Nói thật các anh có tài, có giỏi, có xuất chúng cỡ quốc tế nhưng nghe các anh nói tục em cũng thấy anh chẳng khác nào bà hàng tôm, hàng cá. Các anh có giầu sang, quyền quý ăn mặc sạch sẽ thơm tho đến
Hẳn khi nghe em nói câu này các anh trí thức sẽ tự ái, đỏ mặt tía tai thầm chửi em là “con này láo”. Xin lỗi các anh cho dù các anh có muốn hay không em cũng sẽ nói. Tính em xưa nay vẫn thẳng thắn vậy. Phán xét là quyền của em các anh chẳng thể cấm cản được. Nếu các anh hỏi em lấy quyền mà phán xét người ta. Em xin thưa ngay rằng quyền tẩy chay thói xấu.
Ngày bé em được bố dậy là không được văng tục, dù có bực tức nóng giận, mất bình đến mấy cũng không được nói bậy. Từ nhỏ tới lớn em chưa một lần nói tục. Có lần trên đường đi học về em bị thằng bạn nó ăn hiếp. Trời mưa to bùn ngập ngụa, chân em bấm chặt vào đất khỏi ngã. Em quên không mang áo mưa, trên đầu em chỉ có chiếc mũ vải cũ che mưa. Ấy vậy mà thằng bạn cùng lớp đi qua nói giật mũ của em vất xuống bùn. Em điên lắm mới nói với nó một câu, tao éo thèm chấp cái loại mày.
Chuyện đến tai bố, em bị ông mắng: “con gái con đứa nói cắn cẩu thô thiển như ma thế lớn lên đứa nào nó dám lấy”. Bố dành nguyên cả buổi giáo huấn em. Bố nói giới trí thức người ta không bao giờ nói những điều khó nghe, thối hoắc khó ngửi gì gì đó đâu. Bố hỏi em, con có biết tại sao người ta lại ứng khéo léo, tế nhị thế không? Em lắc đầu ngơ ngác nhìn bố. Mắt bố rớm rớm nước nhìn em. “Tại người ta được ăn học đầy đủ con ạ”.
Lúc đó em chưa nghĩ được gì nhiều nên ngây ngô thầm thầm thắc mắc trong đầu. Chả nhẽ trí thức không ăn, trí thức không đại tiện, trí thức không bao giờ làm chuyện xấu…Em định hỏi bố trí thức khác bố ở chỗ nào thì lòng em chợt buồn kinh khủng. Em thấy trong mắt bố mình cứ đáng thương tồi tội làm sao ấy. Bố em cam đảm lắm chứ. Có lần vào một mùa đông giá rét, gió thổi từng hồi dài trên đầu ngọn tre. Bố em uống vội chén rượu, trên người chỉ mặc độc chiếc quần cộc lội xuống kéo áo kéo cá thuê. Lần đó bố bị con rắn vào chân. Mẹ em sợ bố bị rắn độc cắn thì khóc như mưa. Bố em vẫn tươi cười bảo tôi cao số lắm chưa chết được đâu, với lại rắn độc cắn thì phải đau chứ, tôi có thấy gì đâu…Khi ấy em chưa biết nước mắt bố rơi vì lẽ gì? Em lơ mơ hiểu rằng “trí thức còn đáng sợ hơn cả rắn độc”.
Sau này lớn em mới hiểu trí thức là những người được ăn học đầy đủ, để suốt đời hưởng cuộc sống sung sướng an nhàn. Trí thức không phải cong lưng ngoài đồng, tóc bạc sớm, mồ hôi đầm đìa tay chai như bố em. Trức thức được xã hội trọng vọng, được hấp bao nhiêu tinh hoa, bao nhiêu cái hay, cái đẹp của loài người. Cứ theo lý thuyết đó thì trí thức là hình mẫu của văn hóa, là biểu tượng, bản sắc, sức sống của cả một dân tộc.
Nếu em nói với những người công nhân trọ gần nhà em như thế, họ sẽ cười và cho rằng em ngây thơ, ít va chạm nên chưa hiểu sự đời. Các anh đừng vội giận vì họ nghĩ xấu về các anh. Thú thực em thấy họ không sai. Lần đầu tiên nghe thấy mấy anh có bằng đại học, đi giầy tây, mặc áo trắng cắm thùng, tóc bóng bảy chửi Đ.mẹ mày. Em buồn ứa nước như khi em phát hiện ra mình đang lớn dần, mình đã già đi. Mọi vẻ thơ ngây bỗng chốc biến mất. Em để vuột mất thứ mà em không bào giờ lấy lại được.
Về sau em gặp nhiều người trí thức dễ cáu bẳn và nóng giận như thế. Đã có lúc em định giấu kín nỗi buồn này cho riêng mình. Thế rồi trong một lần về quê em lại nghe thấy bố em dậy thằng cháu nhỏ, mày tuyệt đối không được đụng mấy cái từ xấu xa bẩn thỉu cạn tình đó. Dân trí thức người ta không bao giờ…Em thấy thương bố quá, không chịu được, em phải nói nếu không em điên mất.
Nói thật các anh có tài, có giỏi, có xuất chúng cỡ quốc tế nhưng nghe các anh nói tục em cũng thấy anh chẳng khác nào bà hàng tôm, hàng cá. Các anh có giầu sang, quyền quý ăn mặc sạch sẽ thơm tho đến đâu nhưng nghe các anh nói tục em cũng thấy lợm giọng.
Và em cứ lẩn thẩn tự hỏi chả nhẽ những người được ăn học đầy đủ, có hội tiếp cận với những cái hay, cái đẹp của nhân loại lại ứng xử kém văn hóa hơn mấy ông nông dân bị chê là ít chữ, người tanh mùi bùn (!?)
Đối với em những từ tục tĩu là loại vi rút gây bệnh cho tâm hồn, nó thể truyền nhiễm sang những người có sức đề kháng yếu.
No comments:
Post a Comment