Kết bạn với mình nhé!

Thursday, August 30, 2012

Chuyện nhỏ dọc đường


Khi ấy thì luận văn mà thầy hướng dẫn xong lâu rồi, và em đang chờ việc. Khi ấy thầy đã đưa em đi nhiều chỗ, những phố xá phẳng phiu tẻ nhạt, những cánh rừng cao su dày dày tầng lá, những bãi biển nhàu nhĩ rác và người. Rồi thầy bỗng hỏi có muốn đi chơi xa không, em tê dại gật đầu mà không thèm suy nghĩ tẹo nào, lỡ thầy đổi ý gọi con nhỏ khác trong số mấy chục đứa đang mê thầy, thì uổng. Em còn chưa biết thầy muốn lái xe gần bốn trăm cây số đến một thị trấn rừng nào đó nằm rìa biên giới, mà chỉ ngó bản đồ thôi đã thấy cheo leo rồi.
Em còn chưa biết chỗ đó có khách sạn nào tử tế không. Ý nghĩ đó xuất hiện liên tục suốt đường đi làm em thấy mình hơi trơ trẽn. Luôn có chữ “khách sạn” hoặc “giường” xuất hiện khi em nghĩ về thầy, và sau đó thì một cơn nóng sốt chạy qua da thịt làm những sợi lông măng dựng đứng. Bất chấp thầy là thánh của em, thánh không gắn liền với thứ trần tục như giường, nhưng không sao dừng được kiểu liên tưởng kỳ cục đó.

