Bà hàng cơm vừa quay mặt vào trong con chó ngoạm ngay tảng thịt. Bị con chó ăn cắp cả tảng thịt bà hàng cơm phi cái dép vào mông nó. Ông chồng bà ta vác gậy ra, ông định dậy cho con chó một bài học. Con chó sợ cuống cuồng, nó chạy như điên trên đường phố, nó sủa dữ dội, nó nhẩy chồm lên cắn vào tay áo người qua đường cầu cứu khiến họ sợ hãi. Vài người phóng xe trên con đường rợp lá vàng bay nhìn nó khiếp sợ với ý nghĩ “chó dại”. Mấy cô giáo phóng xe vào trường Chu Mạnh Trinh kêu ré lên trước hành động kì cục của con chó. Đám học trò chỉ trỏ, bảo nhau:” Cậu xem kìa. Chó dại, con chó kia mắc bệnh dại rồi.” Con chó làm náo loạn cả thị trấn Văn Giang. Chịu thua con chó, ông ta cắp đít quay vào nhà. Chả hiểu vì nó sung sướng đến phát cuồng hay vì quá sợ hãi mà con chó cứ chạy nhắng lên. Nó sủa âm ĩ bắt chuyện với người qua đường. Nhưng không ai thèm tiếp chuyện với nó. Đương nhiên rồi, sao con người có thể nói chuyện, kết bạn với chó được. Sự xuất hiện đuờng đột và cuồng loạn của con chó khiến một vài người thấy phiền toái. Mấy gã thanh niên vô công rồi nghề, suốt ngày ngồi nghiên cứu số má tại quán nước cười ha hả trước biểu hiện khôi hài và táo tợn của con chó. Gã thanh niên mặt quắt nhổ nước bọt xuống đất: - Nó là con chó hoang.
- Hình như nó đang tìm bạn tình thì phải. Con chó đang động đực kìa. – Người thanh niên mặc chiếc áo đỏ rít thuốc lá liên hồi nói.
- Con chó bị viêm não. Nó sẽ chạy cuồng lên cho đến chết. Ông hàng xóm gần nhà tao cũng có một con chó. Nó mắc bệnh viêm não nó cứ chạy cuồng lên rồi lăn đùng ra chết. – Người thanh niêm mặc áo kẻ phán đoán.
- Gặp chó dại chạy qua đường thì đánh bao nhiêu nhỉ? – Người thanh niêm mặc áo đỏ nhíu mày suy nghĩ.
- Đập chết con chó, làm thịt bán cho ông hàng thịt chó cũng được vào trăm. Lấy tiền đó đánh đề có khi lại chúng hàng triệu.– Người thanh niên mặt quắt nẩy ra sáng kiến. Mắt anh ta sáng lên.
- Ăn thịt chó ngon phết, nhưng thôi tốt hơn hết là đem bán lấy tiền đánh đề. Tối nay bọn mình mà ăn đề thì bằng trời cho của. – Gã thanh niên áo kẻ suy tính.
Tia hy vọng lóe lên trong đầu những con bạc. Trong nháy mắt ba gã thanh niên rỗi rãi chạy về nhà lấy gậy và bao tải đuổi theo con chó. Tính mạng của con chó đang bị đe dọa, chẳng ai thèm để ý đến sự nguy hiểm con chó phải hứng chịu. Nó có chết cũng chẳng sao cả vì đó chỉ là cái chết của con chó. Con chó tội nghiệp vừa run rẩy vừa sợ hãi cất lên những tiếng kêu bi ai thảm thiết cầu cứu người qua đường. Chẳng ai buồn động lòng đến những tiếng sủa nẫu ruột của nó. (Người làm sao hiểu được tiếng chó). Đám đông hiếu kỳ thích chí nhìn mấy gã thanh niên đang rượt theo con chó. Những cái gậy đập vun vút xuống mình con chó khiến nó kêu lên những tiếng ăng ẳng đau đớn làm họ bật cười. (Con người làm sao hiểu được nỗi đau của chó). Con chó đơn độc chạy thục mạng máu tứa ra bết cả bộ lông vàng óng. Đôi mắt con chó đỏ ngầu, một giọt nước khẽ lăn xuống cái mõm nhọn, con chó tuyệt vọng. Nó cứ tưởng con người đẹp đẽ và vĩ đại lắm. Nó cứ tưởng nó sẽ được ai đó ôm vào lòng mà che chở mà hỏi han. Nó cứ tưởng loài người tốt bụng lắm. Trong cơn đau đớn con chó cắm chặt răng để khỏi cuồng lên cắn sằng bậy vào con người. Con chó cắn chặt răng đến độ một giọt máu nhỏ ra từ miệng nó. Loài người cho nó ăn cơm, nó chỉ có thể trả ơn cho con người bằng cách không làm hại họ. Những tiếng kêu ẳng ẳng ngày một thảm thiết và nặng nhọc, con chó sắp quỵ xuống vì kiệt sức.
