Hạ nhỏm người dậy, cô tựa lưng vào tường cho khỏi ngã. Cơn tức ngực khó thở kéo đến, đầu óc cô váng vất, mặt mũi xây xẩm, Hạ thở hắt ra một cách khó nhọc.
- Hạ ăn cháo cho nóng.
Bưng tô cháo thịt bốc hơi nghi ngút, Văn ngồi sát bên Hạ. Chiếc gường ọp ẹp lại rên lên kèn kẹt khi Văn khẽ cựa mình như than phiền “chớ có ngồi lên tôi, các người nặng quá tôi chết mất”. Mùi cháo thịt bốc lên mũi, cô nhăn mặt. Bụng rỗng tuyếch, lép kẹp nhưng miệng Hạ chẳng buồn ăn. Chỉ cần ngửi thấy mùi cháo, cô đã muốn mửa nói chi đến ăn. Bữa nào Văn cũng phải ép mãi Hạ mới ăn được vài thìa để duy trì sự sống. Văn vừa xúc thìa cháo, Hạ quay mặt vào tường thay cho lời từ chối “ tớ không ăn đâu” như mọi lần.
- Hạ đừng có trẻ con thế.
- Văn cứ mặc tớ.
Hạ bám vào song cửa, cô đưa đôi mắt mệt mỏi, thâm quầng vì khó ngủ nhìn qua ô cửa sổ.Hạ ương ngạnh và bướng bỉnh. Văn dỗ kiểu gì Hạ cũng không chịu ăn. Văn phải nói khích.
- Hạ ghét tớ đến thế sao?
- Lần này tớ không bị mắc mưu của Văn đâu.
Bị Hạ bắt bài Văn gãi đầu cười dễ dãi.
- Thôi, Hạ không ăn cũng được.
- Văn nói thật chứ?
- Thật. Nhưng…
Văn ôm ghì Hạ trong cánh tay đen bóng, rắn như lim. Mặc cho Hạ cố giẫy giụa để phản đối thìa cháo, Văn vẫn cố đút vào đôi môi khô khốc bợt bạt vì kiệt sức.
- Hạ không chịu ăn thì tớ phải cưỡng chế vậy.
Biết thế nào Văn cũng không buông tha nên Hạ ngoan ngoãn nói:
- Văn buông tay ra, tớ sẽ ăn.
Văn “bấp chấp thủ đoạn”, Hạ ghét Văn cũng được, căm thù Văn cũng được miễn sao Hạ chịu ăn cháo do Văn nấu, và lần nào Văn cũng có cách bắt Hạ ăn cho kỳ được.
********
Bất kể nắng hay mưa, Văn cũng ra vỉa hè phố Lò Đúc đứng kiếm việc. Những người làm phu khuân vác như Văn không có sự lựa chọn. Người thành phố lượn lờ quanh khu Lò Đúc, họ ngắm nghía những người đàn ông xếp hàng dài chờ việc. Rồi họ cẩm thận chọn một người khỏe mạnh, thật thà và nhanh nhẹn theo kinh nghiệm chọn người của họ cho được việc, như cái cách người ta lựa một món hàng. Ai bảo gì Văn làm lấy, cực mấy Văn cũng chịu.
Văn làm phu hồ, Văn bốc vác, Văn đánh giầy, Văn bán báo, Văn bán hàng rong….Càng bị đời quật tơi tả, càng trải qua mưa nắng, khói bụi nơi phố thị, Văn như thanh thép muội nung qua lửa đỏ, càng nung càng rắn, càng đanh hơn. Khỏe như lực sĩ lại thật thà, cẩn thận nên Văn làm không hết viêc. Nhiều người biết chuyện thằng Văn đa năng, (đó là biệt danh mấy người hàng xóm nghèo đặt cho Văn) chăm con Hạ ung thư, họ thầm nghĩ Văn dại quá. Hết con gái để thương rồi à, đã nghèo kiết xác, lại phải lòng con bé ốm thập tử nhất sinh chỉ chờ chết. Có người nói thẳng vào mặt Văn: “ cứ mắc vào lưới tình thì ai cũng chập chập, cheng cheng hết sao mày?”. Văn chỉ biết ngãi đầu gãi tai ỡm ờ đáp: “tự dưng trong lòng cháu thấy thương Hạ, muốn chăm sóc cho Hạ. Mỗi lần nhìn nụ cười héo hắt của Hạ thấy trong lòng là lạ, xao xuyến làm sao ấy”. Ai cũng tấm tắc khen con Hạ tốt số. Thời buổi thực dụng “tiền chao cháo múc” này bỗng dưng mọc đâu ra cái thằng chết vì tình, si tình tới mức “đâm đầu vào chỗ chết” khiến cái đầu vốn quen với việc kinh doanh lạnh như đá, khô như gói của những ông bà chủ cũng rưng rưng. Lúc Văn ra về họ còn rúi thêm cho Văn năm, mười nghàn tiền bo.
Cô con gái con bà chủ quán nước. Bà này ki có tiếng chẳng bao giờ rời ra cho ai vay không xu nào, lấy được tiền trong túi bà thì phải ghi giấy nợ, phải chịu lãi 20%. Cô con gái bà say Văn như điếu đổ. Cô ả ngấm ngầm trách Văn là đồ dở hơi, hoang phí một đời trai. Bao lần cô ả nhờ Văn sửa hộ cái bóng điện hay cái quạt. Văn ngơ ngác hỏi; “đèn vẫn sáng mà? Quạt có hỏng đâu?”. Cô ả ấm ức nói mát: “Người ta hơ hớ ra đấy chả thèm ngó ngàng gì đến, lại đi phải lòng cái con kề miệng lỗ”. Cặp mắt ti hí của cô ả thường rực sáng nỗi thèm khát ái tình mỗi bận chạm phải vùng ngực vạm vỡ, đen giòn của Văn. Gã thợ xây cao lớn hễ thấy gái lại cười tít mắt phòng bên chê Văn: “Chú em dại thế, con Thu đem “rượu thịt” mời chú xơi, tội gì không hưởng thụ, đời được mấy tí”. Văn cười hiền: “Mình không ưng người ta thì thôi làm thế hại cả đời người ta chứ chẳng bỡn”. Gã thợ xây cười hềnh hệch. “Ôi dào vứt mẹ cái giọng nhân nghĩa dởm đời ấy đi. Chú mày muốn thành phật chắc”. Người ta bảo mình ngu cách mấy cũng được, tại cái bụng Văn không cho phép bất nhân bất nghĩa, cùng kiếp làm người cả ai lại hại đời nhau, làm thế Văn còn mặt mũi đâu mà nhìn đời.