Cũng như em chẳng thể dừng được cảm giác nhột rờn rờn khắp người khi nhìn bộ râu Clark Gable tỉa  khéo của thầy, vẫn như ngửi thấy mùi cà phê sữa thơm tho vương trên đó. Nhớ chúng rục rịch bò lên da cổ khi thầy hỏi sao em mê thầy, hỏi chỉ để nghe em thổn thức, trong khi thầy quá biết là tại sao. Thầy được tôn thờ không chỉ thầy là thầy, là người hướng dẫn làm những luận án về văn hóa dân gian, sức hút của thầy vượt lên những kiến thức mà thầy có. Vẻ điển trai, phong độ như tài tử điện ảnh. Thẳng thớm, phớt lạnh như tượng đài. Quyến rũ lìm lịm như một thứ trái cây chín trĩu lủng lỉu ở trên cây. Tất cả những điều đó, soi vào mắt đàn bà, nhất là đám nghiên cứu sinh, thầy thấy hết. Tụi nhỏ chẳng còn giữ được chút tỉnh táo nào khi đứng trước thầy, và khi bàn tay mềm ấm kia chạm vào người chúng, không đứa nào là không tan ra.
Em tan nhiều rồi, những đầu ngón tay thầy đang gõ nhịp trên đùi em theo giai điệu của một bản nhạc réo rắt trong xe, hứa hẹn những cuộc tan chảy mới. Ôi một thị trấn miền rừng hoang dã, khách sạn ọp ẹp, giường đầy rệp và hăng hăng mùi ẩm mốc, trên vách tường vôi cũ mèm hẳn có treo cái tranh hai con chim đang châu mỏ, và quạt thì rên như một đứa con nít bị nhức răng…
Em thử hình dung quang cảnh ở đó trong lúc thầy lái xe một tay và hân hoan huýt sáo. Tay kia mơn lên hỏm cổ em, thầy nói nắng đẹp chưa kìa, cưng ! Nhưng em xuất thân nhà quê, từ nhỏ đã biết nhìn trời, thấy nắng thiu thỉu kiểu này chắc chắn chút nữa sẽ mưa. Và mây đen đang núp đâu đó ở dãy đồi chạy dọc theo con đường hiu quạnh bất ngờ nhảy xổ ra ở một khúc quanh nào đó.
Những trò trốn tìm luôn xảy ra trên những con đường đèo dốc quanh quanh kiểu này. Vạt hoa biến mất rồi bất ngờ xuất hiện trở lại vàng dằng dặc. Bầy bướm bỗng dưng chìm vào cánh rừng thưa rồi bỗng dưng hiện ra đông như vãi, đến hoang mang cả tay lái. Đang cây lá rậm rịt bỗng một ngọn đồi trọc đập vào mắt. Và đang vắng ngắt thì bỗng có mấy anh cảnh sát giao thông đứng lấp ló dưới vòm cây hoa đỏ.
Phượng sót. Hoa như cái biển cảnh báo đỏ chót khiến xe đang bon bon ngon trớn phải sần sật dừng lại. Ôi vậy à, thầy vỗ trán kêu lên với anh cảnh sát mặt đen mắt trắng, quá tốc độ sao ? Người gì mà đến vỗ trán sững sốt cũng đầy duyên dáng, em ngây ra ngó thầy, sợ chớp mắt thì sẽ bỏ lỡ những cử chỉ đáng yêu kia.
Nên em thấy thầy hơi tái mặt khi những tờ giấy bạc thầy dúi vào tay anh cảnh sát bị thẳng thừng trả lại, biên bản phạt lại thò thêm một dòng “có hành vi hối lộ người thi hành công vụ”. Cái tư thế đĩnh đạc của thầy như một thân cây chuối bị chém bằng cây dao lụt, không đứt nhưng oằn. Xe chắc chắn bị giữ, và tròn tháng sau thầy phải ngồi xe đò đi mấy trăm cây số quay trở lại đây để nộp phạt. Nghĩ thôi đã nhiêu khê. Chưa kể chuyến du hí miền biên ải sẽ bị hoãn lại. Tiền không thông, thầy chìa ra bao nhiêu nài nỉ, tay thầy như chắp lại một cách vô thức, lưng thầy bắt đầu cong và đầu gối thì chùng. Mấy anh cảnh sát rừng vẫn im như tượng. Người miền rừng ngộ thiệt, không xúc động khi nhìn thấy tiền. Thầy bắt đầu tìm kiếm hy vọng từ những cú điện thoại, mong thoát khỏi chỗ đó từ những mối quan hệ như anh nuôi của thím, dượng rễ của chị dâu, sui gia của dì vợ…, những người mà thầy từng bâng quơ nghe nói có một chút chức sắc ở vùng này. Hình như cuộc gọi nào cũng nhận được câu chưng hửng, “Ủa, rồi anh làm gì mị trên đó, đi với ai ?”. Dĩ nhiên là thầy không đi với em đâu, mà “với mấy đồng nghiệp cùng khoa”.
Những tín hiệu cầu cứu nháo nhác gởi lên trời. Em đã bị thầy đưa mắt đẩy đi từ lúc mới xuống xe, giờ dạt vô gốc cây, đi lại tha thẩn, áy náy khi thấy râu thầy chảy xuống, giật mình khi thầy tung một cú đá sốt ruột vào chắn trước. Và khi mấy anh cảnh sát dửng dưng bỏ mọi người ở đấy để đi vào thị trấn ăn cơm trưa, thầy ngồi phịch xuống cỏ như một thằng cha đánh xe bò bị mất bò, như phù thủy mất chổi, như chim rụng cánh.
Cũng đành. Em tìm kiếm một điều gì đó ở thầy vừa bị rơi mất. Thầy thì ngóng đợi mà chẳng biết chờ cái gì ở những miền mây đen bắt đầu giăng giăng.
Cơn mưa lúc xế trưa mang lại một phép màu. Một cuộc gọi chẳng biết xuất phát từ nơi nào, anh cảnh sát vừa vâng dạ vừa đưa mắt nhìn thầy, sau đó chìa ra giấy tờ xe, vỗ vai bảo đi. Thầy líu ríu níu chặt lấy nắm giấy, khóm róm nói biết ơn lắm lắm.
Xe chui vô mưa. Bản “Sonata ánh trăng” lại vẳng lên nối lại chỗ bị đứt rời lúc sáng. Bốn giờ đồng hồ trước nó dìu dặt vậy, giờ lại giống con chim bay lạc, đập cánh loạng choạng vào những tấm kính xe. Thầy nín thít. Em cũng không biết nói gì, cố nắm bắt một mối nào để nối lại cái gì đó đã đứt. Mưa dội xuống, vỡ ra ròng ròng trên kính. Thầy vặn nhạc nhỏ lại, rồi nhỏ nữa, rồi hậm hực tắt luôn. Cảm giác con chim lạc bị một bàn tay bóp chết lịm, không kịp kêu. Im lặng bắt đầu dâng lên tận nóc xe, em thấy ngộp.
- Xuống đi.
Thầy bảo. Sau cú dừng xe đột ngột. Sau cái ý nghĩ về chuyện đón xe đò bỗng lướt qua đầu em. Sau quãng im lặng đông cứng. Em lếch thếch xuống, dù thầy không nói gì thêm, nhưng không hiểu sao em biết mình đã bị bỏ lại rồi, cho dù thầy có quay xe lại thì cũng để đưa cho em cái ba lô quên trên ấy.
Thầy đã chẳng nhìn em lần nào, từ lúc bị kẹt lại dưới những chùm phượng sót.    

Nguyễn Ngọc Tư

No comments:

Post a Comment