Kết bạn với mình nhé!

Saturday, September 22, 2012

Giữa bầy đàn


Quán chị cheo leo trên sườn núi, cạnh lối đi lên động Tiên Sơn. Nhưng nhà chị xa ngoài bến thuyền, nơi du khách bắt đầu cuộc hành trình vào Phong Nha. Từ mờ sáng chị quá giang thuyền lên núi, tàn chiều quay về nhà. Hôm nào đông du khách, chị kiếm được chừng ba mươi ngàn, nhưng có ngày vắng người, khách ngại leo núi, chị về tay không.

Chị đẹp, và khuôn mặt phúc hậu hiền từ đến mức người trong đoàn tôi phải thốt lên, “thấy thương đến nỗi không nỡ chọc ghẹo”. Chị hay cười, lúc cười còn hiền hơn. Tôi than đói, chị chia một cái bánh mì nhỏ teo và giở nắp nồi mời tôi, trời ơi, mớ khoai luộc còn nghi ngút khói, củ khoai cũng nhỏ, ngọt lừ, chị nói khoai này không bán, ăn với chị cho vui, có vẻ như chị đã san sớt cho đám người mệt nhừ, đói khát chúng tôi ít thức ăn của buổi trưa rồi. Không biết cảm động vì điều đó, hay vì cái cười thuần khiết,  vì giọng nói dịu dàng, vì sự thẹn thùng, sượng trân mỗi khi gã táo tợn nào gọi, “bán thêm chai nước, mình ơi”… mà tôi bỗng nghĩ, trời ơi, mình đã gặp được người đẹp nhất Quảng Bình. Lúc ra về, một anh bảo, hẹn mai mốt gặp. Chị cười, “biết còn quay lại nữa không mà hẹn?!!”. Nghe ngậm ngùi, nghe buồn buồn, như chúng tôi vừa lỡ lời.

Sau mỗi bậc thang, quán chị khuất dần. Tôi bỗng nghĩ về những con người cô đơn tôi đã gặp suốt dọc đường. Như chị, lũ lượt một ngày bao nhiêu là du khách lên ngọn núi này, ai là kẻ tri âm? Dừng chân một chút, uống ly nước, ăn quả trứng, mua món hàng lưu niệm, ai chia sẻ với chị những vui buồn? Ai lo lắng cho chị nếu bất ngờ chị lên cơn sốt vì sương lam chướng khí? Lũ lượt ngang qua chị biết bao người phải chăng là bao nhiêu sự trơ trọi, cô đơn?

Như người thu phí cầu Mỹ Thuận, chị nhân viên tiếp tân khách sạn, anh bảo vệ trong lăng Tự Đức… tôi luôn đọc được sự lạc lỏng đơn độc của họ với cuộc đời. Chúng tôi càng đông đúc, càng vui vẻ, càng phô trương và thoả mãn với những gì mình có càng đẩy họ ra xa mình. Đứng giữa dòng người, nhưng họ bị chìm khuất và quên lãng đi, vì chúng tôi tiếp xúc với họ chỉ bằng tấm lưng chứ không bằng khuôn mặt. Chúng tôi đi qua đi lại, cười cười nói nói, chọn những cảnh đẹp nhất để chụp tấm hình đem về khoe khoang, và  chúng tôi đã bỏ họ lại phía sau, vì những bộ quần áo sang trọng lượt là, những món hàng lưu niệm xa xỉ. Vì sau đó, chúng tôi sẽ về nhà, sẽ quên lãng họ.

Họ thì vẫn ở đó, vật lộn với cuộc mưu sinh. Có lần, tôi tấm tắc khen với một người Quảng Bình, Phong Nha đẹp quá, đẹp nhất nước đó, chị à. Chị chèo thuyền cười, tui cũng không biết nữa, hồi nào giờ tui chỉ biết bến thuyền, với một khúc sông Son, có đi khỏi đây đâu mà biết chỗ nào đẹp hơn chỗ nào”. Tôi định khen lấy lòng, để xem người phụ nữ nghèo khó này hạnh phúc tự hào như thế nào, không ngờ… Mất ba mươi năm tôi mới tới Phong Nha, cứ nghĩ quá dài, cứ xấu hổ với bạn bè về sự ngơ ngác, quê mùa của mình, còn chị gần năm mươi rồi, thị xã Đồng Hới vẫn là một nơi xa xôi, lạ lẫm.

Và người phụ nữ này vẫn vài ba ngày lại đưa rước khách vào thế giới hang động nổi tiếng thế giới, ghi tên mình vào bộ tộc những người cô độc, cười nói với người đời mà thui thủi ở một bến bờ xa xôi, nơi có bảy đứa trẻ trong ngôi nhà nhỏ bên sông Son đang hau háu đợi thuyền mẹ về. Không phải ai cũng biết điều đó, người ta nhiều khi tưởng chỉ một mình lủi thủi nơi thâm sơn cùng cốc, xa làng xa chợ mới gọi là cô đơn.

Nhưng sống giữa bầy đàn đông đúc mà không ai hiểu được mình, không ai chia sẻ với mình, không ai trìu mến với mình, đâu thử lên núi cao xem có đỡ đau hơn không?

Nguyễn Ngọc Tư

Tháng tư


Bao giờ thì cũng là thứ nắng đỏ quạch quánh đặc như có thể nắm một nắm trong tay. Gió lặng ngắt hoặc có cũng phảng phất chút gì như xa vắng thảng hoặc. Vài trận mưa thập thò hệt đứa trẻ thử rưới ít nước lên chảo lửa ngun ngút rồi đâu lại đó, nắng đỏ hơn, ngằn ngặt đến tận cuối chiều, muốn ăn lan cả vào đêm.
Giữa nắng và nắng và nắng gắt gỏng như nhau, người ta hầu như không được chọn lựa. Cứ chịu trận và chờ đợi thứ gì đó chậm chạm trôi qua. Trên đỉnh mùa khô, trời đất đứng trân trân, không khí phập phồng rịn mồ hôi. Cây cỏ lả đi. Mùa rừng cháy. Mùa giáp hạt. Mùa bới khoai. Trẻ con chân trần đi mượn gạo nhà hàng xóm ngang qua những đám sậy cháy xém, tưởng như da thịt cũng bốc hơi. Người lớn khum khum tay cho đỡ chói ngó về phía chân trời, nơi những núi mây xám một hôm nào đó sẽ đùn lên mang mùa màng tới.
Đặc sản của tháng Tư ngoài nắng còn có...  phim tài liệu, cũng hôi hổi, ngun ngút những đạn bom, những vùng trời bùng lên cháy loạn. Hồi nhỏ, không hiểu sao tôi mê loại phim này, trong khi đám con nít cùng xóm hoặc thắc thỏm ngáp vắn dài chờ tới giờ chiếu phim truyện, hoặc ra sân chạy chơi. Thành ra buổi đó chỉ có tôi lọt thỏm cùng người lớn, chẳng hiểu mấy, thấy đánh nhau là khoái, cứ níu tay ba hỏi bữa nay bên mình đánh bên nó tới chỗ nào rồi. Màn ảnh vô tuyến rùng rùng những người những xe, những mũi tên màu đỏ chạy về một nơi nào trên nước Việt gầy gò này mà tôi không hình dung nổi.
Những ngày đó thì chú Năm Thái không thấy qua coi ké ti vi. Cái góc bộ ván ngựa nhà tôi bỗng dưng trống trải, vắng thím Năm hay ngồi ngủ gà gật bên cạnh chồng. Hết tháng Tư, họ mới quay lại, thất thần và nặng trĩu như đã đi đâu xa lắm, mới về.
Những thước phim năm qua năm càng thêm lem nhem. Nhì nhằng như có mưa. Xước như gai táo cào trên da thịt. Tôi gần như thuộc lòng những hình ảnh trên đó, dần dần rút ra kết luận trong mấy cái phim tài liệu tháng tư những người cầm cờ hoa chân thường phải giẫm lên áo xống giày dép nón cối nằm lủ khủ dưới đường… Phát hiện ra phim nào thì cũng hùng hồn hối hả từ giọng người đọc lời bình đến nhạc phim đến  nhịp điệu phim… Phát hiện ra chú Năm không qua coi truyền hình vì hồi trước chú theo bên nó, mà trên phim người tagọi bằng giọng rắn đanh là “địch”, “quân bán nước”, “lũ tay sai”... Chỉ trẻ con nhà chú là nhởn nhơ vô tình, lâu lâu lại ngán ngẩm rên lên, “sao bên nó không chịu thua sớm sớm để hết phim cho rồi, để tụi mình được coi “Biệt động sài gòn”, “Ván bài lật ngửa”. Má tôi ngó đám trẻ khét nắng ngậm ngùi.
Ti vi tháng Tư không cho trẻ con nhà nghèo hồi ấy nhiều lựa chọn, chỉ khác nhau ở chỗ nhiều hay ít, chứ kiểu nào cũng trầy xước.
Giờ tôi đã xem thêm nhiều bộ phim tài liệu nữa về sự kiện tháng Tư, với những cách kể khác, góc nhìn khác. Như thể tôi được ngắm bên phải bên trái bức tượng mà mười mấy năm trước khi còn là đứa trẻ chỉ được nhìn chính diện. Những thước phim của các hãng thông tấn nước ngoài sáng đẹp như mới quay hôm qua, như hôm qua chiến tranh hãy còn đang thở dốc trong cái nắng tháng Tư sôi sùng sục. Ngó vào màn ảnh trong veo nhưng cái cảm giác xây xước vẫn chưa bao giờ tan mất. Cảm giác ai đó và cái gì đó lại bị tháng Tư cào rách, không phải trên mặt, mà sâu ở lòng.
Tôi nhớ người hàng xóm bỗng rời rã vật vờ không bởi vì cái nắng tháng Tư ngun ngút. Nhớ những cái phim trầy trụa được đem ra chiếu đi chiếu lại hồi xưa, nhớ giọng người đọc lời bình, trời ơi, chưa bao giờ chùng xuống.

Nguyễn Ngọc Tư

Mùi của mây trời


Mùi long não trên người bà già xộc lên mũi tôi trong lúc giúp bà cài dây an toàn. Bà hỏi mở cửa sổ được không, một câu hỏi khiến tôi phải bật cười, như ngay trước đó bà hỏi trên này có nhà vệ sinh không hay là phải ghé dọc đường làm cái chuyện không ai thay thế được. Chúng tôi đang ngồi trên chiếc máy bay sẽ cất cánh trong giây lát nữa.
Ngay từ khi bước chân lên khoang máy bay bà già đã than ngộp thở quá, kêu ca máy bay mắc tiền mà hôi mủ (?!). Nếu không bị con cái ép đi máy bay một lần cho biết, bà sẽ đi xe đò, loại xe cùi bắp để mở cửa cho gió vô, dễ ngủ. Ở nhà cũng vậy, có thả cửa thì mới ngủ thả cửa được. Tôi thấy hơi mắc cười thầm nghĩ thói quen này sẽ là thảm họa khi đi…tàu ngầm.
Ẩn ức về chuyện kẹt trong những lốp kính dày không bao giờ được mở, dù hệ thống điều hòa trên máy bay đã làm người ta so vai vì lạnh, bà già vẫn tiếp tục kể về những cây sứ cùi, cây ngâu bên ngoài cửa sổ nhà mình, về hai cánh cửa gỗ bị mưa nắng làm cho thâm sì nứt nẻ. Câu chuyện gợi lên một cơn nhớ lơ tơ mơ những cửa sổ nhà ngoại hồi tôi còn ở đó. Cũng mở toang suốt, ngủ dậy trước nhất nhìn qua khung cửa, thấy lấp ló một ngày. Những bữa mưa gió lớn buộc phải đóng cửa lại, tôi thấy bức bối ngộp như sắp đứt hơi đến nơi rồi. Và qua cái cửa đêm đêm gió đắp cho đứa trẻ tôi mùi của những cái nắp lu chầm bằng lá dừa nước đã lâu ngày mục rã. Mùi rêu dậy trên những mảng tường tuổi gấp mấy lần tuổi tôi.
Người quê không đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài dù cửa đóng then cài. Bởi những cánh cửa lá sách ở gian nhà xưa dù đóng kín rồi vẫn len lỏi vào nhà một thứ khí trời trong veo trong vắt, chỉ hít thở thôi đã nghe ngọt lịm rồi. Trăng và nắng vẫn lọt sáng qua những khe lá. Dường như người và thiên nhiên không bị bứt rời nhau.
Từ bỏ quê về chợ không gặp lại cái không khí ấy nữa, tôi đã chặn mùi hoàng lan cồn cào  buổi chạng vạng bên ngoài cái cửa kiếng kín bưng, rồi thở bằng không khí lạt lẻo lờ lợ phả ra từ máy điều hòa. Cũng đôi lần ngó ra ngoài nghĩ, nếu mở cánh cửa, tỉ mẩn lọc cho kỹ, chắc trong mùi khói xe có mùi cỏ cháy, mùi cơm khét bên nhà hàng xóm, hay hương đất tanh tanh sau mưa.
Vậy thì những đụn mây trùng trùng như núi kia có mùi gì, cái tầng khí quyển âm mấy chục độ này có mùi gì? Tôi sực nghĩ vậy khi nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay, khi lướt qua chỗ bà già đang tuyệt vọng ngọ nguậy trong cái dây an toàn thít chặt, tôi bất giác cũng có ý muốn mở cái cửa sổ này. Chỉ là tò mò thôi, không phải để thở như bà già vẫn tưởng bất cứ cánh cửa nào mở ra đều cho người ta hít thở.
Và lúc gió phi trường phả cơn nóng hầm hập đón hành khách chếnh choáng bước những đầu tiên lên mặt đất, bà hít hà khoan khoái rút ra kết luận đi máy bay chỉ được cái nhanh, còn lại chán, không có cảnh gì coi, mà lại ngộp muốn chết. Rồi bà ngạc nhiên hỏi bây không thấy tù túng à?
Tôi chỉ mất chưa đầy một giây cho việc trả lời không nhưng mất nhiều ngày sau để thắc mắc, tại sao tôi không thấy ngột ngạt chút nào? Sao tôi không còn khao khát nối kết với tự nhiên, không thèm muốn được thở những thứ khí trời bên ngoài những cánh cửa, một thứ tự do mà bà cụ kia luôn khao khát?
Ai đã làm gì tôi và tôi đã làm gì tôi, làm sao mà tôi không còn thường xuyên nhận ra mình đang trong tù đọng, hít thở tù đọng, yêu và sống giữa bầu không khí tù đọng?
Bên ngoài những cánh cửa mà tôi thường tì mặt vào ngó mông lung, có lẽ chỉ cần mở ra sẽ ngào ngạt hoa ngâu hoa lài…

