Kết bạn với mình nhé!

Thursday, August 30, 2012

Bánh trái mùa xưa


Tết một lần, cùng hai lần đám giỗ, cậu lại ra nhà người anh cùng cha khác mẹ với mình. Lành như củ khoai, lành như đất, lành như một người kém trí, như cái tên Út Khờ. Đi lần nào cũng quên vài thứ, không quên mang dép thì cũng quên đội nón, nhưng có thứ cậu không bao giờ quên mang tới nhà anh chị cậu, là bánh. Giỗ này cậu đem bánh bột đậu, giỗ sau cậu góp cốm ngào đường, tết thường có bánh kẹp cuốn, bánh bông lan, bột đậu. Những thứ bánh trái quê mùa, nằm vơ vất trên bàn thờ, giữa những món đồ cúng đẹp đẽ khác. Vơ vất như thân phận của cậu: con riêng của ông nội với người đàn bà khác.
Anh chị và đám cháu không mê bánh nhà quê đó. Chỉ con nhỏ giúp việc nhà anh cậu là đón mừng nhiệt tình. Ăn một cái bánh nghe ngon nhức cả ký ức. Bánh của cậu gợi nhớ má nó đang nằm ho ở cái quê mị cà tha nào đó. Nó biết để có mớ bánh này, mợ (cũng hiền hậu thiệt thà y như cậu) đã phải nhồi bột đánh trứng từ hôm qua. Bột trứng dẻo nhẹo, cầm bàn chụp đánh mỏi nhừ tay, thì bột mới dậy, nở bung trong diệm, rồi được đem đi nướng. Than rực dưới đáy khuôn bánh, rải ủ đều trên cái nắp bằng gang nữa, cho hai mặt bánh vàng đều. Những mẻ bánh đầu hoặc khét quá hoặc chưa được vàng ươm như ý, mợ để lại nhà. Mớ bánh cậu mang đi phải là mớ bánh đẹp nhất, nuột nhất sau khi mợ trăn trở lửa trên lửa dưới. Mợ còn cắt giấy màu thành những sợi mảnh, rải vào keo bánh vừa để hút ẩm vừa trang trí cho đẹp.

Cậu mợ không biết rằng ra khỏi xóm làng rồi, vẻ đẹp ấy trở nên lạc lõng, bơ vơ. Chị dâu cậu thường càm ràm, đã nói đem bánh trái ra chi mắc công, có ai ăn đâu… Cậu hiền lắm, nói mười hiểu hai, cười cười, cúng ba má mà đi tay không, coi sao được chị.
Má con nhỏ giúp việc cũng thường nói vậy, khi lụi hụi chuẩn bị bột, nhân, lá để làm bánh này nọ đi cúng quảy ở nhà họ hàng. Cái hồi người ta chưa bán bột làm sẵn, má nó còn phải ngâm gạo nếp qua đêm, có khi ngâm với khóm cho gạo mau mềm, để xây làm bột. Làm bánh, nói gọn lỏn vậy mà có bao nhiêu chuyện lắt nhắt phải lo, đến nỗi tàu lá đem ra phơi nắng cho vừa héo để gói bánh, trẻ con cũng không phụ được, vì không biết cỡ nào mới vừa. Má nó lo toan hết. Chị em nó mười, mười hai tuổi đã được má dạy làm bánh, thành con gái rồi má nó vẫn lo “mấy đứa làm chưa khéo…”. Chị nó lấy chồng năm rồi, chuẩn bị cho đám gã, má nướng bánh bột đậu, bánh kẹp từ năm ngày trước.
Một cái đám ở quê thường được nhắc nhớ bởi những món ăn ngon. Bây giờ người ta vẫn nhắc món bánh bò bông má nó làm hôm gã chị. Mịn và xốp, và những múi bánh như cánh hoa nở đều đặn, tươi tắn. Làm ra một món ăn ngon, hay một cái bánh ngon, thì đến lửa nhỏ lửa lớn mình cũng phải chăm chút nữa. Má con nhỏ giúp việc không nói vậy, nhưng nó tự học từ cái cách bà nắn nót rút bớt cây củi ra khỏi bếp, hoặc thêm vào mấy cục than.
Hồi đó, mỗi lần má con nhỏ làm bánh là cả một cuộc hội hè. Ngoài những thứ bánh được gọi là sang chỉ có ở những giỗ, Chạp, hay dịp tảo mộ, còn có những tiệc tùng đơn sơ hơn, ít tốn kém hơn, mà vẫn thấm đẫm hương vị. Xay lá mơ tam thể với bột, đắp vào lá mít hấp lên chan nước cốt dừa, vậy là con nhỏ được ăn bánh rau mơ. Bột trắng cán bằng chai, xong xắt sợi thả vào xoong nước đường, bột chín nổi lên mặt nước vậy là thành bánh canh ngọt cho đám nhỏ sì sụp. Hôm nào có cá lóc thì má nó nấu bánh canh mặn. Rồi thì bánh chuối hấp, chuối chiên, bánh cam nhân đậu… Bột bánh ít thừa ra từ lần làm bánh trước, má nó đem treo giàn bếp, hôm nào mưa dầm bà đem chiên lên, chị em nó lại được gặm món bánh tổ nóng hổi.
Con nhỏ giúp việc, lần đầu tới nhà chủ, nó khoe nó biết làm nhiều loại bánh, kể cả mấy loại bánh ngon hết xảy như kẹp cuốn, tai yến, tàng ong… tất nhiên là không ngon bằng má nó làm. Nhưng bà chủ phủi đi, nhà bà không làm bánh bao giờ, muốn thì bước ra cửa, thiếu cha gì món ngon, ì ạch làm gì cực thân. Bà cũng từng nói với thằng em chồng khờ khạo của mình câu đó.
Và cậu Út hiền lắm, nói mười hiểu ba, lại nhoẻn cười bảo, nhưng vui lắm, chị.
Con nhỏ giúp việc cũng từng nghe câu nói đó từ người mẹ của mình. Cực mà vui. Chỉ là không biết giải thích làm sao với người khác niềm vui sướng khi lấy từ khuôn gang nóng rực ra những cái bánh thơm lừng, ngui ngút khói. Mẻ bánh đầu đời đó, con nhỏ vẫn còn nhớ, những hạt đậu phộng rang nó ấn vào giữa cái bánh như một nhụy hoa, nhưng bánh nướng xong thì đậu rơi mất, bánh bột đậu trở thành bánh bột. Má nó nói phải học từ chuyện nhỏ xíu vậy, mới làm được cái bánh vừa đẹp vừa ngon.
Ta chỉ cần ví cảm giác đó với cảm giác cô nghệ sỹ múa ba lê vừa hoàn thành một cú xoay khó. Kinh điển, với chỉ chừng ấy động tác, nhưng từ đời này sang đời khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, người nghệ sỹ vẫn đổ mồ hôi để cố hoàn thiện nó. Nhưng cậu hiền đến ngớ ngẩn, nên chỉ có thể nói cực mà vui, để nhận được từ con nhỏ giúp việc một cái gật đầu đồng tình, đúng đó, vui. Người chợ thì nhăn mặt ngán ngẩm, nói gần nói xa mà không dẹp được vụ bánh trái quê mùa này.
Cũng phải, dẹp cả một nền văn hóa thảo thơm đồng bãi, đâu có dễ… 

Nguyễn Ngọc Tư

Chuyện nhỏ dọc đường


Khi ấy thì luận văn mà thầy hướng dẫn xong lâu rồi, và em đang chờ việc. Khi ấy thầy đã đưa em đi nhiều chỗ, những phố xá phẳng phiu tẻ nhạt, những cánh rừng cao su dày dày tầng lá, những bãi biển nhàu nhĩ rác và người. Rồi thầy bỗng hỏi có muốn đi chơi xa không, em tê dại gật đầu mà không thèm suy nghĩ tẹo nào, lỡ thầy đổi ý gọi con nhỏ khác trong số mấy chục đứa đang mê thầy, thì uổng. Em còn chưa biết thầy muốn lái xe gần bốn trăm cây số đến một thị trấn rừng nào đó nằm rìa biên giới, mà chỉ ngó bản đồ thôi đã thấy cheo leo rồi.
Em còn chưa biết chỗ đó có khách sạn nào tử tế không. Ý nghĩ đó xuất hiện liên tục suốt đường đi làm em thấy mình hơi trơ trẽn. Luôn có chữ “khách sạn” hoặc “giường” xuất hiện khi em nghĩ về thầy, và sau đó thì một cơn nóng sốt chạy qua da thịt làm những sợi lông măng dựng đứng. Bất chấp thầy là thánh của em, thánh không gắn liền với thứ trần tục như giường, nhưng không sao dừng được kiểu liên tưởng kỳ cục đó.

Cũng như em chẳng thể dừng được cảm giác nhột rờn rờn khắp người khi nhìn bộ râu Clark Gable tỉa  khéo của thầy, vẫn như ngửi thấy mùi cà phê sữa thơm tho vương trên đó. Nhớ chúng rục rịch bò lên da cổ khi thầy hỏi sao em mê thầy, hỏi chỉ để nghe em thổn thức, trong khi thầy quá biết là tại sao. Thầy được tôn thờ không chỉ thầy là thầy, là người hướng dẫn làm những luận án về văn hóa dân gian, sức hút của thầy vượt lên những kiến thức mà thầy có. Vẻ điển trai, phong độ như tài tử điện ảnh. Thẳng thớm, phớt lạnh như tượng đài. Quyến rũ lìm lịm như một thứ trái cây chín trĩu lủng lỉu ở trên cây. Tất cả những điều đó, soi vào mắt đàn bà, nhất là đám nghiên cứu sinh, thầy thấy hết. Tụi nhỏ chẳng còn giữ được chút tỉnh táo nào khi đứng trước thầy, và khi bàn tay mềm ấm kia chạm vào người chúng, không đứa nào là không tan ra.
Em tan nhiều rồi, những đầu ngón tay thầy đang gõ nhịp trên đùi em theo giai điệu của một bản nhạc réo rắt trong xe, hứa hẹn những cuộc tan chảy mới. Ôi một thị trấn miền rừng hoang dã, khách sạn ọp ẹp, giường đầy rệp và hăng hăng mùi ẩm mốc, trên vách tường vôi cũ mèm hẳn có treo cái tranh hai con chim đang châu mỏ, và quạt thì rên như một đứa con nít bị nhức răng…
Em thử hình dung quang cảnh ở đó trong lúc thầy lái xe một tay và hân hoan huýt sáo. Tay kia mơn lên hỏm cổ em, thầy nói nắng đẹp chưa kìa, cưng ! Nhưng em xuất thân nhà quê, từ nhỏ đã biết nhìn trời, thấy nắng thiu thỉu kiểu này chắc chắn chút nữa sẽ mưa. Và mây đen đang núp đâu đó ở dãy đồi chạy dọc theo con đường hiu quạnh bất ngờ nhảy xổ ra ở một khúc quanh nào đó.
Những trò trốn tìm luôn xảy ra trên những con đường đèo dốc quanh quanh kiểu này. Vạt hoa biến mất rồi bất ngờ xuất hiện trở lại vàng dằng dặc. Bầy bướm bỗng dưng chìm vào cánh rừng thưa rồi bỗng dưng hiện ra đông như vãi, đến hoang mang cả tay lái. Đang cây lá rậm rịt bỗng một ngọn đồi trọc đập vào mắt. Và đang vắng ngắt thì bỗng có mấy anh cảnh sát giao thông đứng lấp ló dưới vòm cây hoa đỏ.
Phượng sót. Hoa như cái biển cảnh báo đỏ chót khiến xe đang bon bon ngon trớn phải sần sật dừng lại. Ôi vậy à, thầy vỗ trán kêu lên với anh cảnh sát mặt đen mắt trắng, quá tốc độ sao ? Người gì mà đến vỗ trán sững sốt cũng đầy duyên dáng, em ngây ra ngó thầy, sợ chớp mắt thì sẽ bỏ lỡ những cử chỉ đáng yêu kia.
Nên em thấy thầy hơi tái mặt khi những tờ giấy bạc thầy dúi vào tay anh cảnh sát bị thẳng thừng trả lại, biên bản phạt lại thò thêm một dòng “có hành vi hối lộ người thi hành công vụ”. Cái tư thế đĩnh đạc của thầy như một thân cây chuối bị chém bằng cây dao lụt, không đứt nhưng oằn. Xe chắc chắn bị giữ, và tròn tháng sau thầy phải ngồi xe đò đi mấy trăm cây số quay trở lại đây để nộp phạt. Nghĩ thôi đã nhiêu khê. Chưa kể chuyến du hí miền biên ải sẽ bị hoãn lại. Tiền không thông, thầy chìa ra bao nhiêu nài nỉ, tay thầy như chắp lại một cách vô thức, lưng thầy bắt đầu cong và đầu gối thì chùng. Mấy anh cảnh sát rừng vẫn im như tượng. Người miền rừng ngộ thiệt, không xúc động khi nhìn thấy tiền. Thầy bắt đầu tìm kiếm hy vọng từ những cú điện thoại, mong thoát khỏi chỗ đó từ những mối quan hệ như anh nuôi của thím, dượng rễ của chị dâu, sui gia của dì vợ…, những người mà thầy từng bâng quơ nghe nói có một chút chức sắc ở vùng này. Hình như cuộc gọi nào cũng nhận được câu chưng hửng, “Ủa, rồi anh làm gì mị trên đó, đi với ai ?”. Dĩ nhiên là thầy không đi với em đâu, mà “với mấy đồng nghiệp cùng khoa”.
Những tín hiệu cầu cứu nháo nhác gởi lên trời. Em đã bị thầy đưa mắt đẩy đi từ lúc mới xuống xe, giờ dạt vô gốc cây, đi lại tha thẩn, áy náy khi thấy râu thầy chảy xuống, giật mình khi thầy tung một cú đá sốt ruột vào chắn trước. Và khi mấy anh cảnh sát dửng dưng bỏ mọi người ở đấy để đi vào thị trấn ăn cơm trưa, thầy ngồi phịch xuống cỏ như một thằng cha đánh xe bò bị mất bò, như phù thủy mất chổi, như chim rụng cánh.
Cũng đành. Em tìm kiếm một điều gì đó ở thầy vừa bị rơi mất. Thầy thì ngóng đợi mà chẳng biết chờ cái gì ở những miền mây đen bắt đầu giăng giăng.
Cơn mưa lúc xế trưa mang lại một phép màu. Một cuộc gọi chẳng biết xuất phát từ nơi nào, anh cảnh sát vừa vâng dạ vừa đưa mắt nhìn thầy, sau đó chìa ra giấy tờ xe, vỗ vai bảo đi. Thầy líu ríu níu chặt lấy nắm giấy, khóm róm nói biết ơn lắm lắm.
Xe chui vô mưa. Bản “Sonata ánh trăng” lại vẳng lên nối lại chỗ bị đứt rời lúc sáng. Bốn giờ đồng hồ trước nó dìu dặt vậy, giờ lại giống con chim bay lạc, đập cánh loạng choạng vào những tấm kính xe. Thầy nín thít. Em cũng không biết nói gì, cố nắm bắt một mối nào để nối lại cái gì đó đã đứt. Mưa dội xuống, vỡ ra ròng ròng trên kính. Thầy vặn nhạc nhỏ lại, rồi nhỏ nữa, rồi hậm hực tắt luôn. Cảm giác con chim lạc bị một bàn tay bóp chết lịm, không kịp kêu. Im lặng bắt đầu dâng lên tận nóc xe, em thấy ngộp.
- Xuống đi.
Thầy bảo. Sau cú dừng xe đột ngột. Sau cái ý nghĩ về chuyện đón xe đò bỗng lướt qua đầu em. Sau quãng im lặng đông cứng. Em lếch thếch xuống, dù thầy không nói gì thêm, nhưng không hiểu sao em biết mình đã bị bỏ lại rồi, cho dù thầy có quay xe lại thì cũng để đưa cho em cái ba lô quên trên ấy.
Thầy đã chẳng nhìn em lần nào, từ lúc bị kẹt lại dưới những chùm phượng sót.    