- Chủ con chó đi đâu thế nhỉ. Cứ cái đà này, nó chết mất. – Chàng lẩm bẩm.
Gã thanh niêm mặt quắt định đánh què cẳng cho con chó khỏi chạy. Chàng vội thò đầu qua cửa sổ, chàng hét lên: - Con chó của tôi. Mấy anh đừng đánh nữa.
Mọi người đưa mắt nhìn chàng. Mấy gã thanh niên văng tục. Chàng khiến họ cụt hứng, màm kịch đương ở đoạn cao trào bị chặn đứng. Họ bực dọc thầm rủa chàng trong bụng.
Chàng phăm phăm phi từ tầng hai xuống đường. Tiếng xì xào im bặt, con chó ranh mãnh nép vào chân chàng, nó vẫy đuôi mừng rỡ, nó liếm vào chân chàng nịnh bợ. Chàng xin lỗi vì con chó làm mọi người hoảng sợ. Mấy gã thanh niên chưa kịp chửi chàng cho hả dạ, chàng đã rút ví đưa cho họ một trăm ngàn để họ uống nước kèm theo lời xin lỗi. Mấy gã trai cầm tiền rồi biên mất. Đám đông giải tán vì màn kịch hay đã không còn. (Cuối cùng cũng có người hiểu được nỗi đau của con chó, người đó sẵn sàng bỏ tiền ra mua mạng sống về cho nó). Con chó trả ơn chàng bằng cái đuôi nguẫy tít và những tiếng kêu gâu gâu hiền dịu, hơi meo méo vì đau. Ôm con chó vào lòng chàng khẽ hỏi:
- Mày đau lắm phải không? Mày dại quá. Mày phải tự vệ chứ. Sao mày không cắn vào tay lũ khốn đó, cho chúng nó sợ. Đằng này mày chỉ biết chạy trốn và chịu đòn. Nếu tao không cứu mày thì mày chết chắc. Phải công nhận mày gan dạ. Chẳng như tao có lúc hơi hèn hèn – Chàng đưa tay xoa đầu con chó.
Con chó vẫy tai ra đều những điều chàng nói, nó hiểu tuốt. Nó vừa thở hổn hển vừa liếm vào bàn tay chàng. Nằm yên trong lòng chàng, nó tìm cảm giác an toàn giúp cơn hoảng loạn tinh thần mau qua đi. Chàng bế con chó vào trong nhà. Chàng mở tủ lấy một ít cơm với mấy miếng thịt gà bỏ vào cái đĩa. Chàng bảo con chó: - Mày ăn đi cho mau khỏi bệnh.
Nhìn đĩa cơm với thịt gà, miệng con chó rỏ ra những tia rãi. Con chó liếm mép, dường như đĩa thức ăn khiến con chó sự nhớ ra việc quan trọng. Mặt con chó buồn thiu, nó sủa gâu gâu một cách yếu ớt, hình như con chó đang cố nó với chàng điều gì đó.
- Mày ăn đi. Mày đau quá không ăn được hả? Chúng nó dãm man thật. Được rồi, tao sẽ đưa mày đến gặp bác sĩ thú y. Mày sẽ khỏe lại thôi.