Nguyễn Ngọc Tư

Trần thế


Ba tháng, cũng có th lâu hơn, mình không đc báo. Mình coi như đó là cuc…cách mng, như bn năm trước mình cai… ti vi. Nghĩ là mình cũng qua được thôi, dù trước đó bui sáng chưa cm t báo như th ngày vn chưa m, như báo là mt th không khí đ th. Và bui sáng hôm đó, khi ghé qua quán cà phê mà bn mình hay ngi, cu nhóc bán báo quen chưng hng mếu máo than mt mi ri khi thy mình kha tay, lc đu t chi.
Chỉ là một từ bỏ nhỏ, tưởng không can hệ gì mà cuộc sống mình bỗng khác. Mình cảm giác đi bên rìa đời, bên bờ khác, an nhiên bước chậm trong khi thế giới vẫn giẫm đạp chen nhau bươn tới… Thấy rơi trong bầu không khí nhẹ nhõm, êm đềm. Những sáng ngồi quán vị cà phê không còn đắng ngắt, đắng đến nghẹn đi vì những trang báo ngày chưa ráo mực lấy từ giỏ xe thằng nhỏ bán dạo. Không còn xiên thấu lòng mình hình ảnh một bàn tay thò ra khỏi mái ngói kêu cứu giữa dòng nước lũ, không va đập đau điếng vào mình cái cảnh trẻ nhỏ bị bọn chăn dắt lột trần truồng nằm dưới mưa. Không lửa hắt làm máu mình sôi lên khi đọc thấy tin tức một cánh rừng bị bức tử, những con voi bị bắn chết…
Không gì cả. Những tin tức xa xôi đâu đó dưới trời này đã bị chặn, thì vài sự kiện lao xao của cái thành phố nhỏ nơi mình sống chỉ có thể làm mình xao động một chút, rồi thôi. Giờ thực sự mình với mình, với sách, với trẻ con. Vài ông bạn từng thuyết phục mình bỏ đọc báo, nhắn đi nhắn lại rằng đừng tưởng đấy là kiến thức, đừng tưởng biết hết thật ra chẳng biết gì, rằng đó là bề nổi của cuộc sống, đừng nên nhìn đời theo cách ấy…  có vẻ đắc chí, thế chứ, đã bảo rồi mà.
Mình bắt đầu đi dụ dỗ bạn bè, ca tụng việc không đọc báo như đã tu nửa cuộc, như sống thần tiên trên núi, mọi thứ chung quanh tươi tắn và thanh sạch. Bạn rên lên kêu khó. Buổi sáng mà không cầm tờ báo trên tay thấy như đói, dù lắm khi báo cũng không có gì để đọc, dù thông tin bạn tìm được trong lúc lội mạng xã hội vẫn hay ho sinh động hơn nhiều. Biết là mất thời gian nhưng nhiệt độ cuộc sống hiện lên trên ấy, bạn phân trần, không đu theo thấy như bị bỏ rơi. Mình cười thôi bạn cứ ở lại chơi, mình lên núi đây. Rồi thì ai quan, ai sắm du thuyền triệu đô, đất nước nào vừa chính biến, dòng sông nào vừa giãy chết… không còn nhồi máu tim mình nữa.
Dường như đó là cuộc chạy trốn, đôi lần mình nghĩ vậy, khi nhìn quanh bỗng vắng. Nhận ra chẳng phải người đời cứ không đọc báo mà thành tiên. Nông dân bận bịu ngó trời ngay ngáy lo mùa thất bát, buôn gánh bán bưng cùng với đánh giày bạc mặt mòn chân cho cuộc mưu sinh, sư bận kệ kinh, mấy chị nội trợ quẩn quanh với cá lên giá chồng nhậu khuya. Mình có chút bơ vơ.
Và một bữa mình ngoắc thằng nhỏ bán báo lại, như cú tiếp đất sau bao ngày lơ lửng. Trải tờ báo trước mặt, lướt qua từng trang một, mình bỗng nhận ra chưa từng bị đứt đoạn dù đã đi vắng cũng lâu rồi. Thế giới vẫn đầy nước mắt và hỗn loạn y hệt hôm mình rời khỏi. Một chiếc tàu du lịch chìm mang đi nhiều trẻ con, một xóm “nhà không nóc” cũng nheo nhóc con nít mồ côi cha, một ông già bị chính máu thịt ruột ràng đuổi ra đường sống đời bờ bụi, những ngư dân bị hiếp đáp bỏ mạng ngoài khơi… Lại là cảm giác bị trăm con sóng nhồi, bị que xiên qua thịt da, bị xóc dằm, thấy chính mình bị giẫm đạp, phẩn uất dồn lên nghẹn cổ. Rời rã. Mệt nhừ.
Lần đầu tiên mình nhận ra - sau chuyến phủi bụi trần thế thõng tay đi chơi núi - những cảm xúc ngột ngạt bị đẩy đến tận cùng, đến ngộp thở đó có khi cũng cần thiết cho mình, một người viết. Chữ bật ra từ những nỗi đau, biết đâu…

Nguyễn Ngọc Tư

Rừng bần


Chiếc ghe máy đi chậm rãi trên lòng rạch đang buổi nước ròng. Hai ông cháu chủ ghe làm tôi nhớ cái truyện Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, dù ở đây nhiều bần, ít mắm. Thằng nhỏ đen thui, da mốc cời trên mình chỉ dính cái quần cộc, nằm gối đầu lên ông già cũng đen thui mốc cời chỉ quần cộc trên người. Họ đưa tôi ra gần cửa biển, chỗ một cồn cát nghe nói khá đẹp. Nước biển trong, tắm được. Người ta hay ra đó chơi, thằng nhỏ quảng cáo ngắn gọn. 
Hai bên bờ rạch là những cây bần lớp quỳ lớp đứng thành chòm, thành rừng. Những trái bần xanh gây ra một phản xạ ứa nước miếng, ê răng cho những ai từng nếm thử chúng, dù chỉ một lần. Cây lá thưa, cành rời nên có mọc dày cũng không thấy chen chúc, vẫn thấy những khoảng trống. Dầm chân trong sình lầy, mỗi cây là một đìu hiu, họp lại làm rừng cũng là một rừng đìu hiu, buồn buồn. Ngửa mặt thấy phía trên những nhánh bần de ra lòng rạch là trăng chiều mỏng và lạnh. Cảnh này mà có thả cụ Charlie Chaplin vô giễu thì cũng không cười nổi. Riêng cái tên bần thôi đã nghe có chút ngậm ngùi rồi.
Chiếc ghe tấp vô bờ, thả tôi lên cồn, ông già dặn cứ chơi vui chừng nào về cũng được. Tôi lang thang giữa những rẫy dưa hấu tàn mùa, chỉ còn mấy trái đèo nằm chèo queo trên cát. Những gốc cây dạt lên bãi sau cơn biển động nằm chỏng gọng. Vài người đàn bà đi mót củi không nói cười. Đơn độc giữa bãi biển là căn chòi canh giữ của hợp tác xã nghêu giống, nóc cắm ngọn cờ le lói. Xóm cồn nhà nào cũng thấp, phần lớn cất bằng vật liệu tạm bợ. Báo viết cồn cát này sắp bị biển nuốt mất, nhưng mấy thím đang ngồi làm cỏ rẫy thì lia mũi dao về phía trời ngó bộ rất coi thường, “ối người xứ này đất bồi thì ở đất lở thì đi, lo cũng không khỏi...”. Lội bộ mỏi chân nên ghé một nhà có ông già đang ngồi tư lự, hỏi nhà mình sống bằng nghề gì, ông tỉnh bơ cười, “qua ăn trộm”. Mắt không hề chớp. Thì ra là trộm nghêu giống của hợp tác xã mà chính ông cũng là xã viên. Hồi trước nhà ông có vài công đất rẫy nhưng bị sóng nuốt mất rồi, giờ không cào nghêu trộm thì chết đói. Ông nói không trông mong gì cái ban chủ nhiệm toàn là vơ vét lấy cho đầy túi họ. Đang ngồi có người đàn ông tạt vô uống mấy ly trà, nói vài câu qua quýt, còn vô bếp lục nồi ra chiều thân mật lắm. Chừng khách đi rồi ông già mới nheo mắt khinh bỉ nói, “Phó chủ nhiệm hợp tác xã đó, như mật thám hồi chiến, suốt ngày đi thăm dò, bếp nhà qua mà có thịt là nó biết qua cào nghêu của nó…”. Nhưng trong bếp không có gì ngoài mấy con cá kho quéo, dưa hấu non xắt nhỏ xào mở tỏi. Ông già thấy tôi hơi xót cho bầy con nít lủ khủ đầy nhà nên hạ giọng thầm thì, “thịt heo bà vợ qua giấu trên giàn củi, đợi khuya mới cho tụi nhỏ ăn…”
Sau chi tiết đó thì tôi thấy cái xóm cồn nhỏ này trở nên thênh thang. Mấy chục nóc gia bị cắt vụn bởi cuộc chiến giành giật miếng ăn. Biển nuốt đất nên trả lại cho người một bãi nghêu, được nghêu thì tình người hao khuyết. Chòm xóm mặt cười với nhau mà lòng lạnh. Như màu trăng giữa nắng. Như cây bần, như rừng bần, đứng kề mà như rời ra, cô độc.
Tôi bỏ ra chỗ chiếc ghe đang đậu chờ dưới mé rạch. Ông già đang nhả khói hơi ngạc nhiên, hỏi sao tôi chơi ít vậy. Tôi than xóm này buồn quá. Ông ờ ờ quăng điếu thuốc hút dỡ xuống rễ bần, nói nhẹ bâng, “Mấy bữa trước, ngay trân đêm hội lăng Ông, có người ăn trộm nghêu bị bắn què giò…”
Câu chuyện làm tôi muốn lập tức quay về, nhưng thằng nhỏ cháu của ông già chạy chơi đâu mất. Ông già réo gọi hoài không được, sợ du khách phật ý nên rốt cuộc ông già bỏ thằng nhỏ lại. Ghe đi một đoạn thì thấy trên bờ thằng nhỏ dọt theo kêu ngoại ơi ngoại. Ông già lầm lì như không ngó thấy. Thằng nhỏ chạy dọt qua khỏi đầu chiếc ghe rồi lội càn xuống đu mũi ghe leo lên. Ướt ròng, thằng nhỏ ôm bàn chân đang chảy máu ,chắc bị miểng ốc cắt, lấm lét ngó ông già. Nếu không liều nó sẽ phải lội bộ ba cây số, luồn qua bao vạt rừng bần, qua một con rạch mới có thể về đến nhà.
Suốt chặng đường từ mé biển về tôi ngồi giữa cơn im lặng của hai ông cháu. Trời im gió, những cây bần lặng yên không vẫy. Trả tiền công cho ông già xong bỗng nghe thằng nhỏ thỏ thẻ, “có tiền thì khuya nay mình khỏi đi cào nghêu, hả ngoại ?”.  
Rừng bần thì đẹp lắm, nhưng buồn…