Nguyễn Ngọc Tư

Kịch ở làng


Bà má nghe tức ngực từ lúc tiếng loa rao dặt dìu từ dưới sông vẳng lên nhà. Gió vặn cái tin hội chợ về xóm Củi vẹo thành nhiều khúc, nghe chữ gần chữ xa. Tự dưng từng cơn ho xếp hàng dọc chen đùn lên căng ứ trong cổ họng bà. Nhàn nấu cơm sớm để bà má ăn dằn bụng trước khi uống thuốc, nghe tiếng ho trên nhà ruột chị teo mấy đoạn. 
Hội chợ ở lại chỉ hai ngày. Anh nói trên điện thoại rằng lần này quay lại xóm Củi chỉ vì Nhàn. Nghe cái giọng mỏi mòn, nhuốm một chút vô vọng, “hội chợ đã đáo đi đáo lại cái xóm đó bảy lần rồi, tụi con nít ớn rồi...”  
Ghe hội chợ cặm ở đầu rạch Bà Chiếc, gần một sân bóng nhỏ. Lần đầu hội chợ về đó, đám nhỏ nôn nao gần như không thể nuốt nổi cơm. Hội chợ khuấy đảo dải xóm bởi tiếng rao giòn không kịp thở vẳng lên từ mấy gian hàng có trò hơn thua như ném vòng vào lon nước ngọt, ném bóng qua ô, lô tô; những bài hát trẻ con đã nhão nói về cái sự thương nhau của cả nhà phát ra hết cỡ từ mấy cái đu quay ngựa xanh thỏ đỏ… Ở xa sẽ nghe một bài hát hỗn loạn rằng “cờ ra con mấy, tóc bà trắng bà trắng như mây, ném vô vòng trúng gói mì tôm, không ném vô vòng em để chàng ôm…”.  

Nhàn quá tuổi con nít ham chơi, nhưng hội chợ áp vào cô ngay từ ngày đầu. Mắt ấm, cái cười ấm.  
- Bọn này là ai ấy hả? Nửa sơn đông nửa gánh hát nửa lừa gạt gái nhà quê. 
Người đàn ông ấy cười khi tới nhà Nhàn mua vài cây tre để cặm lều. Và hỏi tiếp, cô có dám theo theo tôi không? 
Sau này, câu ấy lặp đi lặp lại nhưng càng ngày lưỡi người nọ càng đuối đi, dịch vị nài nỉ làm cho từng chữ rã rời. 
Anh nói Nhàn ơi theo anh đi.          
Nhàn nói vú sữa chín đầy cây nên phải hái 
Anh nói sống vì mình trước hết.
Nhàn nói chanh giấy cũng sắp tới mùa 
Anh nói chờ cho tới chừng nào? 
Nhàn nói bà má đang đau.  
Phổi của bà già nhạy cảm kỳ lạ. Nó hay càu nhàu sưng sỉa vì những thứ tưởng chẳng liên quan gì đến việc hít thở, như người ta vẫn hay hào hển vì nắng mưa đột ngột, độ ẩm không khí cao. Nó khò khè vì tiếng chuông leng keng của anh cà rem mỗi khi ghé qua nhà xin nước uống, nó ho hen vì mùi mồ hôi ngai ngái của anh trưởng ấp đến bảo treo cờ vào dịp lễ, nó quăng quật bà già sáu mươi chín tuổi chỉ vì những tiếng thở dài của con đàn bà son trẻ thảng hoặc vẳng lại sàn nước bên hè. Lần sửa lại nhà dưới, bà già ho gần một tháng, không biết vì mùi lá mục ẩm ướt vừa giở ra, hay mùi dăm bào xước lên từ những thân cây đã ngâm trong nước lâu ngày giờ được vớt lên làm kèo, cột. Bà má ho cặm đầu, Nhàn cũng rầu nên không cười khi một anh thợ mộc ngẩn ngơ bảo tối qua anh thấy em gội tóc trong chiêm bao.  
- Cái thằng mặt mũi sáng sủa, bây thấy được thì cứ bước tới…  
Bà già xúi. Nhàn cười, biết câu sau đây của bà sẽ là “đàn bà có thì, đừng để lỡ. Thằng Tường không biết còn mất, hơi sức đâu mà chờ...”.  
Tường, thằng đàn ông duy nhất của nhà này đã khăn gói đi rằm tháng Giêng năm trước của ba năm trước[*] Nhàn chưa kịp quen với tiếng ngáy của anh ta, chưa kịp biết trên người có bao nhiêu nốt ruồi, và Tường cũng chưa kịp cấy vào bụng Nhàn một con lăng quăng biết biến thành đứa trẻ con biết khóc. Số phận Tường lúc đầu còn lờ lững theo những tin đồn, ai đó nói gặp Tường đập đá ở núi Sam, ai đó nói gặp một người giống Tường hay ôm gà đá ở chợ Thủ, ai đó nói Tường theo ghe biển làm ngư phủ, mất tích ngoài khơi sau mấy bữa giông bão tơi bời. Sau thì không nghe tăm tích. Cái tên Tường như chìm trong một dãi sương mù, mờ dần trên môi hai người đàn bà mòn mỏi. 
- Sống chết gì thì má cũng coi như không còn nó… - Bà má tuyên bố chắc nụi hôm đám giỗ chồng, với niềm tuyệt vọng vì đến giỗ cha mà thằng con cũng không thấy đâu - Bây thấy có đám nào được thì ưng cho rồi.      
Chuyện bà già xúi con dâu đi lấy chồng khác, cả xóm biết. Chuyện bà làm mọi cách để chứng minh có thể sống một mình được, Nhàn biết. Bà bửa củi, xỏ kim, tự đánh gió mỗi khi cảm cúm. Trong cái dáng bà bưng thúng gạo è è nhấc chân qua ngạch cửa là một lời tuyên bố dõng dạc, bà già này còn khỏe lắm. Có lảo đảo làm rơi thúng chẳng qua là “trơn quá nên vuột tay”. Củi để lại dằm trên tay mưng mủ thì “sơ sẩy chút thôi, mai mốt lại lành”, và luồn chỉ qua kim có hơi trầy trật hàng giờ chẳng qua “mắt không tỏ vì bụi vướng vô”. Chứng minh cho việc xoay xở lấy là chuyện nhỏ, bà già lấy thuốc nhỏ mắt, không may cầm nhầm chai dầu mù u.  
Nhưng đây không phải là câu chuyện nghĩa tình dù bà mẹ chồng hay xua cô con dâu đi, “Luẩn quẩn với má hoài thì con chết già...”, dù chiều ấy bà kêu Nhàn ăn cơm xong bây cứ ra hội chợ chơi, kệ má, ho hen chút đỉnh nhằm nhò gì… Giọng bà quả quyết như thể mấy viên thuốc đã xử lý gọn cái phổi cau có kia. Mà thật, cơn ho bỗng dưng dịu lại.         
Nhàn ngờ là bà má cố nhịn, quả thật, khi Nhàn qua khỏi cái miếu thổ thần ở góc đất, những tràng ho mới bục ra. Bà tưởng Nhàn đã đi xa nên ho cho đã.  
Lúc Nhàn về vẫn chưa khuya lắm. Tiếng ho của bà má nhòe lẫn trong những âm thanh náo động của hội chợ, gió và bóng tối làm Nhàn bị ảo giác mình vẫn chưa đi đến cuộc hẹn hò, đâu đó vẫn có người đang đợi. Chỉ cọng rơm vướng trên cổ áo, những tê mê giữa hai ngón chân cái nhắc Nhàn những cú ôm sâu đã từng có, đã từng trôi qua. Anh nói không quay lại nữa, nhưng Nhàn có thể tìm anh nếu muốn, miễn là đừng lâu quá.  
Nhàn nói dạo này má yếu nhiều, có bữa đi xuống bếp mà phải vịn lần vách, tưởng Nhàn không thấy. Bà già đó giờ đang cố nín ho khi nghe tiếng chân con dâu lẹp xẹp qua cửa nhà. 
Cách một vách buồng, Nhàn không nghe được bà già thở hắt ra, nhẹ cả người. Có cái mánh nhỏ đem ra xài hoài mà vẫn giữ con nhỏ ở lại với mình. Đối phó với những người tử tế, sao mà dễ.  
Mai lại ho bữa nữa, vì hội chợ chưa nhổ sào.

Nguyễn Ngọc Tư

Trong mùa mặt rụng


Họ nói ở đây không có Mỹ Xuyên nào, Mèo Ngố lại càng không, chỉ có Lolita, Juliet, Esmeralda, Mecghi… Anh chỉ cái cô đứng ở góc kia, chỗ bàn nhậu bốn người hói đầu đó đó. Họ gật gù, à, chắc anh đang nói tới Carmen. Nhưng gái đấy đang phải trực phục vụ bàn ấy rồi. Hay là chúng tôi gọi Scarlett  O’hara cho anh, cũng trạc tuổi ấy, đẹp và khéo chiều lắm.