Chàng thay áo. – Đi nào. Chàng bế con chó lên xe. Nó lại nhảy xuống, con chó bướng bỉnh không để cho chàng trở nó đi gặp bác sĩ thú y.
- Ngoan nào, có tao đây rồi mày đừng sợ. Nếu mày không để cho bác sĩ khám bệnh mày sẽ chết. – Chàng gải thích cho con chó hiểu.
Con chó vẫy vẫy đôi tai chừng như đã hiểu rồi, nó cắn vào ống quần lôi chàng đi. Đôi mắt con chó nhìn chàng như van xin.
- Mày định đưa tao đi đâu phải không?
Con chó nguẫy đuôi mừng rỡ, nó lại liếm vào chân chàng. Cuối cùng thì chàng cũng chịu đi theo nó.
Mày khôn quá. Mày định đưa tao đi tìm chủ của mày mày chứ gì? – Chàng nhìn con chó lê từng bước khập khiễng nặng nhọc. – Mày là một con chó có nghĩa khí. - Chàng bọc đĩa cơm vào túi ninon cho con chó.
********
Con chó dẫn chàng đến căn nhà dột nát bên cái đầm lục bình chen nhau ngoi lên mặt nước tìm đường sống. Cách thị trấn Văn Giang chẳng bao xa mà cảnh vật nơi đây thật buồn thảm. Vài căn nhà rêu mốc, mái ngói bạc màu, đất xám xịt được bao quanh bởi những dậu mồng tơi xanh xao hay những bụi Mây gầy nhẳng. Cỏ cũng buồn thiu chẳng buồn động đậy, tưởng như nắng cũng bỏ rơi nơi này. “Thật không thể tin nổi, quê mình lại có một nơi u buồn đến thế. Tưởng như mình đang quay lại thời kỳ chiến tranh vậy”. Chàng lẩm bẩn. Con chó chạy sộc vào căn nhà lụp xụp, tuyềnh toàng chẳng có lấy một món đồ đáng giá nửa triệu.
- Mây! Mày chạy đi đâu thế? Mày làm tao lo quá.
Con chó sà vào lòng cô gái trẻ có gương mặt u buồn như mùa đông giá lạnh. Cô mặc chiếc áo kẻ đã lỗi mốt với chiếc quần phăng hơi bạc màu. – Mày làm sao thế này. Ai đánh mày vậy? – Cô gái hốt hoảng khi thấy con chó đi khập khiễng với những vết máu trên lưng. – Tao đã bảo mày rồi. Mày không được ăn trộm đồ ăn của người ta nữa. Ăn trộm là xấu lắm mày biết chưa? Mày cứ ăn cắp của người ta, có ngày người ta đánh chết mày thôi.
Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống đôi gò má cao, cô gái ôm con chó vào lòng. Con chó liếm vào bàn tay gầy guộc của cô gái, đôi tai nó ve vẩy như muốn nói: “Mây cũng biết ăn trộm là xấu nhưng cô chủ nghèo quá không có tiền mua thịt. Cô chủ phải ăn uống đầy đủ mới sức để làm việc”. – Ôi, tội nghiệp mày chưa kìa. Mày bị người ta đánh chắc là đau lắm.
Một giọt nước rơi xuống mặt con chó, nó liếm mép. Con chó nhìn cô gái buồn rười rượi như muốn nói: “cô chủ lại khóc rồi, cô chủ khóc Mây cũng buồn”. Cô gái lau vội những giọt lệ tràn ra từ hai khóe mắt. Cô đứng dậy lấy chiếc roi Mây trong góc nhà. Cô gái nghiêm nét mặt nói với con chó:
- Tao phải đánh vào chân mày cho chừa cái thói ăn cắp của người ta.
Con chó ngoan ngoãn nằm xuống chân cô gái. Nó chìa hai chân ra phía trước ý như bảo “cô chủ đánh Mây đi” để chuộc lỗi. Một tay cô gái bụm tiếng nấc, còn tay kia cô quật cái roi Mây vào chân nó. Con chó cúi mặt đầy vẻ hỗi lỗi.