Nguyễn Ngọc Tư

Ba đồng một mớ mộng mơ


Khi bước qua cái cửa xiêu của căn nhà xiêu, khi mắt chị còn chưa quen với cái không gian tối tăm bên trong nhà, cái mà chị nhìn rõ nhất là ánh mắt sáng quắc của thằng bé. Nó nằm cong queo trên giường, héo như một đứa trẻ lên năm. Xương nó nhô ra mẩu nào cũng bén ngót. Miệng liên tục đớp không khí, nước dãi ri rỉ chảy ra bên khóe môi sần sùi, thằng bé nối một sợi nhìn bền dai vào chị, hút chị đến ngồi với nó. Và từ đó, nó không buông tay chị ra nữa. Cứ níu lấy, cứ ghì chặt, mắt ầng ậc nước, cổ họng phát ra những âm thanh gru gru vô nghĩa… thằng bé tỏ ra quyến luyến không rời.
Bà mẹ xoắn quần ống cao ống thấp, chân rơi ra những mảng bùn khô, nói thằng nhỏ đã hai mươi mấy tuổi rồi, bà không nhớ rõ vì có nghĩa gì đâu, nó bao nhiêu tuổi thì mãi mãi như đứa trẻ như vầy thôi. Chị bỗng có cảm giác cách nắm tay này, cách nhìn da diết này là của một chàng trai. Máu mơ mộng trỗi dậy.
Nên chị nán thêm chút nữa trong khi những tình nguyện viên khác trong nhóm công tác xã hội đã lên xe ngồi chờ. Chị muốn biết thằng bé sẽ nói gì với chị. Cái sự chị sắp đi khiến nó kích động dữ dội, cơ thể co giật, mặt méo xệch, miệng há to và nước dãi chảy ra ròng ròng. Nó đang cố nói. Chị cố đợi một âm thanh khác với những tiếng gru gru tuyệt vọng. Chị ghé tai vào gần, rồi gần hơn nữa, đến nỗi tai chị gần như chạm môi nó.
Và nó nói bật thành tiếng. Bằng tất cả tinh lực.
Chị ra xe, quệt nước mắt chị gượng đùa, trời đất, tưởng đâu nó mê mình. Đùa, vì chị không mơ mộng đến vậy, chị mong nó nói “Ở chơi!”, nhưng suốt buổi ngồi với thằng bé, thấy nó nhìn mình khi dịu dàng khi rát bỏng, làm những cử chỉ khi trìu mến khi riết róng, chị không bao giờ tưởng tượng là nó nói “TIỀN!”.
Có người nghe chuyện nói đáng đời, ai biểu lãng mạn chi.
Nhớ hồi mới lấy chồng, chị mua tặng mẹ chồng ở quê cái nồi cơm điện. Mẹ đem cất vì “nấu cái này không có cơm cháy với nước cơm cho tụi nhỏ chan…”. Tặng mẹ mấy bộ đồ bà cũng khổ sở phân trần, “màu sáng quá má ra vườn sợ dính mủ chuối…”. Chị mua truyện tranh đem về cho bầy em, tụi nó háo hức cầm lên rồi hỏi bằng giọng háo hức hơn nữa, “chị hai có mua bánh mì không?”. Cứ trớt quớt vậy. Mỗi lần nhìn bình hoa vải chị mang về mẹ lấy túi ni lông bọc lại cho khỏi bụi, cho nó đỡ chói lên đơn độc giữa căn nhà vách lá, chị có chút mắc cỡ. Giờ thì chị chỉ mua đường, nước mắm… và chắc chắn chúng được hồ hởi đón nhận. Đôi lần chị thấy hơi cay đắng, đời người sao chỉ quẩn quanh với những thứ tầm thường bột ngọt, xà bông…
Trước hôm mẹ chồng qua đời, bà viết cái thư. Chị vừa đọc vừa khóc. Thư chỉ dặn chuyện tiền nong, đất đai. Lời cuối cùng, như chị vẫn thường quen đọc ở đâu đó, rằng “mẹ để lại muôn vàn tình yêu thương cho các con”, thì mẹ chồng chị viết “bỏ lỗi cho má, vì má mót được có nhiêu đó, chia cho tụi con hơi khó…”. Chị biết là mẹ thương con theo kiểu của mẹ, biết đâu còn nhiều hơn những bà mẹ kia, nhưng vẫn hơi bẽ bàng.
Biết là đời giờ ô trọc, nhưng chị thích mua vé đi tàu mơ mộng, không hay giờ tàu đó cũng chở vịt, gà… mất rồi. Lảo đảo xuống tàu mới biết tại mình hay tưởng mà ra nông nỗi. Có lần chồng chị dúi tiền vào túi kêu vợ đi mua kem dưỡng da tay. Chị sướng suốt buổi chiều, miệng tủm tỉm cười bâng quơ không đừng được. Sau đó anh còn khiến chị ràn rụa nước mắt khi bảo “nhìn cái tay nhăn nheo đi nhào trộn thức ăn là thấy hết ham, thấy mất ngon rồi…”
Chị ngồi ngắm mãi bàn tay, nghĩ, người ta nói yêu nó một câu thì có mất gì đâu. “Tôi xin người cứ gian dối, cho tôi tưởng người cũng yêu tôi…”, câu hát đã có thời chị ghét, sao giờ thấy đúng ý mình.

Nguyễn Ngọc Tư

Có hẹn với tivi


Cái quán đá đậu đó chừng mười năm rồi mình không ghé. Một bữa tạt qua với bạn học hồi cấp ba, bật cười nhận ra những cái ghế gỗ xưa hai đứa học trò có thể ngồi chung giờ quá nhỏ nhắn so với những cái mông đàn bà đã chảy nhão, sồ sề. Bạn với mình đã con cái đùm đề. Quán vẫn nằm chỗ cũ, vẫn cách bài trí cũ, bàn cũ, ghế cũ, hương vị cũ... Chỉ những người cũ ngồi đây chiều nay là bị thời gian thể nghiệm sự nghiệt ngã, ráo riết của nó. Tóc hai chị em bà chủ quán đã trắng xóa.
Hồi mình còn học thì hai mái đầu kia chỉ bạc lai rai, đôi lần thấy họ nhuộm. Khi chị, khi em. Những khi tóc một trong hai người đàn bà lỡ thời bỗng trở lại xanh mịt mùng, luôn xuất hiện một ông ăn mặc chải chuốt bắc ghế ngồi gần quầy nước, cười nói rù rì. Mấy đứa học trò tinh quái ó ré lên, kêu  “Tụi bây ơi, Năm sắp lên xe bông kìa”. Và theo sau đó là tiếng nạt nộ sượng trân của người đàn bà đã qua xuân sắc, “đồ con nít quỷ”.
Nhưng hai chị em mãi chưa kiếm được tấm chồng. Cũng đẹp, hiền hậu, giỏi giắn, chỉ chữ duyên là hẹn nay hẹn mai, rồi biệt mù. “Mấy thằng cha đó hả, toàn hứa rồi xách đít đi mất”, bà Hai cười, trả lời câu hỏi của khách cũ rằng mấy ông hồi xưa chàng ràng ở đây, giờ đâu? Miệng bà móm vì mấy cái răng sâu bị rụng một cách mất trật tự, như hậu quả một cuộc cướp bóc thô bạo. Như không phải tự dưng mà chúng rụng. Một lời hứa lấy đi vài ba năm tuổi, ít nhiều hy vọng, lôi tuột thuốc nhuộm ra khỏi tóc, khắc nhì nhằng thêm vài nếp nhăn lên da. Thời gian đã bạc, biết lấy gì nhuộm bây giờ.
“Em ơi lửa tắt bình khô rượu…”, tự nhiên câu thơ của Vũ Hoàng Chương nhảy nhót trong đầu mình, khi thấy bà Hai cặm cụi dọn ly, còn bà Năm túc tắc cầm giẻ lau bàn, và tiếng ho rớt lay lắt nhẹ hều, không đủ sức nảy lên sàn nhà nhiều mảng gạch đắp vá. Chỗ mà mấy ông tán tỉnh xưa ngồi chéo nguẩy, giờ là cái ti vi màu đang chạy chữ giới thiệu chương trình phát sóng buổi chiều. Hai bà già trở nên rạo rực, “không biết bữa nay họ bắt được thằng trời đánh ấy không hen?”. “Ừ, phim gì vô duyên, lòng vòng mấy bữa rày mà thằng ôn dịch đó vẫn chưa đền tội”.   
Cái xao xuyến đó khuấy cái không khí chìm nghỉm ù lì của buổi xế trưa lên, mơn man loang qua chỗ tụi mình ngồi. Bạn dẹp mình qua một bên, phụ họa với hai bà già, hồ hởi bàn tán cái phim Đài Loan dài tập chiếu trên đài truyền hình đang vào độ gay cấn nhất. Mình ngạc nhiên khi biết bạn có thể thảnh thơi khóc cười với phim sến rện ngay vào giờ cơm tối, giờ cả nhà xúm về.
- Giờ đó có ai ở nhà đâu mà không rảnh.
Bạn bồi hồi giải thích. Chồng hứa về ăn cơm, nhưng thường hứng chí tạt qua quán nhậu. Con cũng đi chơi bóng rổ sau buổi học thêm. Có bữa cả nhà rủ nhau đi ăn ốc thì cơ quan chồng tiếp khách đột xuất, “thôi để mai…”. Chừng chục cái mai thì mới thành một bữa ngồi quán tiu nghỉu vì nguội thèm, cụt hứng.
Và gốc cột bị mối ăn, bếp dột, một người họ hàng nằm bệnh cần thăm viếng… bạn hay nhận được lời hẹn: mai. Những hẹn hò bẽ bàng, mòn mỏi vì người hẹn nghĩ rằng mình còn nhiều thời gian phía trước.   
Chỉ ti vi là đúng hẹn. Rủ mình đứng lên về, bạn nói phải nấu cơm cho xong trước khi kênh Tám chiếu tập năm mươi bộ phim tình cảm, xong xúc tô cơm vừa ăn vừa coi tập mười hai trên kênh Ba, đến tập ba mươi sáu trên kênh Bảy thì đi ngủ là vừa. Hai bà già bán quán gật gù tán đồng. Buổi tối của những người đàn bà này giống hệt nhau.
Lúc mình với bạn chẻ nhau mỗi đứa đi một hướng, mình sực nhớ tụi mình không hẹn lại cuộc sau, mà hai bà già bán quán cũng không đon đả kêu mai nhớ ghé ăn đá đậu, như mười năm trước. Hẹn hò trở nên đầy rủi ro, gây sát thương trong đời sống quá nhiều bất trắc. Về ngang qua ngôi mộ cổ nằm bên đường, tự hỏi cùng với người nằm dưới mộ này, có bao nhiêu lời hứa được chôn theo, có bao nhiêu thời gian của người ở lại bị bạc màu?

Nguyễn Ngọc Tư

Monday, September 10, 2012

Xa nhà


Buổi sáng, lúc đánh răng, bọt còn bám vòng quanh mép, Hương hỏi Tuyền: "Cái thời kỳ đẹp đẽ ấy đâu mất rồi?".

Hương chở Tuyền đi làm. Trên đường Giảng Võ, những cây dâu da xoan đội hoa trắng ngà. Dưới bóng những cây cơm nguội, chợ người Giảng Võ nằm, ngồi trễ nải, lơ mơ ngủ ngày. Nắng tháng năm mới tám giờ đã gay gắt. Hương nói giờ này chắc anh ấy còn ngủ trong chăn, anh ấy nóng mấy cũng ngủ trong chăn, tao biết, với máy nhắn tin khóa lại yên lành... Tuyền đến nơi làm việc sớm hơn lệ thường, lòng đinh ninh từ hôm nay mình phải thành một người khác.

ở cơ quan mới chỉ có chị lao công lúi húi dùng miếng bọt biển ngày thường vẫn lau bàn để rửa cốc. Cốc thủy tinh hoa xanh, đỏ va nhau leng keng trong chậu lõng bõng xà phòng. Chị lấy tay che miếng bọt biển khi Tuyền đi qua. Tuyền hỏi sáng nay chị đến đây lúc mấy giờ, chị bẽn lẽn: "Bảy giờ". Quả thật cái hành động đến sớm từ lúc bảy giờ để có thể lấy bọt biển lau bàn rửa cốc thì đành phải lén lút thôi. Đi ngang điện thoại, Tuyền định gọi về khách sạn, dặn nếu có ai gọi đến thì chuyển giùm đến số này, số này..., lại thôi, lại tự khuyến khích, nào, cứng rắn lên, anh ấy cần thì anh ấy sẽ tìm ra; biết đâu đến mười hai giờ trưa anh ấy lại chán ăn cơm một mình, anh ấy sẽ tự biết cách gọi đến đây, cô thư ký sẽ véo von gọi Tuyền: "Điện thoại chị Tuyền", rồi: "alô. Ai đấy...". Tích tắc chỉ một giây để đoán là ai, hy vọng là ai, cái giây hồi hộp ấy cũng như giai đoạn úp mở của tình yêu, ngắn ngủi và giật gân...

Tuyền ngập ngừng đứng bên bàn điện thoại, nghe tiếng máy xe Honda nổ lạch tạch nghẹn ngào vài tiếng rồi lại tắt, rồi tiếng đạp máy nhẫn nại, dưới sân. Tuyền ra ngoài lan can, nhìn xuống thấy cái lưng Hương mướt mồ hôi trong nắng hè gay gắt. Tuyền chạy vòng xuống, nhảy mỗi bước hai bậc cầu thang, trong đầu bói nhanh nếu cuối cùng không lẻ bậc nào thì trưa nay anh ấy gọi... Không lẻ bậc nào nhưng Hương nhăn nhó, tay túm cái váy dúm dó như một đống giẻ hoa. Tuyền đạp máy thử vài cái rồi cố giữ vẻ bình thản, công tâm, bảo: "Hay mày nhắn tin cho anh ấy đến đem xe đi sửa?". Hương ngồi lên xe, buông váy, vừa cương quyết đạp máy vừa nói: "Thôi! Bây giờ có còn như ngày trước đâu mà nhờ!". Cái xe nghe đến đấy chắc cũng biết nước cùng, chợt nổ máy giòn giã một cách bất ngờ. Hương cười hớn hở: "Được rồi! Thấy chưa". Rồi chạy xe thẳng ra cổng, bộ điệu có vẻ còn rất hồi hộp không biết cái xe có còn giở chứng nữa không. Tuyền lại lên nhà trên. Cốc tách đã rửa xong, úp bóng lộn trên khay. Tí nữa mọi người sẽ uống trà.

Tóm tắt, thời kỳ đẹp đẽ mà Hương nói ấy kéo dài được hơn hai tháng và chấm dứt cách đây một tuần.

Khi ấy, Hà Nội cũng chưa nóng như bây giờ, hầu như mỗi buổi trưa ba anh em đều đi bộ dọc con phố nhỏ đầy những quán cơm bình dân với những ông chủ mặc may ô, tay cầm sổ, tay cầm bút, vừa hỏi vừa ghi ngoay ngoáy không nhìn mặt khách: "Anh dùng gì?". Hương ngày nào cũng phải có canh cua và nhộng rang. Anh bữa nào cũng một chai bia và Tuyền thì chỉ ước giờ ăn trưa kéo dài ra mãi. Rồi cả ba đi uống nước để lê la câu giờ cho đến khi Tuyền đi làm. Hương thêm, chưa đủ, thời kỳ đẹp đẽ ấy chúng mình còn hay đi chùa, không nhớ à, những ngôi chùa với rơm rạ phơi quanh, mái đỏ, gỗ mới với mấy anh thợ của đội trùng tu vừa bào bào đục đục, vừa liếc gái, miệng hát ngân nga sai bét nhạc... Rồi chúng mình ngồi quanh chị bán kẹo lạc, ăn dưa chuột, anh ấy thì uống nước chè...