Không, anh chỉ muốn gọi Carmen. Đứa con gái mặc cái áo cổ trễ, khuôn ngực phồng lên như muốn chui khỏi lớp vải chật căng, như bưng ra đặt trước mặt tụi đàn ông nheo nhóc. Tóc nó bới cao để lộ cái cổ ngẳng ngọt ngào. Mặt tô lên một lớp phấn dày son đỏ như môi đang cháy, khi con nhỏ vòng qua để xoa vai cho một gã khách, anh nghe lửa tạt qua mặt mình vì cái váy quá ngắn kia không thấm tháp vào đâu so với đôi chân mảnh khảnh dài.

Chính những đôi chân cao và cổ muốt đã làm cho Hồng Hạc nổi tiếng. Quán bài trí lòe loẹt, món ăn không đặc sắc, rớ tới gì cũng đắt đỏ, nhưng những cô gái phục vụ bàn thì trẻ đẹp không chê được. Bữa nhậu ở đây luôn là hội hè của những rảnh sâu mà đám đàn ông ai cũng biết là chúng sẽ dẫn về đâu đó đâu đó đâu đó đâu đó đâu đó...

Nhưng anh tới Hồng Hạc chỉ vì Carmen, mà mười chín năm qua anh hay gọi là Mèo Còi, Mèo Ngố. Nó kia, nhơ nhởn phớt lờ, không có vẻ gì để ý tới anh. Định bụng sẽ chờ nó trong một sự nhã nhặn mót máy được suốt mấy chục năm làm thư ký tòa dân sự, nhưng khi con nhỏ ngồi lên đùi gã duy nhất còn tóc ở bàn nhậu bên kia thì anh nhịn hết nổi, lồng lên xáp lại lôi xểnh nó ra đường. Cả quán nhao lên. Vài gã bảo vệ định sấn vào, nhưng con nhỏ đã ra hiệu nó tự lo được.

Về, về mau, hư trời ơi hư thân tới nước này. Anh lắp bắp, từ ngữ nghẽn ở chỗ cổ họng bỗng phun xối xả như vỡ đập. Sau mỗi gầm ghè cổ tay con nhỏ lại bị xiết chặt hơn một chút. Thấp thoáng những cái quay đầu tò mò từ dòng xe cuồn cuộn cắt chéo qua ngã tư Hạnh Phước. Hoặc vì váy áo của Carmen nổi bật quá, hoặc vì anh lôi xểnh đi nom cục súc thô lỗ khó coi.

Sau này anh nhớ cái cảnh mình kéo con nhỏ đi như kéo một con trâu chứng và nói với nó đây đâu phải là gương mặt mày, có cảm giác chữ mày mới làm xương cổ tay nó nát vụn. Con nhỏ không dục dặc trì níu lại nữa, nó nói nhỏ nhẹ trong khi bàn tay nắm của anh bắt đầu có cảm giác lỏng ra, trơn chuội.

- Ông nghĩ mặt nào mới là mặt của tôi?

Anh nheo mắt vì chiếc xe hơi quanh qua cua pha chói ngang tầm nhìn. Khoảnh khắc đó anh nhìn thấy một đứa bé con gầy cắt tóc búp bê, mũi dãi chảy lòng thòng đứng dán vào cửa lớp mầm non để chờ anh tới đón. Một con bé bịu xịu, mắt đầy nước ngồi mãi bên cạnh chó con kêu thảm vì nhớ mẹ. Một con nhỏ chừng mười bốn tuổi đen nhẻm tóc buộc nhỏng mặt đầm đìa mồ hôi lả vào tay anh ngay sau vạch đích một cuộc chạy việt dã. Một con nhỏ hơ hãi méc ba ơi có thằng lớp bên cứ viết thơ nói nhớ con hoài. Con nhỏ ấy chào đón tuổi mười bảy của mình bằng một công việc làm thêm: đứng ở ngã tư phát tờ rơi “để kiếm tiền mua đồ đẹp bằng chính sức của mình”. Mặt che kín bởi cái khẩu trang chống bụi, con nhỏ gần như chỉ lộ mỗi cái trán dồ ương bướng, nhưng rạo rực vì những trải nghiệm mới. “Nếu ai cũng đều che mặt lại, thì làm sao để nhận ra  nhau  ?”, nó hỏi, sau lần chìa tờ rơi cho anh mà ba nó hoàn toàn không hay đây là con gái của mình. Có bữa nó thử ghẹo một ông trung niên lạ hoắc, kêu “sao anh nói là anh chết vợ?”. “Bà vợ ổng nghiến răng trèo trẹo và nhéo hông ông chồng khi đèn đỏ còn chưa chuyển sang xanh”, con nhỏ kể lại, cười toe khoái chí. Nắng gió ngoài đường đã làm phai mất những đường gân xanh trên gương mặt mộc của nó. Một bữa khi đứng ở ngã ba phát quãng cáo cho một đại nhạc hội, nó đã nhìn thấy thằng bồ mình thắm thiết cùng với cô gái khác. Con nhỏ về vùi mình vào đống chăn gối khóc như mưa bấc, bảo không tin vào đàn ông nữa. Anh nhớ mình đã cười xòa bảo, ôi trời, “đừng quơ đũa cả nắm, ba đâu  phải loại đó…”. Con bé thừa nhận, đúng rồi, ba không giống họ… Vài vì sao lại nhảy nhót trong mắt nó.

Giờ những ngọn đèn đường, đèn pha của xe cộ lũ lượt qua ngã tư Hạnh Phước cũng không thắp nổi trong mắt con nhỏ một tí ánh sáng nào. Cái ánh sáng bên trong đã mất, mắt sâu và tối hun hút. Trong một khoảnh khắc anh biết không thể mang những gương mặt trong veo kia trở về, không gương mặt nào mà anh từng biết hợp với nhân dáng đàn bà chín rục này, váy áo mời mọc này. Anh hơi tuyệt vọng, nhưng vẫn nắm tay nó. Cứ sợ bỏ ra lần này là vĩnh viễn mất.

- Về đi, coi như ba năn nỉ…

Con bé cười khẩy, mặt mũi chua chát. Anh thấy rõ ràng là mắt nó hướng về mình, nhưng ánh nhìn lại xuyên thấu mênh mang như không gặp rào cản nào từ gương mặt của anh (lởm chởm râu ria, tái dại đi vì lo lắng và tức giận) đang chắn ở đó.

Cái nhìn xuất hiện lần đầu vào tối hai mươi ba tháng mười hai, cả xóm người ta mở nhạc giáng sinh, các cửa hiệu trang hoàng rực rỡ. Con nhỏ thức khuya đợi anh ngoài cỗng khi, lầm lì hỏi ba để mặt rớt ở đâu rồi, con không thấy? Anh sững sờ không biết mình phải nói gì với nó, những câu đã sắp sẵn trên đường về, dùng từ nào cho hợp, phải tránh né từ nào… tất cả chúng đã mọc cánh bay đi. Anh vẫn thấy mặt mình khi đi ngang qua tấm kiếng trên cánh cửa tủ, và chị vợ anh dù ngái ngủ vẫn hỏi nhậu về sao thấy buồn xo vậy? Chó Tiểu Phù xoay tròn khuấy đuôi mừng, và sáng hôm sau khi tới gần chuồng chim cu gáy nó vẫn gục gặc gáy chào. Riêng có đứa con gái nghĩ anh không còn mặt nữa.

Chỉ còn đâu đây cái thân người dềnh dàng của anh mà mỗi sáng đứa con gái phải lách qua nếu muốn đi vào bếp. Nhà hẹp, đôi khi vẫn còn những va chạm để anh tin rằng mình vẫn còn một phần cơ thể. Chỉ mặt là vô tăm tích. Con nhỏ không còn ríu ran ba ba con con. Mái tóc dài mà anh rất ưa nó đã xén trụi đi, ống quần jean cũng bị xén lửng lơ trên  đầu gối, và công cuộc xén bắt đầu lân la đến áo. Dắt xe ra cửa nó chỉ chào thưa mẹ con đi. Nó không nhìn anh, nếu có thì ánh nhìn xa như anh đang tàng hình, cuối điểm nhìn là đâu đó sau gáy anh. Tấm hình cả nhà chụp chung trước vẫn đặt trên bàn học giờ úp mặt trong xó tủ, chung với những món đồ mà anh đã tự tay mua cho con nhỏ. Lá rụng nghẹt ống nước máng xối, tự nó trèo lên thông dù anh cũng đang quanh quẩn trong nhà. Trong vốn liếng ngôn ngữ tiếng Việt lẫn tiếng Anh học ở trường lẫn tiếng Nam Hàn học trong phim nhiều tập của con nhỏ bay mất chữ ba, hay papa hay appa.

Thỉnh thoảng nghe một giọng nói lanh lảnh cất lên từ nhà ngoài “ông lão ơi, cái quần cộc của ông rách rồi, “lù coi” cho coi”, “Ngố mua cái bàn chải đánh răng mới rồi đó, màu xanh dương, ông lão nhớ lấy xài nghen…”, anh biết mình vừa ảo giác. Một thứ ảo giác khiến người ta muốn rơi nước mắt, muốn cầm giữ mãi, muốn chìm vào đó.

Vợ anh hỏi hai cha con có chuyện gì, mặt dúi dụi vào cuốn giáo án năm nào cũng ngồi chép đi chép lại. Chị bận rộn vật lộn với đám học trò, với những cơn hen cấp từ trước khi sinh, không hay gần gũi với con bé vì hay mệt. Nhưng chị cũng nhận thấy không khí trong nhà sánh đặc. Anh cố cười bảo có chuyện gì đâu, cố nhớ lần gần nhất vợ nhìn thẳng vào mặt mình là lúc nào. Có phải chị cũng nghĩ là anh đã đánh rơi mất mặt? Chị, chó Tiểu Phù và chim cu gáy có phải chỉ nhận ra anh bằng mùi, hơi thở, dáng điệu, thân người…

Có thể mặt mình mất thật rồi, tự dưng anh nghĩ vậy. Con gái ít nhiều đã thuyết phục được anh. Nó ngày mỗi vắng. Thấp thỏm với một tâm can bị phơi bày, anh cũng tránh đụng mặt nó. Tối qua vợ anh hớt hãi nói Mèo ngố ba bữa rày không thấy đâu. Mọi khi nó có đi làm thêm thì tối vẫn về nhà ngủ chớ. Chị sẽ lên cơn suyễn cấp nếu biết anh vừa mới tìm thấy nó, đã nắm được nó và rồi lại lỏng tay ra. “Sao ba không đi tìm mặt của mình, trước hết?”, nó nói trước khi trở gót.

Trên đường về anh ghé qua một căn nhà trọ ở trong hẻm Lò Tương. Một người phụ nữ khi mở cửa cho anh đã không giấu được chán chường, “đã nói mặt mày ủ ê thì đừng có ghé đây mà”. Anh không trả lời, lặng lẽ vén mùng vùi mặt vào bụng thằng bé con đang ngủ. Nó càu nhàu trở mình, quắp con gấu bông quay vô vách. Con gấu này là quà anh tặng cho thằng bé vào dịp Noel trước. Hôm đó ông già Noel lắc chuông giao quà tận nhà, bộ râu giả che nửa mặt, bụng độn to khệnh khạng, nhưng ông già không chúc thằng nhỏ ngoan, học giỏi mà cứ đứng đực ra nhìn cha con anh rồi bỏ đi một nước. Anh lạnh người nhận ra đôi mắt của ông già Noel sao mà quen, và tiếng chiếc xe máy cà tàng đó, hình như ngày nào cũng nổ giòn trước cỗng nhà anh, sau cuộn khói có một tiếng nói lanh lảnh, “ông lão ơi đóng cỗng giùm con…”.

Anh dáo dác nhìn quanh căn phòng mà trước đây anh thường đến ở vào giờ nghỉ trưa, cả khi thằng bé kia chưa ra đời. Gương mặt anh đã bị rơi trong căn phòng này vào cái đêm Noel ấy. Thỉnh thoảng anh lại nhìn thấy nó nằm chỏng chơ trên đất, nhưng chạm tay vào chỉ là những vụn bụi.