********
Văn thương Hạ từ hồi hai đứa còn học chung trường, chung lớp. Ngày ấy Văn là chàng trai mới lớn hay đỏ mặt có chiếc răng khểnh duyên như con gái. Mỗi giờ ra chơi chúng bạn thường chế Văn với Hạ. Trong bụng Văn mừng mừng, ngoài mặt vẫn lạnh te. Trên con đường đất đỏ, rặt hoa cỏ may mỗi chiều tan trường Văn cùng Hạ che chung một chiếc ô. Nhà Văn ở đầu làng còn nhà Hạ ở cuối làng, Hạ có tật sợ ma nên tối nào đi xem chiếu bóng Văn đều phải đưa Hạ về đến tận ngõ. Hạ cả thẹn và tự ti. Kẻ phũ phàng chê Hạ “con gái gì đâu mà đen thui, gày như con cá mắm” thì Văn bênh: “người ta cốt ăn nhau ở cái duyên cái nết, chứ đẹp thì có ích gì”.
Quê Văn nghèo lắm, nghèo đến nỗi không có cổng làng, người ta toàn chữa bệnh hiểm nghèo bằng mâm cơm cúng trừ tà. Chị Ý chết vì bị ỉa chẩy mà chỉ chữa bằng ăn búp ổi. Con cô Quy bị sốt mê man cũng chỉ đánh gió cỏ nhọ mực, đến nửa đêm đứa bé lơn cơn co giật rồi bị liệt. Ở quê Văn có nhiều cái chết tức tưởi, oan uổng chết vì những căn bệnh không đáng chết, người thành phố biết sẽ hỏi: “Sao không đưa tới bệnh viện?”. Toàn bệnh nhẹ phèo à, ai đem đến bịnh viện làm chi cho tốn tiền.
Thương bà con quê mình Hạ nói với Văn: “ Tớ với Văn gắng học thật giỏi sau này làm bác sĩ về quê chữa bịnh cho dân mình”. Đùng một cái Hạ lăn ra ốm. Ngày hay tin bác sĩ chuẩn đoán Hạ bị ung thư phổi Văn như thằng điên, gặp ai Văn cũng nói: “Người tốt không được chết trẻ”. Dì út chỉ vào mặt Văn mà mắng: “Mày điên quá rồi, tự dưng vơ chuyện của người ta vào mình”. Văn cãi: “Con đang buồn muốn chết, chỉ thiếu điều tự vẫn cho cho dì vui”. Bà nội phải mắng át: “Phỉ phui cái mồm, mày muốn nhà tao tuyệt tự sao? Đồ vô tích sự”
Vào một đêm cuối tháng sáu, trăng tỏa xuống những tám lá rậm rạp, xum xuê thứ ánh sáng mờ ảo, nhợt nhạt. Văn ôm bọc quần áo đợi Hạ bên cái giếng làng già nua cũ kĩ. Đêm thanh vắng chỉ có tiếng côn trùng kêu rả rích, thi thoảng mới có tiếng con chó khó ngủ sủa ầm ĩ, như muốn tố giác Văn. Đợi Hạ một lúc khắp người Văn ngứa râm ran, lũ muỗi đói kêu vo ve được một bữa tiệc no nê. Mặc đàn muỗi làm thịt, Văn kiên nhẫn ngồi thu lu dưới gốc cây đa. Một tiếng sau Hạ chạy tới nói giọng hổn hển:
- Tớ không đi đâu.
- Bọn mình đã bàn kỹ rồi Hạ nói hủy là hủy ngay sao. Hạ định cho tớ bị đánh tuốt xác à?
- Bác trai cũng hiền mà, bác sẽ không đánh Văn đâu.
- Dượng cục tính chỉ cần trái ý ông là tớ chết đòn.
- Văn sẽ khổ nếu đem theo người bạn mắc bệnh ung thư.
- Đi! Hai đưa mình đi tìm đường sống. Tớ cũng chịu hết nổi ông bố dượng suốt ngày say xỉn rồi đánh đập mẹ con tớ rồi. Hạ có khác gì tớ đâu. Bao năm năm mình bố Hạ gà trống nuôi năm đứa con nay Hạ lại mắc bịnh hiểm nghèo. Cơm thì bữa đói bữa no, ông lấy đâu ra tiền thuốc men. Tớ nghe nói trên thành phố dễ kiếm lắm. Hai đứa mình ra đấy rồi tớ sẽ tìm việc chữa bịnh cho Hạ.
Hạ chợt thấy họng ghẹn đắng, nước mắt chảy tèm lem xuống cằm. Hạ nuốt tiếng nấc đánh ực, rồi gật đầu đầu cái rụp:
- Ừ tớ đi
Nắm chặt tay Văn, Hạ cắm đầu chạy thục mạng, phần vì Hạ sợ ma, phần vì Hạ sợ nếu dừng lại Hạ không đành lòng dứt áo ra đi. Hạ không nỡ rời xa người cha khắc khổ làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt. Hạ thương bày em thơ nhớ chị khóc lướt mướt hỏi bố: “Chị Hạ đâu?”. Không có Hạ ai sẽ thay mẹ vá lại chiêc áo rách cho bố, gọi bố dậy từ bốn giờ sáng cho kịp phiên chợ sớm. “Tha tội cho con” Hạ nhủ thầm. Hạ bỏ nhà đi cũng chỉ vì bố thương Hạ nhiều quá. Hạ biết tính bố xót con gái, chỉ cần có tiền chạy chữa cho con thì việc gì bố Hạ cũng làm. Bố sẽ đi vay lãi, bán ruộng vườn, thậm chí là bán nhà để cứu Hạ. Ôi, chỉ nghĩ đến cảnh đó, lòng Hạ như đứt từng khúc ruột, ngực Hạ buốt nhói. “Chỉ cần không có đứa con bệnh tật, đời bố sẽ đỡ khổ”. Ý nghĩ ấy xoa dịu cơn đau đang quẫy đạp trên thân thể Hạ.
*********
Hai con người nghèo khổ lang thang khắp nẻo đường phồn hoa, ầm ĩ tiếng nói cười của đủ mọi hạng người. Hạ và Văn ngơ ngác thảm hại trước sự sang trọng, sặc sỡ áo váy, và những chiếc xe tay ga mới cáu cạnh, cho đến những chiếc ô tô đời mới. Người thành phố nhìn Hai đứa một cách dè dặt, đề phòng kẻ gian vốn thuộc bản tính cố hữu nơi họ. Hai kẻ nhà quê không hay biết chúng bị nhìn như những tên ăn cắp. Một vài người phũ phàng nhìn họ bằng ánh mắt khinh bỉ.
