Mùi
long não trên người bà già xộc lên mũi tôi trong lúc giúp bà cài dây an toàn.
Bà hỏi mở cửa sổ được không, một câu hỏi khiến tôi phải bật cười, như ngay
trước đó bà hỏi trên này có nhà vệ sinh không hay là phải ghé dọc đường làm cái
chuyện không ai thay thế được. Chúng tôi đang ngồi trên chiếc máy bay sẽ cất
cánh trong giây lát nữa.
Ngay
từ khi bước chân lên khoang máy bay bà già đã than ngộp thở quá, kêu ca máy bay
mắc tiền mà hôi mủ (?!). Nếu không bị con cái ép đi máy bay một lần cho biết,
bà sẽ đi xe đò, loại xe cùi bắp để mở cửa cho gió vô, dễ ngủ. Ở nhà cũng vậy,
có thả cửa thì mới ngủ thả cửa được. Tôi thấy hơi mắc cười thầm nghĩ thói quen
này sẽ là thảm họa khi đi…tàu ngầm.
Ẩn
ức về chuyện kẹt trong những lốp kính dày không bao giờ được mở, dù hệ thống
điều hòa trên máy bay đã làm người ta so vai vì lạnh, bà già vẫn tiếp tục kể về
những cây sứ cùi, cây ngâu bên ngoài cửa sổ nhà mình, về hai cánh cửa gỗ bị mưa
nắng làm cho thâm sì nứt nẻ. Câu chuyện gợi lên một cơn nhớ lơ tơ mơ những cửa
sổ nhà ngoại hồi tôi còn ở đó. Cũng mở toang suốt, ngủ dậy trước nhất nhìn qua
khung cửa, thấy lấp ló một ngày. Những bữa mưa gió lớn buộc phải đóng cửa lại,
tôi thấy bức bối ngộp như sắp đứt hơi đến nơi rồi. Và qua cái cửa đêm đêm gió
đắp cho đứa trẻ tôi mùi của những cái nắp lu chầm bằng lá dừa nước đã lâu ngày
mục rã. Mùi rêu dậy trên những mảng tường tuổi gấp mấy lần tuổi tôi.
Người
quê không đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài dù cửa đóng then cài. Bởi những
cánh cửa lá sách ở gian nhà xưa dù đóng kín rồi vẫn len lỏi vào nhà một thứ khí
trời trong veo trong vắt, chỉ hít thở thôi đã nghe ngọt lịm rồi. Trăng và nắng
vẫn lọt sáng qua những khe lá. Dường như người và thiên nhiên không bị bứt rời
nhau.
Từ
bỏ quê về chợ không gặp lại cái không khí ấy nữa, tôi đã chặn mùi hoàng lan cồn
cào buổi chạng vạng bên ngoài cái cửa kiếng kín bưng, rồi thở bằng không
khí lạt lẻo lờ lợ phả ra từ máy điều hòa. Cũng đôi lần ngó ra ngoài nghĩ, nếu
mở cánh cửa, tỉ mẩn lọc cho kỹ, chắc trong mùi khói xe có mùi cỏ cháy, mùi cơm
khét bên nhà hàng xóm, hay hương đất tanh tanh sau mưa.
Vậy
thì những đụn mây trùng trùng như núi kia có mùi gì, cái tầng khí quyển âm mấy
chục độ này có mùi gì? Tôi sực nghĩ vậy khi nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay, khi
lướt qua chỗ bà già đang tuyệt vọng ngọ nguậy trong cái dây an toàn thít chặt,
tôi bất giác cũng có ý muốn mở cái cửa sổ này. Chỉ là tò mò thôi, không phải để
thở như bà già vẫn tưởng bất cứ cánh cửa nào mở ra đều cho người ta hít thở.
Và
lúc gió phi trường phả cơn nóng hầm hập đón hành khách chếnh choáng bước những
đầu tiên lên mặt đất, bà hít hà khoan khoái rút ra kết luận đi máy bay chỉ được
cái nhanh, còn lại chán, không có cảnh gì coi, mà lại ngộp muốn chết. Rồi bà
ngạc nhiên hỏi bây không thấy tù túng à?
Tôi
chỉ mất chưa đầy một giây cho việc trả lời không nhưng mất nhiều ngày sau để
thắc mắc, tại sao tôi không thấy ngột ngạt chút nào? Sao tôi không còn khao
khát nối kết với tự nhiên, không thèm muốn được thở những thứ khí trời bên
ngoài những cánh cửa, một thứ tự do mà bà cụ kia luôn khao khát?
Ai
đã làm gì tôi và tôi đã làm gì tôi, làm sao mà tôi không còn thường xuyên nhận
ra mình đang trong tù đọng, hít thở tù đọng, yêu và sống giữa bầu không khí tù
đọng?
Bên
ngoài những cánh cửa mà tôi thường tì mặt vào ngó mông lung, có lẽ chỉ cần mở
ra sẽ ngào ngạt hoa ngâu hoa lài…
Nguyễn Ngọc Tư
No comments:
Post a Comment