Kết bạn với mình nhé!

Thursday, August 9, 2012

Ma nữ

Chưa mùa đông nào rét như mùa đông năm nay, rét ghê ghớm, rét tái tê. Rét chết trâu, bò. Rét đến nỗi cụ Chanh đang quét ngõ phải cảm lăn đùng ra chết, gây chấn động cả xóm bãi bé tí tẹo đang run lên bần bật vì những đợt gió lạnh thốc vào tận tim.
Gần đây cái xóm bãi đìu hiu, nghèo xơ xác xảy ra chuyện ly kì lắm. Có lẽ tại cụ Chanh chết tay còn ôm khư khư cái chổi, lúc chết cụ có nhắm mắt được đâu. Cụ còn nặng lòng thương mấy người con đang sống cảnh túng bấn. Mấy bác nông dân ra đồng vừa làm ngoài đồng xì xào hỏi nhau:
 - Xóm bãi mình dạo này có ma đấy phỏng?
- Có, độ này làng mình bị ám hay sao ấy – Chị nông dân nói, vừa dùng đôi tay đỏ bửng vì lạnh bó những cành củi khô, chị kiếm được trên đường tịnh mang về đốt lửa sưởi.  
- Ai nói với mụ thế? – Cô Huệ đứng chống cầm lên cán cuốc vặn..
- Chẳng cần ai bảo, cả xóm bãi ai cũng biết làng mình bị ma ám – Quẳng bó củi ra vệ đường, chị nông dân ngồi bệt xuống vạt cỏ quả quyết.
- Khiếp thế cơ à – Cô Huệ cong mông cuốc vài lưỡi cho ấm người.
- Khiếp mẹ gì, tôi đếch tin cái làng này có ma- Gã khùng bước ra khỏi cái lều xiêu vẹo vì già nua. Mỗi đợt gió tạt qua căn lều cỏ như muốn đổ rụn xuống đất mà tắt thở.
- Không phải tôi phịa chuyện đâu. Có người nhìn thấy hẳn hoi – Chị nông dân cố thanh minh.
- Ai nhìn thấy, mụ nói mẹ đi. Cứ úp úp mở mở nghe sốt tiết.– Gã khùng bực bội nói.
- Phải đấy, chị nói đi. – Cô Huệ ngửng mặt lên hùa theo.
- Chị Tam đầu làng kể. Có đêm chị ta bắt gặp con ma nữ lội xuống ao ông Tứ bắt cốc.
- Con mụ Tam là chúa điêu ngoa. Mụ Tam thở ra mười câu chỉ được một. – Gã khùng cười khùng khục.
- Bọn trẻ con cũng nhìn thấy con ma ấy. Ao ông Tứ cạn nước, chập tối chúng rủ nhau đi bắt ốc, thấy có con ma mặc quần áo đen,(???)  tóc rõa rượi trùm kín mặt mũi quẹt cả xuống bùn. Vừa bắt ốc con ma ấy vừa cười khanh khách nghe nổi da gà. Hoảng quá bọn trẻ chạy cong đuôi. Tối đến đố ai dám đi qua ao ông Tứ – Chị nông dân khoa tay, chứng thực cho những điều chị ta vừa nói.
- Rõ khổ, xóm bãi mình đã nghèo còn bị ma ám nữa. – Cô Huệ dừng cuốc than nghe não ruột
- Tối mụ đừng lạng quạng ra ao ông Tứ, kẻo con ma nó bắt ngay đấy. Chắc nó là con ma đói. – Chị nông dân phủi đít đứng dậy nói giọng nghiênm trọng.
- Ở xóm bãi người sống còn đói dã họng, huống hồ chi là ma -  Cô Huệ ngước mắt lên trời than thở.
- Tôi đếch sợ bị ma bắt hồn, tôi chỉ sợ không có đủ chăn, áo ấm sống qua vụ rét này. – Gã khùng ho sù sụ, hai hàm răng gã đánh vào nhau lập cập.
- Úi trời, lão khỏe như vâm ấy. Cánh chị em chúng tôi còn chưa chết lão sợ gì. Dân xóm bãi chịu đói, rét quen rồi, dân xóm bãi không dễ dàng chịu chết đâu. Ông giáo già vẫn bảo: dân xóm bãi sống như cỏ dại, dù khắc khổ cỡ mấy vẫn hiên ngang tồn tại. – Chị nông vác mớ củi khô lên vai đem về nhà.
- Chị Thoan chờ tôi với, tôi phải về nấu cơm, lão nhà tôi háu đói lắm về chưa có cơm là lão găt loạn xị.