Tuyền người Hà Nội mà cũng như không phải Hà Nội. Tuyền đã sống ở Sài Gòn hai mươi năm. Con trai Sài Gòn hiền lành, đến nhà còn khoanh tay chào ba mẹ Tuyền như trẻ con tiểu học. Anh Hà Nội chính gốc, là kết tinh của hoa sữa, của hồ sen lá lật, của phố cổ quấn quít. Anh "tinh vi". Anh không khoanh tay chào ba Tuyền khi ông ra bắc họp. Anh ngồi đánh cờ ung dung nhưng kín đáo nhường ba Tuyền phần thắng, mà không phải thắng dễ dàng, ở đây thắng hả hê, vỗ đùi hú vía.

... Hương nói, tiếc nhỉ, nếu mày kể cho tao nghe hết thì chuyện này đã không hỏng thế rồi. Hương khụt khịt mũi, tiếc thật, vì tao biết tính anh ấy lắm. Anh ấy hay, thế nên tao mới muốn tác hợp mọi người. Mà, Hương hỏi, nói thật đi, mày đã làm gì anh ấy? Tuyền cười, bảo, chịu, chắc tại tao không còn tinh tế như con gái Hà Nội nữa, tao không biết giấu tình cảm, khi nào tao muốn gặp, tao nhắn tin... Hương cắt ngang: "Thế là đủ hỏng rồi! Sao mày lại rủ trước? Anh ấy thế mà cổ điển lắm, tao biết mà!". Rồi Hương nói như mẹ dạy con: "Phải dền dứ cơ... à, hóa ra là tại anh ấy sợ đấy!".

Phải dền dứ vì nếu không thì anh ấy sợ. Tự nhiên Hương làm Tuyền so sánh lố bịch một người đàn ông với một bông hoa mỏng manh trắng muốt. Tuyền thấy cũng hơi nực cười nhưng cũng nghĩ là từ hôm nay mình nên trở thành một người khác. Tuyền phải thành Hương.

ở chỗ làm, chín giờ, chị Khánh mới vào, chị nói bâng quơ: "Đường với xá, hở tí là tắc xe!" rồi chị bỏ lên bàn bịch mận; gói muối ớt buộc không chặt theo đó rơi ra vung vãi. Xong, chị vịn vai thân mật anh Quang và Tuyền: "Mọi người uống gì để tôi rót luôn thể nào?". Anh Quang, hai chân gác lên bàn, miệng rít thuốc khét mù, mắt nhìn vào màn hình Tuyền đang đánh, trả lời: "Trà chanh, như mọi ngày!". Tuyền định cản mọi người bằng câu chuyện về miếng bọt biển rửa cốc, lại thôi, nhớ ra một trong những thói quen mình phải thay đổi là thói nhiều chuyện.

Chị Khánh bưng trà ra. Lúc này Tuyền mới nhìn, quầng mắt chị thâm thâm thiếu ngủ và buồn nữa. Chị xòe tay ra với anh Quang: "Cho điếu thuốc", anh Quang vứt bao thuốc và bao diêm sang chỗ chị, mắt vẫn nhìn theo những hàng chữ Tuyền đánh, chân vẫn gác lên bàn. Chị Khánh châm phải đến bốn que diêm mới đốt được điếu thuốc, ngay khi chị thở ra bụm khói đầu tiên, anh Quang tủm tỉm cười, vỗ vai chị: "Bồ bỏ phải không?". Chị Khánh không trả lời, thả thêm bụm khói nữa làm mù mịt cả một vùng. Không khí tự nhiên sượng sùng hẳn, Tuyền thấy khó chịu nên nhón một quả mận, tiện tay khoắng vào cái bao xốp cho nó tạo ra tiếng động, không khí nhờ thế loãng ra một chút.

Chị Khánh gạt tàn thuốc vào trong lòng bàn tay. Tay chị trắng và mũm mĩm như những bàn tay quảng cáo cho tiệm kim hoàn. Hết điếu thuốc, chị vừa nghịch tàn thuốc, mặt lại bần thần như muốn nói gì đó. Anh Quang thấy thế nhưng lờ đi, anh dí hẳn một ngón tay vào màn hình, bảo Tuyền: "Em đánh thừa hai chữ phải!". Chị Khánh lại bỏ tàn thuốc vào trong lòng bàn tay trắng mà nghịch. Nước mắt chị chảy xuống ròng ròng. Anh Quang rút một điếu thuốc ra châm, quẹt một phát là diêm cháy bừng bừng. Anh cười dễ thương: "Không việc gì phải thế, không việc gì phải thế. Ngày xưa có lần tao còn định tự tử cơ, bây giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười". Chị Khánh ngước mặt mỉm cười, mắt chị ngơ ngẩn và mũi chị đỏ ửng. Anh Quang ra lệnh: "Nghỉ vài phút đi". Rồi anh vươn tay khoác vai chị Khánh: "Trưa nay ba đứa mình đi nhậu đi!". Chị Khánh gật đầu, như một pha cận cảnh, nước mắt lại rơi ào ạt xuống đống tàn thuốc trong lòng bàn tay.

Trưa đó, cả ba đi nhậu. Đậu phụ luộc, dồi trường, bia tươi. Trong quán, giấy ăn xanh và hồng vứt bừa bãi đầy sàn. Khi đã ngà ngà, chở chị Khánh ngang đường Cổ Ngư rợp bằng lăng và nóng như lò lửa, Tuyền an ủi chị, chuyện yêu đương chắc là có trời sắp sẵn. Như một kịch bản chúng ta đang viết đây với mọi việc đã phân cảnh. Hôm qua chị vui bên người yêu là một cảnh nhé. Hôm nay chị khóc vì người yêu cũng là một cảnh. Tất cả đều đã lên lịch, mình chỉ diễn lại, buồn, vui quá mà làm gì. Rồi Tuyền chợt nghĩ, nếu theo kịch bản đó trưa nay anh ăn cơm với ai?

***

Hương nói: "Trưa qua chúng tao đi ăn cơm với nhau. Để nhớ đến mày, chúng tao quyết định ăn những món mà mày vẫn ăn!". "Tưởng niệm à? Rồi sao nữa?". "Anh ấy rủ tao đi ăn kem gần Bờ Hồ, anh ấy bảo mày thích ăn kem dâu". "Thế anh ấy ăn kem gì?". "Anh ấy uống cà-phê. Tối qua anh ấy có gọi cho mày không?". "Không!". "Mày có nhắn tin không?". "không!". "Buồn nhỉ! Hội chúng ta tan rã sao!". Hương thở dài mà mặt thanh thản, váy hoa phấp phới bước qua đường, đi thẳng vào cửa hàng bách hóa treo đầy túi du lịch đỏ xanh cùng quầy điện máy nhìn ảm đạm như đồ mã. Hương sà qua hàng kính, đeo thử vài đôi giả Hồng Công, nghiêng qua nghiêng lại khuôn mặt bé tí teo trong cái gương thử. "Mua để chủ nhật còn đi chùa!". Hương không rủ, Tuyền không hỏi làm gì. Đi ngang cái cột nhà có ốp kính, vô tình Tuyền nhìn vào, thấy sao mà mình xấu thế, đến mình còn không chịu nổi mình như thế này thì trách gì người khác! Hình như đã lâu lắm rồi Tuyền tránh soi những cái gương công cộng: tiệm cắt tóc, trong hiệu ăn và cả những cái gương con thử kính râm.

Tuyền rủ Hương đi ăn kem. Anh ấy nói Tuyền thích ăn kem dâu! Tuyền gọi kem dâu xem thử mùi vị nó ra sao. Vì sao hôm qua mọi người đi không rủ Tuyền? Vì sao Hương lại không giấu Tuyền? Hay anh gặp "bà mai" để bàn việc nối lại thời kỳ đẹp đẽ? Bên Bờ Hồ, trời lặng không một vẩy gió, từ quán kem nhìn ra, Tuyền thấy chị Khánh ngồi hút thuốc một mình trên ghế đá.

Anh Quang đã nổi cáu nói với chị Khánh thà không đi làm còn hơn, chứ đi như thế này đầu độc không khí quá. Anh nói, sự kiên nhẫn của người đàn ông chỉ đi kèm với tình yêu thôi, mà ở đây, "tôi với bà không phải là bồ bịch!". Chị Khánh, mắt ngày càng thâm, lơ đãng nói: "tôi biết, tôi không là gì với bất cứ ai!". Tuyền giảng hòa bằng cách lấy trà chanh cho hai người. Anh Quang hỏi Tuyền sao dạo này anh không thấy em uống trà nữa, Tuyền mà kể việc ly tách ở đây được rửa bằng bọt biển lau bàn thì mọi người lại trách "sao bây giờ mới nói", Tuyền bảo tại trà làm Tuyền khó ngủ trưa. Anh Quang lại nói với chị Khánh: "Thôi, về nghỉ đi, chừng nào bình tĩnh hãy đi làm!", xong, với dáng điệu chỉ huy anh bảo Tuyền: "Em đánh máy đi, anh và em gánh việc cho nó!".

Anh Quang đọc, Tuyền đánh máy, chị Khánh lặng yên. Không chịu về, dễ đến hai tiếng đồng hồ nặng nề như thế. Cuối cùng, chịu không nổi, anh Quang gắt: "Về hộ đi, chiều nay nghỉ, đằng nào cũng thứ bảy rồi!". Chị Khánh đứng vụt lên, đi thẳng xuống nhà. Anh Quang đợi chị đi khuất cầu thang, nhếch mép cười: "Không chịu nổi mấy đứa vác mặt thất tình ra đường!". Tuyền nói, sao hôm trước anh lại có vẻ thông cảm thế, lại còn đi nhậu...? Anh Quang cười khì, ném đầu mẩu thuốc vào góc tường: "Ai mà thông cảm mãi được!". Tuyền nói, nhưng em không thích thái độ của anh hôm nay. Tuyền lấy xe đuổi theo chị Khánh để chở chị về. Chị nói, chị mệt mỏi quá, về lại căn nhà một mình, chị không biết làm gì. Tuyền nói, em cũng thế, ở xa nhà, trong phòng khách sạn người ta thuê, em cũng không muốn làm gì dù rất nhiều việc, may mà ngoài này có Hương... Chị Khánh thêm, buồn nhất là khoảng năm rưỡi, sáu giờ tối, đúng không? Lúc mà ai cũng đã về nhà ăn cơm và mình thì không có một cuộc hẹn nào trước mặt... Tuyền nói, đúng rồi, cũng như thế với ngày chủ nhật. Chị Khánh buồn buồn, ngày mai chủ nhật, làm gì cho qua một ngày chủ nhật. Tuyền nói hay mình đi chùa không, ngôi chùa Hương hay dẫn em đi, cách xa thành phố, đẹp và vắng vẻ, với sư thầy cũng hút thuốc lá ngồi trông đội trùng tu...

***

Hai chị em thắp hương xong thì một bà vãi mời ra uống nước. Sân chùa, rơm rạ phơi đầy, nắng chói chang làm những bông mẫu đơn đỏ nhìn thêm nhức mắt. Chị Khánh, vẻ mặt thoát tục, ngồi gọt dưa chuột, nghe bà vãi rù rì lịch sử chùa. Tuyền đi vòng quanh, trong điện mát rượi, những cột gỗ mơ hồ ken két tiếng mọt nghiến, Tuyền định đi báo đội trùng tu nhưng hôm nay họ nghỉ, bên những bàn mộc, dăm bào ai đã vun thành đống. Tuyền bỗng nhớ những lần đi chùa cùng anh và Hương quá. Hương giày vải, váy hoa, ôm vai Tuyền bên bậc cửa để anh chụp ảnh. Tuyền muốn chiều về mình sẽ nhắn tin rủ mọi người ăn cơm niêu. Hương thể nào cũng trách: "Sao lại rủ trước? Sao không dền dứ?". Nhưng, Tuyền dền dứ làm gì cơ chứ, đây có phải mua bán đâu mà phải dền dứ? Đằng nào Tuyền cũng quay về Sài Gòn mà. Bây giờ, Tuyền xa nhà, Tuyền mỗi ngày trong khách sạn sợ những giờ cơm chiều một mình. Tuyền chỉ cần có người cùng ăn cơm trong những lúc xa nhà. Vả lại dền dứ làm gì; đêm qua, sau bao nhiêu ngày không tăm tích, anh đã gọi điện lại rồi. Anh gọi, giọng trách móc, chắc anh cay cú vì phải gọi trước. Tuyền buồn cười. ừ, ít ra Hương cũng có lý, nếu chiều nay Tuyền không rủ, kiên trì đợi hai, ba bữa thể nào anh cũng phải rủ Tuyền. Nhưng Tuyền muốn đi cơm niêu ngay chiều nay, Tuyền muốn có mọi người cùng đi ăn ngay chiều nay.