Nguyễn Ngọc Tư

Coi tay vào sáng mưa


Người đó đến nhà và mang bàn tay xòe ngửa trước mặt bà. Nghe nói cô Năm Nguyệt giỏi coi tay, vậy đọc giùm thằng đàn em tôi vận số này. Anh ta vừa nói vừa giắt tiền quẻ lên đĩa trái cây đặt ở bàn thờ Phật. Bắp tay xăm bò cạp của người đó săn cuộn khi cắm phập cây dao nhỏ xuống mặt bàn gỗ, cán rung lật bật, như xiên qua bất cứ lời từ chối nào. Cô bỏ nghề cũng đã lâu. Người ta không còn nườm nượp lui tới để hỏi coi đời mình rủi hay may. Khách sáng nay bất chấp.
Cửa nhà vẫn mở, mưa xiên li ti lên đôi dép xỏ ngón bẩn thỉu của khách, nhưng bà thầy bị cầm tù vào bàn tay đang chìa ra kia. Bàn tay tái xanh và lạnh, từng ngón như sắp rã ra, bật lên cái bớt đỏ trên cổ tay, như vết đứt mở miệng. Nó thôi miên bà, để mặc điện thoại bàn kêu ré lên từng hồi rồi tắt lịm đi trong mòn mỏi. Chuông tạnh, nghe có tiếng thằn lằn rơi phịch xuống.
- Lần nào coi tay cho người ta cô cũng khóc như vầy sao. Cũng lạ à nghen. Bao nhiêu nước mắt cho đủ? - Người đó cười khủng khỉnh, như đang coi một vở kịch vụng về - Thằng đàn em tôi linh thiệt, nó nói thế nào bả cũng khóc lóc.

Bà đã tìm kiếm, mong được gặp lại từ những vị khách bước vào nhà mình một bàn tay giống hệt như vầy. Cái bớt đỏ ở cổ tay, và lóng cuối cùng của ngón út bị gù do lần nọ bị đứt sâu, bó bằng vải xé ra từ vạt áo cũ, không nẹp nên cong queo khi liền sẹo. Ngón trỏ bà di theo những đường chỉ tay đứt quãng, nghe cái lạnh của bàn tay kia ngấu vào người. Những vết chai trên ấy rắn đanh như đá. Không phải bàn tay của kẻ vẽ tranh. Bà ước mình đoán sai. Không phải chủ nhân của bàn tay kia thuở nhỏ chịu cảnh nghèo, nó muốn một hộp bút chì màu mà bị bà mẹ từ chối. Không phải người ấy bị lạc mẹ hồi tám tuổi, chịu trôi nổi giữa đời.
Sao nó trở lại, bằng cách này?!
Chẳng còn nhớ đây là bàn tay thứ bao nhiêu được bà cầm lên săm soi để dò đoán cuộc đời của chủ nhân nó, kể từ lúc bà lục lọi được trong tủ sách của ông nội mình bộ mười ba quyển Thuật pháp nhân tướng học. Con bé mười sáu tuổi nhận ra mọi bộ phận trên cơ thể đều biết nói, đều có ý nghĩa trong cuộc đời. Rủi hay may, suôn sẻ hay truân chuyên đều hiện lên ở từng chi tiết nhỏ. Tóc nói mũi nói đuôi mày nói, vành tai nói, nếu ta biết cách đọc. Bàn tay không chỉ để nắm tay mà phơi bày số mệnh. Ông nội bà đã phạm sai lầm vì đã không đốt hết bộ sách ấy trước khi cháu gái mình trở thành thầy bói lẫy lừng.  
- Con ơi, để lộ cơ trời thì trời có tha cho không?
Câu nói đó ông già nhắc đi nhắc lại, nhưng bà đã để lọt qua tai kia bởi ngây ngất với cái quyền lực mà mình đang có : một vị thánh ở giữa các cõi làm sứ giả của trời, đọc những dấu hiệu giúp nhiều tín đồ mê mụ biết trước tương lai. Bất hạnh mà bà gặp trong đời đều có lý do. Bà lấy phải một tay thợ mộc nghiện rượu vì không coi lấy chồng là quan trọng, chỉ cần mượn giống để kiếm đứa con. Bà muộn con là do tinh trùng của chồng xỉn hết, làm gì có thứ gì ngâm trong rượu mà còn sống. Bà nghèo bởi mải mê làm phước giúp đời.
Một ngày bà về sụp lạy trước mộ ông nội mình, nói con tin có trời rồi. Đứa con mà bà chắt chiu cầu khẩn trước bao nhiêu đền đài bị lạc mất ở chợ Sương. Thằng bé giảy nảy đòi hộp bút màu, một thứ không ăn được. Với bà hồi ấy, bất cứ gì không ăn được đều không quan trọng. Nhà dột mới quan trọng. Chạy gạo bữa mai mới quan trọng. Vẽ lên giấy những ảnh hình sặc sỡ thì có vẻ xa xỉ quá. Bà kệ nó ngồi bệt ăn vạ ở một góc chợ, cho nó sợ. Tin rằng nếu mình quả quyết không ngoái lại, thằng nhỏ sẽ ngoan ngoãn vì nỗi sợ hãi bị bỏ rơi. Trong lúc tìm một chỗ khuất để dõi theo đứa bé, có người chặn lại nói cô Năm coi giùm tôi một quẻ. Mãi đi theo những đường chỉ tay như mê lộ, lúc bà sực nhớ tới con thì nó không còn ở đó nữa.
Những người có mặt ở chợ trưa ấy đều hỏi bà làm mẹ kiểu gì vậy, người chồng say xỉn cũng hỏi câu ấy trong lúc giáng nắm đấm đánh gãy hai cái răng bà trước khi bỏ nhà đi.  Điền thông tin gửi các báo đăng trên mục tìm người, bà miêu tả tỉ mỉ chi tiết đặc điểm của gương mặt, bàn tay, vị trí nốt ruồi trên người thằng bé vì đã thuộc lòng ngay từ khi mới đẻ, nhưng vẫn tuyệt vọng vì không nhớ quần áo con mặc hôm đó. Quần có thể ghi xám, nhưng cũng có thể nâu. Hoặc là ghi xám nhưng bị mưa ướt nên ngã nâu. Áo kẻ trắng xanh, trên túi thêu một con gà con hoặc hai con thỏ, hoặc là logo nhỏ của một đội bóng đá nổi tiếng nào đó. Chắc là vì những chi tiết mù mờ mà những lời rao không có hồi đáp nào vọng lại.
Cái thứ bà nhớ nhất, là chỉ tay của thằng nhỏ. Thứ đó tòa báo không coi là thông tin được in. Bà tự huyễn hoặc mình thêm lần nữa, bàn tay trở về sáng nay không phải bàn tay mình đã nắm ở chợ Sương năm ấy. Nó có khổ rộng gấp ba, chi chít sẹo. Nó nói bà ơi tôi đã chịu cơ cực lắm, từ hồi bà rời bỏ.
Trong tháng ngày bàn tay này phiêu bạt, bà nắm những bàn tay khác và không chịu được cái ý nghĩ mình níu tay người dưng đây mà buông bỏ máu thịt của mình, bà bỏ nghề. Nhưng không buông hy vọng. Lần gần nhất khi gửi lời gọi con lên chương trình truyền hình Như chưa từng xa cách, bà nhận được khá nhiều cuộc gọi đến nhà nói rằng có thể đã từng nhìn thấy đứa trẻ kia.
Chủ nhân của bàn tay mà bà đang ngây dại rờ rẫm đây chắc cũng xem được chương trình ấy. Nên theo dấu bà mà gửi tay về. Chắc cái vết cấn sâu trong trí nhớ ấu thơ của nó duy nhất chỉ hình ảnh mẹ đã buông tay bỏ mặc mình ở góc chợ. Mẹ đi thẳng, không ngoái lại.
Bà thầy từng nghĩ nếu có thể cải sửa cái hình ảnh sau cùng đó của mình - một bà mẹ nhẫn tâm - bà đổi mạng cũng đành. Điều đó là không thể, bà thật sự tuyệt vọng. Mưa tạnh, có mấy giọt nước rơi trên cúc áo người đàn bà. Ti vi nhà hàng xóm đang phát bản tin hôm qua các băng nhóm tội ác thanh trừng nhau ở tận bệnh viện, một người bị mã tấu chặt đứt tay trái, giá xăng tăng, một làng chài khỏa thân biểu tình đòi lại những chiếc tàu đánh cá bị bọn Lạ cướp mất. Người đó sốt ruột ngó lên vách. Bà không chắc anh ta nhìn đồng hồ hay cái ảnh đen trắng chụp cận mặt một thằng bé sún răng cười toe treo gần đấy. Bà không nhìn mặt khách một lần nào, biết chắc chắn không phải nó.
- Đàn em tôi dặn hỏi kỹ, nó hỏi có phải vào tù nhiều lần không, hay chỉ ở một lần dài cho tới chết ? À, nó còn hỏi nếu chẳng may bị kêu án tử, thì nó sẽ bị bắn hay tiêm thuốc độc?
Sau mỗi câu hỏi, bà thầy cảm giác mình vừa bị phạt một nhát. Rúm ró. Người đó khủng khỉnh cười, rút con dao ra khỏi mặt bàn chảy máu, đi ra cửa, và nói ngoái vào “Cô Năm  từ từ mà coi cho kỹ, tôi đói rồi, chờ không nổi. À, đàn em tôi dặn cô cứ giữ, nó không cần nữa. Lìa thì cũng đã lìa rồi”.
Bàn tay vẫn còn nằm lại trên mặt bàn trầy xước. Bàn tay để ngửa. Cụt đến nửa ống. Vô nghĩa biết bao một bàn tay không còn cầm nắm được. Bà thầy bói già kêu con ơi, níu mãi bàn tay xanh xao đó.

Nguyễn Ngọc Tư

Tắm sông


Vậy là má không cho tôi tắm sông nữa. Má nói, má coi truyền hình, người ta biểu, nước sông bây giờ ô nhiễm lắm, trẻ nít tắm hư mắt. Tôi hỏi ô nhiễm là gì, má tôi nói dơ. "Một chút thôi mà - tôi cố nài nỉ - có chút xíu thôi". Má tôi dứt khoát, không là không.
Tôi chê lý do của má đưa ra lãng xẹt, chỉ vậy mà bắt hỏng cho tắm sông nữa. Buồn muốn chết. Những chiều ra đồng chạy rong chạy ruổi thả diều về, nực thôi là nực, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, xách cái gàu ra ngoài cầu ao xối sàn sạt mà không thấy mát tí nào, thèm nhảy ùm cái xuống sông, sải tay sải chân vẫy vùng cho sướng người.
Tôi biết lội hồi sáu tuổi. Hôm đầu tiên xuống nước, tôi ở truồng ngủng ngẳng cái cu bằng trái ớt. Ba ôm tôi xuống bến, ông đặt bàn tay to bè lên cái bụng tròn ủm của tôi sướng quá, tay chân luýnh quýnh đạp lia lịa làm nước văng sáng tran mặt ba tôi (nước mát thì thôi dị chớ). Má tôi ngồi trên bờ hái đọt choại vừa ngó xuống, kêu:
- Anh khéo, ngộp con nó...
Ba cười to:
- Em đừng lo. Mai mốt thằng nầy lặn ngụp phải biết.
Chỉ năm hôm sau, khi ba tôi lặng lẽ bỏ bàn tay ra, tôi đã lủm bủm lội được một tí đường. Cái đầu tôi ngoi lên còn cái mông chìm lỉm, ba cười, chê: "Cái thằng bơi y hệt con chó phèn". Nhưng đám bạn cùng lứa của tôi đang ngồi so bì, "Sao tao ôm dừa khô tập hoài mà hông biết lội". Tôi tài khôn, "Mầy bắt chuồn chuồn cho nó cắn rún á, biết lội liền hà". Nó tưởng thiệt, đi bắt chuồn chuồn về cho cắn muốn tiêu cái rúng luôn. Vậy mà tôi cố đổ thừa, "Tại mầy hỏng bắt chuồn chuồn đỏ, chuồn chuồn đỏ cắn rún mới biết lội được". Sau nầy nhớ lại, tôi nghĩ nhất định mình bơi giỏi là nhờ bàn tay ấm nóng của ba đã truyền cho tôi lòng dũng cảm và sức mạnh. Ba nói, con nít ở vùng sông nước mà không biết bơi thì tội nghiệp, xuống bến trợt chân, qua cầu gãy ván... Bất trắc không biết chừng.

