc tiên lại ra thêm
mấy nhánh nữa. Mẹ có trồng hoa nhài không? Bạn Nhài ở lớp con bảo bạn ấy tên là
Nhài nên chỉ trồng hoa nhài thôi”. Chị cười và bảo: “Thế mẹ tên là Hồng chẳng
nhẽ mẹ chỉ trồng...”
“Bạn ấy bảo thế mẹ bạn có thích hoa hồng không?
Con bảo mẹ tớ cắm hoa hồng quanh năm. Bạn ấy bảo thế mẹ có trồng hoa hồng ở
vườn không? Con bảo mẹ tớ có trồng nhưng rồi sau này những bông hoa hồng mẹ
trồng nó cứ gầy, hương hoa của nó buồn lắm và mẹ không trồng nữa. Bạn ấy bảo
thế thi tớ sẽ tặng mẹ cậu một khóm nhài vì hoa nhài sẽ thơm hơn, mẹ cậu có thể
ướp trà để uống. Con trồng hoa nhài mẹ nhé? Bạn ấy còn bảo con là niềm vui của
mẹ. Nếu con để mẹ buồn, mẹ đi lấy chồng thì con mồ côi. Mẹ có lấy chồng
không?”. Chị cười nhưng nước mắt chảy quanh: “Ừ, bảo bạn ấy cho mẹ xin một bụi,
mẹ sẽ trồng hoa nhài. Mẹ sẽ không lấy chồng để nuôi con khôn lớn và mẹ con mình
sẽ vui”.
Buổi tối trôi qua. Mỗi khi con học bài xong. Đi
ngủ. Chị chào nó và sang buồng của mình. Chị lại mở túi ra. Trong đó có cái
phong bì màu tím. Một tờ giấy ở công ty anh gửi lời sang xin lỗi công ty chị
sau khi đã mua mất lô hàng của công ty chị. Tờ giấy đơn giản nằm trong cái
phong bì dày. Những hàng chữ tên của công ty. Số điện thoại. Số fax lạnh lùng
vô cảm nhưng đấy là anh. Tại sao lại thế nhỉ? Người ta thường nói đàn bà yêu
bằng mũi còn đàn ông thì yêu bằng mắt. Hình như đàn ông mỗi người đều mang một
cái mùi vị riêng mà chị không biết đấy thôi, chỉ có điều những cái mùi vị ấy
không bao giờ đến gần chị cả. Còn anh. Anh đã ôm chị. Đã dìu chị từ hàng cafe ở
ngoài cổng vào trong phòng làm việc trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người.
Có tiếng chuông điện thoại reo. Chẳng lẽ lại là
anh? Có ai gọi điện cho chị vào giờ này đâu nhỉ? Tim chị đập rộn ràng. Đầu dây
bên kia tiếng người đồng nghiệp lảnh lót vang lên: “Hồng ơi, khoẻ chưa?”. “Cũng
đỡ rồi”. Chị đáp. “Giời ơi, hôm nay tất cả mọi người đều sợ…”. “Sợ cái gì cơ?”.
“Mặt mày tái ngắt đi, người mày lả ra trong tay người đàn ông ấy”. “Lả ra như
thế nào?” - Chị hồi hộp hỏi. “Chân mày lết trên đất. Thực ra lão ta có thể bế
bổng mày lên nhưng mà lão ấy ngượng”. “Ngượng cái gì?”. “Ngượng vì mày mày
ngất. Tại sao đi với nhau ra hàng uống cafe lại ngất?”.
Chị cười: “Thì tao tinh tướng. Đối phương sang
thì mình cũng phải tỏ ra chịu chơi thì uống”.
Lại tiếng cười vang lên. Hoa bảo: “Nhưng mà khá
đẹp đôi đấy. Mày biết tao mê nhất của lão cái gì không?”. “Mê cái gì?”. “Hàm
răng. Khi lão cười, phô hàm răng trắng xoá đều tăm tắp, bảo: “Tôi… tôi… tôi
không thể tưởng tượng được. Hình như Hồng không biết uống cafe mà cô ấy đã làm
hết một cốc. Một là cô ấy bị tiền đình cho nên khi cafe vào…”. Anh Hoàng bảo
“Ông nhầm, nếu mà bị tiền đình cafe vào càng tỉnh”. “Thế thì cô ấy say cafe
rồi”. Cả lũ quây lấy hắn, bảo: “Ông cho cái gì vào cafe của nó? Chưa bao giờ nó
ngất như thế này. Ông phải ở đây để chịu trách nhiệm”. Lão ta cười và đưa số
điện thoại. Bàn tay ngón dài thẳng tắp run run ghi số điện thoại, ghi tên, ghi
địa chỉ và ngồi tần ngần ở bàn làm việc. Lão đi rồi. Bọn tao nhìn mày nằm thiêm
thiếp trên giường không thể tưởng tượng nổi trong đời lại có những chuyện như
thế. Mày khoẻ rồi chứ gì?
