Một em bé sắp sinh ra đã biết mình chuẩn bị đón chào những áp lực. Nhưng em vẫn phải sinh ra theo quy luật tự nhiên của cuộc sống.
- Chào cháu! Cháu có thể nói cảm xúc khi sắp sửa chui ra khỏi bụng mẹ và ra nhập thế giới loài người cho tất cả những ai đang chuẩn bị đón chào cháu không?
Cháu hồi hộp và rất phấn khích! Thêm một chút áp lực nữa cô ạ!
- Ái chà! Cháu còn chưa ra đời mà đã biết áp lực rồi cơ đấy …
Thì bố mẹ cháu đưa ra khái niệm đó từ lúc cháu bắt đầu biết nghe mẹ nói nên cháu biết. Trẻ con chúng cháu bây giờ cái gì chẳng biết, có điều có thích nói hay không thôi.
- Cháu cứ vui vẻ lên nào! Thực ra chẳng có áp lực nào cho một đứa trẻ sơ sinh đâu. Nhưng cô rất tò mò muốn biết bố mẹ cháu đặt áp lực gì cho cháu?
Ôi! Cô không nghe mẹ cháu nói nên không biết. Ngày nào cũng như ngày nào, mỗi lúc mẹ cháu ăn là mẹ cháu lại “đánh thức” cháu dậy mà nói: mẹ ăn cho con khỏe. Nhất định sau này con phải khỏe mạnh và thông minh nhé! Lời nói nghe rất nhẹ nhàng nhưng cháu sợ. Nhỡ cái cháu không được như mong muốn của bố mẹ cháu thì họ sẽ ghét cháu mất! Cháu cũng chỉ cần những thứ đủ chất thôi chứ cần gì những thứ tẩm bổ cao siêu đâu. Mẹ ăn uống để con phát triển là chuyện tất nhiên, nói ra như thế cứ như đang kể công ấy …
Còn chuyện lúc đi làm nữa. Cháu thích ngủ vậy mà mẹ cứ vừa làm việc, vừa nghe nhạc rồi vỗ nhè nhẹ vào bụng bảo cháu … phải nghe nhạc cùng. Cháu chỉ muốn nói với mẹ: nằm trong bụng mẹ khó chịu lắm. Mẹ đã ngồi làm việc căng thẳng rồi lại còn bắt con nghe nhạc. Con chưa thể thành siêu nhân như mẹ mong muốn được. Lúc mẹ cháu nghỉ ngơi nghe nhạc mới hay chứ lúc làm còn tâm trạng đâu nữa.
Mà cháu cược với cô rằng bà mẹ nào cũng tạo áp lực cho con ngay từ lúc chưa ra đời như thế. Bọn cháu chưa sinh ra đã bị ép để trở thành người khỏe mạnh, tài giỏi, xinh đẹp, … Thật đáng sợ!
- Sao cháu không phản ứng lại để mẹ cháu biết là cháu không đồng ý?
Cháu có phản ứng chứ! Mỗi lần khó chịu là cháu xoay người, đạp nhẹ nhẹ liên tục vào bụng mẹ. Nhưng mẹ cháu thì lại cứ nghĩ là cháu thích nên càng … tích cực hơn. Mà cô ơi! Người lớn sao lạ thế! Cứ thích làm theo ý mình và không bao giờ lắng nghe trẻ con. Có nghe cũng toàn “dịch” sai ý. Đến buồn (thở dài)!
- Thôi nào! Trẻ con thở dài là không tốt đâu!
Không! Cháu đang nhìn thấy một tương lai đầy cực hình của cháu.
- Sao cháu lại nói thế. Cháu sẽ được bố mẹ cháu yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ, cho đi học và chơi với rất nhiều bạn bè. Cháu sẽ được …
Ôi cô ơi! Cô lại nói dối ngọt ngào theo kiểu người lớn rồi. Mẹ cháu xem tivi, đọc báo rồi “buôn chuyện” cháu đều biết hết nhé! Bây giờ người ta định hướng trẻ con ghê lắm, không để cho phát triển bình thường đâu.
Cháu ví dụ: cứ 4 tuổi trở đi là bắt học đủ thứ, trong khi trẻ con thích chơi hơn. Nào thì học đàn, học họa, học chữ, học ngoại ngữ, học hát, học nhảy, học múa, … Học từ khi trứng nước để bố mẹ vui lòng.