... Tuyền tha thẩn sang khu nhà thờ phụ lúc nào không biết. ở đây, đội trùng du chưa động tới, các bức tượng chưa bị sơn đỏ môi và tô trắng mặt, ngồi nhìn ra vườn nhãn rì rào lá. Mặt tượng như thể mặt những người từng sống trong làng. Tuyền không có cảm giác đang ở trong chùa. Tuyền ước có cái phản để nằm lăn ra ngủ. Hay là ra ngoài hè, nằm dài sau cánh cửa, trên đầu là nhãn che?... Ngoài hè mát, sau cánh cửa gỗ, có tiếng rì rầm, rồi tiếng con gái cười khúc khích, khúc khích, đúng giọng Hương. Tuyền đi ra, bước qua bậc cửa, bên hè, Hương chúm chím mút hoa dong riềng, còn anh đang xoe xoe một cọng rơm vàng mướt... Cả hai giật mình nhìn Tuyền. Hương gỡ rối nhanh nhẩu: "Sáng nay gọi đến thì mày đi mất rồi!". Tuyền bảo: "ừ, tao đi sớm". Anh lúng túng, hỏi; "Em đi với ai". "Với một chị buồn vì tình đang ngồi ngoài kia ăn dưa chuột." Tuyền trả lời anh rồi ngồi xuống cạnh Hương. Cái bực đá mát lạnh và vườn nhãn rì rào, rì rào. Tuyền mệt quá, Tuyền muốn nằm xuống ngủ. Tuyền nhặt một bông hoa dong riềng trên tay Hương mút thử, Hương bảo: "Ngọt không?", Tuyền gật đầu, mút thêm bông nữa, rồi không còn đắn đo gì nữa, Tuyền hỏi: "Chiều nay chúng mình đi ăn cơm niêu không?". Anh và Hương nhìn nhau bối rối không biết có nên nhận lời không.

Tuyền nằm xuống bậc đá mát lạnh và nhắm mắt để khỏi phải thấy cách họ trả lời... Tuyền dựa chân vào lưng Hương để Hương bình tĩnh lại. Tuyền chợt thấy mình chẳng còn dính líu gì đến nơi này cả. Tuyền nhớ nhà quá rồi. Tuyền mong đến sáng mai. Sáng mai, Tuyền mua vé về lại thành phố.

Phan Thị Vang Anh

Coi tay vào sáng mưa



Người đó đến nhà và mang bàn tay xoè ngửa trước mặt bà. Nghe nói cô Năm Nguyệt giỏi coi tay, vậy đọc giùm thằng đàn em tôi vận số này. Anh ta vừa nói vừa giắt tiền quẻ lên đĩa trái cây đặt ở bàn thờ Phật. Bắp tay xăm bò cạp của người đó săn cuộn khi cắm phập cây dao nhỏ xuống mặt bàn gỗ, cán rung lật bật, như xiên qua bất cứ lời từ chối nào. Cô bỏ nghề cũng đã lâu. Người ta không còn nườm nượp lui tới để hỏi coi đời mình rủi hay may. Khách sáng nay bất chấp.
Cửa nhà vẫn mở, mưa xiên li ti lên đôi dép xỏ ngón bẩn thỉu của khách, nhưng bà thầy bị cầm tù vào bàn tay đang chìa ra kia. Bàn tay tái xanh và lạnh, từng ngón như sắp rã ra, bật lên cái bớt đỏ trên cổ tay, như vết đứt mở miệng. Nó thôi miên bà, để mặc điện thoại bàn kêu ré lên từng hồi rồi tắt lịm đi trong mòn mỏi. Chuông tạnh, nghe có tiếng thằn lằn rơi phịch xuống.
- Lần nào coi tay cho người ta cô cũng khóc như vầy sao. Cũng lạ à nghen. Bao nhiêu nước mắt cho đủ? - Người đó cười khủng khỉnh, như đang coi một vở kịch vụng về - Thằng đàn em tôi linh thiệt, nó nói thế nào cô Năm cũng khóc lóc.
Bà đã tìm kiếm, mong được gặp lại từ những vị khách bước vào nhà mình một bàn tay giống hệt như vầy. Cái bớt đỏ ở cổ tay, và lóng cuối cùng của ngón út bị gù do lần nọ bị đứt sâu, bó bằng vải xé ra từ vạt áo cũ, không nẹp nên cong queo khi liền sẹo. Ngón trỏ bà di theo những đường chỉ tay đứt quãng, nghe cái lạnh của bàn tay kia ngấu vào người. Những vết chai trên ấy rắn đanh như đá. Không phải bàn tay của kẻ vẽ tranh. Bà ước mình đoán sai. Không phải chủ nhân của bàn tay kia thuở nhỏ chịu cảnh nghèo, nó muốn một hộp bút chì màu mà bị bà mẹ từ chối. Không phải người ấy bị lạc mẹ hồi tám tuổi, chịu trôi nổi giữa đời.

Sao nó trở lại, bằng cách này?!
Chẳng còn nhớ đây là bàn tay thứ bao nhiêu được bà cầm lên săm soi để dò đoán cuộc đời của chủ nhân nó, kể từ lúc bà lục lọi được trong tủ sách của ông nội mình bộ mười ba quyển Thuật pháp nhân tướng học. Con bé mười sáu tuổi nhận ra mọi bộ phận trên cơ thể đều biết nói, đều có ý nghĩa trong cuộc đời. Rủi hay may, suôn sẻ hay truân chuyên đều hiện lên ở từng chi tiết nhỏ. Tóc nói mũi nói đuôi mày nói, vành tai nói, nếu ta biết cách đọc. Bàn tay không chỉ để nắm tay mà phơi bày số mệnh. Ông nội bà đã phạm sai lầm vì đã không đốt hết bộ sách ấy trước khi cháu gái mình trở thành thầy bói lẫy lừng.
- Con ơi, để lộ cơ trời thì trời có tha cho không?
Câu nói đó ông già nhắc đi nhắc lại, nhưng bà đã để lọt qua tai kia bởi ngây ngất với cái quyền lực mà mình đang có: một vị thánh ở giữa các cõi làm sứ giả của trời, đọc những dấu hiệu giúp nhiều tín đồ mê mụ biết trước tương lai. Bất hạnh mà bà gặp trong đời đều có lý do. Bà lấy phải một tay thợ mộc nghiện rượu vì không coi lấy chồng là quan trọng, chỉ cần mượn giống để kiếm đứa con. Bà muộn con là do tinh trùng của chồng xỉn hết, làm gì có thứ gì ngâm trong rượu mà còn sống. Bà nghèo bởi mải mê làm phước giúp đời.
Một ngày bà về sụp lạy trước mộ ông nội mình, nói con tin có trời rồi. Đứa con mà bà chắt chiu cầu khẩn trước bao nhiêu đền đài bị lạc mất ở chợ Sương. Thằng bé giãy nảy đòi hộp bút màu, một thứ không ăn được. Với bà hồi ấy, bất cứ gì không ăn được đều không quan trọng. Nhà dột mới quan trọng. Chạy gạo bữa mai mới quan trọng. Vẽ lên giấy những ảnh hình sặc sỡ thì có vẻ xa xỉ quá. Bà kệ nó ngồi bệt ăn vạ ở một góc chợ, cho nó sợ. Tin rằng nếu mình quả quyết không ngoái lại, thằng nhỏ sẽ ngoan ngoãn vì nỗi sợ hãi bị bỏ rơi. Trong lúc tìm một chỗ khuất để dõi theo đứa bé, có người chặn lại nói cô Năm coi giùm tôi một quẻ. Mãi đi theo những đường chỉ tay như mê lộ, lúc bà sực nhớ tới con thì nó không còn ở đó nữa.
Những người có mặt ở chợ trưa ấy đều hỏi bà làm mẹ kiểu gì vậy, người chồng say xỉn cũng hỏi câu ấy trong lúc giáng nắm đấm đánh gãy hai cái răng bà trước khi bỏ nhà đi. Điền thông tin gửi các báo đăng trên mục tìm người, bà miêu tả tỉ mỉ chi tiết đặc điểm của gương mặt, bàn tay, vị trí nốt ruồi trên người thằng bé vì đã thuộc lòng ngay từ khi mới đẻ, nhưng vẫn tuyệt vọng vì không nhớ quần áo con mặc hôm đó. Quần có thể ghi xám, nhưng cũng có thể nâu. Hoặc là ghi xám nhưng bị mưa ướt nên ngã nâu. Áo kẻ trắng xanh, trên túi thêu một con gà con hoặc hai con thỏ, hoặc là logo nhỏ của một đội bóng đá nổi tiếng nào đó. Chắc là vì những chi tiết mù mờ mà những lời rao không có hồi đáp nào vọng lại.
Cái thứ bà nhớ nhất, là chỉ tay của thằng nhỏ. Thứ đó toà báo không coi là thông tin được in. Bà tự huyễn hoặc mình thêm lần nữa, bàn tay trở về sáng nay không phải bàn tay mình đã nắm ở chợ Sương năm ấy. Nó có khổ rộng gấp ba, chi chít sẹo. Nó nói bà ơi tôi đã chịu cơ cực lắm, từ hồi bà rời bỏ.
Trong tháng ngày bàn tay này phiêu bạt, bà nắm những bàn tay khác và không chịu được cái ý nghĩ mình níu người dưng đây mà buông bỏ máu thịt của mình, bà bỏ nghề. Nhưng không buông hy vọng. Lần gần nhất khi gửi lời gọi con lên chương trình truyền hình Như chưa từng xa cách, bà nhận được khá nhiều cuộc gọi đến nhà nói rằng có thể đã từng nhìn thấy đứa trẻ kia. Rất lạ là thằng nhỏ theo như miêu tả hay nói mình không có mẹ.
Chủ nhân của bàn tay mà bà đang ngây dại rờ rẫm đây chắc cũng xem được chương trình ấy nên theo dấu bà mà gửi tay về. Chắc cái vết cấn sâu trong trí nhớ ấu thơ của nó duy nhất chỉ hình ảnh mẹ đã buông tay bỏ mặc mình ở góc chợ. Mẹ đi thẳng, không ngoái lại.
Bà thầy từng nghĩ nếu có thể cải sửa cái hình ảnh sau cùng đó của mình – một bà mẹ nhẫn tâm – bà đổi mạng cũng đành. Điều đó là không thể, bà thật sự tuyệt vọng. Mưa tạnh, có mấy giọt nước rơi trên cúc áo người đàn bà. Tivi nhà hàng xóm đang phát bản tin các băng nhóm tội ác thanh trừng nhau ở tận bệnh viện, một người bị mã tấu chặt đứt tay trái, giá xăng tăng, một làng chài khoả thân biểu tình đòi lại những chiếc tàu đánh cá bị bọn Lạ cướp mất. Người đó sốt ruột ngó lên vách. Bà không chắc anh ta nhìn đồng hồ hay cái ảnh đen trắng chụp cận mặt một thằng bé sún răng cười toe treo gần đấy. Bà không nhìn mặt khách một lần nào, biết chắc chắn không phải nó.
- Đàn em tôi dặn hỏi kỹ, nó hỏi có phải vào tù nhiều lần không, hay chỉ ở một lần dài cho tới chết ? À, nó còn hỏi nếu chẳng may bị kêu án tử, thì nó sẽ bị bắn hay tiêm thuốc độc?
Sau mỗi câu hỏi, bà thầy cảm giác mình vừa bị phạt một nhát. Rúm ró. Người đó khủng khỉnh cười, rút con dao ra khỏi mặt bàn chảy máu, đi ra cửa, và nói ngoái vào “Cô Năm từ từ mà coi cho kỹ, tôi đói rồi, chờ không nổi. À, đàn em tôi dặn cô cứ giữ, nó không cần nữa. Lìa thì cũng đã lìa rồi, mạch máu chết nên không thể nối lại…”
Bàn tay vẫn còn nằm lại trên mặt bàn trầy xước. Bàn tay để ngửa. Cụt đến nửa ống. Vô nghĩa biết bao một bàn tay không còn cầm nắm được. Bà thầy bói già kêu con ơi, níu mãi bàn tay xanh xao đó.