                                   ******

Người dân xóm bãi sợ bị con ma nữ bắt mất vía. Chỉ có gã khùng dám lớn tiếng nói “ đếch sợ”. Mà gã đếch sợ thật. Đã bảo gã bị khùng mà lị. Cả xóm bãi đều biết gã là thằng khùng, có thế người ta mới gọi gã là “ gã khùng”. Mà gọi thế cũng chẳng oan tẹo nào. Này nhé, đời thủa nhà ai hơn bốn mươi tuổi rồi mà gã chẳng thèm lấy vợ. (Chẳng phải gã ế, năm 24 tuổi gã yêu Loan). Gã cứ yêu thế thôi, đến khi Loan nhắc gã tính chuyện trầu cau. Gã khùng ngậm ngùi nói lời chia tay. Hận gã Loan nhận lời lấy người đàn ông giàu có trên tỉnh. Ngày Loan về với người ta, gã đau đớn chìm trong men rượu cho quên hết sự đời. Nhiều người tiếc cho mối tình thơ mộng của Loan với gã, gặng hỏi: “Sao mày bỏ con Loan”. Gã trả lời với đôi mắt rơm rớm nước: “Mình mồ côi cha mẹ từ tấm bé. Mình nghèo quá, người ta lấy mình chỉ tổ phí một đời hoa”. Chị Nguyệt trách gã: “Con Loan có chê mày nghèo đâu, sao mày lỡ nói lời đoạn tuyệt cho nó đau lòng. Mày đúng là thằng khùng” . Nghe đâu gã có người bà con giầu sụ trên Hà Nội. Anh này thương gã nghèo tạo công ăn việc làm cho gã trên thành phố. Ối người mơ chả được. Gã cóc thèm. (Khùng đến thế là cùng!). Gã thủng thẳng bảo:  “Xóm bãi gắn bó với mình như máu thịt. Đã là máu thịt thì linh hồn ta làm sao mà sống nổi khi tách ra khỏi máu thịt”. (Ơ, tại gã vẫn còn thương Loan nữa). Có ở nhà thi thoảng gã mới được nhìn thấy hình bóng người xưa. Con Linh em Loan để ý thấy hôm nao chị Loan nó về thăm mẹ. Y như rằng nó thấy gã khùng đi vòng qua ngõ. Gã đi chậm ơi là chậm chừng gã đương chờ ai đó? Còn Loan hễ thấy gã cô lại lỉnh vào trong. (Ý muốn nói tôi quên anh rồi, anh chờ tôi làm gì? Sao không lấy vợ đi, sống độc thân làm gì cho khổ.)                               
                                             ******

Vừa thấy chị Tam bà hàng nước đầu xóm, lắc đầu lè lưỡi thì thào:
- Gã khùng này táo tợn thật.
- Táo tợn cái gì cơ? – Chị Tam quẳng đôi sọt sắt đánh oạch trước quán, xán vào tán chuyện.
- Nghe nói tối hôm qua gã tay không đi bắt con yêu nữ.
- Úi trời! Thế gã không sợ ma bắt à?
- Ôi dào! Gã đã khùng thì còn biết sợ là gì nữa.
- Khiếp quá! Thế tối qua con yêu nữa có hút máu gã không?
- Không! Con yêu nữ bỏ bùa gã hay sao ý.
- Gã bị điên rồi hả ?
- Từ tối đi bắt ma về gã cứ hát véo von suốt ngày. Gã ngơ ngẩn như người mất hồn, nhiều lúc gã còn cười một mình cơ, thế có hâm không.
- Gã này điên tình rồi, chắc con ma nữ chưa có chồng nên nó phải lòng gã.
- Chắc vậy. Rõ khổ gã khùng người không yêu lại đi yêu ma.
- Thế có ai nhìn thấy gã nói chuyện với ma không?
- Không, chỉ biết tối nào gã cũng ra ao ông Tứ gặp con ma nữ đó.
….