Chị cười: “Khoẻ rồi”. “Thôi thì say lão ấy đi
cho bọn tao mừng. Bốn năm rồi còn gì? Ở dưới suối vàng bố thằng Tùng cũng mồ
yên mả đẹp. Mày thủ tiết với ông ấy thế là đủ rồi. Bây giờ mày mới có ba mốt
tuổi, không ai đi thờ chồng từ năm ba mốt tuổi cả”. “Thôi mày đừng nói đến
chuyện ấy”. “Tao nói thật đấy. Lão ấy có một cái gì đấy mà người ta nhìn dễ tin
ngay. Bọn tao đều tin và nghĩ rằng tại sao công ty bên kia lại mọc ra một thằng
cha dễ thương đến thế? Và tại sao chúng mày lại ở trong vòng tay nhau trong một
hoàn cảnh như thế? Thôi trời định rồi. Yêu đi”. “Mày làm tình yêu cứ như là đùa
ấy. Quá bằng đi ăn bát phở. Chọn một hàng phở ngon bây giờ còn khó nữa là đi
tìm một tình yêu”. “Ờ thế đấy. Có khi cả bốn năm, có khi cả đời mày đi tìm
nhưng không gặp, thế mà bỗng dưng lại gặp đấy”.
Chị im lặng. Trong người chị nhói lên một cảm
giác lâu lắm rồi không có. Nó hồi hộp. Nó vui. Lại buồn. Lại xót xa, lại chới
với mong manh như có thể có. Có thể không.
Chị bần thần. Lại ra cửa sổ ngồi. Mọi thứ đến
nhanh như một cơn gió. Hàng nghìn cơn gió đã thổi qua suốt cuộc đời chị. Nhưng
cơn gió này thì khác. Cơn gió này không lành lạnh, không mát mát như gió của
một ngày hè, không phải là cơn gió của đầu mùa đông đến xao xác đuổi lá trên hè
phố. Mà là một cơn gió mang hương vị của một người đàn ông. Chị rùng mình. Cái
mùi ấy đang trở lại quanh chị. Quanh quất đâu đây. Bủa vây như những cái kim
tiêm nhỏ châm chích vào người chị.
Lại có chuông điện thoại. Chị nghĩ là Hoa gọi
lại: “Gì đấy hả? lại cái gì đấy hả?”
Bên kia im lặng, chị chợt giật mình. Một giọng
đàn ông khàn khàn vang lên : “Alô, cho tôi gặp chị Hồng.”
Chị rùng mình: “Vâng, tôi Hồng đây'. “Sức khoẻ
của chị thế nào?”. Giọng anh run run cố làm vẻ bình tĩnh.
“Dạ, tôi bình thường rồi ạ”. “Tôi xin lỗi chị,
tôi thấy đồng nghiệp của chị nói chị không biết uống cafe nhưng tôi không tin.
Từ đứa trẻ con đến người già đều biết uống cafe”. “Vâng. Nhưng tôi thì không.
Người ta thường uống cafe với những người bạn, với tri âm, tri kỷ, với những
người đồng hành. Còn tôi, tôi là phụ nữ…”. “Nếu có chuyện gì xảy ra với chị,
thì tôi ân hận lắm. Tôi xin lỗi chị cả việc tôi đã đường đột bế chị vào phòng
ngày hôm nay”. “ Không, anh dìu tôi vào phòng chứ?”. “Không, tôi dìu chị vào
phòng, nhưng đến gần cái giường tôi có bế chị lên”.
Chị lại rùng mình. Hoá ra là thế. Hoá ra là
ngưòi đàn ông ấy đã bế mình và từ đầu đến chân mình là mùi của người ấy.
“Nếu có thể... chúng ta gặp lại nhau chứ?”.
“Vâng”. “Tôi muốn mời chị đi uống cafe nhưng pha loãng để chị quen từ từ. Khi
mà nghiện rồi, chị sẽ thấy thiếu nó chị không thể chịu được”. “Thế à? Tôi chả
nghiện cái gì bao giờ”. “Ôi thế à? Còn tôi thì nghiện cafe, thuốc lá. Sáng ra
chỉ cần một cốc thôi và một điếu thuốc thì tôi sẽ tỉnh táo đến trưa. Nếu không
tôi rất cáu. Nhiều khi tôi cứ cáu lung tung, mọi người không biết tôi cáu vì
chuyện gì. Mãi đến chiều thì tôi phát hiện ra tôi cáu vì thiếu cafe”. “Thế à?
Nghiện cái gì sẽ khổ vì cái đấy”. “Vâng, tôi biết thế. Bây giờ chả biết làm thế
nào để bỏ được”. “Anh biết thế mà anh lại xui tôi nghiện à?”. Chị lại hăng máu
lên.
Bên kia, một giọng cười vang lên: “Cũng nên
nghiện một cái gi đấy chứ?. Mà nghiện cafe đâu phải là xấu?”.