Ai chớ tôi thì ba tôi khỏi lo. Đi học về, vừa cất cái cặp đã nhảy um xuống sông. Tụi bạn phục lăn cái tài lặn dài hơi. Còn về khoản lội đua, mỗi con Én là dám so kè với tôi, trời đất ơi, con gái gì mà lội thoi thót như con ếch, lẹ ghê. Mà cũng tại nó cao, chân dài, tay dài, nó sải một nhịp, tôi đã lọt lại phía sau. Vừa rồi, tôi với nó bơi thi, hỏng hiểu sao tôi lúm súm thế nào mà để nó qua bờ bên kia trước, nó bắt tôi kêu nó bằng chị hai, thấy tức chết.
Thằng tèo bênh vực tôi, nó an ủi, "Mai mốt trả thù, hén mậy?" Tội nghiệp, nó thần tượng tôi từ cái năm sáu tuổi tới giờ. Tôi hứa, mai mốt trả thù. Nhưng từ má tôi cấm ngặt, coi như không còn cơ hội nữa. Sông với tôi có biết bao nhiêu là chuyện với nhau, bây giờ biểu không tắm nữa, buồn ơi là buồn vậy.
Ngày xưa đúng là sông không như bây giờ. Nước sông không như bây giờ. Nước sông mát. Nước không trong như trong sách người ta hay tả mà cợn phù sa. Xứ tôi là xứ phù sa mà. Sông có mùi thơm hơi ngòn ngọt của bẹ dừa nước mọc chồm chồm ra ngoài bãi. Nước lớn, cá kìm kìm lội thành đàn nhộn nhịp. Nước ròng sát bãi, tụi tôi chạy rượt với đám ca thồi lồi. Hồi đó, đất sình dưới đáy sông chúng tôi chọi nhau cũng thơm, nên mặt mũi tèm lem bùn mà không thèm để ý, có đứa bị chọi nguyên một cục sình vô miệng, trợn trừng không nói được tiếng nào.
Từ từ, sông ngầu đục hẳn đi. Cứ nước lớn, mặt sông đầy rác. Mới đầu, tụi tôi thích lắm, tụi tôi vớt được bao nhiêu là chai lọ, tha hồ nuôi cá lia thia. Con Én coi tay chân quều quào vậy chớ siêng, nó vớt được bao nhiêu là đồ chơi cúng cuội. Rồi tụi tôi cũng chán trò chai lọ, mặc kệ chúng, dưới sông trôi đày kia kìa. Tôi hỏi ba tôi rác đâu mà nhiều vậy, ba nói là do người ở chợ hay đổ rác xuống sông. Tôi gật gù, ờ phải, ở chợ người ta đông lắm.
Trong đám bạn, tôi biết chợ nhiều nhất. Nhà tôi có cái quán cóc nhỏ bán bánh kẹo, đồ chơi con nít. Mỗi lần đi chợ đổ hàng, má đều chở tôi theo. Ra ngoài đó, má lên chợ, tôi dom chừng chiếc xuồng. Sau nầy tôi thêm một nhiệm vụ nữa là gỡ rác quấn chân vịt máy. Rác nhiều quá, cứ đi được một chút nghe cái máy chạy rị mọ, biết thế nào chân vịt cũng bị quấn rác rồi. Một ngày nọ, tự nhiên tôi nghĩ, mình gỡ ra rồi quăng xuống, thế nào nó cũng vướn vo mấy chiếc xuồng khác, tội nghiệp người ta ghê lắm. Tôi lẳng lặng giở cía sạp xuồng lên, bỏ mớ rác vào đó. Má tôi rầy, "rác rưởi mà để vô xuồng chi con, dơ hết". Tôi nghi! sao thưa vậy. Má tôi cười, không nói gì nhưng vẻ mặt rất hài lòng. Hôm đó, về tới nhà, được hai thúng rác đầy vun. Tôi bưng lên nhà, ba như không giận nó đã quăng con mèo chết xuống. Tụi tôi tự nhủ, bữa nay tắm lần này nữa thôi, tui tôi chờ cho tới chừng nào sông sạch, trong trở lại. Tôi lén nhìn con Én, lặng sải tay bơi một mạch qua bờ bên kia, "Mai mốt thể nào cũng trả thù chớ con trai mà để thua con gái, kỳ lắm".

Nguyễn Ngọc Tư

Người mẹ vườn cau


Đề bài làm văn chỉ hai chữ "Người mẹ". Cô Hương bảo "Bình luận, chứng minh, hay miêu tả cách nào cũng được". Tôi cắn bút, nghĩ mãi bắt đầu như thế nào nhỉ?
Ba tôi có rất nhiều mẹ, tôi cũng có lắm bà Nội ở nhà cùng chú út. Nội ở Phố Đông, Nội ở vườn cau, Nội nào cũng già như nhau. Tôi nhớ khi còn nhỏ, ba dẫn về thăm Nội vườn cau. Hôm đó, mưa nhiều, con đường từ dưới bến lên nhà, đất bùn lẹp nhẹp, tôi ngã oàng oạch. Nhà Nội nhỏ xíu, mái lá đột tong tong. Đón ba, Nội gầy gò, cười phô cả lợi.

- Má tưởng con không về được, mưa gió tối trời vầy khéo cảm.
Bà vuốt đầu tôi.
- Tiên tổ mầy, sao mà giống cha quá vậy?
Hôm ấy bà giỗ chú Sơn. Trên cái bàn thờ con con thấp lè tè kia đến ba chiếc lư đồng, cái nào cũng nghi ngút khói. Bữa giỗ chỉ vài ba bác canh chua cá rô đồng, mắm kho, bông súng. Chưa bao giờ tôi được ăn lại nghe ngon như thế. Ba gắp thức ăn cho bà, bà gắp thức ăn cho tôi, đôn hậu bảo.
- Ăn cho mau lớn, con.
Tạnh mưa, mọi người lục đục đến, họ kéo gàu xối ào ào ngoài hiên nước. Ai cũng gọi nội bằng Má, "Má Tư". "Má Tư" ơi ới. Tôi hỏi:
- Ba ơi, sao nội đông con quá vậy?
Ba cười bảo:
- Tối, ba kể con nghe.
Một chú quần vo tới gối, tay cầm lồng vỗ vai ba cười ha hả.
- Tao biết chú mày về nên đem thịt rắn qua đây, tụi mình lai rai.
Rồi chú quay lại:
- Má ơi, cho tụi con vui một bữa với thằng Sơn nghen.
Bà Nội quấn lại cái khăn sờn lên tóc.
- Rồi vợ mày chạy lại méc má cho mầy coi.
Nội ôm tôi vào lòng, ngồi trên võng bố đưa kèn kẹt.  Các chú thỉnh thoảng lại cười vang.  Nội cũng cười, trông Nội vui lắm, cái vui như thức dậy sau đêm dài vươn mình ngắm bình minh.  Ba tôi cùng các chú nói chuyện huyên thuyên, toàn là chuyện ngày xưa.  Chú Biểu quần vo tới gối, uống rượu tòn tọt, cười khà:
-  Tưởng đâu lũ mày quên Má, quên hết tụi tao.
Ba tôi lúc lắc đầu, ông rót ba ly rượu cúng trên bàn thờ quay lại hỏi:
- Bát hương em Châu, bên chồng rước về hở má?
- Ừ, bên nhà sui bảo, cho chúng nó có đôi.
Bà nội dẫn tôi ra vườn, cái nắng sau mưa nồng ngả vàng pha sắc đỏ, những giọt nước còn đọng lại trên tán lá non.  Ở đây cái gì cũng chín, từ trái mít, trái đu đủ, trái chanh, đến cả buồng cau.  Trái chín đỏ lừ bên hông cau trắng muốt, tóc Nội cũng trắng phau phau, bà nắm tay tôi, bàn tay bà nhăn nheo, gân guốc.  Đêm hôm ấy bà mắc mùng cho tôi ngủ, giường lạ ngủ không được.  Ba kể hồi trước, ba cùng hai chú ở trên bàn thờ là đồng chí của nhau, các chú ấy hiên ngang và anh dũng lắm, ba bảo Nội là một bà mẹ anh hùng.  Tôi hơi bất ngờ, lẽ ra anh hùng phải là cao to, đẹp khỏe chứ!
- Vậy Nội có súng không ba?
- Nội bán ve chai.
- Bán ve chai cũng là anh hùng hở ba?
- Ừ Nội gánh giỏ đi đầu làng cuối xóm.  Nội đưa thư cho ba, Nội mang thức ăn, tin tức.
Ba vuốt đầu tôi, cái tay nặng chịch.
- Giá mà các chú ấy còn sống, bây giờ Nội đã có cháu, đâu phải sống một mình.
Tôi nghe gai gai người, nhớ cái dáng còm cõi, nụ cười phúc hậu, đôi mắt già nua nheo nheo.  Trông ra ngoài, thấy bóng còng còn in trên vách, tôi nhổm dậy, "con ra ngủ với bà nghe ba".
Ba tôi chuyển công tác lên tỉnh, nhà tôi dọn về phố khác.  Mẹ nhắc ba:

- Lâu rồi, anh không về thăm má "vườn cau".
- Ôi dào, má ở dưới, mấy anh dưới lo.
Một hôm, chú Biểu đến nhà, chú mang theo xâu ếch dài thiệt dài, bỗ bã:
- Cái này má gởi cho mày, má biểu phải đem đến tận nhà.  Mấy giổ mày không về, má nhớ mày lắm.  Sáng hôm qua má còn khoe vừa gặp mày trên vô tuyến.
Rồi chú lắc đầu:
- Lũ mày bạc làm sao đâu.
Tối đó mưa xập xoài rả rích, ba tôi chong đèn ngồi rít thuốc, mẹ hỏi, ba bảo - "Uống rượu, ngủ không được"
Món thịt ếch đầu mùa lịm trong lưỡi làm ba đau nhói. Ba rủ tôi.
- Mai về Nội vườn cau, con ha?
Chẳng biết chốn ấy còn chín lừ quả ngọt, hương cau còn nồng nàn trắng xoá một góc trời, tóc Nội chắc bạc nhiều hơn.  Lúc tôi về, thế nào bà cũng giúi cho tôi nhiều quả chín mang về biếu mẹ, xâu ếch biếu ba.  Thứ thức ăn mà không có hương vị cao lương nào thay thế được, dù bây giờ ba tôi xuống ngựa lên xe.
Bài văn được 4 điểm, lời phê cũng ngắn gọn như đề bài, "nghèo ý" tôi viết "Mẹ là người sinh ra em, nuôi em lớn, ngày thường mẹ nấu cơm em ăn, giặt đồ em mặc".  Bọn con Hải, Lam chọc ghẹo mãi, tôi chống chê - "làm sao viết vế mẹ bằng mấy dòng được, phải không?"

Nguyễn Ngọc Tư

Lụm còi


Tôi quyết định rồi, tôi sẽ bỏ nhà đi bụi đời. Tôi đang giận ba tôi ghê lắm. Tôi không suy nghĩ nhiều lắm về chuyện này. Cứ tưởng vẻ mặt hốt hoảng của mẹ lúc mở cửa ra thấy cái thư để lại (cái thư sai chính tả hãi hùng luôn), vẻ mặt hối hận tràn đầy của ba là tôi thấy hả hê, sướng người. Người lớn không thể đối xử với tôi như vậy được. Tôi mới mượn tạm tiền trong túi mẹ để đi chơi điện tử thôi mà bị đánh đòn tới hai roi. Đau thấu trời. Lỗi là mượn mà không hỏi mẹ, ba tôi dằn dằn vậy. Nhưng mượn trước, nói sau cũng đâu có sao, ai thèm gian lận gì đâu. Bị đòn là lần nầy đúng là ức quá, ức quá đi thôi.
Chạng vạng, tôi xếp đồ bỏ vô túi quẩy di. Mới đầu tôi tính đi xa thiệt là xa kìa, nhưng nghĩ lại tôi đi xa thì ba mẹ tôi làm sao kiếm gặp. Ba mẹ tôi dứt khoát phải suy nghĩ về thái độ qúa khắt khe của mình khi thấy thằng con quý tử đang lăn lóc vỉa hè. Tôi quyết định đến ngã tư chỗ rẽ về nhà ngoại, thể nào lúc ba mẹ cuống cuống chạy đi tìm cũng qua đây. Ngồi không nõg xe cộ chạy lại hỏng biết làm gì, tôi moi ra từ mấy cái túi hai chục ngàn, tôi ngồi ăn hàng cho bằng hết. Mới một chút mà trời đã tối mịt, tôi sốt ruột lết ra băng đá gần gốc me (chỗ nầy trên đường rất dễ thấy), nằm ườn ra đó, rồi suy nghĩ, không biết ba mẹ làm gì mà chừng nấy cũng chưa chạy qua đây nữa. Nằm hoài, chờ hoài, tôi trở bộ hết nằm rồi ngồi, hết ngồi trở lại nằm chò co.
Ở đó, tôi gặp thằng Lụm.