Sau hai ngày lang thang trên đường phố Văn được lão ăn mày quê mãi tận Thanh Hóa thương hại “cho ở nhờ”. Lão ăn mày mặt nhăn như khỉ, mở miệng ra là chửi; “chó đời”. Căn nhà tồi tàn, rách rưới được tạo thành từ mấy bức tường rêu mốc, nằm lọt thỏm giữa khu ổ chuột bên bãi rác, bốc mùi tanh tưởi, hôi thối của vô số thứ “đồ bỏ đi” người ta thải ra. Căn nhà là phát hiện mang tính đột phá, thắp lên ngọn lửa, sưởi ấm cho tấm thân tơi tả, rách nát, lão cười mà đôi mắt ầng ậc nước nó với Văn: “Cứ ở đây với tao, chúng mày chả phải thuê mướn mẹ gì”. Văn vừa mừng rỡ vừa bối rối : “ Không có bác cháu cũng chẳng biết xoay xở ra sao. Cháu không biết lấy gì đền ơn bác”. Văn quỳ thụp xuống chân lão vái lia địa. “Chó đời, đồ hèn mới có thế đã quỵ lụy rồi. Có phải nhà của tao chó đâu. Nhà bỏ hoang có chúng mày ở cùng tao càng vui.” Lão chậm chạp thu dọn lại căn phòng treo mấy bộ quần áo hành khất rách dưới, đồ đạc trong phòng từ cái nồi, cái siêu, bát sắt, đĩa, muôi, thìa đều méo mó vẹo vọ như chính cuộc lão. Những vụn thức ăn mốc meo nơi góc tường. Mạng nhện giăng đầy các góc tường ẩm mốc như nhà bỏ hoang. “Tao ở một mình dọn dẹp làm chó gì”. Lão thanh minh. “Đồ nghề của tao chỉ có thế này thôi, cái món này hay đáo để nhờ nó, lão già dặt dẹo sống được hết đời này. Ăn cơm thiên hạ cho tủi nhục, nhiều lúc nó đắng ghẹn nơi cổ họng. Chúng mày sức thanh niên kiếm việc đàng hoàng mà làm, để khỏi cúi mặt xuống không dám nhìn thiên hạ như tao. Chó đời”.
Chiếc giường một duy nhất trong phòng được ưu tiên dành cho Hạ. Lão với Văn ngủ trên tấm ván dưới sàn nhà, đêm đầu tiên Văn thấy nhột nhột, trằn trọc khó ngủ. Ô, thì ra lũ gián thản nhiên hành quân qua người Văn. Trên giường Hạ cũng thức, bởi lũ chuột ghẻ, hôi hám chạy lông nhông suốt đêm tìm thức ăn. Chỉ lão ăn mày ngáy khò khò như kéo gỗ. Từ ngày có bàn tay hay làm của Hạ căn nhà mới có được bộ mặt gọn gàng, ngăn nắp để vênh mặt lên với mấy căn lều tồi tàm bên cạnh.
Vào một ngày cuối đông lão ăn mày thôi không chửi “chó đời” nữa. Người họ hàng xa thương tình lão già cô đơn không người nương tựa, chẳng có đồng lương dắt túi đem lão về phụng dưỡng lấy phúc. Túp lều rách rưới thành tài sản của Văn với Hạ.
********
Xóm bãi rác toàn dân mạt hạng. Ai cũng nghèo kiết xác, họ đều thất học và sống lang trên đường phố. Hai anh chàng gầy đét như que củi luôn miệng nghêu ngao hát. “Khi tôi sinh ra mang được ngay tiếng con nhà nghèo. Qua bao nhiêu năm không đổi thay lớn lên còn nghèo…”. Người anh làm phu hồ, còn người em làm thuê trong của hàng rửa xe. Xem ra hai anh em Hiến là hiền nhất xóm. Đã lưu lạc đến xóm bãi rác hầu hết ai cũng từng hoặc đang lầm lỡ. Riêng anh Hiến phải lưu lạc đến đây vì năm Hiến mười sáu tuổi gia đình anh bị phá sản, cả bố và mẹ đều đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn. Hiến mang em đến xóm bãi rác định cư vì ở đây không mất tiền thuê nhà. Vì thế, Anh Hiến có vẻ dè dặt đề phòng mọi người hơn. Họ chỉ làm cặm cặm cùi cụi, mong có chút vốn thoát khỏi khu nhà ổ chuột mà nguy hiểm luôn rình rập.
Ba chị em đứa con gái tóc cháy nắng nói giọng mặn mùi biển đi biền biệt từ sáng đến tối mịt mới về. Hai đứa em thường cằn nhằn: “Hôm nao chị cho bọn em nghỉ một ngày, bọn em mệt quá rồi. Chị cho em ngủ thêm chút nữa”. Chỉ cô chị luôn miệng thúc giục lũ em: “Nhanh lên, chậm chút nữa không có cháo mà húp. Nếu chúng mày không muốn chết thì phải làm thôi”. Túp lều của ba chị em Tý chỉ cách túp lều của lão ăn mày một bức vách, nên bên này nói gì, làm gì tiếng động cũng vọng sang bên kia. Qua những tiếng thì lầm lúc nửa đêm, Hạ nghe lõm bõm lúc được lúc mất. Hạ biết sớm tinh mơ ba chị em Tý ra chợ Mơ mua rau về bán. Người thành phố lắm tiền nên họ sành ăn chứ chẳng ham rẻ, rau phải xanh mỡ, tươi nguyên họ mới mua. Những bà nội trợ thành phố chẳng những sành mua, họ cũng sành mặc cả. Dù bọn trẻ bán hàng ánh mắt luôn u uẩn, nom đượm vẻ khắc khổ, họ vẫn mặc nhiên trả giá một mớ rau. Chẳng trách họ được, chỉ cần bước xuống đường là họ bắt gặp cảnh những người nhà quê nghèo khổ lang thang kiếm sống. Họ quá quen với hình ảnh bọn nhà quê kiếm ăn bằng chút lộc rơi lộc vãi của người thành phố, với lại ai cũng thương ai cũng cho thì tiền núi cũng hết. Chị em Tý ít vốn, họ chỉ mua được những mớ rau khô cằn, gầy nhẳng đôi khi hơi úa vàng giống như gái già. Ngày nào chị em Tý cũng gánh hàng lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm tới tối mịt, chẳng may hôm nào ế, ba chị em Tý lại ăn rau nhiều hơn ăn cơm.