Chị cười: “Thôi được rồi, chào anh. Cảm ơn anh
vì lời hỏi thăm.”. “Chào chị. Chúc chị ngủ ngon”.
Tiếng gió xào xạc từ xa thổi về. Hình như có cơn
mưa đang đến. Có tiếng sấm ì ầm phía xa và gió rung lên ngoài vườn. Trong không
khí hơi mưa mát lạnh. Trước khi mưa, bao giờ gió cũng mát., cũng ngai ngái một
cái mùi không gian như thế. Hôm nay, gió mát, nhưng gió không ngai ngái mà gió
có mùi. Mùi của đàn ông...
*
* *
Bà ngồi lên xe.
Đằng trước, đằng sau lỉnh kỉnh những túi to, túi
bé. Ông vòng tay ra kiểm tra xem bà đã ngồi chắc chắn chưa, hai chân bà đã đặt
lên chỗ để chân chưa. Và chiếc xe phóng đi.
Gió ù ù thổi bên tai.
Xe đi như lướt trên đường cao tốc phẳng lì. Hai
người như nhẹ bẫng và bay lên khỏi mặt đất. Đến Hồ Ngọc là ba giờ chiều.
Nắng cuối thu ong vàng. Những cây điệp bông vàng
dài rũ xuống như những sợi vàng ròng ngả nghiêng trong gió. Mặt hồ xanh. Mênh
mông sâu hiền hoà. Phía xa, bên kia hồ là những dãy núi, mây trắng viền xung
quanh.
Xe dừng lại trên đỉnh dốc.
Bà thốt lên: “Yên bình quá”.
Ông quay lại nhìn bà. Ánh sáng từ đôi mắt, nét
tươi tắn của hạnh phúc làm khuôn mặt đầy bụi của bà bừng sáng, trẻ thơ.
Hai con bé lễ tân chạy ra, trố mặt ngạc nhiên,
giọng véo von: “Ông bà máu nhỉ. Phi bằng xe máy lên đây”.
Bà nhăn mặt vì lời lẽ bặm trợn của chúng.
Ông cười hiền hoà: “Đã muốn thì đi được hết. Hai
cháu lấy cho ông bà buồng nào nhìn ra hồ nhé”. “Có mà đầy. Chỉ sợ chiều tối ông
bà rét run cầm cập thôi”.
Bà im lặng không nói gì. Ông biết bà không thích
kiểu nói năng như thế. Ông vội nói nhỏ vào tai bà: “Nó ở quê đi làm kiếm tiền
từ bé. Nói năng như thế nhưng mà ngoan”.
Y như thể chứng minh lời ông nói, hai đứa xông
vào tháo dây buộc các túi rồi xách đi phăm phăm, dẫn họ vào một buồng trên tầng
hai.
Bà mở toang tất cả các cánh cửa. Đằng sau. Ông
đang dỡ túi đồ đạc và bày ra. Quần áo, vỏ chăn, vỏ gối, máy sấy tóc cho bà và
một cái phin pha cafe. Sau lần đầu tiên ấy, bà trở nên nghiện và họ gọi đấy là
thuốc độc… Ông dọn dẹp như đấy chính là căn phòng riêng cho họ lần đầu tiên
được ở với nhau. Sau hơn hai mươi năm chờ đợi. Bà đến đằng sau ông. Ôm lấy ông
và bảo: “Cảm ơn ông. Tôi không nghĩ là mình có những ngày hạnh phúc như thế
này”.
Ông cười, ôm bà vào lòng, thì thầm: “Mình chờ
đợi ngày này gần nửa cuộc đời. Con cháu đã lớn, mình không phải ân hận gì cả.
Mẹ chúng nó ở nước ngoài khi biết có một người đàn bà nhân hậu đến với tôi cũng
thấy yên tâm thanh thản.” Bà cười và nói: “Đi ra hồ đi. Nắng đang đẹp”.
Gió và nắng ùa vào làm tóc bà bay tung.
Mắt bà đập vào một rừng hoa điệp vàng đang bay theo
gió.
Sau hoa là hồ. Sau hồ là núi. Nắng mùa thu nhuộm
vàng óng tất cả.
Hai người đi ra hồ. Từng gốc cây, ngọn cỏ đều
như có tiếng nhạc lẫn trong tiếng gió chiều. Quanh họ là tiếng cười của bọn
trẻ. Từng đám túm tụm nhau lại trên những bãi cỏ. Chúng bày bánh trái, hoa quả
và đồ uồng ra liên hoan. Đứa đánh đàn ghita. Đứa hát. Một đội khác bật cátxét
và nhảy múa từng đôi.
Chúng trông thấy ông bà đi dạo trên hồ, đều cất
tiếng chào như chào ông bà chúng ở nhà: “Ông bà ngồi đây liên hoan với cháu.
