Người đó đến nhà và mang
bàn tay xoè ngửa trước mặt bà. Nghe nói cô Năm Nguyệt giỏi coi tay, vậy đọc
giùm thằng đàn em tôi vận số này. Anh ta vừa nói vừa giắt tiền quẻ lên đĩa trái
cây đặt ở bàn thờ Phật. Bắp tay xăm bò cạp của người đó săn cuộn khi cắm phập
cây dao nhỏ xuống mặt bàn gỗ, cán rung lật bật, như xiên qua bất cứ lời từ chối
nào. Cô bỏ nghề cũng đã lâu. Người ta không còn nườm nượp lui tới để hỏi coi
đời mình rủi hay may. Khách sáng nay bất chấp.
Cửa nhà vẫn mở, mưa xiên
li ti lên đôi dép xỏ ngón bẩn thỉu của khách, nhưng bà thầy bị cầm tù vào bàn
tay đang chìa ra kia. Bàn tay tái xanh và lạnh, từng ngón như sắp rã ra, bật
lên cái bớt đỏ trên cổ tay, như vết đứt mở miệng. Nó thôi miên bà, để mặc điện
thoại bàn kêu ré lên từng hồi rồi tắt lịm đi trong mòn mỏi. Chuông tạnh, nghe
có tiếng thằn lằn rơi phịch xuống.
- Lần nào coi tay cho
người ta cô cũng khóc như vầy sao. Cũng lạ à nghen. Bao nhiêu nước mắt cho đủ?
- Người đó cười khủng khỉnh, như đang coi một vở kịch vụng về - Thằng đàn em
tôi linh thiệt, nó nói thế nào cô Năm cũng khóc lóc.
Bà đã tìm kiếm, mong
được gặp lại từ những vị khách bước vào nhà mình một bàn tay giống hệt như vầy.
Cái bớt đỏ ở cổ tay, và lóng cuối cùng của ngón út bị gù do lần nọ bị đứt sâu,
bó bằng vải xé ra từ vạt áo cũ, không nẹp nên cong queo khi liền sẹo. Ngón trỏ
bà di theo những đường chỉ tay đứt quãng, nghe cái lạnh của bàn tay kia ngấu
vào người. Những vết chai trên ấy rắn đanh như đá. Không phải bàn tay của kẻ vẽ
tranh. Bà ước mình đoán sai. Không phải chủ nhân của bàn tay kia thuở nhỏ chịu
cảnh nghèo, nó muốn một hộp bút chì màu mà bị bà mẹ từ chối. Không phải người
ấy bị lạc mẹ hồi tám tuổi, chịu trôi nổi giữa đời.
Sao nó trở lại, bằng
cách này?!
Chẳng còn nhớ đây là bàn
tay thứ bao nhiêu được bà cầm lên săm soi để dò đoán cuộc đời của chủ nhân nó,
kể từ lúc bà lục lọi được trong tủ sách của ông nội mình bộ mười ba quyển Thuật
pháp nhân tướng học. Con bé mười sáu tuổi nhận ra mọi bộ phận trên cơ thể đều
biết nói, đều có ý nghĩa trong cuộc đời. Rủi hay may, suôn sẻ hay truân chuyên
đều hiện lên ở từng chi tiết nhỏ. Tóc nói mũi nói đuôi mày nói, vành tai nói,
nếu ta biết cách đọc. Bàn tay không chỉ để nắm tay mà phơi bày số mệnh. Ông nội
bà đã phạm sai lầm vì đã không đốt hết bộ sách ấy trước khi cháu gái mình trở
thành thầy bói lẫy lừng.
- Con ơi, để lộ cơ trời
thì trời có tha cho không?
Câu nói đó ông già nhắc
đi nhắc lại, nhưng bà đã để lọt qua tai kia bởi ngây ngất với cái quyền lực mà
mình đang có: một vị thánh ở giữa các cõi làm sứ giả của trời, đọc những dấu
hiệu giúp nhiều tín đồ mê mụ biết trước tương lai. Bất hạnh mà bà gặp trong đời
đều có lý do. Bà lấy phải một tay thợ mộc nghiện rượu vì không coi lấy chồng là
quan trọng, chỉ cần mượn giống để kiếm đứa con. Bà muộn con là do tinh trùng
của chồng xỉn hết, làm gì có thứ gì ngâm trong rượu mà còn sống. Bà nghèo bởi
mải mê làm phước giúp đời.
Một ngày bà về sụp lạy
trước mộ ông nội mình, nói con tin có trời rồi. Đứa con mà bà chắt chiu cầu
khẩn trước bao nhiêu đền đài bị lạc mất ở chợ Sương. Thằng bé giãy nảy đòi hộp
bút màu, một thứ không ăn được. Với bà hồi ấy, bất cứ gì không ăn được đều
không quan trọng. Nhà dột mới quan trọng. Chạy gạo bữa mai mới quan trọng. Vẽ
lên giấy những ảnh hình sặc sỡ thì có vẻ xa xỉ quá. Bà kệ nó ngồi bệt ăn vạ ở
một góc chợ, cho nó sợ. Tin rằng nếu mình quả quyết không ngoái lại, thằng nhỏ
sẽ ngoan ngoãn vì nỗi sợ hãi bị bỏ rơi. Trong lúc tìm một chỗ khuất để dõi theo
đứa bé, có người chặn lại nói cô Năm coi giùm tôi một quẻ. Mãi đi theo những
đường chỉ tay như mê lộ, lúc bà sực nhớ tới con thì nó không còn ở đó nữa.