                                         ******

Từ dạo có tin đồn gã khùng phải lòng “ma nữ” ai cũng xa lánh gã. Người ta không muốn nói chuyện với kẻ bị ma bắt vía. Họ sợ lây “ bệnh khùng” của gã. Hễ gã ở đâu, người ta lại kiếm cớ để lỉnh ra chỗ khác, chẳng ai thèm chơi với gã nữa. Gã cũng cóc cần.
Gã lúi húi ngoài đồng từ tờ mờ sáng cho đến tối mít, gã mới thất thểu về túp lều cỏ. Gã làm hăng lắm, như thể gã phải kiếm tiền cưới vợ ấy. Đêm nào gã cũng mò ra ao ông tứ tình tự với con ma nữ.
                     
                                          ******

Gã lệ khệ ôm cái chăn bông to oạch vào túp lều cỏ. Cái chăn gã mới tậu ngoài chợ huyện về chống rét. Gã phải bán hết vườn chuối tây mới mua nổi cái chăn. Thời buổi bão giá cái gì cũng đắt ghê ghớm, mua xong cái chăn gã cũng hơi  xót tiền. Cơ mà gã thì chịu được rét, chứ người đàn bà không mất trinh của gã chịu sao nổi. Úi cha! Sao lạ vậy, ma nữ cũng chết rét á? Đương nhiên là không rồi, trên đời này làm quái gì có ma, từ cổ chí kim có ai bắt được ma đâu.
Con ma nữ mà người dân xóm bãi đồn thổi là chị Thuấn. Gã khùng vẫn tếu táo gọi chị ta là người đàn bà không mất trinh. Dáng người chị Thuấn đã thấp bé lại hơi khòng khòng , đáng ra chị có một khuôn mặt xinh xẻo, nếu không bị cái vết chàm to tổ bố che mất nửa khuôn mặt. Ai đời, phụ nữ là biểu tượng cho cái đẹp mà xấu ma chê quỷ hờn, đã thế chị lại có tật nói lắp ba lắp bắp. Chị xấu đến nỗi mỗi bận chị lại gần, y như rằng bọn trẻ con lại khóc thét lên. Chúng cứ làm như chị là ác quỷ không bằng. Kể cũng lạ, đứa nào khóc dai dỗ mãi chẳng được, bà mẹ trẻ chỉ cần dọa: “Mẹ đem cho cô Thuấn nhé”. Tức thì nó câm bặt. Phụ nữ xấu đã khó lấy chồng rồi, lại con nhà nghèo rớt mùng tơi. Suốt thời con gái xuân sắc người ta có chàng này, chàng khác tán tỉnh, nói lời yêu thương còn chị ta chẳng được gã “dở hơi” nào tán cho một câu làm phúc. Nhìn chúng bạn lấy chồng ầm ầm, lòng chị đau như cắt. Cơn đau bản năng của người đàn bà âm ỉ dầy vò khiến chị ngày một héo khô tàn tạ. Là con đầu, chị Thuấn chấp nhận cùng mẹ xông pha gồng gánh thêm phần việc của người cha. (Cha chị vốn làm chủ nhiệm hợp tác xã, trong một lần ra bãi chấm công ông bị dính bom của thằng Mĩ chết tức tưởi.) Biết thân, biết phận mình hẩm hiu, chị Thuấn gắng làm ngày làm đêm giúp mẹ gả chồng cho lũ em gái.
Chị Thuấn có cả thẩy 5 cô em gái. Cô nào cũng ngoan ngoãn và dễ nhìn, y như ông trời muốn sửa sai. Vì trót lấy đi nhan sắc của cô chị bằng việc bồi đắp cho mấy cô em. Mấy người em thương chị Thuấn đứt ruột. Thương chỉ biết để trong bụng, chớ chuyện vợ chồng lài cái duyên cái số có phải cứ vun vén cho nhau là được đâu, chuẩn bị về nhà chồng em chị cứ khóc ròng ròng. Chị Thuấn gạt nước mắt nói cho em an lòng: “Phận ai người ấy hưởng! Thôi phận chị hẩm hiu, nhưng các em được sung sướng là chị mãn nguyện rồi, em đừng khóc nữa. Về nhà người ta ráng làm dâu hiền, vợ đảm cho người ta khỏi chê cười nhà toàn đàm bà đâm hư hỏng.” Nói rất lời hai chị em ôm nhau cứ như họ sắp phải chia tay người nam kẻ bắc. Mắt chị Thuấn rưng rưng, rồi chị cũng khóc. Chị thương em còn nhỏ dại, về bên ấy khó tránh khỏi bị mẹ chồng la mắng.
Năm cô em gái lần lựợt đi lấy chồng xa, bỏ lại chị Thuấn cùng người mẹ già trong ngôi nhà tranh xiêu vẹo, thiếu bàn tay người đàn ông sang sửa. Cũng may cho bà mẹ để tòan con gái, có chị sớm tối ở bên nâng giấc. Có thế các em chị mới yên lòng sống trọn đạo làm vợ hiền dâu thảo.
Đã bốn sáu tuổi mà chị Thuấn vẫn còn trinh nguyên, vẫn mới cứng cự, vẫn chưa bóc tem. Nói thật đến cầm tay đàn ông chị cũng chưa có diễm phúc, nói gì đến chuyện chung đụng thân xác. Bởi thế gã khùng mới gọi chị Thuấn là:  người đàn bà không mất trinh. Gọi cho sướng miệng, cho thỏa tính bông đùa, chứ gã chẳng có ý gì. Gã khùng thật đấy nhưng chưa khùng đến mức đem lòng thương chị Thuấn.
   