Chuẩn mặt rỗ, có cuộc đời không chuẩn như cái tên của hắn. Bố hắn thuộc thành phần đầu trộm đuôi cướp, mẹ hắn là người kém sắc, bộc tuyệch. Tiếng là vợ chồng nhưng chưa có hôn thú, vả lại với người đàn kém sắc lại nghèo thì chỉ cần có người đàn ông yêu thương là may mắn rồi, sau lần ngửa ra cho gã lưu manh làm việc yêu. Người đàn bà đã biết mùi đời đâm ra bần thần nhơ nhớ “cái của nợ” trong quần gã. Họ cứ làm việc yêu riết rồi quen hơi, rồi nghiện nhau thế là ở cùng một nhà, thế là vợ chồng. Chuẩn mười năm tuổi bố hắn phạm trọng tội, bị kết án tử hình. Mẹ hắn bán nhà, bán đất bồi thường cho người ta rồi nương nhờ nơi cửa chùa. Đương ở độ tuổi dở dở ương ương, Chuẩn phẫn chí, hắn lao vào đời như thằng điếc không sợ súng. Để ăn được bát cơm của thiên hạ, Chuẩn đi nhặt rác, sau nhiều lần cọ sát với các nhóm khác bằng nắm đấm, dành lại địa bàn làm ăn, hắn trở thành đại ca cầm đầu những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ. Lớn thêm vài tuổi nữa hắn chuyên kiếm sống bằng nghề bắt chẹt khách tại các bến xe. Nghề phe vé toàn thằng có máu mặt, thằng nào cũng có máu liều, thằng nào cũng sẵn sàng đổ máu. Trong lòng thành phố Hà Nội phồn hoa, thanh lịch và kiêu sa luôn ẩn chứa một thế giới hoang dã. Lòai người dẫm đạp nhau như bọn sói rừng, sẵn sàng làm thịt nhau hòng cướp lấy miếng ăn, đôi khi con người phải đổi bát máu lấy bát cơm. Chuẩn là người nhưng chẳng khác nào những con thú. Hắn chẳng có gì ngoài sức mạnh của thân xác. Đến tuổi lấy vợ, Chuẩn mới chua chát nhận ra những kẻ khố rách áo ôm, sẵn sàng dùng tuýp nước dập nát thịt kẻ khác chỉ có quyền lấy vợ trên giấy mực vì hắn không phải người tử tế. Ngà, người yêu Chuẩn làm ôsin trong quán cơm. Ban đầu Ngà cũng yêu hắn nhưng khi biết rõ thân phận hắn, mẹ Ngà rên rỉ mắng nhiếc con gái: “Đồ ngu, những thằng tử tể, cùng làng cũng xã mình biết rõ gốc tích rồi thì không yêu, lại yêu cái thằng nay đâm chém, mai đâm chém. Rồi có ngày nó điên nên, nó giết cả vợ ấy à, cái giống bất lương đến chết cũng không mở mặt lên được…đẻ con khôn mat l. giời giợi, đẻ con dại thảm hại cả l.” Bà mẹ nói cũng có lý, với lại mấy bà dì khuyên cũng bùi tai thế là Ngà bỏ Chuẩn như như thể cô vừa ném cái dế rách xuống ao. Ruột gan hắn như bị ai lấy dao cứa. Chuẩn chơi ma túy để quên hết sự đời. Lần đầu say thuốc tim hắn đập thình thịch, đập điên loạn như sắp đâm toác ngực. Lần sau người hắn lao đao như say sóng, bồng bềnh hư ảo như đám mây. Lần sau nữa hắn cười như điên dại, cười chảy nước mắt, cười rỏ dãi, cười như khóc…Hắn tạm quên con Ngà môi cong. Trong mắt hắn đời là tấm hài kịch, cái gì cũng đáng cười. Chỉ nghĩ đến cái tên Chuẩn nghĩa là; chuẩn bị, chuẩn mực, chuẩn xác, …tên hắn đã nực cười rồi, nghĩa của nó lại càng nực cười hơn. Hắn cười đau bụng, cười bò ra đất. Lúc tỉnh bắt gặp cảnh người ta đắm đuối hôn nhau trong góc tối, lòng dạ hắn như tấm vải bèo nhèo người đàn bà xé thành từng mảnh vụn. Cơn đau toát lên đỉnh đầu, hắn coi ma túy như một lối thoát. Trốn thế giới thực tại hắn bay vào thế giới hư ảo, xa đọa. Thế giới của những kẻ đang chết, chết từ từ, đau đớn tủi hổ…Cơn say thuốc biến nụ hôn đẹp đẽ của loài người thành trò hề. Đầu hắn váng vất những câu hỏi ngớ ngẩn; sao đàn ông với đàn bà lại thích cắn nhau? Sao lưỡi họ quấn vào nhau, môi họ dính vào nhau để hàng triệu triệu con vi trùng trong nước bọt người này truyền sang người kia?...Buồn cười quá, buồn cười chết mất. Chuẩn sống vật vờ như bóng ma, hai mắt hắn dài dại, cái miệng thâm sì như miếng thịt trâu chết, khen khét. Cổ hắn ngoằn những vân ghét, người hắn hôi hám y như lũ chuột cống. Suốt mùa hè hắn mặc độc chiếc áo cộc tay cáu bẩn với cái quần lửng soăn tít, để lộ hai ống chân teo nhỏ như cây sậy, hai cẳng tay lấm tấm sẹo nhìn rõ từng đường gân. Những tép heroin mua được, hắn sẻ làm đôi, một để dùng khi đến cữ thuốc, một để bán cho những con nghiện cũng cùng đường dặt dẹo như hắn. Ngoài thời gian lê tấm thân tàn tạ ra chợ xem thiên hạ hở ra cái gì thì hắn thó, hắn nằm co trên tấm phản bừa bộn rác rưởi như ổ chó.