Những người có mặt ở chợ
trưa ấy đều hỏi bà làm mẹ kiểu gì vậy, người chồng say xỉn cũng hỏi câu ấy
trong lúc giáng nắm đấm đánh gãy hai cái răng bà trước khi bỏ nhà đi. Điền
thông tin gửi các báo đăng trên mục tìm người, bà miêu tả tỉ mỉ chi tiết đặc
điểm của gương mặt, bàn tay, vị trí nốt ruồi trên người thằng bé vì đã thuộc
lòng ngay từ khi mới đẻ, nhưng vẫn tuyệt vọng vì không nhớ quần áo con mặc hôm
đó. Quần có thể ghi xám, nhưng cũng có thể nâu. Hoặc là ghi xám nhưng bị mưa
ướt nên ngã nâu. Áo kẻ trắng xanh, trên túi thêu một con gà con hoặc hai con
thỏ, hoặc là logo nhỏ của một đội bóng đá nổi tiếng nào đó. Chắc là vì những
chi tiết mù mờ mà những lời rao không có hồi đáp nào vọng lại.
Cái thứ bà nhớ nhất, là
chỉ tay của thằng nhỏ. Thứ đó toà báo không coi là thông tin được in. Bà tự huyễn
hoặc mình thêm lần nữa, bàn tay trở về sáng nay không phải bàn tay mình đã nắm
ở chợ Sương năm ấy. Nó có khổ rộng gấp ba, chi chít sẹo. Nó nói bà ơi tôi đã
chịu cơ cực lắm, từ hồi bà rời bỏ.
Trong tháng ngày bàn tay
này phiêu bạt, bà nắm những bàn tay khác và không chịu được cái ý nghĩ mình níu
người dưng đây mà buông bỏ máu thịt của mình, bà bỏ nghề. Nhưng không buông hy
vọng. Lần gần nhất khi gửi lời gọi con lên chương trình truyền hình Như chưa
từng xa cách, bà nhận được khá nhiều cuộc gọi đến nhà nói rằng có thể đã từng
nhìn thấy đứa trẻ kia. Rất lạ là thằng nhỏ theo như miêu tả hay nói mình không
có mẹ.
Chủ nhân của bàn tay mà
bà đang ngây dại rờ rẫm đây chắc cũng xem được chương trình ấy nên theo dấu bà
mà gửi tay về. Chắc cái vết cấn sâu trong trí nhớ ấu thơ của nó duy nhất chỉ
hình ảnh mẹ đã buông tay bỏ mặc mình ở góc chợ. Mẹ đi thẳng, không ngoái lại.
Bà thầy từng nghĩ nếu có
thể cải sửa cái hình ảnh sau cùng đó của mình – một bà mẹ nhẫn tâm – bà đổi
mạng cũng đành. Điều đó là không thể, bà thật sự tuyệt vọng. Mưa tạnh, có mấy
giọt nước rơi trên cúc áo người đàn bà. Tivi nhà hàng xóm đang phát bản tin các
băng nhóm tội ác thanh trừng nhau ở tận bệnh viện, một người bị mã tấu chặt đứt
tay trái, giá xăng tăng, một làng chài khoả thân biểu tình đòi lại những chiếc
tàu đánh cá bị bọn Lạ cướp mất. Người đó sốt ruột ngó lên vách. Bà không chắc
anh ta nhìn đồng hồ hay cái ảnh đen trắng chụp cận mặt một thằng bé sún răng
cười toe treo gần đấy. Bà không nhìn mặt khách một lần nào, biết chắc chắn
không phải nó.
- Đàn em tôi dặn hỏi kỹ,
nó hỏi có phải vào tù nhiều lần không, hay chỉ ở một lần dài cho tới chết ? À,
nó còn hỏi nếu chẳng may bị kêu án tử, thì nó sẽ bị bắn hay tiêm thuốc độc?
Sau mỗi câu hỏi, bà thầy
cảm giác mình vừa bị phạt một nhát. Rúm ró. Người đó khủng khỉnh cười, rút con
dao ra khỏi mặt bàn chảy máu, đi ra cửa, và nói ngoái vào “Cô Năm từ từ mà coi
cho kỹ, tôi đói rồi, chờ không nổi. À, đàn em tôi dặn cô cứ giữ, nó không cần
nữa. Lìa thì cũng đã lìa rồi, mạch máu chết nên không thể nối lại…”
Bàn tay vẫn còn nằm lại
trên mặt bàn trầy xước. Bàn tay để ngửa. Cụt đến nửa ống. Vô nghĩa biết bao một
bàn tay không còn cầm nắm được. Bà thầy bói già kêu con ơi, níu mãi bàn tay
xanh xao đó.
Nguyễn Ngọc Tư
No comments:
Post a Comment