                                             ******

Chính cái đêm thiên hạ đồn đại gã đi bắt ma, gã gặp chị Thuấn. Đêm hôm ấy trời rét căm căm, rét đến nỗi vầng trăng cũng nhợt nhạt, tái xanh tái xám. Sau một ngày dài mệt mỏi, xóm bãi cố quên đi cái rét, chìm sâu vào giấc ngủ. Chỉ mình gã vẫn thức. Gã lang thang ngoài đường, gã phăm phăm đi về phía ao ông Tứ. Gã muốn xem “con ma” bao ngày qua thiên hạ khiếp sợ mặt mũi ra sao. Qủa nhiên gã nhìn thấy, dưới bờ ao ông Tứ có một “con ma” đội chiếc nón sùm sụp. Thấy “ con ma” đang lúi húi bắt ốc, gã liền nhảy bổ xuống nhìn cho tỏ mặt. Chẳng ngờ gã đang lao đến gần thì “con ma” cắm đầu chạy mất. Biết thóp “con ma” sợ người gã co giò đuổi theo. “Con ma” chạy đến bãi ngô nhà chú Phóng thì ngã dúi dụi rỏ ốc văng ra tung tóe, làm gã cười sặc sụa.
- Ôi giời! Tôi cứ tưởng con ma chuyên ăn thịt trẻ con nào, hóa ra là chị Thuấn. người đàn bà không mất trinh của xóm bãi.
- Ph..Phả..Phải ..Gió cái nhà anh này, làm tôi hết hồn. – Chị Thuấn rum lập cập bốc số ốc bắn ra ngoài vào rỏ.
- Chị cứ lén lút như ma ấy khiến cả xóm bãi sợ khiếp vía.
- A..An..Anh..Cứ làm như tôi..La..Là…Ma không bằng. – Giữa đêm đông giá rét, mặt chị Thuấn hồng rọi rưới ánh trăng mờ nhạt, chân tay chị run lẩy bẩy không phải vì rét vì hồi hộp cơ.
- Thì chị biết rồi đấy. Cả xóm bãi ai cũng bảo ngoài ao ông Tứ có ma.
Chị Thuấn bỗng ngồi xệp xuống đất. Chị khóc tức tưởi.
-…Hấc ..Hấc ..Hấc…
Điệu khóc của chị nghe mới buồn tủi và thê thảm làm sao. Lòng gã chợt mềm như bún, rồi mền hơn nữa mền như cục đá đang tan chảy thành nước ấy. Quá lâu rồi, gã chưa có dịp làm cho phụ nữ khóc, cũng chẳng có người phụ nữ nào khóc trước mặt gã. Ôi, những giọt nước trong vắt lăn dài trên gò má chị, làm cái thằng đàn ông trong gã cựa quậy. Tự dưng gã phát khùng. Gã muốn ôm người đàn bà bé nhỏ kia vào lòng. Gã muốn chở che cho chị. Gã muốn hôn lên đôi mắt tội nghiệp kia nữa. Gã cứ đứng tây ngẩy nhìn chị như thể, gã bị mùa đông tai quái đóng băng thành tượng đá.
-  Tô..Tôi…Tôi về đây. – Chị Thuấn lật đật đứng dậy.
- Khoan đã.
- G..Gì ..Thế.
- Sao chị mò mẫm, bắt ốc đêm hôm khuay khoắt thế ? – Giọng gã mềm hẳn ra. Mềm đến độ chính gã cũng ngạc nhiên.