- Đừng đánh nữa.
Đứng bên ngoài dậu mùng tơi, chàng thấy cô gái chưa từ bỏ ý định đành vào chân con chó đầy thương tích. Chàng chạy bổ can: – Con Mây không ăn cắp, mấy gã say đánh nó. Họ thèm thịt chó ấy mà. Họ tưởng con Mây là chó hoang.
- Tao thật hồ đồ. Tao xin lỗi mày nghe Mây.
Cô gái dịu dàng vuốt ve lên đầu con chó. Nó tỏ ra là gã trai mạnh mẽ xem nhẹ đau đớn bằng cái đuôi nguẫy tít và đôi tai ve vẩy.
- Cô cho phép tôi cho con Mây ăn chỗ cơm này chứ? – Chàng hỏi cô gái vì chàng biết cô đầy lòng tự trọng.
Lấy tay quệt nước mắt cô gái khẽ gật đầu. Cô gái đưa chiếc bát tô mẻ cho chàng. Chàng đổ túi cơn vào bát rồi đặt trước mặt con Mây. Con chó nhìn chàng đầy vẻ hàm ơn nhưng nó không quên quay ra nhìn cô chủ như muốn hỏi: “Mây có được ăn không?”. Cô gái bảo nó. – Mày ăn đi. - Bấy giờ con Mây mới vục mặt vào bát cơm. Miệng nó tợp lấy tợp để nhưng cái đuôi vẫn không quên ve vẩy.
*******
Mãi sau này chàng thân thiết với cô chủ của con Mây tội nghiệp rồi, chàng mới biết cuộc đời buồn thảm của cô gái mang gương mặt u sầu. Số phận dành sẵn cho cô gái mảnh mai con đường gai góc và tăm tối như bầu trời ngày giông bão.
Năm mười sáu tuổi bố cô phá sản. Người đàn ông nức tiếng lắm tiền khắp vùng Lạng Sơn bị mấy gã bạn hàng cuỗm hết vốn liếng. Trong lúc ăn Đức ăn quả lừa của mấy gã vô lương tâm, suy sụp cả tinh thần lẫn trí lực. Người vợ bấy lâu nay quen với lối sống thanh nhàn, sung túc không thích nghi nổi gia cảnh bần hàn của kẻ vỡ nợ. Bà Phược bỏ mặc chồng con trong cơn nguy khốn, bị ngân hàng tịch thu tài sản, bọn chủ nợ chửi rủa, đánh đập, chạy theo người tình giầu có. Tháo sợi dây chuyền hơn hai chỉ trên cổ con gái bán lấy tiền, ông Đức đem con gái đến sinh sống tại mảnh đất này để trốn nợ. Ban đầu bố con cô dựng một túp lều sống tạm bợ cho qua ngày. Thương bố vất vả cô đòi lên Hà Nội kiếm việc làm. Ông Bố liền ôm con vào lòng không cầm được nước mắt: “ Bố bất tài quá. Bố không thể làm cho đời con gái được sung sướng, nhất định bố không để con phải chịu tủi cực suốt đời. Bố hứa đấy. Bố phải vẽ cho con gái một con đường sống tươi đẹp. Con đường sống của con không còn nỗi khổ đau tủi nhục của bố”. Ông Đức lên Hà Nội làm, mỗi tháng ông về thăm nhà một lần. Lần nào về ông cũng đưa tiền cho con gái ăn uống, thuốc thang. (Cô bị bệnh viêm dạ dày mãn tính). Ông bảo con gái ráng ăn uống cho khỏe. Dành dụm mãi ông Đức mới xây được một gian nhà nhỏ. Cô không biết trên thành phố phồn hoa ông bố kiếm tiền bằng cách nào. Cho đến một ngày do hiểu lầm chuyện tiền long người hàng xóm nói thẳng vào mặt cô: “ Tưởng bố mày lên thành phố kiếm được việc gì ngon lành, ai dè bố mày là thằng nhặt rác”. Cô ôm mặt khóc mấy đêm ròng. Lúc ông Đức đưa cho cô mớ tiền nhàu nát từ bàn hôi mùi rác, cô đỏ mặt hờn bố: “ Ông già nhặt rác sao vẽ được đường sống cho con gái. Bố đừng nhặt từng xu lẻ từ đống rác nữa, con thấy xấu hổ lắm, nhục lắm. Nếu không kiếm được việc gì tử tế, bố để con đi làm cho.