Đó là lúc tôi mỏi mòn ngủ thiếp đi một giấc. Tôi nằm mơ thấy đang ngủ trên giường nệm, mền dầy, gối êm ơi là êm. Đang chiêm bao ngon lành, tự nhiên nghe có ai đá vào mông, tôi nhổm dậy, ngơ ngác dụi con mắt. Một thằng con trai đứng trước mặt, thay chống nạnh:
- Ê nhỏ, ai biểu mấy dành chỗ của tao.
Tôi cự:
- Giành hồi nào, ghế của nhà Nước.
- Hổng dám đâu.- nó trề môi- tao nói chỗ của tao là của tao. Mầy cự một hồi tao quýnh phù mỏ.
Tôi khép lại một đầu ghế đá nhìn nó dò xét. Dùng hết khả năng tả văn của mình ra để …coi tướng. Thằng đó lùn tịt nhưng cái mặt già chat, hai con mắt thồ lộ như hai con ốc bươu vàng, sóng mũi xẹp lép gãy từng khúc, cái trán thì vồ, gắn trên bộ mình ốm tong ốm teo là cái đầu chờ vờ như cá lóc gặp nước mặn. Tự nhiên tôi thấy sợ, giọng tôi xịu xuống.
- Nhưng …tao..tao không ngồi đây thì không biết đi đâu
- Vậy….- nó có vẻ suy nghĩ.- xích qua một bên cho anh Lụm mầy ngồi với.
Trời đất, tôi đã de ra sát mép ghế rồi mà nó còn biểu xích vô nữa, thiệt là quá đáng:
- Nhỏ xíu bày đặt làm anh – tôi cố gỡ thể diện.
- Chừng nào- nó sừng sộ- chừng nào mới nhỏ, mầy bao nhiêu tuổi?
- Mười bốn- tối cố kê thêm một tuổi cho chắc ăn khỏi kêu nó bằng anh.
- Tao mười lăm.
- Sạo! Mười lăm tuổi gì mà có chút tẳn?
- Thiệt. Tại tao nuôi hoài mà hỏng lớn. Bị cai. Ai cũng kêu tao là Lụm “Còi”
Và như thể chứng minh, thằng Lụm còi đứng dậy, nó xoay một vòng, đôi chân nhỏ sĩu quay quay trong cái quần bò rộng thùng thình, như thể chỉ cần nó buông tay ra là cái quần tuột dốc xuống đầu gối. Thằng Lụm thấy tôi nhìn quá trời, nó đâm mắc cỡ.
- Tao mua đồ sida đó. Quần áo ở đó cỡ lớn không hà!
Nói rồi, nó xốc cái quần bò lên, hai cái lai đằng gót dã bị nó đạp rách tưa tái như cá chốt rỉa. Tôi bật cười. Hỏng hiểu sao cái cười đó làm tan biếtn đi sự lạ lẫm giữa hai đứa tôi. Thằng Lụm rờ cái cặp đầy nhóc quần áo tôi:
- Mầy đi đâu mà ngồi đây?
Tôi nói dõng dạc để chứng tỏ con người mình đấy dũng cảm:
- Đi bụi đời
Nó chê liền:
- Tướng mầy mà đi bụi? Yếu như cọng bún mà nói đi bụi, mắc cười.
Tôi giận lắm, tuy nhiên để chứng tỏ mình là người lớn, tôi nhún vai ra chiều không chấp. Tôi hỏi lại nó ra đây làm cái gì. Nó nói, nó tìm má nó. Tôi hỏi má nó ở đâu, nó lắc đầu hỏng biết. Tôi hỏi tới:
- Sao kỳ vậy?
Thằng Lụm “còi” nhún vai, co mình lại tuồng như ngọn gió vừa bay qua lạnh lắm vậy.
- Hồi đó, hồi tao còn nhỏ ơi là nhỏ, má tao bỏ tao lại đây nè.
- - Là sao?- tôi chưng hửng.
- Tao cũng đâu có biết. Chắc má tao gặp chuyện gì đó buồn lắm, nuôi không nổi tao nên bỏ tao lại đấy. Bởi vậy tao têm Lụm đó.
- Sạo hoài.
Thằng Lụm lắc đầu ra chiều chán nản:
- Thiệt đó, biết sao tao đen thui vậy hôn?- Nó chìa ra cái mặt như chàm cháy – tao bị bỏ ngoài nắng đó. Hồi đó ở ngã tư nầy vắn hoe hà, tao nằm khóc cả buổi mà đâu có ai hay. Tới chừng đói qúa tao mới khóc, tao khóc rổn rổn luôn, tao mạnh miệng từ hồi nhỏ mà. Rồi cái có bà dì bán bánh mì chạy lại, bồng lên, đâu có sữa, bà dì mới móc ruột bán mì cho tao trấp trấp đỡ, dè đâu tao ăn hết ổ bánh mì luôn. Bà dì thấy tao dễ nuôi, nuôi luôn, sau này, tao kêu bả bằng ngoại. Tao lớn mà hổng tốn một miếng sữa nào hết, hay chưa? 
Thằng Lụm hỏi tôi bằng giọng tự hào. Tôi tròn con mắt nhìn nó. Tôi cứ tưởng nó nói chơi. người ta có thể lớn lên nhờ bánh mì à? Còn tôi, mẹ tôi nói từ hai, một tuổi cho tớ bốn tuổi, tôi uống hết ba trăm mười lăm hộp sữa bột, vậy mà còn bịnh lên bệnh xuống èo ọt thảm thương. Ba tôi nói thêm, nuôi tôi cực ghê lắm. Giờ này hai người ở đâu mà sao không lại rước tôi ta? Gió đang lạnh thấy mồ đi.
- sao mày đi bụi? - thằng Lụm chợt hỏi
- Ba tao – tôi chép miệng ra vẻ oan ức. Ba tao đánh tao.
- Ý, bị đòn hả?- Tự nhiên nó hào hứng. Bị đánh bằng gì?
- Bằng roi, cây roi dài thiệt dài (nhưng cây roi ba đánh tôi là cây thước thợ may của mẹ, cụt ngủn hà). Bự tổ cha vậy nè .
Tôi đưa bắp tay ốm ròm ra.
- Đánh nghe đau mà chắc đã lắm hen?
Giọng thằng Lụm vừa hò hởi vừa có vẻ ganh tị.- Mày sướng thiệt (trời , bị đánh mà sướng nỗi gì). Vậy mà còn bỏ nhà đi. Đồ ngu!
Tự nhiên vậy rồi nó chửi tôi à. Tôi cãi:
- Mầy đâu có má có ba đâu có biết. Người lớn khó dữ lắm.
- Chẳng thà có má, có ba, bị rầy gì trao cũng chịu - thằng Lụm trở nên trầm ngâm, coi nó già quá trời!- Nhưng mầy đừng có lo, tao ngồi đây thể nào cũng gặp má tao thôi. Thế nào má đi qua má cũng nhìn ra tao. Mai mốt bị rầy, bị đòn cho đã.
Tự nhiên tôi thấy thương thằng Lụm quá. Nó kể với tôi, nó đã chờ má nó từ hổi bảy tuổi tới giờ. Ban ngày nó đi bán bánh mì, ban đêm nó mới ra đây. Nó nói chừng nào nó giàu nó thôi bán bánh mì vì biết đâu má nó vẫn thường qua đây ban ngày mà không thấy nó. Nó chợt hỏi:
- Mầy sướng thấy mồ mới bị đánh tí đã bỏ đi. Bây giờ mầy có dám đổi với tao không? Ở một mình buồn lắm, mầy ngu thì thôi đi.
Thằng Lụm nói với giọng kẻ cả. Tôi giật mình, bây giờ có ông tiên nào hiện ra để đổi vị trí hai đứa, chắc tôi buồn lắm. Ừ, có lẽ, ở nhà, bị rầy bị đánh vẫn hơn đi bán bánh mì, ngủ bờ ngủ bụi như vầy. Ở nhà, giờ này, mẹ khuấy cho tôi một ly sữa uống trước khi đi ngủ (mèn ơi, cũng gần 14 tuổi rồi mà …như con nít …), mẹ hỏi tôi đánh răng chưa, tôi nói ròi, mẹ không tin biểu tôi nhe răng ra, thừa lúc hai má tôi phồng phông, mẹ sẽ hôn tôi. Giờ nầy, nếu tôi đang mải đọc truyện tranh, ba sẽ biểu tôi cất sách, đi ngủ, ba sẽ ém mùng, tắt đèn giùm tôi khi bước ra căn phòng dán đầy hình ảnh Đôremon và Siêu Nhân.
Thằng Lụm “còi” làm tôi hối hận và nhớ ba mẹ quá chừng. Tôi muốn trở về. Tôi ngồi im lặng suy nghĩ trong khi thằng Lụm đứng dậy đẻ nhìn mỗi khi có một lượt xe dừng lại trước đèn đỏ. Tôi chợt sợ quá, có khi nào ba mẹ giận bỏ tôi luôn như thằng Lụm không. Ba mẹ sẽ sanh nhiều thiệt nhiều em khác còn tôi thì biết kiếm đâu ra ba mẹ khác bây giờ. Tôi ngồi lo lắng đến mức, khi ba mẹ tôi ghé xe lại dưới đường tôi còn không hay. Thấy bóng mẹ đứng sịch trước mặt mình, tôi bật khóc:
- Con tính đâu ba mẹ bỏ con luôn rồi.
Mẹ không vồ vập ôm lấy tôi mà điềm đạm cầm bàn tay tôi bóp mạnh, còn ba thì vỗ vỗ vào đầu tôi.
- Con hư quá. Con đừng làm vậy ba mẹ buồn.
Thằng Lụm đứng trân trân nhìn tôi vớ đôi mắt buồn tủi. Tôi quẹt nước mắt bước lại gần nó, bất giác tôi gọi thằng Lụm bằng anh:
- Em về nghen, anh Lụm.
Thằng Lụm gật đầu, nó ngẩng lên nhìn ba mẹ tôi rồi quay lại:
- Ba má mầy hiền lắm phảỉ không?
- Ừ, sao anh biết?
Nó ra vẻ ta đây:
- Nhìn tướng là biết – rôi nó mơ màng – ba má tao cũng hiền, tao tin vậy.
Mẹ lại gần nắm tay tôi, mẹ nói “Về đi con, khuya rồi, mai còn đi học”, quay qua thằng Lụm, mẹ hỏi “còn cháu? Cháu không về nhà à?” Thằng Lụm cảm động, lắc đầu, nó nói trổng không:
- Mai mốt ra đây chơi , nghen mậy!
Tôi vừa ngoái vừa gật đầu. Ba tôi hỏi ai, tôi trả lời “bạn con. Anh Lụm. Anh Lụm tội nghiệp lắm ba à...” không biết thằng Lụm “còi” có biết tôi đang kể về nó không mà nó nhìn theo xe tôi đến khuất thì thôi. Khi tôi ngoái lại, dưới đèn sáng rực, tôi thấy trong mắt nó lấp loáng những giọt nước. Tôi ngồi giữa ba và mẹ, nghe ấm hẳn lên. Tôi lên tiếng:
- Bữa nào ba mẹ cho con lại thăm anh “Lụm Còi” ba mẹ ha! 