- Tôi ..Về .. đây.
Chị Thuấn định bỏ chạy, gã vội kéo giật tay chị lại.
- Chị chưa trả lời tôi mà.
Toàn thân chị run lên bần bật. Ôi chao! Gã cầm tay chị, lần đầu tiên trong đời, một người đàn ông cầm tay chị. Chị Thuấn lắc đầu. Môi chị bặm lại như cố kiềm chế một cái gì đó, thí dụ như một nụ hôn chẳng hạn. Có lần chị nhìn thấy đứa em gái chị hôn nhau với thằng người yêu ngoài bụi chuối. Bỗng dưng chị thấy trong lòng nó rạo rực sao ấy. Chị chưa biết mùi vị của nụ hôn nó thế nào, nhưng chắc là ngon lắm. Chị đoán thế.
- Nếu chị không nói tôi sẽ…
- Sẽ làm sao nhể ?  – Giọng chị tự nhiêm mượt lạ thường như có một phép màu vừa xảy ra.
- Tôi sẽ ôm chị. – Gã nói thật nhỏ chỉ vừa đủ nghe.
Hà..hà, đời thủa nhà ai có kiểu hăm dọa lạ lẫm vậy, người đàn ông này sẽ ôm chị. Chị sẽ được ôm thật ư? Chị Thuấn vừa háo hức vừa run sợ. Ngay đó chị nhận ra điều bất ổn. Không được cho anh ta ôm, chị không thể hư thân mất nết thế được. Ai đời đàn bà lại thích được giai ôm. À mà con gái chứ chị đã làm đàn bà đâu. “Nếu mình để cho gã ôm, gã sẽ cho mình là phường hư hỏng mất”. Nghĩ vậy nên chị nuốt nước bọt rồi nói:
- Đêm tôi phải mò cua, bắt ốc, để kiếm thêm một đồng. Mẹ tôi bị viêm loét dạ dầy. Anh lạ gì gia cảnh nhà tôi nữa. Nhà chỉ còn một mẹ một con, gặp thời buổi đắt đỏ, làm ăn lại khó khăn. Tôi không tranh thủ làm thêm thì lấy đâu ra tiền thuốc thang cho bà cụ.
-  À, ra thế, ở xóm bãi ai cũng nghèo cả thôi. Tôi phục chị đấy.
- Chăm sóc cha mẹ là bổn phận của con cái, có gì giỏi giang đâu.
Chị Thuấn nghe lòng tê dại, cái tê dại đến từ nỗi mừng vui. Xưa nay chưa có người đàn ông nào khen chị cả. Chị cúi đầu e lệ. Sự e lệ tạo cho chị một nét duyên hiếm hoi của người phụ nữ. Lòng gã như có gió thổi, bỗng xôn xao lạ thường.
- Tôi là thằng đàn ông cũng chỉ làm quần quật suốt ngày, chứ bảo tôi làm đêm nữa. Bố tôi cũng chẳng làm được. Tôi chịu thua chị  – Gã cố uốn lưỡi cho giọng nói nghe thật êm tai. Gã muốn thế, gã muốn dành cho người đàn bà không mất trinh, đặc ân mang tên ái tình. Mùi tanh của bùn và ốc sộc lên mũi gã. Gã tự ý ôm chị vào lòng chặt đến nỗi chị tưởng như nghẹt thở.
                       