Túp lều của con Mai ở cuối dẫy, túp lều ẩm thấp có vẻ sang trọng hơn nhờ chiếc gương hình bồ dục, tủ váy áo sặc sỡ và mùi nước hoa, son phấn, tất cả đều rẻ tiền. Con Mai cặp với thằng Phàn. Tiếng là dân thành phố nhưng thằng Phàn chỉ có cái xác khô. Thằng Phàn mặt quắt, tóc nhuộn hai, ba nai vàng chóe kiểu dân chơi. Hồi mới gặp con Mai thằng Phàn da trắng và béo hơn bây giờ đến gần chục cân. Thằng Phàn là đứa phá gia chi tử, gã mê nàng tiên nâu từ năm mười sáu tuổi. Ông bà già bắt gã cai lên, cai xuống. Cả chục lần gã quyết tâm, gã hứa sẽ làm lại cuộc đời mà gã vẫn chẳng thể đứt tình với nàng tiên nâu. Gã cậy tủ lấy tiền, gã đem xe máy đi cầm cố…cách nào giúp gã xoay xở ra tiền gã cũng làm. Có bận bà già đang ngồi xem phim gã giật phắt đôi bông tai vàng đem bán lấy tiền mua hàng trắng. Không chịu nổi thằng con “trời đánh” ông bà già tống khứ gã ra đường. Con Mai mặt gẫy, mũi tẹt, da mái mái, ngực lép. Mỗi khi ra đường con Mai, độn thêm một lớp vải xô dầy vào mông như đàn bà đến kỳ kinh nguyệt cho nó cong lên. Con Mai chẳng có điểm gì hấp dẫn đàn ông ngòai cái miệng khéo nói, suốt ngày leo lẻo; anh ơi, anh à…Thằng Phàn bắt bồ với con Mai vì hai nhẽ; thứ nhất nó không phải điên đầu nghĩ cách xoay tiền mua hàng trắng. Một thứ hàng xa xỉ, đắt đỏ đối với những thằng hết vị như hắn, và cái lợi thứ hai là hắn được giải tỏa cái khoản bức xúc đàn ông. Con Mai quê Thái Bình. Nó là đứa biết sớm, già trước tuổi bản năng đàn bà nhiều đến độ cánh đàn ông cho thế là đa dâm. Có lần vui miệng con Mai kể với Hạ; nó biết chuyện đàn ông ngủ với đàn bà từ năm lên sáu. Trưa hôm đó bố mẹ con Mai đi làm sớm. Nhà nó gần bờ đầm, gió mát rượi. Đang say ngủ con Mai bỗng bừng tỉnh vì tiếng kêu ồi ồi của bà nó ở phòng bên. Con Mai ren rén lại gần cánh cửa gỗ khép hờ. “…Ông nó đang làm rung đít bà nó…”Con Mai ngây người như tượng đá, nhịp tim trong ngực nó tăng vọt, khắp người nó rạo rực rồi tê tê như có một dòng điện vừa chạy qua. Nó còn quá bé để biết rằng đó chuyện chăn gối của những cặp vợ chồng. Đáng ra nó không nên nhìn vào căn phòng đó. Người lớn cứ tưởng trẻ con dễ nhớ và mau quên, nhưng họ đã lầm. Trẻ con chỉ mau quên đối với những sự kiện tẻ nhạt, còn những hình ảnh để lại ấn tượng, cảm xúc mạnh thì suốt đời chúng không thể quên. Người lớn cứ tưởng bọn trẻ con không biết gì về chuyện chung đụng giữa đàn ông và đàn bà, nhưng trong một số trò chơi chúng tự bịa ra với bài vè;
Ve vẻ vè ve.
Nghe vè lá lốt
Anh C thì tốt chị T thì xinh
Hai bên xập xình gia đình đồng ý
Tôi xin chữ ký
Ủy ban không cho
Anh ấy quát to
Tôi yêu cô ấy từ mấy năm trời
Bỏ rơi cô ấy tiếc ơi là tiếc
……….
Công chúa T ngồi bên của sổ
Hoàng tử C chạy vội đuổi theo
Anh yêu từ chân đến cổ
……
Bọn trẻ thường mô tả cảnh làm tình của người lớn, bằng động tác dùng ngón trỏ tay phải chọc qua lỗ, do ngón trỏ và ngón giữa tay trái chập vào rồi uốn cong lên. Chúng cười khanh khách bảo nhau; bố, mẹ phải làm thế này mới có con, giống như cà chua phải thụ phấn ấy. Nhà con Mai nghèo. Bố nó nghiện rượu nặng. Mỗi lần say ông bố đánh đập mẹ con nó thâm tím mặt mày. Mười bốn tuổi nó bỏ học. Năm con Mai mười tám có người đàn bà lạ về tận quê rủ nó lên thành phố kiếm tiền. Chị ta nhử: “Tính chị hay thương người, thấy em ở với bố khổ quá trời. Cha gì mà đánh con như vồ đập đất, cứ ở cái xó quê này có mà chết đói. Em lên thành phố chị kiếm việc cho, vừa nhàn vừa lương cao. Vừa có tiền ăn tiêu vừa có tiền gửi về phụ giúp gia đình để mở mày mở mặt với thiên hạ…” Con Mai tưởng chị ta là bồ tát hiện linh, nó khăn gói quả mướp trốn gia đình lên Hà Nội. Ban đầu chị ta cho con Mai làm chân phục vụ bưng khăn, bê khay…dọn dẹp trong nhà hàng chuyên phục vụ tẩm quất matxa xông hơi cho các quý ông. Mới ở quê lên con Mai còn rụt rè, nhút nhát, nó nhìn các chị làm mà run bắn. Hóa ra bà chị giúp nó cũng chẳng tốt đẹp gì. Đợi con Mai quen với cảnh những cô nàng mặc váy, cúi người xuống là hở một khoảng ngực căng phồng trắng nõn, và chiếc quần lót hàng hiệu vầy vò đám đàn ông, còn đám đàn ông thì sướng rên thọc tay vào áo ngực hay quần lót các cô gái. Chị ta mới cho một cô thợ matsa giỏi nghề dậy cho Mai. Lần đầu tiếp khách con Mai thấy sợ, sau nó cũng thấy thinh thích rồi “yêu nghề” lúc nào không hay. Tuy con Mai có tính đĩ thõa nhưng nó chỉ “đi hàng nhẹ”, chưa bán dâm cho khách. Từ ngày sống với thằng Phàn, con Mai mới làm cave. Mỗi bận đói thuốc thằng Phàn như con chó dại, gã nghiến răng trợn mắt bóp cổ con Mai: “Mày có tiền không?”