Nguyễn Ngọc Tư

Thursday, September 6, 2012

Khoảng khắc của hoa quỳnh


Tôi đưa nhóm bạn về trảng sen chơi. Mỗi lần quay lại là thêm một lần thở phào nhìn thấy sen kia súng nọ, cây cỏ ấy vẫn còn nguyên đó. Nước vẫn trong veo, hết mùa sen thì đến lượt mây trời nở. Quang cảnh chưa sứt mẻ xíu nào. Trong lúc tôi ngồi ở sàn nhà thòng chân đùng đưa khỏa nước, ngẫm ngợi về sự dễ vỡ của thiên nhiên thì đằng kia vợ chồng anh chủ nhà đang ngợi ca chất lượng của mớ mật ong mà anh lấy được từ rừng, gợi ý sẵn sàng bán cho đám nhỏ Sài Gòn với giá rẻ làm quen. Chị vợ cũng rạng rỡ phụ họa theo, vừa mới đây thôi chị còn chù ụ quạu đeo vì khách mang bia theo trong khi nhà chị cũng trữ bia để bán. Chữ “mật” ướp giọng chị ngọt lừ như chưa từng cau có bên vách với cô con dâu, “Đãi đám khách này cá nhỏ thôi, biết tụi nó trả được bao nhiêu tiền mà cho ăn cá lớn…”. Tôi nghĩ chắc mình bị ảo giác, anh chồng kia làm gì lại tỏ ra cay cú việc tôi mướn đò khác mà không kêu đò nhà anh đưa đón.
Năm trước, khi lần đầu đến vùng đồng rừng hoang dã này chơi, bệnh bồn chồn trong tôi trỗi dậy. Tôi sợ mất. Ngồi ở nhà của một người dân neo sống bên bìa trảng ngó cánh rừng u tịch bên kia màn mưa bụi, tôi đã nghĩ có khi đây là lần cuối cùng mình trông thấy quang cảnh tĩnh lặng này. Ngày mai người ta sẽ đổ xô tới đây làm du lịch, sẽ cặm lên giữa trảng sen minh mông cây cầu bê tông nhà hàng bê tông cùng những cô tiếp viên ca ra rả những bài vọng cổ vô hồn như tua mãi một đoạn băng cũ. Và cái chái đậu xuồng kia, mái nhà lợp lá chầm đóp kia, những tấm ván sàn thô xẻ từ những thân dừa kia, những chiếc xuồng ba lá ọp ẹp kia… rốt cuộc chỉ còn trong tranh ảnh của bạn bè tôi, và trong ký ức của những người đã từng ngồi ở đây trong một trưa mưa xiên bùi ngùi.
Bữa ấy anh chủ nhà nói lo khỉ gì, tới đâu hay tới đó, cứ nhậu cho đã đời. Mâm cơm bày ra rồi, dường như ở nhà có bao nhiêu thức ăn đều đã vét hết ra đãi khách. Sơ giao mà chủ nồng hậu hồ hởi đến nỗi tôi nghĩ nếu nhà hết củi nấu cơm, chắc họ rút cây ven vách ra chụm luôn. Người bản xứ nổi tiếng hào phóng chịu chơi, nếu cần sẵn sàng xúc lúa giống cho láng giềng mượn ăn qua mùa giáp hạt.
Sau này tôi vẫn thường đưa bạn bè trở lại ngôi nhà sàn bên trảng nước đó, phiền cái gia đình nhỏ nọ giúp cho bữa cơm trưa. Căng bụng với cá đồng, rau rừng, gió trời, và ấm lòng bởi vợ chồng chủ nhà nhậu bạt mạng, ca mùi. Lúc về bọn tôi hay gửi chút tiền gọi là “mua sữa cho mấy nhóc”, như một cách để bù đắp lại thùng gạo nhà họ vừa bị bọn tôi vét sạch, cũng để nhẹ món nợ ơn nợ nghĩa. Những tờ giấy bạc cứ bỡ ngỡ ngập ngừng trên tay người vợ đen đúa mà trên môi chẳng bao giờ tắt nụ cười.
Cảnh đẹp, người hay, bạn nào từng tới chơi cũng kêu trời vì thích vì không khám phá ra chỗ này sớm hơn. Mai mốt đây trảng sen bị những nhà quy hoạch nông nổi trét son phấn lên, là tiêu tan một chốn đến.  
Nhưng giờ cái gia đình nhỏ kia nhắc tôi nhớ rằng, con người còn dễ bị đánh mất hơn cả thiên nhiên, vì người có khả năng tự mình đánh mất mình. Những món tiền tụi tôi gửi lại đã đánh thức tính thực dụng của những người quê hồn hậu. Họ bắt đầu vào cuộc bán mua ráo riết. Như những em bé Sa Pa giấu mặt, xòe tay đòi tiền trước ống kính máy ảnh. Như một quán ăn Tam Đảo đội giá tô phở chỉ vì khách nói giọng Nam Bộ. Như anh xe ôm Huế không chịu chỉ đường mà sốt sắng dẫn khách đến tận nơi, để đòi tiền công.
Tôi tự an ủi thôi thà vậy cho sòng phẳng, cho khỏi ơn nghĩa, cho đi khỏi nhớ. Nhưng mà trời ơi, tôi vẫn không nén được niềm thương nhớ những người đã từng mang nồi kho quẹt ra để tụi tôi qua cơn đói cùng cơm cháy, những người từng áy náy, lâu lâu có khách ghé nhà mà trong bếp hong có gì tử tế, để đãi.
Như là tôi vừa chứng kiến xong một cuộc hoa quỳnh nở, rồi tàn nhanh, mang theo một vẻ đẹp tuyệt tích.
Nguyễn Ngọc Tư

Khói nắng


Chị vợ nói nấu nướng đã xong rồi, chừng nào muốn cúng thì kêu người trong bếp dọn ra. Anh ngóng ra con đường vắng ngắt chạy vắt ngang nhà, kêu chờ thêm chút nữa, “còn sớm…”. Giọng anh lẩy bẩy, vì cái vạt nắng sáng xiên vào hàng ba đã sắp đứng dậy thẳng lưng đi ra khỏi đó rồi. Nghĩa là đã sắp trưa. Chắc con Ba Hạnh đã chèo xuồng qua khỏi doi Chà Là, thằng Tư Thạnh cố vét thêm cuốc xe ôm nữa, cũng sắp ghé qua. Năm Vui biết đâu đón xe đò ở đầu lộ thứ Mười, hoặc đã lên xe rồi nhưng xe chết máy dọc đường. Mọi người sẽ về đủ mặt, anh tin vậy.
Hôm nay là giỗ bà già. Năm nào vợ anh cũng lẳng lặng chuẩn bị nấu sáu mâm. Sáng qua chị bỗng hỏi năm nay mình có tính làm gọn không. Anh nạt, “nấu vậy ai ăn ai nhịn, bà con cười tui thúi đầu…”, rồi đùng đùng đá sập giàn củi, đi te te ra mé đìa, ạch đụi quăng chài. Lưới chài cứ vướng lại đâu đó, anh nhảy ào xuống, người đầm đìa nước. Vợ tần ngần ngó theo chồng, chụm thêm củi vào nồi bánh tét, nghe cay xè mắt mũi, dù gió đã mang khói ngược phía khác. Chị nhớ giỗ năm ngoái dư đến mấy mâm, dọn dẹp xong cả nhà buồn như con chù ụ.
Giỗ đó anh không uống giọt rượu nào, lắc võng suốt buổi chiều như đã chìm lút không dậy được nữa. Cả nhà vẫn nhớ lần say cuối của anh là vào mùng ba tháng sáu năm kia. Họ nhớ cả quang cảnh hôm đó : trời rất thấp, gió cồn cào và trong nhà nghẽn đặc không khí bệnh tật. Mùi lá xông giải cảm, mùi dầu cù là, mùi chiếu gối ẩm ướt… ám lên gương mặt của những người lượn lờ quanh cái giường tối, nơi tía anh nằm thoi thóp. Cuối chiều anh đi nhậu về, hơi thở anh góp vào cái không khí vốn không mấy dễ chịu thêm cái mùi hèm lộn mửa. Khi loạng choạng ngang qua chỗ ông già, anh lè nhè vỗ vai xương xẩu của tía cười khơ khớ, chiến hữu bữa nay ngồi uống vài ly đi chớ, chân anh đá trúng bô nước tiểu làm nó văng tung tóe. Ông già nhợt nhạt, đấm ngực nói, “thằng trời đánh này không phải con tao”. Nói xong ông già cấm khẩu, ba bữa sau ông qua đời.
Mày không phải con tao. Câu nói hụt hơi chống gậy đi từ miệng của một ông già đau sát chiếu, lại mạnh mẽ đến mức xuyên qua vách, qua tai, va đập vào não của dân Xẻo Quao. Người ta nói hèn chi cặp chân mày rậm rịt của anh không giống ông bà già xíu nào. Họ nhận ra anh cao ráo hơn mấy đứa em. Họ nhắc nhau, đận đó ông già thằng Sáng đi buôn đường mía mỗi chuyến chừng năm bảy bữa mới đáo qua thăm nhà. Họ nhớ anh là đứa bị ông già đánh đòn nhiều nhất, có lần ông còn trói anh vô gốc ổi bỏ đói cả buổi. Má anh hay bị chồng nặng nhẹ, “bà đội con bà lên đầu nên nó sanh hư…”, cái chữ “con bà” có ẩn ý, biết đâu. Mọi người gật gù kết luận, nguyên cả gánh chỉ có thằng đó là phá của, ham chơi, suốt ngày say xỉn.
“Tía giận thì ổng nói vậy thôi”, anh nói với khắp láng giềng, với mấy đứa em, lượm mót từng cái gật đầu. Đứa con ngỗ ngược thường bị cha mẹ chửi té tát là nó không giống họ, không phải con họ, con họ thì đâu có tệ hệ nông nỗi vậy… kiểu đó thiên hạ thiếu chi.
Nhưng thiên hạ không câu đó như những lời trăn trối cuối cùng, họ chỉ chửi với theo trong lúc cầm roi rượt thằng ngỗ ngược chạy ngời ngời ngoài ruộng, hoặc lúc nó đang nằm sấp chờ đánh đòn trên bộ ngựa, hoặc nó đang trốn trên tuốt đọt cây dừa. Tía anh thì nói như thể vét hết bao nhiêu tàn hơi để nhắn một thông điệp tối quan trọng. Và ông già dùng cái chết của mình để làm một cái dấu chấm bạo tàn.
Bà Út nói tội nghiệp, thằng Hai bị cắt chảy máu. Bà già mù này dường như người họ hàng bên nội duy nhất chẳng nghi ngờ thân phận anh. Chắc vì bà không nhìn thấy những dấu hiệu nào đó trên người anh, được cho là lạc loài. Mỗi lần anh ghé chơi, bà lại bâng quơ, có thứ lưỡi gì bén bằng lưỡi người đâu con. Tía con giận thì nói vậy thôi, anh trả lời trong lúc ngó vào cái kiếng soi trên tủ áo, tự hỏi sao vành tai anh hơi méo và cẳng chân mảnh khảnh. Sao tóc mình lại hơi ngã nâu, cả dòng họ có ai vậy đâu ?
Câu hỏi đó chỉ có hai người có thể trả lời, nhưng đã về đất cả rồi. Mỗi tối anh vẫn thường nhìn những thân nhang cháy, mong nó uốn cong thành một tín hiệu gì đó, có thể chứng minh được thân phận của mình. Nhưng tàn nhang thản nhiên rơi vãi, rời rạc và tẻ nhạt.
Đám em anh chắc cũng không nhận được cuộc báo mộng nào, tụi nó dần lợt lạt. Nhiều bữa anh thấy Tư Thạnh chở khách ngang nhà và không hề phóng mắt qua khoảng sân mọc đầy lúa rày. Lần gần nhất là trước giỗ đầu của ông già hai ngày, Tư Thạnh ghé nhà, thắp nhang khấn vái rầm rì rồi che cái nón lá lên lư hương tía đem đi, bảo “Tía tôi thì tôi thờ…”. Chiếc xe cà tàng vọt đi vẽ nên một đường bay tán loạn của tàn nhang.
Bữa đó anh đang bộ áo túi xám được may theo kiểu tía thường mặc hồi còn sống, và râu anh cũng lởm chởm như râu ông già. Chỉ cần cây gậy nữa thôi, anh sẽ thành bản sao của người cha trong ảnh, nhưng thằng Tư Thạnh không đếm xỉa. Chỉ cần nó kêu “ui là trời anh Hai y hệt tía…”, anh cho nó mấy chỉ vàng luôn cũng đáng. Nhưng rốt cuộc chỉ bọn trẻ nhà anh là hay được tiền mua kẹo, mỗi khi thảng thốt ba giống ông nội quá chừng.
Giờ coi kiếng cho kỹ, anh thấy mặt mình chỉ thiếu vài nếp nhăn, thứ đó muốn có phải cần có thời gian. Râu tóc thì cũng đã bạc rồi, chỉ sau một lần giỗ má, nhìn nhà trống hoác, thưa vắng họ hàng, mấy đứa em kêu mắc công chuyện không tới… Chị vợ xót quá, ấm ức xui chồng đâu đi thử cái di truyền gì đó, cho người ta sáng mắt ra. Anh đang châm rượu cúng, quay mặt vô vách nạt, thôi đừng có tào lao, tía giận thì nói vậy… Anh sợ chị vợ bắt gặp cái ý nghĩ, lỡ như lời ông già là sự thật ?!
- Giỗ năm sau cũng nấu đủ sáu mâm cho tui - Anh cố gằn giọng, tiếng vang ra ngoài thinh không.
Ngoài đường toàn khói nắng là khói nắng, họa nên một thứ ảo ảnh gờn gợn. Thế giới sao mà vắng tanh.
Nguyễn Ngọc Tư