Nguyễn Ngọc Tư

Ba bé Ngoan về


Bé Ngoan tháng nào cũng nhận được thư của ba nó. Nhất là tháng nầy, nó nhận được hai lá thư liền, thư trước hỏi tình hình học tập, nó viết gửi đi, rằng năm nay nó được học sinh tiên tiến, lẽ ra phải xuất sắc kia, nhưng thi môn văn chỉ được điểm bốn thôi. Môn văn bốn điểm là tại vì học kỳ nầy cô giáo ra đề biểu tả "ba em và công việc hàng ngày", "mà con đâu có biết mặt ba, đâu có biết hàng ngày ba làm gì đâu", trong dòng chữ nguệch ngoạc dường như giận dỗi. Thư đi thư lại ba nó viết: "Chừng nào bé Ngoan đúng 10 tuổi sẽ được gặp ba". Nó nôn nao chờ đợi cái ngày đó quá trời
Bé luôn luôn chờ đợi cái ngày ba về. Có ba rồi, sẽ có người đánh bé khi bé lì, có người khen bé khi bé được điểm mười. Ba sẽ dạy bé cách làm cho mẹ vui để mẹ không khóc một mình nữa, bé Ngoan luôn luôn nghĩ vậy.
Bé Ngoan dễ thương y như tên của nó. Năm giờ sáng, Ngoan đi chợ mua giá, mua bánh lọt về cho má bán điểm tâm sáng. Tánh sợ ma, chuyến đi bé toàn chạy chuyến về, trời sáng nắng vẫn chạy lụi đụi vì sợ trễ giờ má dọn hàng. Buổi sáng, bé Ngoan vừa bưng bê tiếp má vừa học bài. Buổi chiều đi học về tới nhà là xách cái thùng cũ mèm tí teo xuống nhà ăn huyện đội xin cặn heo. Ngoan không bao giờ vòi vĩnh má đòi đồ chơi, đòi keo bánh. Bé chỉ đòi được gặp ba thôi. Bạn bé ai cũng có ba hết, thiệt đó.
Hồi lớn lên tới giờ, bé Ngoan chưa hề gặp ba. Má kể, ba đi làm ăn lâu lắm, khi nào Ngoan lớn ba sẽ về. Nghe nói vậy, bé chạy lại coi kiếng, bé hỏi má, "Con giống ba phải hôn, má?". Ngoan mặt vuông, nhìn vào thấy ngay đôi mày rậm như hai con sâu róm đậu im lìm, đen như mực tàu. Hai con sau chỉ lọ mọ bò khi bé cười. Bé cũng không giống mẹ ở cái cổ, cái cổ bé ngắn còn cổ của mẹ thì trắng và cao. "Mình nhât" đinh giống ba", Ngoan quả quyết.

Tư khi về nhà, má cất cái quán bên chân cầu, đằng trước huyện đội nên có nhiều chú bộ đội vào uống café. Ngoan thân nhất là chú Quang. Chú Quang còn trẻ nhưng để hàng rau rậm ơi là rậm cộng với nước da đen bóng nên trông hơi già. Ngoan học toán thì hơi đi...tệ, chú Quang kem cho khá lên. Ngoan học văn cũng không giỏi, chú Quang mua sách biểu Ngoan đọc. Bé Ngoan siêng học nhưng lại không sáng dạ lắm. Có bữa chú Quang đi công tác về, không thấy bé Ngoan nhảy ra lúng tứng, hai vẫy dịu quặt, miệng hò reo như mỗi lần chú bước chân qua cửa. Chú lạ quá, hỏi bé Ngoan đi đâu rùi cà, má chỉ trong buồng. Bé Ngoan đang ngồi khóc. Chú Quang cười, "Con trai ai mà khóc?", Be Ngoan nói trong từng tiếng nất ngắn:
-Thầy con nói năm nay con học yếu hơn năm rồi. Con sợ quá hà. Ba con mà hay được chắc hỏng thương con nữa.
Chú Quang bật cười:
-Sao lại không?
Bé Ngoan cúi mặt giấu đôi mắt ướt nhẹp:
- Thiệt mà, chú.
- Bậy - Chú Quang bảo - không có đâu mà. Làm con trai phải mạnh mẽ, thiệt là mạnh mẽ cho má nương tựa chớ, ai mà khóc.
Vài hôm sau, bé Ngoan nhân được thư ba, ba viết dù Ngoan có học thế nào thì ba cũng thương, nhưng ba lúc nào cũng mong con học giỏi, học giỏi mới thành tài, mới giúp ích cho nhiều người. Bé Ngoan cươi hơn hớn chạy di khoe thư ba với má, với chú Quang. Má nhìn chú Quang. Chú Quang vỗ đâu Ngoan cười. Có thể má cũng cười nhưng má hay cười một mình cũng như hay khóc một mình, má giấu không cho Ngoan biết. Ngoan không thíc vậy, Ngoan thích như chú Quang hơn, phải cười vang như vậy người khác mới biết chớ.
Chú Quang hay đi công tác lâu ngày, những lúc như vậy bé Ngoan mới thấy mình thương chú lắm. Thương mới nhớ chớ. Lúc chú về, bé Ngoan biểu chú mai mốt đừng có đi nữa. Chú bảo đâu có được, chú có nhiệm vụ mà. Bé Ngoan bày ra nói với chú bao nhiêu là chuyẹn, bé muốn chũng câu chuyện ấy sẽ giúp chú đừng đi đâu xa nữa. Trong muôn vàn câu chuyện đó, có chuyện rằm tháng hai này, khi Ngoan tròn 12 tuổi, ba Ngoan sẽ trở về. Bé kể chuyện đó xong, thấy chú Quang buồn, Ngoan ôm cổ chú, lúc lắc cái đầu chú:
-Chú đừng có buồn, dù ba con về, con cũng thương chú như vầy luôn, thương hoài thương huỷ.
Bé Ngoan chờ tới cái ngày đó dữ lắm. Bé lav(' ghế trèo lên lột lịch hoài. Bữa nay mùng mười, mười một, mười hai... ban đêm, bé ra ngoài sân ngó lên trời, đinh ninh rằng, "Ba sẽ về trong cái đêm trăng tròn ủm giống y cái tô". Bây giờ trăng vẫn con méo xẹo. Mẹ nói mẹ sẽ làm sinh nhật cho bé Ngoan, sinh nhật giống y trong phim vậy, có cắt bánh, có thổi đèn, có hái bài ca sinh nhật (nếu không ai thuộc thì có thể bỏ khoản này). Bé chờ tới mức nằm mơ luôn. Chiêm bao cũng thấy bánh, thấy ba, mà khong, chỉ thấy cái lưng ba thôi thì đã giật mình thức dậy, tiếc thiệt.
Tiếc thêm một chuyện nữa, chú Quang lại đi công tác, chú nói không biết kịp về ngày sinh nhat bé ngoan không. Nhưng dù về trễ, thế nào chú cũng tặng Ngoan một món quà đặc biệt. Bé Ngoan hơi buồn một chút rồi thôi, mai nữa là đã rằm.
Sinh nhật bé vui thật là vui, má cho Ngoan mặc bộ đồ mới mặt có một lần hôm tết. Má mời đám trẻ cùng xóm về, tụi nó không hát, không múa, chỉ giỡn với ăn. Nhưng cũng vui. Mấy chú bộ đội xuống, tăng cho Ngoan nào là xe hơi, súng lục (tất nhiên là bằng nhựa) bảnh phải biết. Tiệc tan, mấy chú về, bạn bé Ngoan cũng về. Khuya rồi, phải về nhà ngủ chớ. Má nói:
"Chắc bữa nay chú Quang không về đâu". Ngoan không chịu cho má đóng cửa, "Con chờ ba, má. Ba biên thư nói đúng hôm nay sẽ về. Má đóng cửa, ba vô nhà hỏng được rồi sao?". Lần đầu tiên má bật khóc trước mặt Ngoan, má nghĩ chắc phải nói thật với Ngoan rằng, ba sẽ không bao giờ về được nữa đâu... Ngoan lạ lắm, ba sắp về, má không mừng, không cười thì thôi làm gì phải khóc. Người lớn mà khóc gì. 
Ngoan chờ mãi, chờ hoài. Khuya thật là khuya, trăng đã lên ngay trên đỉnh đầu bé, trăng tròn ơi là tròn, sáng ơi là sáng nhưng ba vẫn chưa về. Lúc Ngoan quay lưng vào Ngoan nghe thấy tiếng chân người gấp rãi chạy trên cầu. Rồi bóng chú Quang hiện ra cửa, giày chú đầy bụi, quần chú quệt vào đám cỏ loằn ngoằn nhửng vệt nước. Chú ôm bé Ngoan vào lòng, nâng bé lên bằng đôi tay rắng rỏi, quay bé mấy vòng thiếu điều chóng mặt luon, chú nói to:"Con có thích gọi chú bằng ba không. Ba về rồi nè". Ngoan dụi mũi vào mái tóc dầy, to ấm của chú, mũi nó ướt mù sương. Sau nầy, nó sẽ không bao giờ nhớ tới ba nữa, ba không giữ lời, nó chỉ thương chú Quang thôi. Ngoan khẽ gọi:
-Ba, ba Quang.
-Gì-Chú Quang lật ngửa nó ra-Con vừa nói gì đó, nói lại nghe.
-Ba ơi! Ba!
Ngoan vừa nói vừa cười khanh khách. Chú Quang lại các dốc ngửa Ngoan trên vai quay mòng mòng. Trong cái nhìn chỏng ngược, Ngoan thấy má đứng chổ góc nhà, má cười mà nước mắt má rơi. Ngoan thíc má như vậy hơn, như vậy mới giống chú Quang. Ngoan kêu lớn:
- Má ơi! Ba ơi!
Vậy là mình có gia đình rồi, Ngoan thầm reo lên trong lòng, hồi học lớp hai, cô giáo dạy, nhà có ba, có má, có mình là thành một gia đình. Ô vui quá!

Nguyễn Ngọc Tư

Tuesday, August 28, 2012

Bà cô


Mùa xuân, một mùa xuân nữa, bà cô của tôi lại càng lẩn thẩn hơn còn nhớ, hôm tuyên dương Bà mẹ VN anh hùng, bác Bảy bí thư hỏi thăm:
- Bây giờ má đang sống với ai ?
Bà tỉnh bơ:
- thì hàng xóm chứ ai. Hồi trước tôi cũng nuôi con hàng xóm này mà!
Quan khách ngơ ngác, mẹ tôi phải giai thích rằng, mẹ tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nhờ bà cô chăm sóc dạy dỗ, bà không ai thân thuộc ngoài mẹ tôi, Các bác, các cô hiểu ra nửa thương, nửa tội. Mẹ ngậm ngùi bảo cả nhà " thế mà hay, bà cô chúng ta không còn thấy tủi nữa". Má đúng thật, dạo này, bà cô lại hay cười, một nụ cười hạnh phúc, tôi chằng hiểu tại sao?
Mùa xuân trước, bà cô đến nàh tôi như một sự kiện. Lần đầu tiên cả nhà sôbngs chung với một người già. Bọn trẻ chúng tôi thích lắm, thích nụ cười hóm hỉnh, ngây ngây, những nếp nhăn nối đuôi nhau xếp hàng trên khuôn mặt phúc hạu. Chị em chúng tôi đặc biệt quan tâm đến bộ tóc phơ phơ, đôi mày cũng bạc phếch của bà. Thằng Út ngây ngô.
- Cứ như là nứ hiệp trong phim "Tẩu hoả nhập ma" vậy.
Chúng tôi bật cười, mẹ tôi dặn
- Từ nay các con không được mở ti vi to quá. Hãy để bà cô nghĩ ngơi.
Bọn trẻ chúng tôi, nhiều khi cũng bị cụt hứng. Nhưng ngày lại ngày qua, đêm đến đêm khác, bệnh lãng tai của bà càng nặng, các "anh hùng đại hiệp" của bọn tôi đánh nhau chí choé mà vẫn không làm phiền bà. Thế là từ đó, mỗi lần chúng tôi nói chuyện với bà phải hét toáng lên như là đang cãi nhau vậy. Hàng xóm lúc đầu giật mình:
- Chằng biết gia đình vợ chồng nhà nó có chuyện gì?
Sau hiểu ra phì cười, quen dằn thôi. Những khi chị em tôi đùa với nhau, bà chằng nghe được gì, nhưng khi thấy chúng tôi vui vẻ, bà cũng cười theo, nụ cười san sẻ, nồng ấm.
Bà trở lên hoạt bát nhứt là khi bà kể về những đứa con của bà - cậu dì của chúng tôi. Bà có ba ngưòi con, cả ba đều hy sinh. Từng khúc ruột một bị cắt lìa, đau biết mấy, thế mà thỉnh thoảng bà vẫn cười.
- Tổ cha, phải còn đứa nào tao cũng cho đi Cách mạng luôn.- Bà thương yêu nói vậy.
Mẹ tôi lườm trách yêu:
- Đúng là khẩu khí của mẹ VN anh hùng.
Tôi còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau kia to lớn biết chừng nào. Nhưng tôi biết, có cái gì đó lạ lùng trong bà, khi bà kể về những đứa con thân yêu, khuôn mặt của bà bỗng khác đi rạng rỡ. Những ngôi sao trong amứt vén làn mây đục, nhấp nháy. Bốn làn bà ra bến sông đưa tiễn, chỉ một lần đón mẹ tôi quay về. Họ ra đi chưa kịp dựng vợ gả chồng, chưa kịp cho bà một đứa cháu để vui.
Cô con dâu mới chỉ làm lễ hỏi ngay ngày viếng thăm, chăm sóc. Bà cô thương lắm, bèn đứng ra bàn với nhà giá gả chồng cho cô ấy.
- Nó khóc dữ lắm, ngày cuối nó nói dừa trên cây khô nhiều, nó bẻ một lần này thôi, sau không còn dịp nữa. Con nhỏ...- Bà nhắc lại nỗi đau.
Rồi một chuyến sang sông, cô ấy chẳng trở về, chẳng phải theo chồng trong cuộc đưa dâu. Cô ấy ngã gục trong một đêm, dạn pháo nổ ngay dốc dừa dưới bến. Cây dừa cụt đọt năm nào, bây giờ mối mọt bám đầy. Cây mới trồng lớn lên cao vút. Nơi ấy giờ đây, nước cuốn xoáy mòn. Người ở xóm truyền nhau răng, thỉnh thoảng có những cụm mây đậu trên ngọn dừa, giống hệt như cô ấy. Mẹ tôi nói thế nào bà cũng không chịu ra chợ. Một lần mẹ tôi quỳ trước mặt bà, mẹ khóc, bà cũng khóc:
- Cô không nỡ bỏ các con của cô. Cứ ở đây cho con nhớ chỗ mà về!
Rồi bà cũng khõc. Những giọt nước mắt trong như pha lê. Nó không chảy thẳng xuống, gặp phải những nếp nhăn hằn sâu, ôi flần thưo những nếp nhăn ấy. Không biết tự bao giờ nhữngg giọt nước mắt kia đã không còn vị mặn ở môi bà. Nhìn khuôn mặt ràn rụa của bà, tôi thương bà quá!
Bà bịnh nặng, các em tôi không hiểu được mức độ nghiêm trọng của căn bịnh. Bên cạnh bà, mẹ tôi cứ lau nước mắt. Ba thì lầm lì, ít nói, giục chúng tôi che thêm mái là phía sau, bửa thêm mớ củi...tôi nhìn họ, đủ biết rằng điều gì sẽ xảy ra....
Đêm ấy, những chiếc lá me li ti, se sẽ rơi ngoài bệnh viện. Chúng tôi gặp bà lần cuối. Lạ sao, bà vẫn cười, nụ cười nhẹ tênh tênh.