                                          ******

Sau cái ôm làm chị Thuấn xốn xang, ngây ngất, đêm nào gã cũng tranh thủ lân la ra ao ông Tứ giúp chị. Hai người vừa mò cua bắt ốc vừa nói chuyện rôm rả. Bở cùng cảnh nghèo cảnh lỡ làng nên họ dễ cảm thông cho nhau. Dần dà gã thấy chị Thuấn thật đáng yêu. Gã thấy hơi tiêng tiếc vì chẳng để mắt tới chị sớm hơn. Thôi thì cái duyên cái số nó vồ lấy nhau, gã bỗng dưng muốn sống cùng trong túp lều cỏ. Dù ăn rau, ăn cháo nhưng sớm tối vợ chồng có nhau. Mỗi sớm thức dậy chị Thuấn sẽ thổi lửa nấu cơm. Khói bếp bay mù mịt làm má chị hồng như thoa phấn. Chiều đến gã sẽ bảo chị để gã lấy gáo dừa múc nước cho chị gội đầu. Với bản tính rụt rè nhút nhát, chị xua đây đẩy nhưng gã vẫn giành lấy việc múc nước cho chị gội đầu. Rồi vợ chồng gã sẽ có một đứa con xinh xắn. Chị Thuấn lớn tuổi rồi nên gã chỉ cần một đứa thôi cũng được. Đứa trẻ sinh ra trong nghèo đói nhưng đầy ắp tình yêu thương của cha mẹ. Đứa trẻ sẽ được dậy cách làm người nhân đức như mẹ nó. Gần đây đêm nào gã cũng mơ về một mái ấm êm đềm như thế.
                    
                                               ******

Độ này chị Thuấn bỗng  trổ mã, làn da khô héo nay mựơt và mỡ màng hơn, đôi mắt chị long lanh. Người ta thấy chị vui vẻ cười nói suốt ngày. Đôi khi bà Dùm (mẹ chị) bắt quả tang con gái soi gương ngắm vuốt. (Trước kia chị đâu dám thế. chị rất sợ soi gương, chị sợ phải nhìn thấy cái dung mạo tồi tàn. Bởi thế mỗi bận soi gương chị lại phải nuốt nước mắt ầng ậc vào tim.) Bằng sự nhạy cảm của một người mẹ, người đàn bà. Bà Dùm móm mém nói.
- Dạo này tôi thấy cô nom khang khác. Cô gặp được anh nào rồi hử?
- Con làm gì có anh nào đâu. – Chị Thuấn vờ nói.
- Cha bố cô. Tôi đẻ ra cô tôi lại còn không biết đấy phỏng. Cô không cần nói, tôi cũng biết cả. – Mắt bà Dùm sáng hẳn lên. Chả gì con gái bà cũng có người thương cho khỏi tủi phận, cũng kiếp người như trần thế như ai. Nhìn điệu bộ ấp a, ấp úng của con gái bà biết tỏng tòng tong.
- Mẹ chỉ đoán mò. Con gái mẹ xấu xí thế này ai người ta thèm. – Chị Thuấn cúi mặt nói lí nhí.
- Nó là thằng nào? – Bà Dùm gặng hỏi.
- Con làm làm gì có anh nào. – Chị Thuấn vân vê vạt áo.
- Nếu gặp người tử tế, thương yêu con thật lòng thì đến với người ta. Ông giời sinh ra con người ta phải có lứa, có đôi. Cuộc sống cô đơn, bơ vơ không nơi nương tựa khổ lắm con ạ, có vợ có chồng vẫn hơn. Mẹ già rồi không thể sống mãi cùng con. Nếu con tìm được chỗ dựa suốt quãng đời còn lại, mẹ cũng yên lòng.
Chị Thuấn vục đầu vào ngực bà mẹ khóc như đứa trẻ. Đôi vai chị rung lên từng đợt, bà mẹ căn dặn như thể chị là cô gái mười tám, đôi mươi sắp bước chân về nhà chồng. Hình như chị chiều nay non chị trẻ ra cả chục tuổi.
Bà Dùm mắng yêu con gái.
- Bốn mấy tuổi đầu còn bé bỏng gì đâu mà như trẻ con ấy, mới nhắc đến chuyện lấy chồng đã đỏ mặt tía tai.
                