- Không! - Con Mai hoảng hốt. “Tao là thằng nghiện, thiếu thuốc tao đ. sống được. Mày đi kiếm tiền mua thuốc mau.” Gã gắt nhặng. Con Mai run lập cập: “Anh tiêu xài như phá mả, tôi biết đào đâu ra tiền bây giờ?” “Mày ăn cắp, bán máu hay làm đĩ cũng được miễn sao có tiền…” Gã nằm vật ra đất, tay chân buồn bã, đau nhức như nằm trên đống mảnh sành. Tóc con Mai bết mồ hôi, nó lao ra ngoài đường như người mất trí, may thay ra đến đầu phố, con Mai gặp gã đàn ông đốc chứng say bia đang bức xúc.... Con Mai đòi hai trăm. Gã mặc cả: “Một trăm thôi”. Con Mai nói: “Ok, tôi đang kẹt tiền”. Con Mai kéo gã vào nhà vệ sinh công cộng. Gã lột sạch quần áo trên người nó, gã lập bập kéo khóa quần. Con Mai cuống quýt giục gã nhanh lên…Xong việc con Mai dò dẫm đến khu bán hàng trắng với cánh tay, gương mặt thâm tím vì những vết cắn mua một tep heroin cho thằng Phàn. Bọn nghiện thường khéo nói, khi tỉnh táo thằng Phàn lại ôm con Mai nịnh nọt: “Anh xin lỗi em. Tại anh xấu xa nên đời em khổ. Em cứ bỏ quách thằng ăn hại đái nát chỉ biết hành hạ em cho nó chết đi…Nhưng em hãy nhớ rằng ngay cả khi em không cần anh, anh vẫn thuộc về em…” Con Mai thương thằng Phàn, nó cũng là đứa lầm lỡ, đời người ai chẳng có lần lầm lỡ, đau lắm ngột ngạt lắm nhưng vẫn phải sống. Con Mai sống vật vờ bên thằng Phàn cho hết kiếp người. Từ đó con Mai chấp nhận đi làm gái nuôi thằng bồ nghiện, rồi nó bị si đa. Con Mai diện nhưng bộ váy áo rẻ tiền nhưng thời thượng, con Mai dùng phấn son và nước hoa hạng bét. Bù lại nó có gu ăn mặc, biết cách trang điểm nên nhìn không đến nỗi tệ. Con Mai hay cười, hàm răng trắng đều nom rất tươi. Dù trong lòng đang khóc nhìn nó cười ai cũng tưởng nó đang hạnh phúc. Tối tối con Mai ra khỏi nhà với gương mặt rạng rỡ giả tạo. Sáng hôm sau về nó nhầu nhĩ như tờ giấy trắng bị đàn ông vò nát, với tép thuốc dưới đáy chiếc túi xách tay. Con Mai có là đứa chẳng ra gì, thù đời đến mấy cũng còn sót lại chút lương tâm. Nó không đành lòng gieo giắc cái chết cho bất kỳ ai, dù đó là là kẻ đã làm hại đời nó. Vì thế con Mai toàn tự tay “mặc áo mưa” cho khách.
Gã thợ xây tuy hám gái, nghiện rượu nhưng được cái dễ nhờ, ai bảo gì gã cũng làm. Việc nhẹ chỉ cần cảm ơn xuông, việc nặng thì cho hắn thêm bữa nhậu là gã vui vẻ cười hềnh hệch: “Tưởng chuyện gì chứ, việc đó dễ ợt, tớ làm loáng một cái là xong...” Trước kia gã cũng có vợ, có nhà cửa đoàng hoàng. Hai vợ chồng gã lấy nhau chục năm giời vẫn không có sinh được một mụn con. Hai vợ chồng gã dắt nhau đến viện C, bác sĩ kết luận gã mắc bệnh vô sinh thiên bẩm, tinh trùng yếu, vĩnh viễn không thể có con. Ga nghe mà rụng rời tay chân. Gã quỳ gối cầu xin, con vợ gã vẫn tuyệt tình bỏ gã chơ vơ. Chán đời gã đếch thèm làm chỉ vục đầu vào bia rượu, lô đề. Cờ bạc là bác thằng bần, gã thua trắng tay phải phiêu dạt đến xóm bãi rác. Từ đấy gã đếch tin đàn bà.
Cả xóm bãi rác chỉ có độc một quán nước của bà Hằng béo. Cái quán bé tí tẹo liêu xiêu, hàng hóa chỉ lèo tèo vài thứ như kẹo gỗ, kẹo dừa, bỏng ngô, vài quả táo vết vát thâm đen, mấy bao thuốc du lịch. Nước chè của bà có màu vàng rợ và hôi hôi đựng trong cái ấm tích sứt vòi, bên cạnh mấy cái chén mẻ cáu bẩn, Có hề chi, vì nước của bà chỉ bán cho dân xóm bãi rác. Bà đã nghèo, đã khổ rồi. Họ còn nghèo, còn khổ hơn bà gấp mấy lần. Nước chè của bà có không ngon nó vẫn cứ là nước chè không phải nước hồ, nước cống. Chén của bà có mẻ, cáu bẩn hơn nữa cũng chẳng sao cả vì người ta uống nước chứ có uống chén đâu. Người ta con trăm thứ để lo muốn điên đầu rồi, ai thời gian đâu mà thảnh thơi nghĩ đến chuyện vệ sinh cá nhân. Thời buổi thóc cao, gạo kém, người khôn của khó, bà Hằng béo sống chủ yếu dựa vào nghề cho vay lãi. Những con nợ của bà sống lay lắt qua ngày, khoản tiền lãi họ phải trả hàng tháng cho bà khiến cuộc đời họ thêm khốn cùng. Biết sao được, dù đôi lần mắt bà cũng ngấn lệ trước gã thợ xây mặc áo rách xả vai. Con Mai xanh rớt nằm bẹp trên giường với “bát mỳ tôm không người lái”, nó bị sôt vi rut. Hay cái Tý tốt mịt mới cắp rổ rau còn mấy mớ héo quắt queo. Lòng thương của bà chỉ dừng lại ở đôi mắt ngấn lệ, hay tiếng thở dài. Bà đã sống gần một đời nghèo hèn rồi, bà căm ghét cuộc sống nghèo hèn quanh quẩn trong cái xóm bãi rác này, ra phố chẳng dám ngửng mặt nhìn ai. Con gái bà khí kém sắc lại nhà nghèo nên đã ngoài hai mươi mà ả chưa có anh nào đả động đến chuyện yêu đương nghiêm túc. Có chăng chỉ là những mối tình trên giường thoảng qua với một, hai gã đàn ông họ Sở. Nhiều đêm bà nghĩ thương con rớt nước mắt.