…” Ông Đức run rẩy, chân ông chực quỵ ngã. Tay túm chặt nơi ngực áo, ông bố đổ vật xuống giường. Những giọt lệ mặn chát rơi xuống vai áo rồi biến mất. Giọng ông Đức thì thào như người đang hấp hối: “ Bố xin lỗi.” Sau lần ấy ông Đức không còn đi nhặt rác nữa. Nhờ một người thành phố tốt bụng ông trở thành công nhân của nhà máy bia. Người ta giao cho ông công việc độc hại và nặng nhọc nhất vì ít người chịu làm công việc đó. Năm cô hai mươi tuổi, bố cô mắc chứng ung thư phổi. (Bệnh nghề nghiệp mà). Cô phải nghỉ hẳn việc ở nhà máy may. Cô giấu bố đi bán hàng tại một quán bia, ở đó người trả lương cho cô cao hơn. Những ông khách say khướt sẽ cho cô tiền bo, với điều kiện cô không bật lại thái độ cợt nhả của họ.
Những cơn đau hành hạ ông già còn nhom vì bệnh tật nhiều hơn là tuổi tác ngày một dầy đặc. Tấm thân khô gầy như ngọn đèn trước gió chỉ chực tắt lịm. Vào ngày sinh nhật lần thứ 25 của cô. Ông bố mua tặng con gái một con chó. Tiền mua chó là những đồng xu cuối cùng ông dành dụm được. Đêm hôm đó trăng sáng và trong đến lạ kỳ. Trăng chiếu vào tận chân giường khiến căn nhà nhỏ bé đơn sơ lấp lánh huyền diệu. Cô định pha sữa cho bố thì ông thều thào gọi cô lại bên gường. Đôi bàn tay gân guốc xương xẩu của ông nắm chặt tay cô: “ Bố xin lỗi con vì bố không làm tròn trách nhiệm của một người bố. Vì bố chẳng ra gì nên đời con phải khổ. Mẹ con đã có nơi có chốn rồi, đã có cuộc sống sung sướng rồi bố không phải bận tâm nữa”. “ Mấy ngày trước con gặp lại chú Hải. Chú ý bảo mẹ đã vào thành phố Hồ Chí Mình sinh sống rồi. Nghe nói mẹ có một thằng con trai với ông ta và hai người sống rất hạnh phúc”. Cô nói. Ông bố không kìm nước mắt sau cùng. Cô đưa tay vuốt những sợi tóc bết mồ hồi vã ra trong mỗi cơm đau: “ Con xin lỗi. Con cứ tưởng bố đã quên mẹ rôi”. Ông bố vội thanh minh: “ Bố không buồn đâu. Bố mừng cho mẹ con. Con cũng đừng trách mẹ nữa. Nếu bà ấy tiếp tục sống với bố thì khổ cho bà ấy quá”. Ông Đức đưa bàn tay run run lên vưốt những sợi tóc lòa xòa trước trán con gái: “ Từng này tuổi bố ra đi cũng được rồi. Bố chỉ tiếc là trước khi nhắm mắt bố vẫn chưa nhìn thấy con đường hạnh phúc của con. Nếu không vì bố quá nghèo, đáng ra ở tuổi này còn đã có bạn trai rồi”. Cô nén tiếng trống ngực đang đập rộn rã: “ Con vẫn chưa nghĩ đến chuyện đó. Lấy chồng có gì vui chứ. Con sẽ ở nhà nuôi bố”. Ông bố ra hiệu cho con gái bế chú cún nhỏ lại. Ôm con cún vào lòng ông thì thầm: “ Mây à. Tao chỉ biết trông cậy vào mày thôi. Tao chết rồi mày phải chăm sóc cho cô chủ thay tao