Ông ơi. Ông hát tặng bà một bài đi ông. Hay bà hát tặng ông vậy…”
Từng đám. Từng đám mời chào thành thực. Mặt đứa
nào cũng tươi rói niềm vui, của tuổi trẻ. Ông cười hồn hậu: “ Các cháu ở đâu
đến đây?” “Bọn cháu ở trường Thương mại”, “Còn chúng cháu ở trường Sư phạm...”.
Sát bờ hồ. Một nhóm sáu đứa khoảng hơn hai mươi
tuổi đang ngồi hát đồng ca. Đồ ăn đồ uống chúng để ở giữa. Ba cô gái và ba
chàng trai. Mặt chúng trong veo, thánh thiện đến nỗi bà phải dừng lại nhìn.
“Đẹp quá” Bà nói. “Ừ, có tuổi trẻ là có hết” Ông
nói.
Một cô bé tóc buộc hai bên bằng hai cái nơ vàng,
đôi hoa tai vàng tây mảnh mai có đính hạt ngọc trai nhỏ lúc lắc theo gió cười,
mắt ánh đầy nước, mặc áo vàng bỏ trong quần bò đứng dậy chào: “Ông bà ngồi đây
hóng gió với chúng cháu: “Thế các cháu ở đâu đến đây?”. “Bọn cháu ở trường Sư
phạm ạ” “Nghỉ cuối tuần bọn cháu đi dã ngoại ạ”.
Chúng nhao nhao trả lời.
Ông bà cười. Bà nói: “Ông bà muốn đi dạo một
lúc. Các cháu cứ ngồi chơi đi” “ Vâng ạ. Chốc trăng lên ông bà về đây phá cỗ
với bọn cháu nhé.” - Cô bé đeo đôi hoa tai cười tít mắt, mời.
Và chúng nó lại gõ vào chiếc đàn oóc điện tử,
hát váng lên.
Tiếng hát chạy lô xô theo những cơn sóng trên
hồ. Xa mãi.
Chiều muộn dần.
*
* *
Hai người đã đi dạo nửa vòng hồ và quay lại.
Và trăng lên.
Trăng mười bảy vàng ối trên trời. To và rực rỡ
tưới ánh sáng xuống sóng nước như thác vàng ròng chảy mãi đến tận bờ.
Bên đảo. Có đống lửa cháy bập bùng. Tiếng đàn
tiếng hát từ bên đó vọng sang bên này. Còn bên này. Không gian bỗng yên ắng một
cách kì lạ. Không còn một tiếng hát, tiếng đùa cười. Chỉ có mỗi tiếng gió lùa
lá cây xào xạc, hoang vu.
Bà nắm lấy tay ông, hồi hộp như thiếu nữ: “Tôi
muốn ra hồ và ở giữa luồng ánh trăng kia quá”.
Mặt bà đầy ánh sáng và niềm khát khao cháy bỏng.
Ông cười. Gật đầu: “Bà đợi ở đây, để tôi đi thuê tàu”.
Rồi ông dắt tay bà đi về phía mép hồ. Một chiếc
tàu du lịch nổ xịch xịch đợi sẵn. Ông đỡ bà đi qua miếng ván trèo lên. Cậu
thanh niên lái tàu cười, mặt khuất tối, chỉ chỉ thấy hàm răng trắng loá: “ Ông
bà xuống khoang cho đỡ gió”.
Bà lắc đầu: “Gió mới mát. Đứng trên boong mắt
nhìn được hết cảnh.”
Và chiếc tàu rẽ sóng ra giữa hồ.
Bà nói to và tai cậu lái thuyền: “Đến đúng chỗ
ánh trăng kia thì dừng lại nhé!”.
Cậu lái tàu gật đầu. Tắt máy. Chiếc tàu tắm mình
trong luồng sáng vàng chảy thẳng từ trên trời xuống. Xung quanh là những con
sóng vàng rượi đuổi nhau ra xa.
Mặt bà rạng ngời hạnh phúc: “Cuộc sống của mình
chỉ cần một lần thế này là đủ”. “Phải tôi cũng chỉ cần nhìn thấy bà một lần như
lúc này là mãn nguyện lắm rồi”.
Ông đáp và che gió. Châm một điếu thuốc. Mùi
thuốc lá thơm bay loang trong gió hồ trong vắt quyến luyến. Ông bước lên và
chìa bao thuốc cho cậu lái tàu Cậu ta ngồi. Lưng gù xuống và đăm đăm nhìn về
phía đảo. Nơi có một nhóm đang đốt lửa trại.
Bà hít mạnh vào lồng ngực mùi gió hồ man mát,
mùi lá cây xa xa ngai ngái và mùi khói củi từ đảo đưa lại.
Mặt đầy hạnh phúc, bà đến bên ông và cậu lái
tàu, bảo: “Hồ này nước càng ngày càng trong. Hồi chiều tôi nhìn thấy cả rễ cỏ”.