Xóm bãi rác là nơi chứng kiến những cuộc đời hẩm hiu. Dân ở đây đa phần là cư trú bất hợp pháp, thi thoảng xóm bãi rác lại tiếp nhận những vị khách không mời mà đến. Do xóm bãi rác nằm ở nơi khá hẻo lánh, lụp xụp bẩn thỉu nên cảnh sát chẳng buồn chú ý. Những kẻ trộm cắp, gây án mạng, buôn bán ma túy bị cảnh sát truy lã hay đến đây lánh nạn vài ngày. Hạ thường ho ra máu, những tia máu lẫn đờm bầy nhầy chất đầy cái thau nhựa dưới gầm giường. Sau cơn ho kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ, Hạ tái xanh tưởng như chỉ cần nhắm mặt lại là cô mãi mãi không thức dậy nữa. Gã thần chết mặc áo choàng đen, tay cầm lưỡi hái luôn đứng trực ngay đầu giường. Hạ chưa muốn chết, cô còn quá trẻ. Nằm bẹp mỗi chỗ chỉ tổ mệt thêm, mỗi chiều Hạ cố dò dẫm ra ngoài, cô lặng lẽ quan sát cuộc sống. Hạ thường ghi nhật ký. Ngày nào Hạ cũng nằm bò trên giường, đôi tay yếu ớt mệt mỏi tỉ mỉ ghi lại cuộc sống của cô với Văn, và cả những người dân trong xóm bãi rác. Hạ chép lại một thực tế trần trụi có phần đau thương nhưng không ủy mị của cuộc sống. Đằng sau vẻ hào nhoáng, đằng sau những sự kiện tốt đẹp của thành phố nghìn năm tuổi, còn có một cuộc sống khác, cuộc sống của những con người khốn cùng vẫn không ngừng đi tìm cơ may đổi đời. Không ngừng tin vào vẻ đẹp và tấm lòng bao bao dung như người mẹ của Hà Nội. Họ tin mãnh liệt rằng; thành phố sẽ ban cho họ ngày mai tươi sáng. Cái thực tế của những con người bất hạnh mà nghệ thuật ít khi nhắc đến. Hạ tô đậm dòng chữ; “Con người hay vui miệng kể sự may mắn và niềm hạnh phúc của mình, họ quên mất rằng đôi khi sự vui miệng ấy là nhát dao ngoáy vào tim kẻ bất hạnh đang nghe họ hào hứng kể lể”, cuối cuốn sổ. Cô nói với mình: “Cảm giác đó chẳng dễ chịu chút nào”.
********
Trưa hè nắng chang chang, ra khỏi cổng viện K Hạ nhăn mặt, ôm bụng.
- Bác sĩ bắt nhịn ăn giờ Hạ đói quá, Văn sang đường mua cho Hạ túi nước mía. Văn bảo họ đừng cho đá.
Văn đưa tay quẹt mồ hôi, đầm đìa trên trán. Văn dìu Hạ vào góc tường ngòai cổng viện;
- Hạ tựa lưng vào tường cho đỡ mệt, Văn chạy ù sang bên kia mua nước mía cho Hạ.
Rời khỏi cánh tay đem sạm, nổi những cục chai dầy, Hạ bật khóc. Cô tự trách bản thân đã hủy hoại đời Văn. Vì Hạ mà Văn phải sống khổ sống sở, vì Hạ mà Văn phải làm việc ngày đêm. Vì Hạ mà Văn phải từ bỏ khát vọng chinh phục đỉnh cao tri thức. Thấy cảnh Văn tận tụy chăm sóc Hạ, ai cũng thương. “Xin lỗi Văn”, Hạ lấy tay bụm tiếng nấc.
Văn tất tả cầm túi nước mía chạy qua đường. Hạ lại biến mất. Văn nháo nhác nhìn quanh, anh hỏi thăm mấy chú xe ôm đứng trước cổng viện, họ đều lắc đầu. Văn lo lắng; Hạ không thông thạo đường thành phố, nhỡ có chuyện gì xảy ra với Hạ…Bao đêm trong căn lều, thấp thoáng ánh trăng Hạ khóc ròng khuyên Văn: “Bác sĩ chẩn đoán tớ ung thư phổi giai đoạn cuối, tớ cũng thấy tiếc đời, tớ còn trẻ mà. Nhưng biết sao được, tớ vẫn còn may mắn vì có Văn ở bên. Cậu đừng yêu thương tớ nhiều quá, đừng ở bên tớ nữa. Nhìn thấy cậu khỏe mạnh, nhìn thấy cậu còn được sống tớ lại hận đời, hận cậu. Nếu cậu còn yêu thương tớ, cậu hãy tránh xa tớ ra, cho tớ được sống vui vẻ không ghen tị, ganh đua cho đến hơi thở cuối cùng…” Hạ nén nỗi đau trong lòng nói với Văn lời cay nghiệt. Những lúc như thế Văn chỉ ôm Hạ vào lòng thủ thỉ: “Hạ biết không? Tớ yêu Hạ ngay từ hồi bọn mình cùng học với nhau. Ngày ấy bọn mình còn bé, mỗi lần bọn nó ghép đôi tớ với Hạ. Tớ vừa thẹn lại vừa vui trong bụng. Đối với tớ Hạ không phải là gánh nặng. Hạ là niềm tin, là hy vọng là nguồn động lực để tớ phấn đấu…”
Văn như người mất hồn. Anh thầm trách bản thân; “đáng ra mình phải cách giác. Hạ sợ mình khổ nên bỏ trốn rồi”. Văn vừa đi vừa réo gọi tên Hạ khiến những người qua đường tưởng anh là gã si tình bị người yêu bỏ rơi. Chỉ đến khi chân Văn mỏi rã rời, người mệt nhừ Văn mới thấy Hạ đang ngồi thụp xuống dưới một gốc cây. Hạ bưng mặt khóc. Văn thở phào, anh lại ôm Hạ vào lòng.
- Sao Hạ dại thế.
- Tớ không có khả năng mang đến hạnh phúc cho cậu. Người ta bảo yêu là làm cho một người hạnh phúc, tớ chỉ mang đến cho cậu đau khổ.
Hạ run rẩy trong vòng tay Văn. Cơn xúc động mạnh khiến gương mặt Hạ hồng hào hơn và có sinh lực hơn.
- Hạ đừng nói thế. Hạ là đất còn Văn là cây. Hạ đừng bắt cây phải rời xa đất!
Hạ thấy một giọt nước nóng hổi rơi trên trán. Văn khóc, lần đầu tiên Hạ biết thế nào là nước mắt đàn ông. Văn bỗng trở nên yếu đuối mong manh như đứa trẻ cần được bảo vệ, nó khơi dậy bản năng làm mẹ của người phụ nữ. Hạ bỗng thèm được ở bên Văn, được che chở cho Văn hơn bao giờ hết. Cô quên hẳn ý định bỏ trốn.