Phía tấm


Nửa đêm lội mạng, thấy đèn bạn sáng le lói, hỏi có gì vui không. Bạn nói không, đang chán đời, thấy người ăn thịt người ngao ngán quá. Bạn chìa ra những đường dẫn dài ngoằng, kêu đọc thử coi có nghe tanh không, có buồn ói không. Loạt bài đó họ viết về vụ cướp tiệm vàng chấn động cả nước, với những thông tin chi tiết về gã cướp theo kiểu sợi tóc chẻ làm mười sáu, mà trước giờ chỉ Brad Pitt, Tom Cruise, Tạ Đình Phong… mới được (hay bị) quan tâm theo kiểu ấy trên báo lá cải. “Cả em bé nạn nhân còn sống sót duy nhất trong vụ đó cũng bị ăn thịt, em ơi”, bạn dùng hình dung từ, mà tôi nghe rởn gáy.
Phản ứng về sự khai thác thái quá của truyền thông quanh vụ cướp, có người phẩn nộ thốt ra hai từ “súc vật”. Một đám đông bất chấp, cố xộc vào giường bệnh của em bé hãy còn đang đau đớn hoảng loạn, như thể chất người của họ bị rơi mất ở đâu rồi, mất trong lúc chen lấn, mất mà không hay mất. Tôi nhớ hội chợ những năm 80, khi chúng tôi cũng giẫm đạp lên nhau để coi những thai nhi dị dạng ngâm hóa chất, cũng ngó nghiêng, trầm trồ, cũng thấy thỏa mãn như vừa xem cây dừa ba ngọn, rắn hai đầu. Không hay đó cũng là những sinh linh, những cuộc làm người dang dở, không biết đấy cũng là đồng loại. Đám đông năm xưa đám đông bây giờ, vô tâm cũng hơi giống nhau, chỉ khác là em bé nạn nhân này còn sống và hồn xác đang trải qua những cơn sang chấn hãi hùng.
Đám đông ấy không phải hiếu kỳ ghé mắt qua cho thỏa cơn tò mò, mà như thợ săn lao mình vào một cuộc săn, quyết bắt bằng được con mồi. Họ có học. Họ nhiều chữ. Họ cũng có danh vị nhà này nhà nọ. Bạn hỏi tôi nên xếp họ vào phía nào, ác hay rất ác?
Những khi nói chuyện thiện ác nghe chơi, bọn tôi chia người đời làm hai loại : ác và rất ác, vô tâm và cố tình. Anh nhà văn đem sách của đồng nghiệp liệng vào thùng rác chỉ đơn giản là ghét, nhưng đổ cả bia thừa vào thùng rác ấy thì anh có sự cay nghiệt. Cưa đốn một cái cây không nhẫn tâm bằng ken gốc cho cây chết dần mòn. Ngồi mài một con dao thật bén, nấu nồi nước thật sôi để sát thương người là do ác tính, không phải vì một cơn nóng giận bất ngờ. Tình cờ, luôn có một khoảng trống nào đó, dù rất chông chênh để cho người ta dừng lại, giật mình. Và tình cờ, có người nắm bắt được khoảnh khắc đó, có người bỏ lỡ. Tôi kêu vụ ác tính ác tâm này khó phân biệt quá, không có biên giới rõ ràng gì hết. Làm người mà, sao dễ được, bạn cười.  
Có lần khi đi bảo tàng tỉnh chơi, thấy mấy cái vành tai, bàn tay, ngón chân… của những du kích bị địch xẻo đem ngâm rượu, bạn kêu trời hỡi trời. Họ trưng bày những hiện vật này bâng quơ cùng một dãy, xếp cùng một kiểu với những mẫu vật được ướp phoocmaldehit khác. Chứng tích tội ác chiến tranh nằm cách mẫu vật cá nước ngọt bằng ba bước chân. Nếu lơ đãng người ta sẽ lướt qua những phần cơ thể chết đó như lướt qua những con cá trèn cá thác lác cá kèo. Người ta sẽ dửng dưng như không, sẽ chẳng chút bàng hoàng, lơi bước khi ngang qua dấu vết tội ác. Trưng bày tội ác mà không gây giật mình, thì trưng bày làm chi.
Đoạn cuối của vụ chị Tấm báo thù thì ai cũng thuộc nằm lòng, cũng hả hê nhưng bao nhiêu tuổi đời người ta mới nhận ra đó là một vụ ăn thịt người? Cái không khí huyễn hoặc biến ảo thần kỳ của cổ tích làm người ta quên lửng chi tiết man rợ đó, và lớp lớp trẻ con nhẹ nhỏm thản nhiên như thể Cám qua đời vì đau răng còn mụ dì ghẻ chết vì sặc muối ớt.
Và những người đang cố nhìn cho bằng được em bé nằm đau kia hẳn đã từng rất say mê cổ tích, từng vô tư đứng về phía chị Tấm, tưởng là chị ấy rất hiền.
Nguyễn Ngọc Tư

Những người chết bâng quơ


Bữa đó trời chiều mát mẻ, trên đường đón vợ về, có đứa nhỏ chạy băng ra níu đầu xe và thảng thốt kêu ba ơi ba, con nhớ ba. Tất nhiên bạn đổ quạu xô nó ra, nạt ê mầy tính móc túi hả mậy. Tất nhiên đứa nhỏ tiu ngỉu tẽn tò bỏ đi. Chỉ là vụ nhầm lẫn mười mươi, đời này thiếu gì người giống người. Nhưng vợ bạn giàu tưởng tượng và mơ mộng, bắt đầu vẽ nên một câu chuyện vu vơ nhưng sẽ làm bạn mệt phờ, bởi một ý nghĩ quá sức quá sức quá sức ngớ ngẩn, biết đâu là con bạn thật.
Cái thằng nhỏ, kẻ gây ra vụ nhìn ẩu đó biết đâu đã quên tiêu, đã ngủ queo rồi. Nó chẳng biết có hai người lạ đang trằn trọc, tự thấy bị thương bởi một viên đá mà nó ném bâng quơ. Nhưng nghe mưa tưởng gió không phải là đặc quyền giành riêng cho đàn bà, chẳng phải có lần nàng lơ đãng khen chồng đứa bạn vừa giỏi vừa giàu, và bạn cũng nghe đau bầm vài khúc ruột.
Ba năm trước, mình viết chuyện một bà già lẩn thẩn có hai con tham gia hai bờ chiến tuyến, một đứa không về. Bữa kia bà già hỏi thằng con lớn sao lại bắn chết em bây. Mình lấy câu nói bâng quơ đó để dẫn dụ câu chuyện đi đến tận cùng của sự tan nát. Câu chỉ vài ba chữ, mà làm cả nhà điên đảo. Vài độc giả hỏi chuyện đó có thật không, mình hỏi lại, sao không?  
Đời đầy rẫy những bâng quơ và những người quay đơ ra chết giấc, kiểu vậy. Ông quan kia đi kinh lý qua cánh đồng làng, nơi bác nông dân có mấy công đất gò nửa năm trồng lúa nửa năm trồng dưa, ông thấy im re cũng kỳ nên chỉ đạo cho vui, bảo chỗ này làm sân golf thì hay biết mấy. Ông nói mà ông cũng quên rồi, chỉ trỏ cho sướng đời quan vậy thôi, có mất gì đâu. Nhưng những người nghe cái câu từ miệng nhà quan (có gang có thép) hôm ấy thì không quên, ba năm sau đám ruộng trở thành sân golf, và bác nông dân thì chạy xe ôm, ngó mưa thẩn thờ nhớ mùa màng đất đai đã mất.
Lúc thằng bạn học của mình lên chức chủ tịch phường, mẹ bạn dặn đi dặn lại là nói ít thôi. Cô giáo già đó không biết đọc sách nào mà bảo quan hay nói thì dân vất vả. Một câu của bạn cũng có thể khiến dân bán hàng rong chạy xịt khói, hẻm to thành nhỏ, miễu thành chợ… Và bạn sực nhớ ra có nhiều vụ bạn chỉ nói chơi thôi, khề khà lúc trà dư tửu hậu, không hay gió nổi từ lời. Nó cũng bén ngót, nhưng không có hình hài sát khí như dao kéo, nên đôi khi mình múa may loạn xạ, cắt trúng người này nọ mà không biết.
Cái thằng bé bị bạn hắt cái câu “định móc túi hả mậy?” vào mặt hôm ấy, biết đâu cũng thao thức, cũng ấm ức cho cái sự lương thiện của nó đã bị người ta bôi bẩn. Mình nhớ người thợ gặt nghẹn ngào lùa vội chén cơm nguội khi ông chủ đất ơ hờ nói như thở khói lên trời, “ba người nhà tôi cộng lại ăn không bằng một mình chú…”. Hồi đó dân tứ xứ đi gặt mướn thường được chủ đất nuôi cơm. Mình còn nhỏ, nhưng vẻ mặt tê tái của người thợ gặt đã làm mình ngờ ngợ, rằng không phải lời nói nào gió cũng thổi bay. Họ không hề tự vơ lấy và cố ý giữ nó lại, chỉ tại nó cắm phập vào, gây sẹo rồi, đành thôi.
Mấy bữa ngồi bệnh viện nghe dì ở giường bên kể chuyện, vừa rồi bà đi tìm lại người yêu cũ, người mà bà yêu đến nỗi không lấy được nhau đành chịu ở vậy đến giờ. Hôm bà ghé nhà người đó, ông đang bắt ve cho chó ngoài thềm. Nhác thấy bóng bà, ông lên tiếng trước, nói không mua vé số đâu. Bà nói tui là Thắm đây mà, ông không nhìn bà chỉ vuốt ve bộ lông con chó kiểng, lơ đãng hỏi Thắm nào, tôi quen nhiều Thắm lắm. Chỉ vậy thôi mà bà thấy đau quá.
Nhưng tổn thương tâm hồn vẫn còn được sống, được vá víu lại bằng những mảnh vui khác, còn hơn chết thật bởi những bâng quơ đang đặt bẫy miên man giữa đời. Những đứa trẻ lọt vào cái cống bâng quơ không đóng nắp. Những sợi dây điện buông ơ hờ thành cái thòng lọng, tròng vào cổ cô công nhân chưa được mặc áo cưới lần nào. Ông già tập thể dục buổi sớm mai bị rơi khỏi lan can chung cư được đóng vài cái đinh lơ đãng. Một nhánh cây sớm nay gãy đổ vào hai cha con người quét rác…  
Ngày nào mình cũng thấy có những người chết vì bâng quơ, kiểu này, kiểu khác. Chết lảng nhách, như thể số mệnh bày biện sẵn đoạn kết này từ một cú định đoạt cũng quá sức bâng quơ của trời. Kinh nghiệm cho thấy, khi không thấy ai chịu trách nhiệm thì mình lấy trời ra đổ lỗi, cho đỡ đau.
Nguyễn Ngọc Tư

Củi mục trôi về


Những đám mây tối thẫm, trĩu nước sà thấp, ậm è như đang cố ấn ngôi chùa lún vào khoảng vườn ngập lút đầu ngọn cỏ. Những cái bọng mưa sắp bục vỡ ra. Hối hả kê bộ ván ngựa trước chánh điện - một chỗ ngồi cho bữa tụng niệm chiều, thầy bỗng ngó ra ngoài trời, bảo  “đường sá gì mà vắng hoe, buồn quá, ông”

Từng lời của thầy vừa thốt ra khỏi đầu môi đã bị thinh lặng đóng băng. Thầy chờ đợi gì ở gã, một kẻ - đã - chết thì buồn vui có ăn nhập gì.

Gã, khúc củi mục trôi giạt về Thổ Sầu, ghé qua ngôi chùa nghèo này. Nghèo đến mức người xa về không biết gọi là nhà hay chùa. Tuềnh toàng đến mức không cửa, không rào, đến nỗi xưng hô với người kinh kệ trong chùa thế nào cũng ngại. Gọi thầy như những bậc chân tu thấy không được, gọi tao mày như người thế tục cũng không xong. Đành lúng búng hỏi :

- … Quên tôi rồi, phải không ?

- Nói chơi hoài!? - Thầy trợn mắt - Tôi đâu có tệ vậy.

Thầy là người đầu tiên ở Thổ Sầu, nhận ra gã, ngay cái nhìn đầu tiên.  Những ngón tay xương xẩu của thầy níu lấy vai gã, run run, “Chịu trồi đầu về rồi hả? Ngon! Tôi tưởng ông bỏ xứ đi luôn chớ.”

Gã nhìn bên kinh, nơi tre mọc xanh rì là nền nhà cũ. Gã cũng tưởng mình vĩnh viễn không quay lại nơi này. Gã vật vờ hết đất này đến đất khác, làm lụng mưu sinh, vắt mình kiệt như tìm chút nước trong chày. Hết ngày, trở về nhà trọ, gã thường bàng hoàng, cảm giác những đốt xương mình khô đi, rơi ra lừng lóng, từng lóng một. Gã bỗng thèm trở lại Thổ Sầu. Chẳng làm gì cả. Chẳng ai chờ đợi gã. Cả nhà gã đã bỏ xứ đi vì không dám ngẫng đầu nhìn chòm xóm bởi nỗi ô nhục mà đứa con trai gây nên. Vậy thì phải về, cho người Thổ Sầu thấy gã bây giờ sống tử tế như thế nào. Về để tìm lại cảm giác thanh thản đã bị đánh mất. Hay về để nhìn lại cọng cỏ mình đã giẫm nát, cái  cây mình đã vặt trụi ngọn, con lạch trong lẻo đã bị mình sục đến đục ngầu bùn, gã không biết nữa. Chỉ cảm giác thèm về da diết.

- Tôi muốn té chỗ nào thì đứng lên ngay chỗ ấy – Gã cười, và cảm giác nụ cười thật kỳ dị, một xác chết mà nhoẻn cười thử hỏi có khó coi không? Thầy trợn mắt, môi lật phật ở chỗ hai cái răng gãy, rồi phụt ra một bụm cười, “Trời, nói chuyện văn hoa triết lý quá cha nội? Chắc gặp nhà văn nào ở trong tù hả?”.

Bất giác, thầy cũng ngó bên kinh, chỗ ngày xưa gã hay ra đứng đái, và thầy hồi ấy là chú tiểu con con cầm nạng thun rình bắn cho bỏ tội chỉa chim trước chùa. Tiểu bắn không tệ, có bữa thằng nhóc bụm tay giữa hai đùi nhảy cà nhót, chửi thề ỏm tỏi. Bờ đất đó giờ rối nùi cỏ dại, thầy ngậm ngùi, “Ở chùa với tôi, đắp đổi cháo rau qua ngày…”.

Thêm một người cũng không làm chùa vui hơn. Gã cũng trầm mặc, cũ kỹ như mấy bức tượng, nhưng không có được cái an nhiên, thanh thản của thần Phật kia. Trên gương mặt chỉ hiện lên sự nhàu úa. Nhiều khi thầy nói chuyện gì đó và phát hiện ra có con cóc trong góc nhà cọt kẹt trả lời mình. Chỉ lúc thầy giả bộ bâng quơ, “con nhỏ đó vẫn chưa ai cưới”, thấy gã tái đi. Con nhỏ mà thầy nói, vẫn thường ghé chùa chơi, mấy hôm rày không biết đau ốm chi mà không thấy.