Cháu nghe tivi, đài, báo nói là những đứa trẻ sẽ phải cõng những chiếc cặp to hơn người đi học cả sáng, cả chiều, cả tối. Mà các ông Moza, Eintein, Newton, Edison, … cháu nghe bảo là lúc bé không bị ép học đâu. Các ông ấy được chơi tự do để tìm hiểu thế giới xung quanh. Chưa gì đã bắt con cái học quy tắc và ép khuôn. Phải để chúng cháu tự tìm hiểu thế giới xung quanh mới có những thắc mắc, có những tìm tòi chứ …
- Cháu bi quan quá đấy! xã hội luôn phát triển và trẻ con thế hệ sau bao giờ cũng thông minh hơn thế hệ trước. Cháu có công nhận với cô điều đó không?
Đấy! Cháu mà sinh ra thể nào cũng có cái kiểu nghĩ giống cô thôi. Rằng cứ tin vào sự phát triển chung. Nhưng mà, trong thời gian suy ngẫm trong bụng mẹ, cháu rút ra được sự so sánh thế này:
Trẻ con bây giờ thông minh theo kiểu ăn sẵn. Bọn cháu sinh ra là đã có điện thoại, tivi, mạng internet, máy lạnh, … Chúng cháu chỉ việc sử dụng. Chúng cháu bị nhốt ở trong nhà và cách ly trong một môi trường bé xíu. Chúng cháu sẽ được nhường tất cả những thứ tốt nhất nên chúng cháu sẽ coi việc mình phải có những thứ tốt nhất là đương nhiên. Chúng cháu trở thành những đứa trẻ ích kỷ nhờ người lớn.
Và cô thấy đấy! Có những đứa trẻ không biết con gà đẻ trứng như thế nào. Mạng internet không thể làm ra con gà đẻ trứng, chỉ mô tả lại. Bọn cháu quen với cách mô tả nên luôn thiếu thực tế. Cháu sẽ không hiểu những đêm trăng sáng như thế nào. Cháu sẽ không hiểu những buổi trưa hè chạy nắng là như thế nào. Bước ra khỏi cái vỏ bọc tốt của gia đình, cháu trở thành người thừa lý thuyết và thiếu thực tế.
Cháu cần hiểu ánh nắng, cháu cần hiểu bóng đêm, cháu thích nghịch bẩn, cháu không thích ăn đồ ăn sẵn. Cháu cũng không thích ông bà, bố mẹ đáp ứng tất cả những yêu cầu 1 đứa trẻ đưa ra vì ở những người khác chắc chắn sẽ không làm vậy với cháu. Cháu không thích cái cặp to đùng với thời khóa biểu học dày đặc. Cháu cần được đi chơi.
- Cháu chưa ra đời mà đã suy nghĩ chín chắn quá!
Hậu quả của những suy nghĩ của người lớn tác động vào cháu đấy. Cháu được học khái niệm từ lúc trong bụng mẹ cơ mà (thở dài tiếp).
Mà cháu còn lo sẽ bị bỏ rơi nữa.
- Sao cháu lại có suy nghĩ thế?
Bố mẹ cháu sẽ đi cả ngày để kiếm tiền. Họ sẽ bảo là vì nuôi cháu. Các bạn khác có sữa uống, cháu cũng phải có. Và cháu sẽ bị vứt vào các nhà trẻ, những lớp học. Cháu sẽ ngồi nhớ bố mẹ cả ngày. Họ bận rộn, họ sẽ ít chơi cùng cháu. Lúc cháu chưa sinh ra, ít nhất cháu vẫn được ở với mẹ cả ngày. Lúc cháu sinh ra rồi sẽ không được như thế đâu cô!
- Cô cũng không biết phải nói với cháu như thế nào! Rồi cháu sẽ lớn và cháu sẽ hiểu vòng quay của xã hội. Nhưng cháu phải phấn chấn lên chứ!
Vâng! Dù sao cháu cũng sẵn sàng ra đời rồi. Và mọi người có đón chào cháu bằng cách nào cháu cũng tin là họ cũng thật lòng mong cháu ra đời và yêu quý cháu. Chỉ có điều, còn quá nhiều thứ chưa hợp lý cô ạ!
- Ừ! Cố gắng lên! Phải có lòng tin vào mọi thứ tốt đẹp cháu ạ!
No comments:
Post a Comment