********
Đêm nay trăng tròn, ánh trăng trắng tinh khôi như nàng trinh nữ. Gió vui vẻ làm dịu đi sự bực bội mệt mỏi sau một ngày làm việc. Ở trên giường Hạ vẫn thức. Cô ho nhiều, mỗi lần ho máu xổ ra nhiều hơn, cơn đau chạy khắp mình mẩy. Hạ thở khó nhọc. Hạ biết nhiều lần Văn giúp cô thoát khỏi tay gã thần chết cầm lưỡi hái, mặc áo choàng đen. Nhưng đêm nay cô khó lòng qua khỏi. Nằm dưới đất Văn trằn trọc không ngủ được. Mỗi tiếng ho của Hạ như nhát búa đóng đinh vào cơ thể Văn.
- Tớ chết mất. – Hạ rên rẩm.
Văn ôm lấy tấm thân gầy gò, yếu ớt của Hạ vào lòng. Văn nhẹ nhàng dùng tay vuốt ngực cho Hạ. Như cái cách người cha dịu dàng vuốt ngực cho đứa con gái bé bỏng mỗi khi nó lên cơn ho.
- Hạ chưa chết được. Chỉ cần bọn mình có niềm tin và hy vọng nhất định điều kỳ diệu sẽ đến. Hạ kiên cường, Hạ dũng cảm của Văn.
Hạ thở dốc, Văn lập bập lấy thuốc và nước ấm.
- Hạ uống thuốc vào sẽ hết đau và hết ho ngay thôi.
Hạ lắc đầu thều thào;
- Chẳng ăn thua đâu, tớ cảm thấy linh hồn tớ chỉ chực bay ra khỏi thể xác. Chiếc lá cuối cùng đã rụng xuống rồi.
- Chiếc lá cuối cùng không bao giờ rụng xuống. Ông họa sĩ già đã vẽ lên tường một chiếc lá trường xuân giống y như thật và Gônxi đã sống. Chiếc là cuối cùng là niềm tin, sự kiên cường của hai đứa mình. Nếu chúng mình giữ được niềm tin, sự kiên cường và một tinh thần thép thì chiếc lá cuối cùng không bao giờ rụng xuống. Chiều nay bác sĩ bảo ngày mai sẽ có nhà hảo tâm đem tiền đến tài trợ cho chúng ta. – Đôi mắt Văn chợt ngời sáng tia hy vọng.
Hạ lại ho, cơn ho kéo dài và mạnh hơn trước. Văn ra sức vuốt ngực Hạ, nhưng anh không ngăn được những giọt máu tươi phun ra từ miệng Hạ. Máu phụt cả vào áo Văn.
- Tớ đau quá… cho cậu này, cuốn sổ này là điều duy nhất tớ có thể làm cho cậu…! - Hạ lấy cuốn sổ dưới chiếu đặt vào tay Văn.
- Đây là nhật ký của Hạ mà…?
- Tớ không còn nữa. Cậu gắng thay đổi cuộc đời, cố gắng thêm cả phần của tớ nữa. Cậu đừng làm bốc vác nữa.
- Tớ chưa có bằng lớp mười hai, biết làm gì bây giờ?
- Cậu viết văn ý. Hồi đi học cậu học văn cũng khá. Một số nhà Văn không có bằng cấp ba, họ cũng tự học như Văn.
Giọng Hạ yếu dần, rồi phụt tắt
Hạ lên cơn co giật, sau vài tiếng nấc lớn tim Hạ ngừng đập. Người con gái trinh trắng ra đi vào đúng cái đêm trăng sáng, trời nhiều gió.
Văn ôm Hạ khóc;
- Hạ không được bỏ Văn. Hạ phải sống làm vợ văn chứ. Chúng mình sẽ có một ngôi nhà nhỏ và những đứa con xinh xắn. Hằng ngày Hạ sẽ ở nhà trông con, còn tớ ra ngoài chợ buôn bán, thi thoảng vợ chồng mình có cãi nhau để rồi thương nhau nhiều hơn…
Giọng Văn khản đặc.
********
Sau cái chết của Hạ. Văn ngồi như hóa đá cuốn sổ Hạ để lại trong lòng, chợt câu nói của Hạ lại vang lên bên tai Văn: “Cậu viết văn ý. Hồi đi học cậu học văn cũng khá. Một số nhà Văn không có bằng cấp ba, họ cũng tự học như Văn”. Anh như con phượng hoàng chợt bừng tỉnh sau giấc mơ dài. Văn ngốn ngấu đọc từng câu từng chữ trong cuốn nhật ký có những trang nhòe nhoẹt nước mắt. Ngực Văn nhoi nhói những cơn đau. Một thế giới sinh động, chân thực ấm áp tình người chợt hiện lên trong mắt Văn. Bỏ việc, Văn ngồi vào bàn. Anh miệt mài viết để giải tỏa những cảm giác ưu tư trĩu nặng trong lòng.
*********
Văn viết cuốn tiểu thuyết có tựa đề; “Về với anh”. Tình cờ Văn gặp lại nhà hảo tâm nọ. Chị ta đọc một mạch hết cuốn tiểu thuyết đẫm nước mắt, kể về cô gái mắc bệnh ung thư nghèo sống trong xóm bãi rác. Với nghị lực phi thường sau bao nhiêu nỗ lực, cùng sự giúp đỡ chăm sóc của người yêu và một nhà hảo tâm. Cuối cùng cô gái đã chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác, trở về nguyên vẹn bên người yêu. Nhà hảo tâm khóc, chị rung động trước tài năng và vốn sống của một nhà văn tương lai.
********
Một thời gian sau cuốn tiểu thuyết được xuất bản dưới sự tài trợ của nhà hảo tâm. Hàng triệu người rơi nước mắt. Cuốn tiểu thuyết biến Văn trở thành nhà văn có tiếng tăm và tiền bạc. Trong cuộc tọa đàm văn chương ồn ào người ta đua nhau tán tụng cuốn tiểu thuyết. Một cô gái trẻ tập tọng theo văn chương thực thà hỏi Văn:
- Anh có thể nói cho em bí quyết để viết một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời không ạ?
Văn im lặng. Anh gầy và xanh như người vừa bán máu. Một nhà phê bình đang sôi nổi phân tích kỹ thuật viết văn của anh. Chỉ có điều không ai phân tích được nỗi đau, những tháng ngày bị đời quật tơi tả của Văn, cái chết của Hạ và cuốn nhật ký ghi lại sự sống trong xóm bãi rác…
No comments:
Post a Comment