“Hồ nằm giữa núi nên được lọc và nước ở các khe
suối lưu thông nên sạch lắm.” - Cậu lái tàu đáp và lại tự châm một điếu thuốc.
“Khách đến đây càng ngày càng đông nhỉ?” - Ông hỏi. “Vâng. Đường đẹp, không khí
trong lành, cuối tuần đông lắm.” - Cậu ta vẫn gù gập ngồi rít thuốc.
“Tôi nghe nói, năm ngoái hồ này có người chết
đuối. Hồ này có sâu lắm không?” - Bà hỏi vu vơ “Hồ có chỗ sâu, chỗ nông. Năm
nào cũng một hai người đi bác ạ” - Cậu lái tàu trả lời.
“Năm nay có ai bị không” - Bà quay lại hỏi. Mặt
bà tràn trề ánh trăng. Cả ông cũng thế. Chỉ có cậu lái tàu là tối om, như một
bóng ma. “Có ạ” - Cậu lái tàu châm thuốc, nối điếu này sang điếu kia chứ không
để thuốc tắt hẳn. “Trẻ hay già” - Bà tò mò. “Trẻ. Vừa lúc nãy xong” - Cậu lái
tàu nói, nhẹ như không. “Cái gì? Vừa lúc nãy?” - Bà thất sắc, chợt so người lại
vì lạnh.
Giọng cậu lái tàu trầm xuống: “Phải hơn hai
tiếng mới kéo được xác lên”. “Hồ sâu thế cơ à?” - Ông hỏi và đi đến gần bà. Ôm
bà trong vòng tay của mình. Ông thấy bà đang run. “Con bé mặc nguyên quần áo,
lại quần bò nên nặng quá đâm chìm sâu”.
Giọng bà lạc đi: “Nó bao nhiêu tuổi?”. “Hai mươi
mốt. Thằng người yêu ngất lên ngất xuống”. “Trời đất” - Bà nói.
“Sáu đứa thuê tàu này đưa sang đảo chơi. Cứ ngồi
đàn hát một lúc rồi về thì không đến nỗi. Thấy nắng đẹp. Bọn chúng hứng lên
thuê phao bơi. Ba cô bám vào một cái phao rồi kéo nhau ra xa. Quần áo mặc
nguyên, lại ngấm nước nên nặng. Đùa cười thế nào lật phao. Một đứa hơi biết bơi
thì gào thét kêu cứu. Thằng bé trên bờ biết bơi lao xuống cứu được hai đứa.
Quay lại người yêu mình thì con bé đã chìm rồi.”
“Sáu đứa? Có phải ba thằng bé và ba con bé học
Sư phạm không? Buổi chiều chúng nó ngồi hát ở bên hồ?” . “Đúng rồi. Chúng nó
đấy”. “Thế... thế con bé chết là đứa nào?” - Bà khóc.
“Con bé xinh nhất ấy. Nó buộc tóc đôi, tai đeo
hoa tai vàng tây có viên ngọc trai”. “Trời ơi... Vừa lúc nãy, nó còn hẹn mình
đi dạo xong đợi trăng lên phá cỗ... Thế mà bây giờ trăng đã lên tròn, đẹp thế
kia còn nó thì nằm lạnh ở bãi cỏ rồi về với đất...” Bà tựa vào ông như quỵ ngã.
Trăng lên cao và vàng rực góc trời. Ánh sáng vàng
chảy như dải lụa từ trời cao mênh mông gió trải xuống mặt hồ. Bà ngôìi xuống
chiếc ghế sắt. Người cứng lại. Ông châm thuốc và ôm chặt bà hơn.
“Một đội thợ lặn mò xác nó mà không được. Sau đó
bọn em phải dùng tàu thả lưới móc câu kéo khắp hồ mới tìm được con bé... Lưỡi
móc móc vào tóc nó kéo mãi mới lên vì người nó chìm hẳn xuống bùn rồi”.
Tự nhiên nói đến đó, cậu lái tàu thở dài và đứng
dậy: “Vừa chở xác nó lên bờ thì anh chị gọi, em bế nó đặt lên bãi cỏ kia kìa
rồi chở anh chị luôn”. “Cái gì? Chở bằng tàu này. Còn nó thì nằm ngoài bãi cỏ
kia?”. - Bà chỉ tay theo hướng cậu lái tàu. “Vâng. Nó nằm trên boong này này”.
Cậu giậm mạnh chân xuống chỗ họ vừa đứng: “Còn bầy giờ thì nằm kia, chỗ có ngọn
đèn sáng mà mấy người đứng kia kìa!”. “Giời ơi. Sao không cho nó vào nhà mà để
nó nằm ngoài cỏ lạnh thế?” - Bà lau nước mắt. “Ở đây làm gì có nhà xác. Toàn
khách sạn nhà hàng người ta kiêng. Ai lại cho xác chết vào nhà mình?”