Gã ở chùa, người đến chùa bỗng đông. Họ cúi đầu lạy Phật mà mắt láo liêng tìm gã, hớn hở, nườm nượp như hồi nhà văn hóa huyện triển lãm heo ba mắt, ngựa hai đuôi và những thai nhi dị dạng ngâm trong mấy chậu thuỷ tinh hoá chất. Gã hay tránh ở vườn thuốc phía sau mỗi khi có bóng người xấp xãi rẽ vào sân trước. Loáng thoáng nghe hỏi dồn, nó về rồi hả? thằng đó đâu? Sao thầy chứa nó trong chùa? Nghe thầy cười nhẹ, nói thấy về thì biết về nhưng chưa về đâu. Ủa, vậy là sao? Thầy niệm mấy tiếng a di đà. Gã hình dung được ánh mắt hấp háy, tinh quái.
         
Thầy nhờ gã tiếp một tay làm hàng rào sân trước. Thầy buộc gã phải từ giã việc chui lủi bên những pho tượng. Hì hụi trên sân, vần nhau với những khúc cây ngâm nước lâu ngày tanh tưởi mùi bùn, gã gặp lại nhiều người quen cũ. Bối rối không giấu được, họ nhận ra đã quên gã rồi, từng chi tiết một, nên chẳng thể căm thù, xua đuổi càng không thể đối xử mặn nồng như một người xa xứ trở về. Không biết phải đối xử thế nào với cái thằng người đã từng là thú vật.

Những cây son mọc hoang ngoài đường bắt đầu trổ bông, một bữa, gã bê bức tượng Đức Di Lặc ra sơn lại, thì một cô gái già xộc vào. Cô định đạp xe đâm thẳng vô gã, nhưng nhác thấy bức tượng, sợ vỡ, nên cô dùng thân mình nhảy chồm trên đất ghìm trớn xe đang nhanh. Mặt đỏ lựng, bết mồ hôi, cô hét : “Ê…!”.
         
Tiếng kêu gọn lỏn. Như người ta vẫn thường ê xe vua, ê xe lôi, ê hủ tiếu bò kho… Nhưng sau tiếng “ê” ấy thì mọi ngôn ngữ tắc nghẹn. Cô cũng rơi vào bi kịch của sự không đủ nhớ để nhảy xổ vào cào cấu, băm vằm gã đàn ông ấy cho hả giận. Chỉ biết chơi vơi nhìn mối thù lớn của đời mình tơi tả như con bù nhìn rơm giữa gió trời. Những ngày qua, lúc buồn, lúc những gã trai trong xóm rước cô dâu mới về, lúc… đạp phải đinh, lúc… ho, cô đều bới tên gã ra chì chiết, để hả hê, để sống tiếp. Nhưng giờ điều đó chẳng có ý nghĩa gì hết.

Cô quày quả bỏ đi, mặc kệ gã đàn ông đang chết sững. Sau này, cô cũng chỉ kêu mỗi tiếng “Ê!!!” khi ghé lại. Có bữa nghe da diết, như bảo tôi đây nè, tôi ra nông nổi vầy nè, ông sáng mắt chưa. Có bữa chất chứa tủi hờn, tôi nè, đã nông nổi vầy rồi, hết hy vọng rồi. Bữa khác trong âm nghe hằn học, tôi đây, tôi đã ra nông nổi này, tại ai tại ai tại ai. Và đợi gã ngước nhìn cô sẽ quay đi. Những bữa không thấy gã cô day qua hỏi thầy :

- … đâu rồi?

 Thầy thấy bụng mình hơi quặn chuyện thế tục.

Những bông son nở bung từng chùm trắng xoá. Son ra bông trắng, báo hiệu mùa mưa rất dài, trời lạnh lẽo. Người già trong Thổ Sầu rủ nhau chết, thầy đi tụng kinh siêu độ suốt, chùa vắng tanh. Dù gã ở đó, dù cô có ghé kêu “Ê”. Nhưng cuộc gặp gỡ chỉ là của một - người - đã - chết ngồi nhìn một - người - đã - chết.

Chết từ cái lúc thằng con trai mười bảy tuổi dìm đứa bé gái xuống mé ao. Đứa bé mỏng manh ấy đã la hét hãi hùng vì đau, gã choáng váng nghĩ rằng tiếng kêu đó xuyên thấu vào đầu từng người trong xóm Thổ Sầu, đến với bà mẹ già ốm o của hắn đang ngồi câu. Gã muốn bịt kín tiếng hét cho đến khi con bé kiệt sức đến mức không còn giãy dụa. Nước trong, gã nhìn thấy da con bé tím dần, ngực nó thôi phập phồng, tóc nó trôi lều bều quyện vào đám rong nhớt. Xuyên qua làn nước, đôi mắt đen buốt của con bé nghẹn ứ những câu hỏi về sự tha hóa, man rợ của con người. Trong khoảnh khắc, gã thấy mình chỉ còn là một cái xác. Gã chết rồi. Vì những ly rượu đầu đời, những bộ phim tục tỉu đầu đời. Vì gã đang rạo rực không kiềm chế nỗi, và con bé đi học một mình trên đường trưa thưa vắng người.  
         
Năm đó, son trổ bông đỏ như đang cháy. Nhà chức trách dẫn kẻ phạm tội ra khỏi đầu kinh xáng, ngoái lại bông son rực như ai đó vãi lửa lên trời. Gã nửa sợ nửa như nhẹ nhõm khi nghe tin đứa bé gái đã được cứu.
           
Được cứu, cũng không có nghĩa là sống lại, gã tin điều đó, khi trông vào mình. Trông vào cô, cũng vật vờ, chao chát, khác thường. Buồn lại cười, lúc vui vùi đầu vô góc bếp khóc. Buồn, vui đều thái quá, như cơm quá lửa khét, canh quá muối mặn lè. Cả xóm ngậm ngùi, “con nhỏ chết hụt mà, bây giờ không tưng tưng mới là lạ”. Người ta chỉ nhớ biến cố đó, và vì mãi nhớ nó nên cô vẫn không lấy được chồng. Thầy thì không nhớ, nhưng phải kinh kệ giữ chùa. Những lúc Thổ Sầu có đám cưới, cô hay mua rượu về, uống một mình. Qua chùa, cô ghé vào than, gần như là câu kinh điển, “Thầy ơi, tui ế chồng thiệt rồi, thầy tính sao đi chớ!”. Thầy day mãi cuốn kinh Phật trong tay, tụng niệm mãi mê để át ý nghĩ vừa loé lên thảng thốt, nếu mình không theo Phật nữa? Mà cô ta không lấy được chồng liên quan gì tới mình?
         
Thầy luôn ám ảnh câu hỏi đó. Thầy nghĩ, nếu mình trút áo nâu rồi, ít nhất có một người sẽ thôi say, khi mùa cưới đến. Ba tuổi, cả nhà chết vì chìm ghe, thầy lon ton vào chùa, theo sư bà Tư Huệ học đạo. Rồi sư bà buông tay lúc thầy vẫn còn lơ ngơ, không còn ai dắt thầy đi trên con đường đạo sâu thẳm. Nên gần bốn mươi năm sau thầy vẫn chưa đủ hạnh, cũng giận, cũng buồn. Giận vẫn chửi, có điều chửi chay, kiểu như rầy đám con nít hái trộm bông trang trong vườn chùa : “mấy đứa bây kiếp sau sẽ biến thành cỏ.. cứt heo”. Có lúc, hứng chí quá uống chút rượu, về tụng kinh sám hối suốt đêm, mà thầy bảo là “bù đắp cho hạnh bị hót mất một lổ”. Mấy bà già quen lối nghĩ người tu hành thường nghiêm trang, từ tốn, gặp thầy lần nào cũng buộc miệng rầy, “thầy chùa mà không nên nết”. Thầy cười xuề xòa, nhìn cái áo thì không biết được ai là bậc chân tu đâu.
         
Thầy chỉ cãi cố vậy thôi chứ không ám chỉ mình. Thầy vẫn phân vân, hay ngoái lại nẻo đời, vẫn loay hoay với ý nghĩ có những số phận mà trăm ngàn quyển kinh kệ cũng bó tay, không cứu chuộc được. Đó là lúc bông son rụng trụi cành, người ta nườm nượp cưới xin, cô say nhiều hơn, ghé chùa thường hơn, gục gặc bên mấy pho tượng Phật. Gã bạn thầy chỉ biết nhìn cô vơ vất, không biết nói gì, làm gì, bản thân gã chết rồi làm sao cứu được người chết khác.
         
Gã lao vào học Phật. Chùa cũng không còn mấy quyển kinh, gã thuộc mau, tụng niệm mê mỏi. Gã còn đòi xuống tóc. Thầy cười buồn, không còn tóc thì tâm vẫn chẳng an, có nghĩa gì đâu. Và để chứng minh điều đó, thầy cũng làm cái lễ xuống tóc nho nhỏ. Cô trông thấy cái đầu trọc bóng của gã, kêu “Ê! Sao ai cũng bỏ tui đi tu hết vậy?”, chới với như té cầu khỉ. Bữa sau, mở cửa thấy cô nằm bẹp trước sân, người vương vất sương, thầy nổi quạu, ôm mấy cuốn kinh quăng phẹp trước mặt gã, chửi mặn :
         
- Ông là thứ cỏ chỉ vô dụng. Tối ngày chỉ biết làm chuyện bá láp, may vô đất thì có ý nghĩa gì? Người ta té sông, ông đọc kinh sám hối thì tự dưng người ta nổi lên sao? Phải lấy tay mình kéo họ kìa, ông ơi.
         
Thầy nắm tay, dứ trước mặt gã, như níu lấy một cái gì đó, không rõ ràng. Gã lúi húi nhặt nhạnh, như nỗi khổ tâm đang rơi ra, lúc nhúc bò trên đất. Vì lời của thầy, vì màu da dưới áo cô nhiễm lạnh ngã tím, như bị dìm lâu trong nước. Khi cô tỉnh giấc, ra về, gã nói vói theo, “chừng nào buồn, lại rủ tôi uống rượu với”.
         
Cô hơi khựng lại, có lẽ giọng nói của gã rất khó nghe, nó đã quánh  đặc, đông thành khối trong lòng, từng từ rắn như đá, lục cục lăn qua đầu môi. Thầy nghe còn lạ, bấy lâu gã không nói với thầy bằng lời như vừa rồi, ngộ ở chỗ thầy lại thấu điều gã sợ, điều gã đau.
         
Mình cũng giỏi thiệt, nhiều khi nghĩ lại, thầy mắc cười. Gã đã chịu ngồi chơi với cô, đôi khi còn uống chút rượu. Dù mùi men rượu gạo của năm mười tám tuổi thốc lên làm gã sợ đến tê dại, đến mụ mẫm. Sau cơn chếnh choáng gã đầm đìa mồ hôi như vừa xông nồi lá thuốc. Người nhẹ hẫng, vì ngó vào lòng, thấy dục vọng trống không. Gã có thể nhìn thẳng vào cô, bàng hoàng vì trên gương mặt của cô gái chớm già đã xuất hiện những đốm tàn nhang. Cô nạt :
         
- Ê!?
         
“Ê” có nghĩa, “nhìn gì mà nhìn?” Mặt cô hơi đỏ, như máu đang mon men quay lại chảy trên những cái mạch đã cũ. Có gã giữ chai rượu, cô không còn cơ hội để say, bớt xơ xác. Kinh Phật không làm được điều này, nghĩ tới đó, gã hoang mang. Thầy ngó cái lưng của bạn, nghĩ, hình như gã đã ngộ ra được điều gì rồi.
         
Và điều đó hẳn rất quan trọng, lớn lao khi thầy thấy gã từ trốn chạy nhớn nhác chuyển qua chịu trận đương đầu. Gã thôi bỏ chạy khi có việc ngang qua bờ chuối cũ. Những tay chuối rối tung. Nơi đứa bé gái giãy khóc ằng ặc, đòi méc má trong bàn tay thô bạo cuống cuồng của gã. Gã chịu trận những ánh nhìn nghiệt ngã lúc theo thầy đến những đám tang, thức thâu đêm, giữ đều từng hồi trống, phụ gia chủ phần trà nước.
         
Giữa hai mùa son, gã đã dựng được cái hàng rào, tôn nền mộ của sư bà lên cao, trồng bốn luống mỏ quạ, thuộc được mấy bản kinh, cạo đầu một lần. Một lần được cô gái buồn nhất Thổ Sầu, đề nghị, “Anh cưới tui đi” sau khi chúc cạn chai rượu vào đất. “Không là tui chết đó”, cô giơ cái chai không dấm dứ thêm. Gã đứng chết trân.
         
Gã bỏ Thổ Sầu đi. Chuyện đi ở của gã như khúc củi mục linh đinh dưới sông, thầy đã cố vớt lên, nhưng rồi con nước dâng, củi lại trôi rồi. Gã cần thời gian để đương đầu với nỗi sợ khi bóc tách lớp áo của cô ra, sẽ hiện ra hình ảnh đứa bé gái gầy gò, tóc dài, mắt chong chong ngơ ngác trước sự tàn nhẫn của con người.
         
Chùa nhớ gã, sáp đèn cầy chảy ròng như nước mắt. Cô nhớ gã, ghé chùa dáo dác, “Đi luôn rồi hả? Không cưới tui thì thôi, mắc gì phải trốn đi?”. Thầy nhẹ nhàng nói, đừng lo. Tới nắng gã lại về.
         
Thầy đoán trúng. Chỉ không biết mình lại chơi vơi khi thấy đôi người ấy đi cạnh nhau trên con đường xóm, như hai con số 11, hai cây tre miễu lêu đêu, bóng soi xuống sông dài nhằng, vặn vẹo… Thầy chỉ không hiểu sao mình lại nghe rười rượi lúc nhìn khói bếp bọc lấy ngôi nhà nhỏ vừa dựng trên vườn cũ bên sông. Vì cái buồn vơ vẩn đó, thầy nghĩ chắc mình phải đi tu chùa xa quá.
Nguyễn Ngọc Tư