nhé. Mày phải thay tao tìm cho cô chủ một người đàn ông tốt. Mày phải thay tao tìm cho cô chủ một con đường sống….” Cô quay mặt đi giấu những giọt nước mắt nóng hổi trên sống mũi. Ông bố nhìn con gái trìu mến qua đôi mắt hốc hác, hai con ngươi lồi hẳn ra. “ Đã tồn tại trên thế gian này thì con phải tự tìm cho mình một con đường sống. Cuộc đời rất tàn nhẫn, con yếu đuối thì nó sẽ kéo con xuống vực thẳm nhưng nếu con mạnh mẽ thì nó sẽ đầu hàng. Vì thế dù ở bất cứ hoàn cảnh nào con không được phép đầu hàng, không được bỏ cuộc. Sẽ có lúc con thấy mệt mỏi và chán chường những lúc đó chú chó nhỏ này sẽ thay bố làm bạn với con. Đừng để cuộc đời ấn định cho con đường sống cho con. Hãy tự vẽ cho mình con đường sống con ạ”
Ngay đêm đó ông Đức ra đi. Chẳng có ai chứng kiến những giây phút hấp hối cuối cùng của lão già nghèo kiết xác. Ông ra đi nhẹ nhàng và thanh thản như người ta trả phòng trọ để trở về căn nhà vĩnh cửu dưới lòng đất sâu.
Ít lâu sau ngày ông Đức mất, vào một ngày đầu mùa hạ, cô ngồi rót bia cho khách trong căn phòng chật chội mùi thức ăn, mùi khói thuốc và mùi hơi người. Gã đàn ông mặt rỗ cao lớn say mềm, trong cơm hưng phấn do bị rượu kích thích tay gã sờ soạng lên người cô. Không chịu được nỗi tủi nhục cô vùng dậy bỏ về. Ngày hôm sau ông chủ tống cô ra ngoài đường, ông ta quỵt luôn số tiền lương tháng đó.
Thêm một lần đời tống cô ra ngoài con đường sống.
*********
Trong căn phòng đầy đủ tiện nghi chàng ngồi chết lặng với trái tim sứt sẹo. Ngày mai tòa án sẽ xét xử vụ ly hôn của chàng với Hằng. Chàng đã có một cuộc hôn nhân thất bại với mối tình đầu thơ mộng. Chàng yêu cầu tòa hòa giả, đã ba lần tòa hòa giả nhưng bất thành. Thành ra chàng cũng chán cảnh đồng sàng dị mộng này. Hằng hất mặt nhìn chàng: - Ly hôn xong anh phải bán căn nhà này, được bao nhiêu chia đôi.
- Tùy cô thôi.
- Thế thì tôi sẽ bán.
- Tiền .Tiền .Tiền...Lúc nào cô cũng chỉ nghĩ đến tiền thôi. - Chàng gằn giọng.
- Không có tiền anh có sống được không. Tôi không nghĩ đến tiền thì tôi nghĩ đến mớ triết lý đạo đức giả của anh chắc. Anh lúc nào chẳng sống vì tình yêu, tình cảm là trên hết tiền là cái cóc khô gì. Tôi thì không sống thế được. Tôi cần một cuộc sống chất lượng cao.
- Cô thay đổi nhiều quá. Ngày trước chính cô bảo ở đâu có tình yêu thì ở đó là thiên đường cơ mà.
- Ngày trước tôi ngu dại nên mới nghĩ thế. Bây giờ tôi mới phải trả giá cho sự ngu dại của mình. Đời dạy tôi phải bỏ anh chàng kĩ sư nông nghiệp nghèo.
- Sếp của cô là thằng khốn nạn. Anh ta biết nhân viên là gái đã có chồng mà vẫn quyến rũ cô ta.
- Anh đừng ngồi đó mà ca cẩm oán hận chồng sắp cưới của tôi. Kỳ thực anh có trách thì hãy trách đời ý. Đời không muốn dành cho những kẻ kém cỏi, hèm mọn một con đường sống.