Bà run rẩy: “Anh cho chúng tôi lên bờ đi. Tôi
lạnh”. Cậu ta gật đầu, ra đầu tàu nổ máy. Tiếng động cơ máy nổ làm mặt hồ êm ái
vàng rượi như vỡ tung ra.
Bà ngồi lặng ngắt trong tay ông như pho tượng.
Mắt bà nhìn dõi về phía bờ tối có một ngọn đèn vàng treo trên chiếc sào và bóng
vài người thấp thoáng.
Bà thầm thì vào tai ông: “Mình về Hà Nội luôn
nhé?”
Ông cúi nhìn bà, mặt già sọm: “Bà có mệt
không?”.
Bà lắc đầu: “Tôi không chịu được nếu đêm nay ở
đây. Tự nhiên tôi nhớ bọn trẻ ở nhà. Không biết giờ này chúng làm gì?”. “Tôi
cũng lo thằng Kim sốt lại. Đêm qua nó bỏ tiêm kháng sinh. - Ông thở dài - Bố mẹ
nó chả để ý gì, để thằng bé thích làm gì làm đấy.”
- Anh chị định ở đây bao lâu? - Cậu lái tàu cho
tàu cập bến, ném tấm gỗ ván ra làm cầu cho họ lên bờ.
- Có lẽ chúng tôi về luôn - Ông đáp.
- Về luôn? Đường tối nguy hiểm lắm. Sáng mai ăn
uống xong hẵng về.
Bà lắc đầu:
- Tôi nhìn đâu cũng thấy con bé ấy.
- Thấy bảo cuối năm ra trường là cưới. Đi xem
thầy, bảo số nó may mắn lắm. Thế mà... Tội nghiệp. Lúc vớt nó lên, chưa bị no
nước vì nó chìm xuống bùn. Mấy người rửa mặt cho con bé, da nó chỉ xanh thôi
chứ cứ như người ngủ ấy. Đúng là chỉ trong tích tắc, chẳng biết thế nào. - Cậu
lái tàu trầm ngâm.
Chỉ trong nửa tiếng là ông lại thu dọn xong tất
cả đồ đạc vào hai chiếc túi. Mọi thủ tục trả phòng đều nhanh như thể họ đang
trốn chạy.
Xe chạy ra đường. Gần đến chỗ bãi cỏ có cô bé
nằm. Ông đi chậm lại. Họ cùng nhìn vào. Có một tấm ga trắng đắp dài theo người
con bé. Ai đó đã thắp một bó hương to đang nghi ngút cháy. Một chiếc xe mười
hai chỗ màu trắng đỗ cạnh. Và một chiế quan tài dưới đất. Tiếng khóc, tiếng kêu
của năm đứa bạn còn lại theo gió ạt ra phía ông bà đứng. Thỉnh thoảng trong gió
có cả mùi khói hương nồng nàn vời vợi.
Ông quay sang nhìn bà, hỏi: “Mình vào thắp cho
con bé nén hương?”
Bà lắc đầu: “Thôi. Dù sao nó cũng đi rồi. Có
thắp hương cũng không gọi được hồn nó về. Người chết đuối muốn hồn về thì người
nhà phải làm lễ bắc cầu hồn mới về... Tôi sợ không chịu nổi nếu vào đó... ánh
mắt, nụ cười, gương mặt nó ám ảnh tôi hết đời rồi...”
Đường vắng vì mọi người mải xem đá bóng.
Gió ù ù hai tai bà và ông. Bà so người lại vì
lạnh và buồn, nỗi buồn như rách ruột gan.
Cứ mỗi lần đằng sau có ánh sáng một chiếc ô tô
là bà so người lại, và lén quay lại nhìn xem có phải chiếc xe màu trắng chở xác
cô bé kia không.
Không phải. Bà lại thở dài.
Bỗng nhiên trong không gian ầm vang tiếng reo
hò. Ông bảo: Việt Nam thắng rồi.
Lúc đó, họ đang đi qua cầu Thăng Long để vào Hà
Nội. Hà Nội đón ông bà bằng tiếng trống. Tiếng gõ. Tiếng reo hò từ tứ phía.
“Việt Nam muôn năm”, “Việt Nam chiến thắng”, và những tiếng hát vang: Alê ...
alế ... àlê ... khắp trên các ngõ phố.
Và từ lúc nào ông bà cũng không biết là mình đã
hoà vào dòng đua xe vủa bọn trẻ. Chúng mặc áo màu cờ đỏ sao vàng, thắt nơ đỏ,
tay trống tay cờ, gào, thét ầm vang khắp các ngả đường đổ về trung tâm. Không
khí bỗng nhiên đặc quánh lại vì khói xe toả ra.
Người bà nóng rực lên. Bà nhăn mặt, tay ôm lấy
đầu như muốn giữ cho nó khỏi nổ tung ra vì tiếng động.
“Sao bọn trẻ ở đâu ra mà lắm thế?” - Bà thốt
lên.
Ông vẫn cần mẫn đi. Chậm và dè dặt giữa một dòng
thác người và xe.