Nguyễn Ngọc Tư

Dàn bầu trước ngõ


Tôi không thích khi cưỡi xe vào tận thềm nhà lại phải rạp mình dưới giàn bầu ấy. Chị và mẹ tôi lại ngại tóc rối. Cha tôi khó chịu khi phải dắt quan khách len lỏi bên mấy trái bầu để vào căn nhà sang trọng. Nhưng không ai dám chặt phá giàn bầu bởi nó của bà nội tôi. Bà trông nó từ hồi trong quê ra. Thoạt đầu, chị em chúng tôi thích lắm, chiều chiều lon ton xách thùng ra tưới. Chúng tôi tưới như tưới hoa. Nội cưòi- “Bay tưới như thằn lằn đái”. Rồi bà đổ nước soàn soạt, chúng tôi nghe theo, đổ nước soàn soạt. Dây bầu lớn. Trong cái nách mập mạp lú ra mấy trái con xanh xanh. Trái bằng đầu đũa, bằng ngón tay, cườm tay rồi to to mãi. Bữa canh đầu tiên cả nhà háo hức, nuốt tuồn tuột từng miếng bầu trong veo, ngọt lịm. Ba gật gật khen ngon, day sang trách mẹ “sao trước giờ không mua bầu mà nấu ăn bà ta?”
Một lần, hai lần rồi ba lần, chúng tôi ngán tận cổ. mà, chết thật, nội tôi cứ trồng mãi, trồng mãi, giàn bầu ngày càng rộng ra choán hết khoảng sân kiểng của cha xanh rầm rì. Trái già đến vàng khô, không ai ăn, bà mang cho hàng xóm. Hàng xóm chúng tôi cũng giàu có, họ chê nhưng cũng nhận bởi họ nể cha tôi. Nhiều quá, sớm sớm, chiều chiều, nội mang ra ngõ, này cho chị xôi chè một quả :”ăn lấy thảo”, này cho bác xích lo trái bầu “về nấu cho sắp nhỏ”. Rồi bà lại trồng. Chị Lan nhăn nhó:
- Nội ơi, trồng chi nhiều vậy?
Bà nội cười, buồn buồn.
- Nội làm lặt vặt quen rồi. Trồng trọt để đỡ nhớ quê.
Ôi cái quên của nội. Cái quê heo hút muốn về phải đỉ mấy chặng xe, tàu. Cái quê mà mỗi lần về, vào cuối mùa mưa, đất bùn quến vào móng chân tôi, ém chặt thối đen. Cái quên đèn cầy, đèn cóc, đêm nhóc nhen kêu buồn nẫu ruột, mùa lũ, lơ phơ chỉ thấy mấy nóc nhà. Ba tôi nói “làm người đừng suy nghĩ hẹp hòi, đừng tưởng nơi mình sinh ra, nơi có mồ mả ông cha là quê hương, khắp đất nước này chỗ nào cũng là quê cả”. Cha tôi nói đúng và ông rước bà nội lên thành phố. Trước, ông chủ tịch đến nhà chơi, uống bia khà khà rồi nhắc: “- Lâu quá không gặp má, hôm nào chú mầy rước má lên, tội nghiệp bà già…” Cha bưng bát hương ông đi trước, bà nội lúi húi bưng bát hương chú Út theo sau. Ở nhà tôi, công việc nhàn đến mức bà thơ thẩn vào rồi lại thơ thẩn ra. Nhà cao cửa rộng, khéo đi, cả ngày chẳng ai gặp mặt ai. Chị tôi đi học cả ngày, mẹ tôi đến sở. Bà ra cửa trước, tôi vào cửa sau, bà lên lầu, cha đi xuống, gặp nhau ở lối ngõ cầu thang, nội ngó cha, nhắc “Lúc này bay bận rộn, đến không không ăn cơm ở nhà, khéo ngã bệnh nghen con”. Cha cười “má khỏi lo”. Rồi mỗi người mỗi ngả. Bà năng xuống bếp, quấn quít ở đấy. Chị bếp khoe:

- Bác ơi, con làm bánh tổ nè, bác cháu mình cùng ăn nghen.
Bà tôi gật gù khen ngon. Tôi tò mò nhón lấy một miếng ăn thử, nó ngòn ngọt dai dai. Thứ bánh nhà quê này xem ra có khác với Sandwich, chocolate. Bà làm nhiều thứ bánh lắm, không kể hết được, nào là bánh ngọt, bánh ú....toàn là bánh nhà quê, mà hình như chỉ tôi ăn, ba mẹ, chị Lan đều tránh xa xa hỏi " Bánh đó ăn ra làm sao? " Tôi khoe " Sáng này nội làm bánh khọt ngọt ngon lắm." Chị Lan tròn mắt " bánh gì tên ngộ vậy?
Ừ, ngộ, ngộ chứ. Nội mua về cái lò đất khói tù mù. Cha tôi chê. Nội mang ra ngoài hè để đỡ ám khói tường nhà. Bà bảo: "Làm bánh khọt thì phải đốt bằng lò đất, nó mới ngon". Bà đốt lửa, mắt già tèm nhem nước mắt mùi khói thơm thơm, cay nồng. Mùa này nhiều trái bầu khô, nội hái vào móc ruột ra, lấy cái vỏ mằn mì gọt. Lâu lâu nội đưa lên nhìn, nheo nheo mắt. Tôi hỏi, nội gọt gì. Nội cười, đưa cho tôi mảnh vỏ dầy hình trái tim nỏ xíu.
- Mặt dây chuyền cho tụi nhỏ đeo.
Tôi không nén được xuỳ một tiếng.
- Thời này ai đeo mấy thứ này, nội làm chỉ mất công.
Trong đôi mắt đùng đục của bà, tôi thấy có một nỗi buồn sâu kín. Con chị bếp dưới quê lên, bà gói dúi vào tay nó mấy mảnh bầu. Con nhỏ hớn hở, vui thiệt là vui. Cũng niềm vui áy, con bé bán vé số lỏn lẻn cười "Bà đẽo đẹp ghê ha". Hôm sau tôi thấy nó xúng xính xỏ cọng chỉ vào, đeo tòn ten trươc cổ lạ lắm. Hình như tôi ngắm vàng ròng, cẩm thạch quen rồi. Tôi xin, bà móm mém cười "Bà để dành cho bay cái đẹp nhất nè".
Tôi gói trái tim xíu xíu kia bỏ vào ngăn tủ, chị Lan trông thấy giành "cho chị đi". Tôi lắc đầu. Chị giận bảo "chị cóc cần, ở chợ bàn hàng khối". Nhưng rồi chị quay về nài nỉ tôi . Lần đầu tiền, tôi thấy món quà của nội dễ thường đến thế.
Giàn bầu vãn trước ngõ. Cha tôi đã thôi khó chịu, hay bực dọc riết rồi chai đi, chẳng biết bực là gì nữa. Nhưng khách đến nhà, ai cũng khen" anh ba có giàn bầu đẹp thiệt". Họ săm soi, từng mảng lá cuống hoa. Khách nước ngoài còn kề má bên trái bầu xanh lún phún lông tơ mà chụp hình kỷ niệm. Mấy anh chị sinh viên đạp xe ngang dừng lại nhìn đau dấu qua rào rồi kháo nhau "Nhớ nhà quá, tụi mày ơi". Chiều chiều, tôi ra giàn bầu xanh rượi, mơ màng nghe con ong vò vẽ trên từng phiến lá, chớp mắt nhìn chim sâu lích rích chuyển cành, chuồn chuồn rồi bướm rồi hoa thi nhau nở chấp chới. Bà nội tôi yếu hơn trước, mùa mưa bắt đầu lướt sướt đi qua. Ông chủ tịch đến chơi nhà, ôm chầm lấy nội , lắc lắc " lúc này má khoẻ không?" Nội cười xoà mà nghe nghẹn nghẹn "khoẻ, má khỏe" . Cha tôi sai chị bếp mang rượu thịt ra ông chủ tịch khóa tay:
- Thôi, chú bảo chị ấy nấu canh bầu ăn.
Cha hẩng mặt. Chị bếp lúi húi gọt bầu, mùi nước canh xông vào mũi thơm lừng. Ông chủ tịch day qua bà nội khoe "lâu quá không ăn canh bầu rồi, má!" nội cười: "má nhớ bay thích nhất là ăn bầu nấu tép bạc". Cha dôi dợm mình "để con đi mua tôm". Ông chủ tịch ấn vai, bảo "thôi , chú cứ ngồì xuống, anh thèm lắm rồi, không chờ chú được đâu". Hôm ấy cả nhà tôi ăn lại bát canh ngày xưa, nghe ngọt lìm lịm lưỡi. Chị bếp ngó nội, khoái chí cười đầy hàm ý. Hình như nội tôi vui.
Giàn bầu thưa hẳn đi. Cái giống lạ thật. Nắng bao lâu vẫn xanh tốt, mới mưa dầm lại héo dây. Tôi đập vỡ trái bầu khô, lấy hạt ra ươm. Mùa mưa dữ dội, nội tôi bệnh , bà bị chứng tai biến não. Nội lơ ngơ, đã cười đã khóc thì không sao dừng được, tay run rẩy cầm ca nước, bát cơm cũng khó. Trời đổ mưa, sấm giật ầm ầm, nội thều thào nhắc:
- Sắp nhỏ đừng hứng nước mưa đầu mùa, hỏng tốt. Chà, mưa vầy ngập đồng rồi, ngâm giống gieo mạ đi thôi.
Bà nội lẩn thơ lẩn thẩn rồi, mà hình như bà chỉ nhớ về quá khứ. Nội hay ra ngoài hiên, chăm chăm nhìn giàn bầu đang run rẩy trong gió. Bà ngồi đấy lặng lẽ, thẫn thờ, như chờ một tiếng vạc sành, một tiếng ếch kêu. Tay bà lạnh ngắt, tôi chạy vào phòng lấy lọ dầu thoa, vẫn thấy mảnh bầu trái tim màu vàng trong ngăn kéo, cái màu vàng như của rạ, của lúa, như của mái nhà lá nhỏ lơ phơ dưới nắng chiều. Giàn bầu vẫn trước ngõ, có kẻ đi qua kêu lên, "tôi nhớ nhà". Cha tôi bảo: "có thể bứt người ta ra khỏi quê hường nhưng không thể tách quê hương ra khỏi chúng trái tim con người." Và cha tôi lại nói đúng.

Nguyễn Ngọc Tư