Giữa đống sạn luôn có lẫn những hòn sỏi màu trắng tinh láng mịn, gọi là đá cuội. Thứ cuội này thường nhặt về thả vào bể nuôi cá cảnh. Ngày ở làng, trẻ con chúng tôi xem đá cuội là đá cẩm thạch quý hiếm
Những hòn sỏi ấy biểu hiện cho sự giàu có của tâm hồn trẻ thơ. Và có lẽ cũng chính vì tuổi thơ giàu có nên bất cứ ai lớn lên rồi vẫn cảm thấy mình mắc nợ với nó. Những quan tiền bằng sỏi nói với tôi rằng: tiền bạc chỉ là đá mà thôi, tình cảm mới thật như quê! Đó là bức thông điệp vĩ đại về giá trị cuộc đời.
( Ảnh minh họa trên internet )
Mỗi lần ông nội viết văn sớ là tôi ngồi bên mài sỏi. Dáng ông ngồi ngay ngắn, hai tay đặt lên tờ giấy văn màu vàng đã được xếp gấp thành những nếp cỡ ngón tay cái. Ông viết chữ cẩn thận, chỉ cần sai một nét chữ thôi là ông đốt tờ giấy đó và viết lại trên một tờ mới. Mải ngồi nhìn ông viết, hòn sỏi tay tôi mài đã mòn đi mà chẳng hay, cho đến khi ông viết xong chữ “Cẩn chiêu cáo vu” kết thúc tờ sớ thì cái đĩa đã đỏ ngòm. Mực son nhuốm lấm những ngón tay như muốn gửi gắm cho tuổi thơ tôi một bức thông điệp về nguồn cội.1. Đi bất cứ nơi đâu, hễ gặp đống sạn là ông nội dừng lại tìm và nhặt những hòn sỏi màu đỏ. Không nhiều, chỉ độ dăm ba viên thôi. Sỏi đỏ mềm, đem về mài ra màu nước làm mực đóng triện lên văn sớ cúng. Lấy một chiếc dĩa nhỏ, cho vào đó ít nước rồi cầm hòn sỏi mà mài. Một lúc sau dĩa tráng một màu son đỏ rất đẹp. Những con triện hình vuông, hình ô van có khắc nét chữ theo mô típ cách điệu kỷ hà của hội họa. Dùng ngón tay trỏ chấm vào mực son mới mài rồi thoa lên triện. Màu sỏi đỏ như một dòng máu thiêng liêng in lên tờ giấy văn.
2. Giữa đống sạn luôn có lẫn những hòn sỏi màu trắng tinh láng mịn, gọi là đá cuội. Thứ cuội này thường nhặt về thả vào bể nuôi cá cảnh. Ngày ở làng, trẻ con chúng tôi xem đá cuội là đá cẩm thạch quý hiếm. Chính vì thế mà đứa nào cũng tìm nhặt những hòn cuội để thi xem của ai trắng hơn.
Sự ngây ngô ấy không chỉ ở trẻ con, mà ngay cả đến khi trưởng thành đôi mươi vẫn còn. Nhớ dạo ở Huế đi cà phê Vô Thường với Thi. Những hòn cuội trắng đặt bên thềm cửa sổ khiến nàng thích thú. Tôi nói thích thì lấy một hòn về kỷ niệm. Rồi hình như nàng sợ. Tôi cầm một viên nhét vào tay nàng, nàng mừng rỡ như cầm được đá quý!
Trước ngày bay sang xứ người du học, tôi đem sang tặng Thi một bức đá có viết câu hát “Đi giữa mọi người để nhớ một người”. Nàng cầm khoe với bà chủ trọ hồn nhiên như trẻ lên ba. Bây giờ Thi có còn giữ hòn cuội trinh bạch và tảng đá ấy không? Câu hát của Trịnh khắc lên đá chính là một bức thông điệp của tình bạn: Vĩnh cửu dài lâu.
3. Ngày nhỏ có chơi trò ổ làng, chính là cái trò “Ô ăn quan” trong tranh cụ Nguyễn Phan Chánh ấy. Mỗi đứa nhặt hai mươi lăm hòn sỏi nhỏ với một cục đá to; sỏi nhỏ gọi là dân, cục đá to gọi là ổ làng. Sỏi nhỏ cũng được xem là những quan tiền, đứa nào “ăn” được nhiều sỏi thì coi như thắng. Những hòn sỏi ấy biểu hiện cho sự giàu có của tâm hồn trẻ thơ. Và có lẽ cũng chính vì tuổi thơ giàu có nên bất cứ ai lớn lên rồi vẫn cảm thấy mình mắc nợ với nó.
Những quan tiền bằng sỏi nói với tôi rằng: tiền bạc chỉ là đá mà thôi, tình cảm mới thật như quê! Đó là bức thông điệp vĩ đại về giá trị cuộc đời.
Hoàng Công Danh (VNQĐ)
No comments:
Post a Comment