Một đám con trai con gái chỉ bằng tuổi thằng
cháu ông ở nhà chợt sà sát vào xe ông bà, cười to và gí một chiếc cờ vào tay
bà.
- Ông bà già máu nhỉ. Cũng đi cổ vũ cho Việt Nam
thắng Thái Lan.
- Thắng mấy không? - Ông quay sang hỏi.
- 2-0. Oách chưa?
Bỗng nhiên trong lòng bà có hai cái cờ. Nhìn
sang bên thì bọn trẻ đã vượt lên phía trước. Bà cười buồn, tay cầm hai chiếc cờ
đỏ sao vàng thõng xuống. “Ông cứ đi thẳng, bọn đua xe đi đâu mình theo đó thì
không sao, mình mà tách chúng ra là bị đâm đấy.” - Bà nhắc. “Nhưng chúng đổ về
Bờ Hồ, còn mình thì phải rẽ phố khác. Đi theo mãi thế nào được.” - Ông đáp. “Cứ
phải theo. Đấy là kinh nghiệm của bọn trẻ bảo tôi”. “Bọn nào?”. - Ông hỏi.
“Cháu ông và cháu tôi đều nói thế”.
Bỗng nhiên, trong đoàn đua xe có hai ông bà già
tay cầm cờ và chỉ thiếu trống là đủ. Từng dòng người như những tấm bè đủ màu
sắc trôi lừ lừ trên sông đổ về những phố lớn. Khói xe đặc quánh quẩn lại như
khói của những đám cháy rơm rạ đốt nương.
“Bà cứ ngồi yên, tôi sẽ đưa bà về”. “Nếu khó rẽ,
cứ đua cùng chúng nó cho an toàn.” - Bà nói, giọng run run vì sợ.
Dòng sông người vẫn ầm ì trôi. Thỉnh thoảng có
một vài đứa rồ máy, tẹt ga, bốc đầu xe rú lên bứt khỏi đoàn đua. Và sau đó là
cả một hội gần trăm chiếc xe bắt chước theo.
Ông bảo: “Đợi nó thưa thưa là tôi rẽ”
Bà im lặng. Vòng tay ôm ông. Bà áp mặt vào lưng
ông. Cảm giác ấm áp bình tâm trở lại. Mùi hương từ người ông lại bủa vây lấy
bà. Xua đi mùi lạnh của hồ. Mùi khét của khói xe máy. Bà nhắm mắt lại.
Rồi ông cũng đưa bà về đến đầu ngõ.
Bà thở mạnh: “Thế là cũng về đến nhà”.
Ông cười, nhìn bà. Mặt ông già sọp vì căng
thẳng: “Đi với tôi thì bà không bao giờ phải lo”. “Tôi có lo đâu. Chỉ sợ cứ đua
cùng chúng nó đến sáng thì ông mệt thôi.”. “Bà vào nghỉ đi. Thạt tiếc là không
ở được đến mai. Tôi thấy dù có thế nào, tôi và bà còn may mắn hơn con bé kia”.
“Ông đừng buồn nhiều. Ai cũng một lần phải chết. Chỉ tội nghiệp con bé còn trẻ
quá, cuộc sống của nó mới là bắt đầu.”. “Tôi chỉ sợ bà buồn. Bao nhiêu năm ao
ước lo xong cho con cháu để yên tâm đi với nhau trọn một ngày. Vậy mà, có mấy
tiếng đã về.”. “Không sao. Lúc nào ông cũng nghĩ đến tôi là đủ lắm rồi”. “Tôi
cũng thế”. “Ông về. Nhớ đi cẩn thận nhé”. “Bà yên tâm. Bọn trẻ đi chưa gấu bằng
tôi đâu”. - Ông đùa.
Ra khỏi ngõ nhà bà. Một mình ông lại hoà vào một
dòng đua mới. Chúng vê côn, rồ ga và luồn lách phóng. Có những xe mài chân
chống toé lửa dưới đường. Xe nào cũng đèo ít nhất một đến hai đứa. Chúng bỏ tay
để reo hò, có những đứa đứng trên yên xe gõ trống.
Ông đi chầm chậm. Ông thấy trước mặt mình là
ngày 2-9 cách đây mấy chục năm. Ông đèo thằng út đi bằng xe đạp. Thằng cả đi
một xe bên cạnh. Tay chúng nó cũng cầm cờ đỏ sao vàng vẫy rối rít, hét loạn
đường như những đứa trẻ đang gào thét cổ vũ bóng đá kia. Rồi đến con của chúng
nó - là cháu nội ông bây giờ cũng bằng bọn trẻ kia. Bố mẹ có tiền hơn ông ngày
xưa nên mua xe cho chúng đi từ khi chúng 15 tuổi. Tóc thằng Kim cũng nhuộm mấy
màu mốt Hàn Quốc. Hàng ngày chúng ở đâu mà sao không thấy. Cứ đêm là đổ ra cuồn
cuộn như thế này. Mà khuya thế này không về, bố mẹ cũng không hỏi nhỉ? Ông mien
man nghĩ: Rồi ông thấy khuôn mặt bà rười rượi dưới ánh trăng vàng. Bà vẫn như
ngày đầu tiên ông thấy. Ông thở dài và lại thấy con bé buộc tóc đôi có hai hạt
ngọc trai lúc lắc bên tai nhoẻn cười với ông bên bờ hồ, hẹn ông bà đi dạo rồi
quay lại phá cỗ... Ông rùng mình. Tay lái ông chợt loạng choạng.