                                       ******

Đêm nay trăng sáng hơn mấy đêm trước, cái rét cũng nhạt bớt. Gió vẫn thổi rì rào trên những ngọn cây. Gió đưa hương bồ kếp phả vào mặt gã. Giữa chốn đồng không mông quạnh, giữa đêm hôm khuya khuắt chỉ có hai kẻ yêu nhau. Gã không tài nào gạt bỏ hết cơn khát ái tình bốc ngùn ngụt lên đỉnh đầu. Gã cười tình gạ gẫm.
- Bây giờ tụi mình cùng học yêu nhé.
- N..Nga..Ngay bây giờ á? – Chị nghe trống ngực đập rộn rã.
- Ừ!
Gã vật ngửa chị xuống thảm cỏ, chị giẫy giụa cho hợp với đạo đức của người phụ nữ quê mùa và tử tế.
Càng bị cấm vận gã càng hăng máu. Gã giật tung chiếc áo khoác trên người chị vứt lên đống cây ngô khô.
- Th..thô..thôi dừng lại đi anh, Đừng làm thế mà anh….  - Chị ta ngăn cản trong nỗi sung sướng. Gã mới chơi khúc dạo đầu trong bản nhạc tình ái, với đôi tay thô vụng về, song cũng khiến chị rên rỉ trong đầu. “ Tiếp tục đi anh, đừng dừng lại, cứ thế, đúng rồi”. Ngoài miệng chị ta vùng vằng:
- Anh buông tay ra nào. – Chị tiếp tục giãy giụa
- Yên nào! Để anh mở cửa yêu cho.
Gã hùng hục lao vào chị…
- Ối! – Chị kêu lên.
- M..mâ...mất. – Đột nhiên gã lây tật nói lắp của chị.
- G...mi…mì ..cơ? – Chị thở đứt quãng.
- Mất..mất ..mất trinh rồi.
- Anh..anh…cũng..mất...mất trinh rồi.
- A..ha…hai đứa mình mất trinh rồi.
                 
                                 ******

Bẵng đi một thời gian dài, người ta chẳng thiết nhắc đến “con ma nữ” ngoài ao ông Tứ. Người ta không còn bàn tán vụ gã khùng thích đi “ bắt ma”. Bà con cô bác bận lo toan chuyện cơm áo gạo tiền, ai hơi sức đâu hóng hớt chuyện thiên hạ mãi.
Cho đến một ngày người dân xóm bãi được tham dự đám cưới lạ đời nhất từ xưa đến nay. Đám cưới, chú rể ngoài bốn mươi không cài hoa trước ngực, cô dâu gần năm mươi không mặc váy. Trong ngày cưới họ như được quay về cái thời mới mười tám, đôi mươi. Bấy giờ, người dân xóm bãi mới ngơ ngác rỉ tai hỏi nhau:
- Con ma mà gã khùng yêu đấy phỏng?
- Hình như là vậy, nghe đâu mẹ chị Thuấn bị viêm loét dạ dày và đau hành tá tràng. Đêm nào chị Thuấn cũng ra ao ông Tứ mò cua, bắt ốc lấy tiền thuốc thang cho mẹ già.
- Tôi chả biết viêm dạ dầy, dạ mỏng nó ra làm sao, chắc tốn tiền lắm. Cái nhà chị này cũng gan thật. Khổ là thế, nhưng chị này vẫn cắn răng chịu đựng. Chẳng hé răng ca thán với ai nửa lời...

Sau này thi thoảng người ta lại đem chuyện cuộc đời chị Thuấn, kể để bọn trẻ noi theo một tấm gương hiểu thảo. Nghe chuyện cuộc đời chị Thuấn, mấy đứa trẻ mới lớn cũng khóc rưng rức. Xóm bãi nghèo nhưng dạt dào tình nghĩa bà con chòm xóm, ở cái đất nặng tình này, ai chả vậy.

No comments:

Post a Comment