Hằng mở tủ, cô tống quần áo vào chiếc va ly rồi kéo khóa lại: - Cũng may, tôi chưa có con với anh. Tôi về nhà ngoại đây. Mai chúng ta gặp nhau ở tòa.
Hằng đóng sầm cửa. Cô bỏ đi. Bỏ lại chàng với nỗi cô đơn và cay đắng của thất bại lớn nhất trong cuộc đời người đàn ông. Thất bại trong chính ngôi nhà mình thất bại trước người vợ trẻ.
********
Bước ra khỏi tòa án lòng chàng trĩu nặng. Chàng lang thang trên những con đường hỗn loạn vì tiếng động cơ xe máy. Với vẻ sầu thảm của người đàn ông bị vứt bỏ không thương tiếc chàng tự hỏi: “ giả dụ mỗi con đường này là một con đường sống, con đường sống của chàng sẽ vào khách sạn hay đến một căn nhà nhỏ…” Chàng miên man suy nghĩ rồi tiếng chó sủa khiến chàng bừng tỉnh. Chàng khẽ reo lên:
- Mây mày làm gì ở đây thế?
Con chó nhảy chồm lên lấy lòng chàng. Nó sủa gâu gâu theo kiểu Pháp rất nhẹ nhàng và lịch sự. Con chó muốn nói với chàng rằng: nó đã đi theo chàng cả đoạn đường dài nhưng chàng không nhận ra nên nó phải đánh tiếng.
- Cô ta bỏ tao rồi. Từ nay tao lại là anh chàng độc thân khốn khổ.
Chàng cúi người đưa tay vuốt lên bộ lông mền như tơ của nó, con chó sủa lên những tiếng rộn rã giòn tan như an ủi chàng: “ cậu làm bạn với cô chủ tôi đi. Cô ấy rất dễ thương và không bao giờ bỏ rơi cậu đâu. Nghèo thế mà cô ấy có bỏ rơi Mây đâu”.
Sự quấn quýt của con chó cho chàng thấy ấm lòng. Nó đưa chàng chàng về nhà nó.
Trong ngôi nhà cô quạnh, cô ngồi nấu cơm những tia lửa nhỏ kêu lánh tách trên những cành củi khô. Đôi má cô gái chợt hồng lên hiền dịu như một nàng tiên. Những làm khỏi mỏng bay vút lên rồi tan ra khiến chàng cay mắt: - Em nấu cơm sớm thế? – Chàng ngồi xuống cạnh cô.
- Dạo này em thất nghiệp suốt. Quần áo may sẵn vừa nhiều lại rẻ. Cô chủ hiệu may không cần thêm thợ phụ nữa. Đời lại chặn con đường sống của em. – Cô than thở. – Em chẳng có gì cả.
- Rồi mọi chuyện sẽ qua thôi. – Chàng an ủi.
- Em chẳng thiết sống nữa. – Cô thở dài.
- Con đường sống của em thật khó khăn. Nếu em có một người đàn ông để san sẻ mọi chuyện chắc sẽ dễ dàng hơn. Em có bạn trai chưa?
- Chưa. Con gái nhà nghèo lại khí kém sắc khó lấy chồng lắm. – Cô lắc đầu.
- Tại em không chịu mở lòng ra đó thôi.
- Bố em hay đùa. Người đàn ông đầu tiên đến thăm con vào chín giờ chín phút sẽ là con đường sống của con. Em đợi mãi vẫn chưa thấy con đường sống của em xuất hiên. – Cô cười chua chát.
- Bố em nói đúng. Rồi em sẽ gặp thôi.
********
Chàng khó ngủ, khuôn mặt cô chập chờn xuất hiện. Bõng chàng muốn gom hết những tia nắng ít ỏi của mùa đông đem về sưởi ấm trong căn nhà nhiều gió của cô. Chàng thấy mến điệu bộ hài hước và lém lỉnh của con Mây. Chàng thấy nhơ nhớ khu nhà tăm tối nơi cô ở. Chàng bỗng nhận ra chàng cũng là một con đướng sống. Hết đêm nay, con đường sống sẽ thuộc về chủ nhân của nó.
No comments:
Post a Comment