Và “rầm”. Một chiếc xe từ đằng sau đâm thẳng vào
xe của ông. Ông chưa kịp hiểu điều gì vừa xảy ra thỉ “rầm rầm” thêm vài tiếng
nữa. Những cú va mạnh liên tiếp dội vào ngực ông. Ông bay ra khỏi xe. Chỉ thấy
tức ngực. Thấy choáng váng. Thấy đau ở đâu đó ông không biết. Ông nằm dưới
đường. Đầu ông đập lên bờ vỉa hè và người thì vắt qua rãnh cống. Ông cảm giác
có một luồng nước lạnh và đặc âm thầm mềm mại chảy dưới lưng.
Ông thấy nhiều tiếng nói bên mình. Tiếng la hét.
Tiếng gọi nhau. Tiếng chửi thề của bọn trẻ. Có tiếng ai như tiếng thằng cháu
nội ông - Thằng Kim bé bỏng ốm yếu: “Mày làm tan cái xe năm mươi vé của tao
rồi”. “Tại tao đâu, tại ông già tự nhiên rẽ ngang ấy chứ”. “Khổ. Mày xem ông ấy
thế nào mà nằm im thế?”. “Xem chó gì. Bùng ngay không cớm đến để vào ngục à?
Kiểu gì thì cũng xong rồi”. “Thì biến. Ông ơi ông có chết thì đừng oán bọn
cháu. Tại ông rẽ ngang chứ không phải tại bọ cháu đâu.” - Tiếng một thằng.
Ông nhận ra đúng tiếng thằng Kim. Ông mở mắt và
cố đẩy các cục gì đó rất nặng đang đè nặng lên ngực để gọi thằng Kim. Để bảo nó
phải đi xe cho cẩn thận, về nhà ngay và sao giờ này còn ra đường.
Ông nằm im giữa tiếng mặt đất ầm ĩ rung chuyển
bởi hàng ngìn chiếc xe máy chạy. Dưới lưng ông. Dòng nước vẫn thao thiết chảy.
Càng chảy càng êm ái và ấm áp như cuốn ông từ từ trôi đi.
*
* *
Bà ngồi bên máy điện thoại.
Ngoài kia là đêm.
Cứ một lúc bà lại bấm điện thoại cho ông. Mới
chia tay nhau có mấy tiếng mà có bao nhiêu chuyện để nói. Chuyện con, chuyện
cháu, chuyện con mèo bỏ đi không về mà rõ ràng là bà nghe thấy tiếng nó kêu. Cả
ông nữa. Chắc là ông cũng nhêìu chuyện để kể lắm. Chuông nhà ông đổ liên hồi
nhưng không ai nhấc máy. “Chắc lại mất điện hay tuột đường dây rồi”. Bà lẩm bẩm
và đi ra cửa sổ đứng nhìn xuống đường.
Mấy chục năm họ nói chuyện với nhau, chia sẻ với
nhau mọi chuyện của cuộc sống nhưng chưa có ngày nào dài như ngày hôm nay. Bà
tỉnh táo một cách lạ lùng. Bà nghĩ. Nếu bà không gọi được điện cho ông thì ngày
mai. Bà sẽ phải đến ông sớm để nói với ông rằng dù họ có phải chờ đợi nhau suốt
đời bà cũng thấy yên lòng vì ít ra, họ còn được sống, nhât là sống cùng những
người thân...
Khi những ánh nắng ban mai đầu tiên thấp thoáng
qua tán lá cây cũng là lúc bà tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngắn và chập chờn. Bà
đi ra cửa. Và bàng hoàng khi thấy tất cả ngoài vườn nhuộm một màu vàng rượi của
nắng cuối mùa thu. Những luồng nắng cuối thu bỗng rực lên, như muốn thiêu đốt
tất cả bằng sự cháy sáng của mình. Bà cảm thấy một ngày mới đã bắt đầu và những
gì khủng khiếp nhất ngày hôm qua của ông với bà cũng đã qua.
“Cuộc sống thật là vô giá. Tôi có thể sống vĩnh
cửu ngay cả sau khi chết vì có tình yêu của ông dành cho tôi”.
Bà muốn ôm tất cả mùa thu vàng rực rỡ này vào
lòng và nói với ông điều đó
Nguyễn Thị Thu Huệ
No comments:
Post a Comment